KHÔI NGUYÊN - Cô giáo Đoàn Thị Liệp: Văn thơ trên tà áo | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      KHÔI NGUYÊN - Cô giáo Đoàn Thị Liệp: Văn thơ trên tà áo

      KHÔI NGUYÊN - Cô giáo Đoàn Thị Liệp: Văn thơ trên tà áo

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      Cô giáo bước vào lớp, tóc búi chỉn chu, mặc chiếc áo dài màu đen thẫm với hình ảnh những ngọn nến sáng rực và đoàn tàu đang lao vun vút về phía xa.

      Chủ nhân bộ sưu tập “áo dài văn học” – cô Đoàn Thị Liệp

      Cô giáo bước vào lớp, tóc búi chỉn chu, mặc chiếc áo dài màu đen thẫm với hình ảnh những ngọn nến sáng rực và đoàn tàu đang lao vun vút về phía xa. Học trò tròn mắt nhìn cô rồi trầm trồ xuýt xoa khi nhận ra bóng dáng truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam thấp thoáng trong hình vẽ trên tà áo. Đấy chỉ là một trong số hàng trăm tác phẩm thuộc “bộ sưu tập” áo dài có một không hai của cô Đoàn Thị Liệp (64 tuổi, cựu giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP. HCM). Với cô, biến mỗi tà áo thành một tác phẩm hội họa chuyên chở ý nghĩa văn học là cách để truyền cảm hứng học Văn đến cho bao thế hệ học trò.

      Tôi tìm đến nhà cô Liệp vào một buổi chiều ẩm ướt và ảm đạm sau cơn mưa như trút nước lúc đầu ngày. Ngồi đối diện cô trong gian phòng ấm cúng với rất nhiều sách vở cùng một chiếc bảng con nơi góc tường, tôi bị thu hút ngay từ những phút đầu tiếp xúc với cô bởi giọng nói rất truyền cảm của một cô giáo dạy Văn. Sau đó, trong suốt cuộc trò chuyện, tôi như một cậu học trò nhỏ đến lớp nghe cô giảng, hăng hái ghi chép, say sưa theo từng chi tiết và mãi không muốn hết bài.

      Bộ sách giáo khoa Ngữ văn bằng áo dài

      Bốn mươi năm dạy Văn trên bục giảng, các học trò không chỉ nhớ đến cô Liệp bởi bài học dí dỏm rằng: “Học văn là học cái đẹp của nhân cách con người, của tình yêu quê hương đất nước. Vì vậy người dạy Văn cũng phải đẹp và người học Văn cũng phải đẹp”. Trong ký ức của họ, cô còn luôn được nhắc tới bởi những bài học cô truyền tải qua chiếc áo dài duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Ý tưởng vẽ lên áo dài của cô Liệp bắt nguồn từ một lần đi công tác ở Hà Nội, được tận mắt nhìn thấy tranh Đông Hồ, cô liền mua về rất nhiều với ý định cho học trò miền Nam biết “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong” của miền Bắc là như thế nào, chứ không chỉ qua lời thơ Hoàng Cầm. Sau đó, khi đem tranh vào lớp để dạy bài Bên kia sông Đuống, nhận thấy học trò hết sức hứng thú, cô nảy ra ý tưởng làm thế nào để cho tất cả học sinh của mình đều có thể quan sát được tranh vẽ và chú ý tập trung vào bài học. Rồi cô nhận ra đem chúng lên tà áo dài mình đang mặc là tiện nhất. Thế là bộ áo dài đầu tiên ra đời với hình ảnh đấu vật được vẽ ở phần trên và đám cưới chuột nằm dưới hai vạt áo trên nền vải màu trắng ngà như giấy dó Đông Hồ.

