THANH XUÂN - Trăm cái khổ trên một gánh bánh bèo | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      THANH XUÂN - Trăm cái khổ trên một gánh bánh bèo

      THANH XUÂN - Trăm cái khổ trên một gánh bánh bèo

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      Lớn lên, nó đi thành phố, hai mấy tuổi rồi nó về, nó hỏi: “Không biết có phải bà già này ngày xưa bả bán bánh bèo mình ăn không”?

      “Có mấy đứa, hồi bé học gần đây, nó ăn bánh. Lớn lên, nó đi thành phố, hai mấy tuổi rồi nó về, nó hỏi: “Không biết có phải bà già này ngày xưa bả bán bánh bèo mình ăn không”? Đứa khác bảo: “Chắc bả chớ ai”! “Sao bả còn sống dai? Tưởng bả chết rồi chớ”? Bà Tư vừa kể vừa cười. Ở cái tuổi 82, cái tuổi đáng ra nên được an dưỡng, thì Bà Tư mỗi ngày đều lụi cụi với gánh bánh bèo.

      Tôi tìm đến nhà bà, sâu trong một con đường đất quanh co. Căn nhà khiêm tốn và trống trải, chỉ có một cái giường, một cái bàn gỗ cũ. Ông Tư đang ngồi trước cửa, nhìn mông lung. Ông nói bà đã đi chợ. Tôi vào nhà, đợi một lát thì thấy bà lão còm nhom dắt cái xe đạp tàn về, vừa đi vừa thở.

      Chúng tôi quen gọi bà là Bà Tư. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Nhạn. Dân ấp này, không ai không biết bà, không ai chưa từng ăn bánh do bà làm. Bán lâu thành quen, hôm nào bà vắng người ta lại hỏi “Không biết bà già này chết hay đi đâu rồi”? Mỗi lần đi ngang cổng nhà thờ, không thấy bà lại thấy thiếu thiếu.

      Sóng gió dập thân bèo

      Chân dung Bà Tư, tên thật là Nguyễn Thị Nhạn, sinh năm 1934

      Bà là người miền Trung, nhưng ngày xưa làm ăn thất bại, phải chạy vào Nam. Ban đầu bà về Bảo Lộc, ở nhà thằng con trai. Không may năm đó nhà lại cháy, sống không nổi, bà đành chạy vào Đồng Nai. Năm đó là năm 1991.

      Bà xin ở trong nhà thờ, được ít lâu thì đi bán bánh bèo. Thời đó, thấy bà còn khỏe mạnh, còn mướn làm thuê được, họ không cho ở lâu. Bà nhờ xui gia làm chứng cho hoàn cảnh mình khó khăn, bà xui nói: “Tui biết ông bà là ai mà làm chứng”? Thế là bà đành dọn đi, ở nhờ người nọ người kia, mãi mới mướn được nhà.

      Căn nhà bây giờ bà ở là của người khác cho cách đây 4 năm. Bà kể: “Giữa trưa nắng có người chạy lại báo tin cho mình. Mình mừng quá, khóc ngất. Cô chủ đất vào tới nhà hỏi chuyện. Cổ nói: “Con có miếng đất, con cho ông bà. Ông bà kiếm tiền mà xây cất nhà”. Mình kêu: “Cô chú ơi, cho tui đất là tui mừng hết hơi hết sức rồi, chứ còn nói chuyện xây nhà, tiền đâu mà xây”? Mình đi xin thêm, mà con đứa nào cũng nghèo, lấy đâu xin? Thằng con lớn ở ngoài Trung, nó đi chạy xe thuê, nó dành 10 triệu gửi vô. Người này cho lớp tôn lạnh, tôn lợp, người kia cho xà cừ, gạch, xi măng các thứ. Mỗi người từng ít mới làm được cái nhà”. Đấy là cái nhà bà ở đến bây giờ.

