Kỹ năng giao tiếp trở nên vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại, vì nó tạo ấn tượng về bạn trong lòng người khác. Một sai lầm nhỏ cũng có thể tạo nên nhiều rắc rối và bất lợi về sau. Nhưng nếu bạn tránh được 5 thói quen xấu dưới đây thì coi như việc giao tiếp của bạn đã thành công một nửa rồi đấy!
EBIV1. Coi mình là trung tâm câu chuyện
Trong giao tiếp, điểu mấu chốt là bạn cần phải nhớ mức độ gần gũi giữa bạn và người đối diện để có những nội dung chia sẻ cho phù hợp. Một người mới gặp hay bạn cùng lớp của bạn sẽ không có nhu cầu muốn biết biết tiền sử bệnh tật, lý do bạn chia tay người yêu hay những mâu thuẫn giữa bạn và bố mẹ...
Việc chia sẻ về những vấn đề riêng tư của bạn một cách vô tội vạ, tự coi mình là trung tâm cuộc trò chuyện chắc chắn sẽ khiến người đối diện không thoải mái và có thể muốn tránh mặt để khỏi nói chuyện với bạn nữa. Nếu chủ đề giao tiếp thường xuyên của bạn là bản thân mình trong khi người đối diện thi thoảng “ừ”, “à”, “vậy sao”… thì chứng tỏ bạn giao tiếp không hiệu quả mà chỉ gây chán chường, mệt mỏi cho người khác.
Ngoài ra, một sai lầm thường gặp khác là phàn nàn quá nhiều về những vấn để riêng tư, nó không chỉ là một thói quen giao tiếp xấu mà còn tạo ấn tượng xấu rằng bạn là người tiêu cực, kém thú vị và dễ chán nản. Hiển nhiên là không có ai hứng thú với việc bạn bị sếp mắng, cãi nhau với bố mẹ, cảm thấy mình thật bất hạnh hay cho rằng mình đang bị đối xử bất công. Lan truyền cảm xúc tiêu cực cho mọi người không phải một điều khôn ngoan đâu.
Vậy nên bạn hãy thử kết nối với người đối diện bằng cách tìm hiểu thêm về người đó (tránh những câu hỏi quá riêng tư), cũng như nhìn nhận những mặt tích cực của tất cả mọi việc để yêu cuộc sống hơn. Đây sẽ là yếu tố làm cho những người xung quanh yêu quý, gần gũi và muốn trò chuyện nhiều hơn với bạn.
EBIV2. Nói quá nhỏ/quá to
Nói lí nhí, lắp bắp và ngại nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói là những dầu hiệu cho thấy bạn là người thiếu tự tin. Đương nhiên, bạn sẽ không thể giao tiếp hiệu quả nếu người đối diện không thể nghe được bạn đang nói gì và phải lặp lại những câu “Hả?”, “Gì cơ?” liên tục.
Nói quá nhỏ là vấn đề, nhưng nói quá to cũng là một điều không tốt, vì nó sẽ khiến người khác cảm thấy khó chịu. Vì thế, nếu ai đó nói với bạn rằng “Đừng la hét lên như thế, tôi ở ngay đây thôi!” thì có lẽ bạn nên hạ cao độ giọng nói của mình.
Nói quá to, la hét trong khi giao tiếp là điều cần tránh
Nếu bạn đã quen nói to và cảm thấy khó để biết được lúc nào mình đang gây khó chịu thì nên quan sát ánh mắt, thái độ của những người xung quanh. Ngoài ra, việc nói to có thể phá hỏng sự trải nghiệm của người khác tại nhà hàng, rạp chiếu phim và những nơi công cộng khác.
Trong một cuộc trò chuyện, giọng nói rất quan trọng và nó là thứ tạo nên ấn tượng đầu tiên của người khác về bạn. Nói thì thầm hay la hét vào tai người khác đều là những thứ cần tránh. Bạn có thể thấy được một nguyên tắc giao tiếp rất đơn giản: hãy lịch sự và nói chuyện ở mức độ hợp lý, dễ nghe.
