Bánh Trung Thu là một món không thể thiếu mỗi khi đến dịp Tết Trung Thu. Nguyên liệu chính của món bánh này chủ yếu là bột, đường, bơ và mỡ lợn. Nhân bánh thường là các loại nhân đậu, nhân hạt sen cũng chứa rất nhiều mỡ và đường. Chính vì vậy, bánh trung thu có một lượng calo đáng kể.
Trung bình một bánh trung thu 200gr, loại 2 trứng có tới 800-1000 calo, 30-40gr chất béo. Một chiếc bánh nho nhỏ có thể bằng cả bữa cơm của bạn hay hơn cả một tô phở thêm nước béo đấy. Để tránh tình trạng tăng cân đột biến “hậu trung thu”, các tín đồ hảo ngọt hãy cùng Edu2Review xem qua những bí quyết ăn món bánh ưa thích mà không lo tăng cân nhé!
Chia nhỏ bánh và ăn chậm rãi
Việc ăn đồ ngọt quá nhiều và quá nhanh cùng một lúc có thể làm lượng đường trong máu tích tụ nhanh hơn bình thường, dẫn đến năng lượng khó tiêu hao hơn và khiến chúng ta dễ bị tăng cân hơn.
Khi ăn bạn nên chia bánh nhỏ ra khoảng 8 phần và nên chia sẻ cùng bạn bè, người thân để thưởng thức, vừa giảm được lượng calo nạp vào cơ thể, vừa càng thêm gắn kết, khắng khít phải không nào.
Bạn nên chia nhỏ bánh trước khi ăn (Nguồn: lifestyle.cfyc)
Hạn chế ăn sau 19h
Ăn đồ ngọt vào buổi tối, ngay sau đó lại đi ngủ là cách làm thiếu khoa học. Buổi tối, đặc biệt là sau 7 giờ tối là thời điểm cơ thể chúng ta ít vận động, lượng đường và năng lượng trong bánh trung thu, đồ ngọt sẽ bị dư thừa và chuyển hóa thành chất béo, làm dày các mô mỡ. Nếu tiếp tục thói quen xấu này, tăng cân là điều khó tránh khỏi.
Ăn sau 19h không tốt cho sức khỏe tí nào (Nguồn: Vẽ Bậy)
Uống trà xanh, hoặc ăn trái cây khi ăn bánh
Ăn bánh uống trà có trăng có sao còn gì tuyệt vời hơn phải không nào? Trà xanh là thức uống lành mạnh được dùng nhiều thứ hai trên thế giới. Giúp giải độc tố ra khỏi cơ thể, giảm chất béo, giảm khả năng tích nước là những lợi ích từ trà xanh.
Nên dùng bánh trung thu cùng với trà xanh (Nguồn: Kenh14)
Vì thế, khi dùng bánh cùng với trà xanh có thể loại thải một phần những năng lượng dư thừa trong bánh trung thu, giúp mau đầy bụng, chống ăn nhiều, thiếu chừng mực.
Ngoài ra, các loại trái cây như kiwi, bưởi cũng hỗ trợ cân bằng chất dinh dưỡng và giảm cảm giác béo ngậy khi dùng bánh trung thu đấy.
Không ăn khi bụng đói
Khi chúng ta đang đói, khả năng hấp thu nhiệt lượng của dạ dày sẽ tăng lên cực điểm và chúng ta thường có xu hướng ăn nhiều hơn những lúc khác. Khi đó, nếu bạn ăn bánh Trung thu thì rất dễ rơi vào trạng thái ăn "thả ga", ăn không kiểm soát và cân nặng sẽ cứ thế mà tăng vù vù.
Cách để kiểm soát đó là bạn nên ăn bữa chính, ăn lót dạ trước khi dùng bánh trung thu. Điều đó sẽ giúp bạn ăn đủ lượng thức ăn và không tăng cân.
Bạn có tin 1 bánh trung thu = 2,5 cái hamburger? (Nguồn: Guu)
Tích cực vận động
Có rất nhiều calo trong mỗi cái bánh trung thu. Vì thế, để có thể ăn thoải mái mà không tăng cân thì chúng ta phải tích cực vận động. Có vô số cách vận động giúp ta giảm cân như chạy bộ, tập gym, yoga, hay các môn thể thao như bơi lội, bóng rổ, bóng đá....
Tùy vào sở thích, khả năng chúng ta có thể tìm ra cách vận động phù hợp với mình. Chúng ta có thể ước lượng số calo nạp vào cơ thể mỗi ngày. Từ đó, muốn duy trì cân nặng hay giảm cân, ta phải vận động cho tiêu hao năng lượng nhiều hơn năng lượng ta nạp vào.
Bánh trung thu có một lượng calo không thể ngờ đến (Nguồn: afamily)
Nếu dùng phương pháp vận động để tiêu thụ lượng calo sau khi ăn thêm ¼ chiếc bánh nướng, bánh dẻo bạn cần phải vận động thêm so với mọi ngày:
- Lau nhà 1 giờ
- Đi bộ chậm 45 phút,
- Đi bộ nhanh chừng 35 phút
- Đi xe đạp 25 phút
- Bơi 25 phút
Những điều cần lưu ý khi chọn bánh trung thu
- Lựa chọn thương hiệu uy tín
- Lưu ý hạn dùng
- Lưu ý bao bì
- Bảo quản đúng cách
- Bánh phải tươi mới, không ngấy mỡ
Trải qua nhiều thập kỷ, bánh Trung thu đã có những bước "chuyển mình" vượt bậc: đa dạng hơn, hấp dẫn hơn và cũng... béo hơn rất nhiều. Nhưng các bạn trẻ của Edu2Review đừng lo lắng, nay chúng ta đã có hẳn 5 bí quyết để tránh tình trạng tăng cân “hậu trung thu” rồi.
Edu2Review chúc các bạn có một Trung Thu thật ý nghĩa và vui vẻ bên gia đình, bạn bè nhé!
Kim Khánh tổng hợp