      Sự sáng tạo trên đã thực sự phát huy tác dụng. Học trò tỏ ra vô cùng thích thú và chăm chú quan sát tà áo dài độc đáo của cô Liệp mỗi khi cô giảng bài để rồi nhanh chóng ghi nhớ nội dung của bài học hơn. Cô cho biết gần 20 năm trước có một cậu học trò của cô rất ghét và rất dốt môn Văn. Cô kể, sau khi có điểm kỳ thi tốt nghiệp năm ấy, cậu bạn đã bất ngờ tìm đến cô báo tin: “Con được 6,5 điểm môn Văn”. Cô Liệp cũng ngạc nhiên hỏi: “Sao điểm Văn của con tốt thế?”, cậu trả lời: “Con nhớ đến chiếc áo dài của cô, nhớ đến dòng sông Đà xanh màu ngọc bích, rồi từ đó, từng lời giảng của cô cứ tuôn ra trong đầu con và con viết theo”. Từ đấy cô có thêm động lực để cho ra đời hàng loạt những tà áo dài khác mà cô xem như một loại giáo cụ trực quan cho mỗi giờ lên lớp.

      Với bài Rừng xà nu, cô lên ý tưởng vẽ rừng cây vươn lên cao vút như mũi tên đón nắng, có sức sống mãnh liệt dưới bom đạn, bên cạnh là ngôi nhà đặc trưng Tây Nguyên. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ, cô may bộ đồ màu đen, kèm theo đó là phụ kiện cái kiềng cổ y như cô Mị. Đến nay “bộ sưu tập” này đã lên đến ngót nghét hơn 200 bộ, phần lớn là các tác phẩm văn học hiện đại trong chương trình phổ thông. Thật không ngoa khi gọi đây là bộ sách giáo khoa Ngữ văn bằng áo dài. Cô chưa bao giờ nói về những chi tiết trên chiếc áo dài, học sinh tinh ý sẽ đoán ra và truyền miệng cho nhau. Sức hút từ tà áo dài của cô giáo Liệp khiến cho mỗi tiết Văn trở nên đáng mong chờ hơn. Cô giáo bước vào lớp, bên dưới học trò nhấp nhổm chờ đợi và đoán xem hôm nay cô mặc màu áo gì, chủ đề nào được đưa lên áo. Tôi thắc mắc ngay về kinh phí mà cô bỏ ra để dày công thiết kế nên những tà áo đầy sáng tạo này. Cô mỉm cười chia sẻ: “May mắn là cô có một người bạn vừa dạy vẽ ở trường cao đẳng vừa là họa sĩ. Khi cô nói ý tưởng của mình, cô ấy rất thích và biến hóa ngay lên chiếc áo dài. Vẽ giúp nhau thôi chứ tiền công không đáng kể”.

      Cô Liệp trong tà áo dài minh họa tác phẩm Hai đứa trẻ

      Có những chuyện đời đằng sau bục giảng

      Đang trò chuyện thì trời thình lình đổ mưa to. Tôi thấy cô quay nhìn xa xăm về phía cửa: “Mấy ngày trời buồn như vầy cô thường đi may một bộ áo dài cho hợp tâm trạng” – cô nói đùa. Tôi hỏi: “Cả một đời cầm phấn dạy Văn, cô tâm đắc nhất tác phẩm nào?”. “Không biết như thế nào mà cô lại mê Chinh phụ ngâm từ những ngày còn học ở Đại học Văn khoa. Phải nói là mê lắm lắm luôn, khóc với Chinh phụ ngâm, thuộc hết luôn thơ. Mê Chinh phụ ngâm hơn Kiều. Không biết có phải như vậy mà sau này cuộc đời vận vô Chinh phụ không…”. Câu nói nửa úp nửa mở của cô khiến tôi không khỏi tò mò, với mong muốn được nghe lời giải thích cụ thể hơn, tôi nhận được từ nơi cô cả một sự trải lòng.

      Năm 1977, hòa cùng không khí sục sôi chiến đấu của cả nước, người chồng mới cưới của cô Đoàn Thị Liệp đã lên đường nhập ngũ. “Hồi đó cô cũng thích bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Thương lắm cái câu: “Lấy nhau xong là đi”. Cô và thầy chỉ có một đêm tân hôn thôi…”. Lấy nhau vào tháng giêng, đến tháng mười cô sinh em bé. Khi con vừa tròn một tháng rưỡi thì cũng là lúc cô hay tin chồng mình đã hi sinh được 4 ngày trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Nói đoạn, như để giấu đi đôi mắt đã long lanh ngấn lệ, cô ngoảnh ra cửa sổ, hơi ngước mặt lên, giọng có chút nghẹn ngào: “Lúc ảnh bị thương, nghe mấy người bạn kể lại là cưa sát chân. Mà ảnh là vận động viên mà em. Nên cô nghĩ là ảnh đau đớn biết bao nhiêu. Ảnh sợ về sẽ làm khổ cô…”.

      Có những đêm khuya sau đó, cô thao thức mãi không yên rồi chợt bừng tỉnh dậy khi nghe tiếng xe đò ghé lại hay tiếng chó sủa trước sân nhà. Từ tận sâu trong đáy lòng, cô vẫn không thôi ngóng trông hình bóng người chồng ở chiến trận, nuôi một niềm hy vọng dù thật nhỏ nhoi rằng anh vẫn còn sống và sẽ lại trở về. “Cho đến tận bây giờ, có đoàn quân nào đi ngang trên đường là cô hay dừng xe lại để nhìn, biết đâu rằng có một cái gì đó, còn ở đâu đó…”. Vậy là người giáo viên trẻ trở thành vợ liệt sĩ khi tuổi đời mới chỉ 25, đứa con gái nhỏ mồ côi cha khi chỉ vừa hơn 1 tháng tuổi. Bao nhiêu cực nhọc, khó khăn của cuộc sống dồn hết lên đôi vai gầy của người phụ nữ ấy. “Cô nhớ khoảng những năm 81, 82. Lúc đó đã cùng đường rồi. Cô chỉ còn đúng hai cái áo dài là tài sản cuối cùng của mẹ con cô, bán đi là không còn gì để sống nữa. Trước đó cô đã mua 2 tuýp thuốc ngủ rồi. Vì sợ lỡ hết tiền thì không mua được. Không nuôi nổi con nữa thì hai mẹ con cùng chết”.

      Cô dừng lại giây lát, nét mặt đầy ưu tư dù đã phần nào giãn ra hơn đôi chút. Nhiều đêm liền đặt con xuống rồi lại ẵm lên, cô chỉ sợ nếu mình chết rồi mà con mình còn sống thì sẽ ra sao và ngược lại. Nhưng rồi có một suy nghĩ bỗng lóe lên trong tâm trí cô: “Không thể chết. Người ta sống được mình sống được. Mình còn hai bàn tay mà. Cô hay nói với học trò là phải dùng hai bàn tay, một cái đầu và trái tim để sống. Tại sao mình dạy học trò được mà mình làm không được”. Nghĩ vậy cô dẹp bỏ đi mọi ý định tự kết liễu cuộc đời của hai mẹ con để quay về đối diện lại với thực tại. Cô Liệp lăn xả ra đường, lúc đó ngoài đi dạy, cô gần như làm tất cả mọi thứ để nuôi con, từ bán xôi bắp, nấu bếp thuê, bán kem đến nhận may gia công, làm chả giò. “Sức chịu đựng của cô lớn lắm. Không mạnh mẽ mình không sống được. Mình phải tự cứu mình và cứu con mình, đừng có chờ đợi bất cứ ai. Cái gì lao động chân chính mà cực khổ đến đâu cô cũng làm được”. Cô nói, giọng thật chắc chắn, đôi mắt cô trông bình thản và thấu suốt. Đấy là cặp mắt của một người phụ nữ đã phải một mình trải qua quá nhiều gian lao đắng cay của cuộc đời để rồi vẫn mạnh mẽ vùng lên mà bước tiếp.