EBIV3. Ngôn ngữ cơ thể không phù hợp
Ngôn ngữ cơ thể phản ánh đến 90% điều mà chúng ta muốn nói. Nó có thể cho thấy những dấu hiệu khó chịu và khiến người đối diện phản cảm, như một số cử chỉ không phù hợp sau đây.
Nhăn mặt là một cử chỉ mà bất cứ ai cũng nên tránh. Khuôn mặt tỏ vẻ không vui hay bực bội sẽ gợi cho người đối diện cảm giác bạn rất khó chịu vì phải nói chuyện với họ.
Gật đầu lia lịa là cử chỉ không phù hợp trong cuộc đàm phán hoặc giao tiếp với khách hàng, vì nó sẽ tạo ra những nghi ngờ rằng bạn đang giả vờ hứng thú nhưng thực ra không mấy chú tâm đến điều khách hàng nói.
Mặt mày nhăn nhó tạo cảm giác khó chịu trong cuộc trò chuyện
Vò đầu bứt tóc và xem đồng hồ quá nhiều lần cũng là cừ chỉ cần tránh. Nó có nghĩa bạn đang lo lắng điều gì đó, rằng bạn đang có một cuộc hẹn khác. Cho dù là gì thì một khi đang nói chuyện với người khác, bạn cũng không nên thể hiện điều đó ra ngoài.
Khoảng cách giữa hai người cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc trò chuyện. Việc đứng quá gần và tỏ ra thân mật quá mức sẽ tạo cảm giác không an toàn cho người đối diện, vì họ nghĩ rằng bạn đang giả tạo và đoán rằng bạn có ý đồ bất chính gì đó.
EBIV4. Dùng quá nhiều từ “nhưng”
Quy tắc này nghe có vẻ khó hiểu, nhưng việc dùng quá nhiều từ này tạo cảm giác không kiên định và dễ thay đổi. “Tôi định làm việc, nhưng lại lười và ngồi xem TV”, “Tôi có bạn gái rồi, nhưng trường tôi có nhiều cô xinh quá”, “Tôi thích ý tưởng của bạn, nhưng để xem những ý kiến khác đã”…
Từ “nhưng” gợi cảm giác không kiên định, dễ thay đổi
Ngoài ra, những từ và cụm từ thể hiện sự dễ lung lay, hay thay đổi cũng cần hạn chế dùng quá nhiều. Ví dụ như “tôi không chắc nữa”, “có lẽ là”, “chắc là”…
EBIV5. Nhắn tin trong khi nói chuyện
Nếu bạn cứ dán mắt vào chiếc điện thoại trong lúc trò chuyện thì điều đó cho thấy những gì người đối diện đang nói là không quan trọng và không đáng để bạn chăm chú lắng nghe. Họ sẽ cảm thấy họ không được đánh giá đúng, thiếu sự tôn trọng từ bạn và như vậy gây mất thiện cảm rất nhiều.
Nhắn tin trong khi nói chuyện là thiếu tôn trọng người đối diện
Giữa cuộc trao đổi trên điện thoại và cuộc trò chuyện của bạn, bạn cần quyết định điều gì quan trọng và cần quan tâm trước. Hoặc là tắt điện thoại và chăm chú lắng nghe, hoặc là ngừng nói chuyện để trả lời điện thoại trước. Nói chung, bạn cần lịch sự để người đối diện không thấy bực mình.
Và không chỉ điện thoại, mà tất cả những việc khác đều như vậy cả. Bạn cần chú tâm nếu muốn giao tiếp hiệu quả, bất kỳ những việc riêng nào trong lúc đó đều phải bỏ qua.
5 sai lầm thường gặp trong giao tiếp này đã ngăn cản bạn rất nhiều trong việc tạo dựng ấn tượng tốt trong mắt người khác. Nếu khắc phục được nó, bạn sẽ nhanh chóng trở thành một người trò chuyện thú vị và chiếm được thiện cảm của những người xung quanh.
Yến Nhi tổng hợp
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam