PHÙNG HẠO - "Cha nuôi" của bầy rái cá ở sở thú Sài Gòn | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      PHÙNG HẠO - "Cha nuôi" của bầy rái cá ở sở thú Sài Gòn

      PHÙNG HẠO - "Cha nuôi" của bầy rái cá ở sở thú Sài Gòn

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      Đến thăm chuồng rái cá ở Sở thú Sài Gòn (nay là Thảo Cầm Viên), tôi bất ngờ thấy một đàn rái cá rượt đuổi một người đàn ông, miệng kêu la oai oái.

      Đến thăm chuồng rái cá ở Sở thú Sài Gòn ( nay là Thảo Cầm Viên), tôi bất ngờ thấy một đàn rái cá rượt đuổi một người đàn ông, miệng kêu la oai oái. Mọi người thảng thốt chạy đến, những nhân viên gần đó bật cười trấn an: “Cha con ổng giỡn đó mà!”…

      Sống kiểu rừng giữa lòng thành phố

      Không ai trong sở thú Sài Gòn không biết đến ông Minh, hiệu là Minh Ngựa vì nghe đồn hồi xưa ông chuyên chăm nom chuồng ngựa. Dần dà, người ta “nhìn vật gọi người” nên cái biệt danh hóm hỉnh ấy ra đời. Ông Minh giờ đã chuyển sang chăm sóc chuồng rái cá vuốt bé, ông không nhớ rõ năm nào nhưng 4 “đứa con” mình đang nuôi đã hơn 6 năm tuổi. Theo thường lệ, cứ 7 giờ sáng, ông lại đến chuồng rái cá để kiểm tra số lượng và vệ sinh không gian cho sạch sẽ. Chuồng rái cá được xây như một cái hồ lớn 30 mét vuông, thành hồ cao 180cm, ở giữa được bố trí một “cái cồn” đi kèm là các cây gỗ lớn, mái che hình nấm, tượng thú,… Tất cả đều được tạo hình từ xi-măng sao cho giống nhất với môi trường tự nhiên. Chuồng còn có hai “hồ bơi” nho nhỏ thông nhau. Do bản chất là loài lưỡng cư, nên rái cá cần cả hai môi trường để hoạt động.

      Ông Minh cho biết: “Sáng nào tui cũng phải lấy vòi nước dội sạch thức ăn thừa, chất thải,… Có khi phải kì cọ mặt sàn, thành hồ để đảm bảo vệ sinh cho khách tham quan. Thấy cực vậy thôi, mà làm riết rồi quen!”. Dù dọn dẹp mỗi ngày nhưng chuồng rái cá vẫn có mùi khá hôi… “Tụi nó không ăn nhiều như mấy con khác, mà ăn lai rai, nên thức ăn thừa ( chủ yếu là các loài cá, giáp xác nhỏ, ếch, nhái) nên gây mùi khó chịu!”, ông Minh giảng giải. Nhiều lúc cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi là những câu than vãn của du khách “sao hôi quá vậy trời!”, “vậy sao chịu nổi, thôi đi lẹ!”… Ấy thế mà, đã bao nhiêu năm qua, ông Minh đã “chung sống” với cái mùi ấy cũng bởi một phần “riết rồi cũng quen”, một phần vì “thương rái cá như thương con”…

      Kể đến đây, ông chợt thở dài, rồi lại khì cười: “Mấy bữa bị sổ mũi, nhức đầu đi làm mà ngửi mùi này là chịu không nổi. Nhưng tui cũng cố gắng lắm, vì không làm thì ai làm, sống phải có trách nhiệm chứ cậu! Thương là thương cho mấy ông bên chuồng nhím, mùi còn khủng khiếp hơn!”. Nói dứt câu, ông loay hoay đi về phía góc chuồng, bê ra một xô cá nhỏ, rồi huýt sáo: “Tuýt! Tuýt! Lên ăn nè con, đói chưa?”. Đang đùa giỡn dưới chuồng, có con đang phá phách cắn đầu tượng con rắn nghe “rột rột”, con lại nằm lăn lăn dưới nước,… vụt dậy ngẩng đầu, nhìn ông kêu oai oái. Ông Minh vung tay ném từng nắm cá nhỏ xuống, bầy rái cá háo hức nhảy cẩng lên. Chúng vươn cái cổ dài nhìn dáo dác, có con hứng khởi nhảy lên chụp cho bằng được con mồi, có con lười biếng chỉ chờ mồi rớt xuống đất mới rón rén lại ăn…

      Nghe ông gọi bầy rái cá bằng “con”, tôi thắc mắc hỏi. Ông Minh đang cho ăn thì ngưng tay, quay sang cười: “Thì tui nuôi nó bao lâu, mến tay mến chân, một tay tui săn sóc, thương quá… thì kêu bằng con. Chứ nó khôn lắm, tính cũng như người!”. Bầy rái cá đang chờ ăn thì bị bỏ dở, ngóng cổ lên kêu oai oái, ngước đầu lên nhìn xem chuyện gì đang xảy ra giữa thằng trẻ và ông già. Cặp mắt chúng láo liên, trông chừng đang dò xét. Ông Minh nghe “đàn con” kêu thì sốt ruột ném ngay từng nắm cá. Bầy rái cá như con nít, lại tiếp tục bữa ăn… Nhiều lúc làm ở đây, ông tự cười mình vì chẳng khác gì sống trong rừng, ngày ngày chỉ tiếp xúc với thú, đồng nghiệp mỗi người mỗi chuồng, có khi cả ngày “mình mẩy hôi hám”, bận đến nổi chẳng nói với nhau câu nào, toàn nói chuyện với rái cá. Vui buồn gì cũng chúng nó nghe…

      4 đứa con tinh nghịch

      Nhớ lại lúc đầu nhận việc, ông Minh lắc đầu: “Lúc mới vô, nó chưa quen nên dữ lắm, có khi nó cắn chảy máu bê bết, nhiều khi đi làm mà “ngán” gặp nó lắm!”. Rái cá vuốt bé tuy nhìn vẻ ngoài rất tinh nghịch và đáng yêu, nhưng bản năng là loài hoang dã nên tính tình rất hung dữ. Nhiều người đi chài thường hay đặt tên cho chúng là “thợ săn” bởi lẽ rái cá săn mồi rất tài tình và quyết liệt, lại thêm tài bơi lội thì thuộc hàng cự phách nên lâu lâu thấy nó ở miền sông nước là biết chỗ đó nguồn cá dồi dào. Thế nhưng, sống ở Thảo Cầm Viên, ít nhiều bản năng của chúng bị suy giảm, bởi mỗi ngày đều được cung cấp nguồn thức ăn thay vì tự đi săn. Vì thế, nhiều lúc những chuyện rất buồn cười thường hay xảy ra. Những lúc được cho ăn, bầy rái cá thường không bắt ăn ngay, mà chúng để con mồi trong nước, rồi thi nhau “vờn” xung quanh, “nhảy tới nhảy lui” như đang chơi trò đuổi bắt. Sống trong chuồng rộng lớn nhưng chỉ có 4 con rái cá, nên chúng rất quấn quýt nhau. Có thể lúc nghịch ngợm mỗi con một nơi, nhưng khi nghỉ ngơi thì cả bọn lại nằm cạnh nhau, con này gác mỏ lên lưng con kia, mắt nhắm nghiền.

      Gắn bó bầy rái cá khá lâu, điều khiến ông Minh nhất đến giờ là “nuôi lâu nó quen hơi, mỗi lần tui từ xa tới là nó biết nên ngóng cổ kêu um sùm, có khi thay đồ sơ-vin ra, nó cũng nhớ mặt nữa!”. Thế là tôi vỡ lẻ, thì ra lúc dọn chuồng, bầy rái cá chạy lon ton theo ông là vậy, y như chó mừng chủ. Ông Minh bảo ông nhớ mặt từng con rái cá một: “Con chân đi cà nhắc là con hay đi biểu diễn cho khách xem, con lười biếng nhất chuồng là con hay nằm chỗ gò cây gỗ,…”. Mỗi một con có đều có tính cách khác nhau, nhưng điều ông thương chúng nhất đó là mến chủ. Ông bảo rái cá cũng như người, nhìn nó vậy chứ cũng hay bệnh tật, nuôi lâu nên ông dễ dàng biết được con nào bị bệnh, con nào buồn,… Mỗi lần nhìn thấy nó nằm im im, mắt buồn buồn là ông biết nó bệnh ngay, cứ thế mà ông “báo liền với bên y tế”. Nhiều khi, ông Minh trăn trở lắm, bởi lẻ loài hoang thú vốn sống kiếp lang bạt, nhốt chúng một chỗ, người ra kẻ vào chỉ trỏ, vui cười… cũng rất tội.

      Lúc rảnh tay, ông thường ngắm nhìn “đàn con” thật lâu, mắt trìu mến: “Phải chi tui ở dưới quê, nhà có đất rộng, lại gần sông thì nuôi con này là hết sảy! Nhưng mà phải bắt nó đem về từ lúc mới đẻ 10 ngày, cho uống sữa đầy đủ. Lớn lên nó quen hơi, giữ nhà là số một!”. Ông già khoái chí kể tiếp: “Coi vậy mà nó khôn hơn con chó nghen. Ai đi vô nhà là nó theo sát nút. Hễ cầm bất kì đồ gì mà đi ra là nó cắn! Thấy con chó hay sủa vậy thôi mà nhiều con ngu lắm!”. Nói đoạn, chúng tôi bật cười. Những con rái cá nghe động, lại ngóng cổ nhìn lên, chúng y như những đứa trẻ tò mò…

      Ngoài đời, ông Minh là một người kín tiếng và kiệm lời. Ông chẳng muốn kể chuyện gì ngoài bầy rái cá cả, vì “con” của ông luôn là “số một”! Nhiều lúc, ông bảo muốn nghỉ mà không đành lòng. Con người mà, cũng có những lúc bệnh tật ốm đau, “đâu ai khỏe hoài”. Nhưng vì thương “đàn con”, “mến tay mến chân” bao nhiêu năm, bỏ thì… mang tội! Ông bám nghề này không chỉ để kiếm tiền, làm oai vì nuôi thú dữ, mà để được gần những loài vật, thương yêu chúng. Ngoài bầy con 4 đứa ra, ông còn chăm sóc những con mèo rừng gần đó. Nhưng bầy rái cá thì ông thương hơn, ngày nào đi làm cũng vào đây trước tiên. Ngày ngày, ông Minh vẫn lặng lẽ bên chuồng rái cá, chăm sóc yêu thương chúng như con mình. Ngoài kia, đằng sau dãy tường bê tông dày cộm của Sở thú Sài Gòn, cuộc sống vẫn bận rộn, tấp nập người xe. Nhưng trong Vườn bách thảo này, có một chốn hết sức bình yên, nơi vẫn ngày ngày nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp giữa người và vật, giữa cha và “con”…

      Thông tin của Rái cá vuốt bè (nguồn: vncretures.net)

      Đặc điểm nhận dạng:

      Rái cá vuốt bé có thân hình ngắn, chắc hơn các loài rái cá khác. Màng bơi không phủ hết ngón chân và có phủ lông. Tai có nắp che lỗ tai. Bộ lông mầu nâu nhạt hoặc xám nâu, phần bụng mầu sáng hơn. Đặc điểm nổi bật là vuốt chân nhỏ, không thò ra khỏi ngón.

      Sinh học, sinh thái:

      Thức ăn của Rái cá vuốt bé chủ yếu là các loài cua, ốc, côn trùng, sau mới đến ăn cá. Vùng sống và hoạt động gắn liền với các thuỷ vực, dọc bờ biển ở những nơi có rừng ngập mặn, ngập nước ngọt, nước lợ, dọc suối, hồ đầm. Rái cá vuốt bé hoạt động về đêm, đôi khi gặp cả ban ngày; sống theo đàn, mỗi đàn 3 - 8 con hoặc nhiều hơn. Mỗi năm đẻ 1 - 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Cả bố và mẹ cùng chăm sóc con non.

      Phân bố:

      Trong nước: Nơi thu mẫu và quan sát gồm Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long), Quảng Trị, Bình Phước, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau. Rái cá vuốt bé phân bố rộng trên toàn quốc.

      Thế giới: Ấn Độ, Nêpan, Bắc Mianma, Trung Quốc ( Hải Nam, Đài Loan), Lào, Cămpuchia, Malaixia, Inđônêxia (Java, Xumatra, Borneo).

      Giá trị:

      Góp phần điều hoà số lượng cá thể các quần thể động vật thuỷ sinh. Có thể nuôi làm cảnh ở công viên nước, vườn thú.

      Tình trạng:

      Trước đây có phân bố rộng trên toàn quốc với số lượng phong phú. Hiện nay, trữ lượng đã bị giảm sút nhiều do săn bắt và mất nơi sống.

      Phùng Hạo

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016


      Có thể bạn quan tâm

      Sự kiện

      Chính thức khởi động IMPACT 2024 - Chuỗi đào tạo về chủ đề Social Marketing

      11/04/2024

      Vào tháng Tư tới đây, Câu lạc bộ Marketing Trường Đại học Ngoại thương - MaC FTU chính thức khởi ...

      Sự kiện

      “Inside Out - Insight Found” - Workshop chuyện ngành sáng tạo thu hút đông đảo các bạn trẻ

      05/04/2024

      Ngày 31/3 vừa qua, Workshop “Inside Out - Insight Found” với sự góp mặt của Content Creator Phúc ...

      Sự kiện

      CHÍNH THỨC MỞ ĐƠN EXBROAD RUNWAY 2024 - SHARPEN TOOLS, SHARPER MIND

      03/04/2024

      Exbroad Runway, cuộc thi mang đậm dấu ấn thương hiệu CLB Du học trường Đại học Ngoại thương SAC ...

      Sự kiện

      WORKSHOP LÀM TRANH ĐÔNG HỒ - HỌA NÉT ĐÔNG HỒ

      27/03/2024

      Họa Nét Đông Hồ là workshop được tạo ra với mục đích tôn vinh và lan tỏa giá trị của dòng tranh ...