      Người đưa đò không mệt mỏi

      Bây giờ, ở vào cái tuổi quá lục tuần, cô Liệp vẫn dành phần lớn thời gian của mình bên phấn trắng bảng đen và làm bạn cùng văn học. Về hưu đã lâu nhưng cô vẫn có cơ hội được tiếp tục thực hiện đam mê của mình bằng việc mở lớp dạy thêm tại nhà cho học sinh, nhận lời mời dạy Văn, tiếng Việt cho nhiều trường cấp ba và đại học. Đối với cô, hạnh phúc giản đơn là khi những bộ áo dài mình công phu thiết kế tiếp tục được tung bay trên bục giảng, truyền cảm hứng học Văn cho thật nhiều thế hế học sinh nữa. Cô thích lắm việc nhìn ngắm những gương mặt ngây thơ, dễ thương của học trò mình, yêu cả những trò ngổ ngáo, tinh nghịch và những khi không vâng lời, phạm lỗi của chúng, đối với cô tất cả đều tạo nên nguồn năng lượng bất tận khiến cô thêm yêu nghề, yêu đời. “Bàn tay học trò ngồi viết bài nhìn đẹp lắm, bao nhiêu năm nhìn mà cô vẫn mê hình ảnh đó”.

      Kỉ niệm vui buồn trên cuộc hành trình 40 năm tận tụy “đưa đò sang sông” của cô Liệp là nhiều đến không kể xiết. Học sinh nhớ đến cô như một người “má” bao lần giúp đỡ cho những “đứa con” của mình có thêm cơ hội để tiến xa hơn với sự học bất chấp hoàn cảnh khó khăn. Với việc dạy học, cô luôn tâm niệm phải làm sao tạo cho các em thật nhiều kỉ niệm trong những ngày tháng cắp sách đến trường để sau này ai cũng có cái mà nhớ về, mà hoài niệm. Dạy Văn theo cô không chỉ là dạy học trò biết viết văn làm thơ mà còn là dạy về văn hóa dân tộc, cách giao tiếp, ứng xử cùng những bài học làm người. Hằng ngày, trong những giờ lên lớp, cô thường lồng ghép các mẩu chuyện hay mình sưu tầm trên sách báo để chia sẻ với học sinh, từ đó giúp các em nhận thấy việc học Văn “gần và thật hơn rất nhiều”. “Đứng lớp quen rồi, một ngày không đi dạy nữa thì khi đọc sách phát hiện câu thơ, câu văn hay, cô biết nói cho ai nghe. Nếu được làm lại hay nếu có kiếp sau, cô vẫn chọn đi dạy. Nghỉ dạy rồi lấy cớ chi mà mặc áo dài?” – cô nói và bật cười.

      Tình yêu dành cho nghề dạy học của người giáo già đến tận giờ này vẫn không phôi phai mà còn lớn dần theo năm tháng. Mà có lẽ, nó còn lớn hơn cả tình yêu, đó chính là cuộc sống, là niềm vui, niềm hạnh phúc của người thầy khi mỗi ngày vẫn còn đủ sức khỏe để truyền kiến thức cho học sinh thân yêu.

      KHÔI NGUYÊN

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016


      Có thể bạn quan tâm

      Sự kiện

      Chính thức khởi động IMPACT 2024 - Chuỗi đào tạo về chủ đề Social Marketing

      11/04/2024

      Vào tháng Tư tới đây, Câu lạc bộ Marketing Trường Đại học Ngoại thương - MaC FTU chính thức khởi ...

      Sự kiện

      “Inside Out - Insight Found” - Workshop chuyện ngành sáng tạo thu hút đông đảo các bạn trẻ

      05/04/2024

      Ngày 31/3 vừa qua, Workshop “Inside Out - Insight Found” với sự góp mặt của Content Creator Phúc ...

      Sự kiện

      CHÍNH THỨC MỞ ĐƠN EXBROAD RUNWAY 2024 - SHARPEN TOOLS, SHARPER MIND

      03/04/2024

      Exbroad Runway, cuộc thi mang đậm dấu ấn thương hiệu CLB Du học trường Đại học Ngoại thương SAC ...

      Sự kiện

      WORKSHOP LÀM TRANH ĐÔNG HỒ - HỌA NÉT ĐÔNG HỒ

      27/03/2024

      Họa Nét Đông Hồ là workshop được tạo ra với mục đích tôn vinh và lan tỏa giá trị của dòng tranh ...