      Khổ đến đây chưa hết. Bà kể, hồi nhà mới xây, bốn phía trống lốc trống lơ, chỉ có một mình bà. Đêm nằm ngủ, ăn trộm vô bắt con chó, bà cũng chịu thua không làm gì được. Lần khác, lúc bà không có nhà, ăn trộm lại phá cửa sắt, có gì nó lấy hết, đồ sắt, cửa sắt. “Không cách nào sống nổi!” Bà Tư vừa nói vừa ứa nước mắt.

      Khổ chuyện đời chưa đủ, chuyện gia đình bà cũng khổ nốt.

      “Mình ở với thằng con trai thì còn đứa con dâu. Ăn thì nó chửi, mắc nghẹn, tủi thân, không ở nổi” bà nói. Bây giờ bà đang ở với đứa con út. Hai vợ chồng không đoái hoài gì tới ông bà, chỉ vứt con ở nhà cho bà chăm. Chuyện nhà chuyện cửa, cái gì cũng đến tay bà, con cái chẳng bao giờ cho được đến 50 xu. Cơm nước nấu ra phần ai nấy ăn, đồ ăn đồ uống thì phần ai nấy mua. “Nó có nó giữ phần nó, làm cha mẹ nuốt đắng trong lòng”.

      Khi hỏi về chồng, bà chỉ thở dài: “Ông này là ông sau, lấy ổng từ năm 76, còn ông cũ chết năm 74. Sống với ổng như sống trong địa ngục. Nhiều cái buồn không thể tả. Xưa ổng đi lính, làm công binh. Từ hồi lấy về ổng chẳng làm gì nữa. Trăm cái khổ dồn lên đầu mình. Mình như cái vật gì cho ổng lợi dụng thôi. Khi còn trẻ, lợi dụng xác thịt con người. Khi già rồi, lợi dụng miếng ăn miếng uống. Ổng chửi “Mày là con đàn bà khốn nạn”! Người ta ở già rồi, người ta còn quý mến nhau. Ổng thì...chẳng có tí tình cảm nào”.

      Không bán lấy gì mà sống?

      Bà Tư sửa soạn hàng bánh bèo, chuẩn bị bán

      “Nếu nói về tiền, ngày bán được cỡ trăm, có ngày 35 ngàn, làm mãi cũng không có ăn” bà nói. Bà đã lớn tuổi, bệnh xương bệnh khớp đủ cả, uống bao nhiêu tiền thuốc cũng chẳng khá hơn. Có hôm đau quá, bà cứ nghĩ mình không qua nổi, nhưng rồi vẫn gượng.

      Bà đi khám, bác sĩ nói đầu gối chân có dịch, phải đi hút. “Họ biểu hằng tuần phải đi bác sĩ để mà người ta hút dịch. Mình không có tiền nên chỉ dám ngồi ở nhà. Hồi đó nó sưng to quá, mình đi không được, toàn là lết không à. Mấy người hàng xóm bảo ráng chở bà lên nhà thương đi, tụi con mượn tiền. Có cô bán hàng ngoài chợ, cổ biểu “Thôi con cho bà mượn 2 triệu, có thì bà trả cho con, còn không có thì cứ để đó”. Một lần đi vừa hút dịch, vừa mua thuốc hết 400 ngàn, 100 ngàn tiền xe ôm. Là mỗi lần 500 ngàn. Mình mượn 2triệu, đi đc 4 lần. Sau này cũng trả tiền lời dần dần, chứ tiền vốn thì trả không nổi. Ráng đạp xe đi bán bánh, cái chân bên kia đạp xe, thì chân này lên xe. Mà phải ráng lên sao cho nó khỏi bị té. Nó mà té xuống là gãy, té một cái là thôi xong ngay.”

      Mỗi lần đi khám bà đều phải vay mượn. Mượn đầu năm thì cuối năm phải trả, không có phải mượn lại, đó là chuyện bình thường với bà. Người ta thấy bà đã già, cũng không muốn cho bà mượn, biết chết hồi nào, con nó có trả không? Nhưng cũng có người thương, người ta cho luôn, không đòi, vì biết bà cũng không có.

