Làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam đặc biệt phát triển mạnh mẽ và thực tế nhiều doanh nghiệp startup đã gặt hái thành công ban đầu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cũng nếm thất bại chỉ trong vòng 1 năm hay thậm chí chỉ sau vài tháng. Vì đâu lại có hiện trạng này? Thạc sĩ Mã Thanh Danh với nhiều năm chinh chiến thương trường đã có những chia sẻ bổ ích.
Startup – Cần khuyến khích nhưng phải ý thức được khó khăn, rủi ro
Trong tập đầu tiên của chương trình “Cafe Khởi nghiệp” mùa hai mới đây, xuất thân từ một "ông lớn" trong ngành thực phẩm, ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, chuyên giám sát việc quản lý rủi ro với hơn 17 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu và tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A) đã đưa ra 3 rủi ro phổ biến mà các công ty startup thường vướng phải.
- Đầu tiên là rủi ro về mặt pháp lý: Như hoạt động ICO ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận, nếu cứ cố làm có thể dẫn đến phạm luật.
- Thứ hai là rủi ro về mặt vận hành: Một khi làm sản phẩm, muốn bán được hàng, startup nhất định phải hiểu về sản phẩm. Tiếp theo là quản trị và vận hành, nếu làm không tốt, startup có thể phá sản.
- Thứ ba chính là nguồn vốn: Phần lớn người trẻ khi khởi nghiệp đều tay trắng. Cứ cho là bạn có ý tưởng hay, sáng tạo, nhưng không đảm bảo về vốn thì việc ra đi là điều dễ hiểu. Nếu cần, startup hãy cứ gọi vốn, đóng gói lại mô hình và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.
"Nhìn chung, các startup thường gặp phải những rủi ro liên quan đến pháp lý, vận hành doanh nghiệp và khả năng thực thi các mục tiêu, kế hoạch ban đầu" – ông Danh nhận định. Vì vậy, sau khi đã chuẩn bị tâm thế của một người khởi nghiệp, các nhà sáng lập cần tự biết lượng sức mình, xác định rõ bản thân sẽ làm gì, sẽ kinh doanh trong thị trường nào, kéo dài trong bao lâu để có chiến lược gọi vốn tiếp tục và có kỹ năng bán hàng tốt.
Đồng thời, họ cần tránh suy nghĩ rằng mới ra khởi nghiệp đã muốn "ôm trọn" thị trường, trong khi năng lực của startup lại có giới hạn.
Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Mã Thanh Danh, các doanh nhân khởi nghiệp nên tìm kiếm cơ hội tham gia các hội thảo trong và ngoài nước, học hỏi từ các chuyên gia để có được dự báo về tương lai phát triển của các ngành; đồng thời, tăng khả năng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược – những người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mà startup muốn dấn thân.
Ông Mã Thanh Danh trong một buổi phỏng vấn về khởi nghiệp (Nguồn: vnexpress)
“Khởi nghiệp có thể là chuẩn bị cho sự thất bại”, sở dĩ ông Danh đưa ra nhiều viễn cảnh khó khăn là để nhắc nhở các startup có thể tiếp tục khởi nghiệp trong các lĩnh vực mà trước đây họ tham gia. Như vậy, khả năng chuyển giao những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy bao năm sẽ giúp doanh nhân khởi nghiệp thuận lợi hơn, tránh phải tìm hiểu lại từ đầu một ngành mới mẻ, đồng thời tận dụng được mối quan hệ, nguồn lực sẵn có.
Mặc dù đưa ra nhiều rủi ro nhưng ông Danh vẫn khuyến khích các nhà sáng lập khởi nghiệp. Hiện nay cũng xuất hiện xu hướng một số doanh nhân thành đạt, nhà quản lý, lãnh đạo các tập đoàn lớn sau một thời gian đã tự tìm kiếm con đường khởi nghiệp riêng cho mình, góp thêm cho bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhiều màu sắc. Với những nhà khởi nghiệp có kinh nghiệm làm việc từ các công ty, tập đoàn lớn, chuyên gia quản trị rủi ro cho biết họ cần xác định tâm thế khi startup là bất chấp tất cả để bắt đầu lại từ con số 0 và vươn lên thành công.
Tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm để thành công
Một khi đã quyết định khởi nghiệp là bạn phải chấp nhận sẽ phải tự tay làm rất nhiều thứ. Ví dụ, khi chưa khởi nghiệp, bạn đang “có vai có vế” trong các tập đoàn lớn và bạn sẽ có được rất nhiều thứ hỗ trợ khi thực hiện một chiến dịch hay dự án nào đó: tuyển dụng, marketing, PR, tài chính… Vai trò của bạn khi đó chỉ là thực thi chiến dịch. Thế nhưng, khi bước ra khởi nghiệp, những công việc đó bạn sẽ phải tự thân làm hết tất cả.
Thêm lời khuyên đối với các công ty khởi nghiệp đó là, thời gian đầu không nên ngại ngần nếu vừa phải làm sản phẩm, tìm thị trường vừa phải gia công cho các doanh nghiệp khác. Quá trình này sẽ giúp các startup am hiểu thị trường hơn, có thêm thời gian chuẩn bị để sản phẩm đạt độ chín và tạo ra dòng tiền để tiếp tục quay vòng đầu tư cho dự án.
Chân dung Thạc sĩ Mã Thanh Danh (Nguồn: kdc)
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc KIDO nhận định những rủi ro không tự nhiên xảy tới mà luôn có những dấu hiệu cảnh báo từ trước, các startup cần để ý các tín hiệu bất thường kể cả khi bộ máy đang vận hành tốt và luôn có kế hoạch dự phòng cho mọi trường hợp.
Không bao giờ có con đường dễ dàng, muốn đạt thành công bạn không nên ngại sóng gió. Vấn đề quan trọng là khi các rủi ro ập tới ngoài kinh nghiệm bạn cần phải có bản lĩnh để vượt qua và tiến đến thành công.
Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp
Khi còn trẻ, Thạc sĩ Mã Thanh Danh là người mang trong mình nhiều thành tích học tập đáng nể. Ông từng tốt nghiệp kỹ sư ngành Điện, cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM). Sau đó, ông tiếp tục chinh phục tấm bằng MBA ngành Chiến lược Kinh doanh Quốc tế và Quản trị thương hiệu của Vương quốc Bỉ.
Ông Danh có trên 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Quản trị Tài chính, Tư vấn Chiến lược & Quản trị Thương hiệu và Tư vấn Sáp nhập công ty. Ông từng phụ trách phát triển kinh doanh của SBU Buns – Ngành bánh tươi đầu tiên của Kinh Đô và từng giữ các chức vụ: Giám đốc Tài chính Công ty Truyền hình Cáp BSC thuộc HTVC; Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Thực phẩm & Nước giải khát Dona New Tower.
Hiện tại, ông đang đảm nhận nhiều vị trí cao trong các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Cụ thể:
- Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị độc lập Trường Doanh nhân BizLight
- Mentor chương trình Shark Tank Việt Nam
- Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KiDo
- Thành viên Hội đồng Quản trị KDC
- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Sáng Tạo ViNa
Là một người tài giỏi và nhiệt huyết, ông Danh luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đã từng trải trong sự nghiệp của mình qua các bài phỏng vấn. Bên cạnh đó, trong vai trò là Mentor của chương trình khởi nghiệp nổi tiếng Shark Tank, ông luôn cố gắng truyền tải những kiến thức quý báu nhằm giúp đỡ các nhà startup của đất nước.
Qua bài viết này, mong các bạn đã có thể hiểu thêm về hành trình gian nan của startup và những đóng góp không nhỏ của ông Mã Thanh Danh trong quá trình định hướng tư duy startup tại Việt Nam.
Kiều Mi (Tổng hợp)