      Tôi ra chỗ bà bán hàng lúc 3 giờ chiều, vẫn chưa thấy bà đâu. Đợi mãi mới thấy chiếc xe đạp lọc cọc chạy lại. Dáng bà Tư đã nhỏ lại gầy, nhìn bà lọt thỏm giữa dòng xe cộ. Bà đạp xe chỉ được một chân, còn một chân chỉ nhắp nhắp chống chống, cử động không được. Bà nói, không chạy được thì lết đi, có cái xe là để có chỗ vịn, chứ đi bộ cũng đi không nổi. Dạo trước còn bán được buổi sáng, từ ngày đổ bệnh, bà chỉ bán mỗi buổi chiều. Tiền chẳng được bao nhiêu.

      Cách đây mươi năm, đồ ăn vặt ít, con nít người lớn gì cũng đến ăn bánh bèo. Bây giờ nào là bánh tráng trộn, cá viên chiên, xoài lắc,... tụi con nít cũng không thèm ăn bánh của bà nữa.

      Hàng bánh bèo của Bà Tư, đợi mãi chẳng có ai mua

      Bà nói không ngồi được ở chợ, vì phải thuê mướn, bà lại không có tiền. Đành ngồi ở xa, mà xa thì không ai mua. Bây giờ chỉ có những người đã ăn quen, thấy thương bà thì lại mua giùm mưa giúp, chứ bà cũng chẳng biết làm sao.

      25 năm, nắng cũng vậy, mưa cũng vậy, có một mình bà. “Mình mệt thì mới nghỉ, mà nghỉ rồi mai lấy gì ăn? Nên cứ phải bán. Không bán lấy gì sống”? Bà kể: “Mưa gió buôn bán cực còn hơn con chó nữa. Gió giật cây dù bay qua bên kia đường. Mình ngồi ướt như chuột. Người ta đi đường thấy, người ta ghé vô dựng lên cho. Mình chui dô ngồi, gió bên ngoài cứ đưa, sợ lắm! Chồng con cũng chẳng giúp mình!”

      Tôi ngồi hàng với bà từ chiều, đến khi trời tối mịt, chỉ có đúng một khách hàng. Chị kia đưa bà tờ 200 ngàn, bà cũng không có tiền thối, phải chạy sang bên kia đường đổi tiền. Gian hàng vắng hoe, bà chờ mãi, không ai ghé lại nữa. Có hôm tôi thấy bà ngồi đến tận 9-10 giờ tối, chẳng biết có bán được nhiều không?

      “Phải làm chứ, không àm lấy gì mà sống? Mình còn làm được, đi xin ai mà cho?”

      Vậy là bà lại ngồi tính chuyện bánh còn, để tối về cho gà ăn, chắc ngày mai phải ra chợ mượn tiền đi mua hàng về làm tiếp, phải làm tiếp thì mới có tiền mà trả người ta, mong là ngày mai bán được.

      THANH XUÂN

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016


      Có thể bạn quan tâm

      Sự kiện

      Chính thức khởi động IMPACT 2024 - Chuỗi đào tạo về chủ đề Social Marketing

      11/04/2024

      Vào tháng Tư tới đây, Câu lạc bộ Marketing Trường Đại học Ngoại thương - MaC FTU chính thức khởi ...

      Sự kiện

      “Inside Out - Insight Found” - Workshop chuyện ngành sáng tạo thu hút đông đảo các bạn trẻ

      05/04/2024

      Ngày 31/3 vừa qua, Workshop “Inside Out - Insight Found” với sự góp mặt của Content Creator Phúc ...

      Sự kiện

      CHÍNH THỨC MỞ ĐƠN EXBROAD RUNWAY 2024 - SHARPEN TOOLS, SHARPER MIND

      03/04/2024

      Exbroad Runway, cuộc thi mang đậm dấu ấn thương hiệu CLB Du học trường Đại học Ngoại thương SAC ...

      Sự kiện

      WORKSHOP LÀM TRANH ĐÔNG HỒ - HỌA NÉT ĐÔNG HỒ

      27/03/2024

      Họa Nét Đông Hồ là workshop được tạo ra với mục đích tôn vinh và lan tỏa giá trị của dòng tranh ...