KHÔI NGUYÊN - "Gấu cha" vĩ đại | Edu2Review
🔔 Thông báo tuyển sinh: Du học nghề tại Đức miễn 100% học phí. Nhận lương trong khi học.
🔔 Thông báo tuyển sinh: Du học nghề tại Đức miễn 100% học phí. Nhận lương trong khi học.
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      KHÔI NGUYÊN - "Gấu cha" vĩ đại

      KHÔI NGUYÊN - "Gấu cha" vĩ đại

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      Bọn trẻ con vẫn hay tưởng rằng loài gấu chúng tôi chỉ là những con thú bông chúng thường ôm bên mình hay các nhân vật hoạt hình dễ thương mà chúng ưa thích.

      Cha Lộc bên chuồng gấu

      Bọn trẻ con vẫn hay tưởng rằng loài gấu chúng tôi chỉ là những con thú bông chúng thường ôm bên mình hay các nhân vật hoạt hình dễ thương mà chúng ưa thích. “Con này có giống gấu Pooh trên Tivi không mẹ?”. “Nó có biết đánh võ như Kungfu Panda không nhỉ?”. Lũ trẻ thường đến bên chuồng chỉ vào tôi và hỏi như vậy đấy. Những lúc thế tôi chỉ gầm gừ bảo với chúng rằng chúng tôi là gấu ngựa, thích vui đùa cùng nhau, không nhiều màu sắc như bọn gấu bông đồ chơi và tất nhiên cũng không biết võ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ăn đứt bọn gấu trên phim nhiều mặt đấy.

      Người cha của “bầy trẻ”…40 tuổi

      Tôi sống trong một gia đình nhỏ có ba thành viên tại khu vực chuồng gấu thuộc Thảo Cầm Viên, thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi là gấu ngựa, có vuốt sắc, lông màu đen với hình chữ "V" đặc trưng màu trắng hay kem trước ngực, khác với người anh em gấu chó đặc thù bởi hình chữ “U”. Dù chỉ là gấu trong vườn thú nhưng chúng tôi cũng được đặt cho tên tuổi hẳn hoi chứ không hề kém cạnh gấu Pooh hay Kungfu Panda gì đó của đám nhóc thành thị. Tôi tên là Misha, hai bạn “cùng chuồng” của tôi là Mishu và Mishi. Tôi tự hào vì là con gấu “đẹp trai” nhất chuồng. Điều này rất đúng vì hai thành viên còn lại trong gia đình tôi đều là “phái yếu”. Những cái tên đáng yêu này được đặt bởi “cha nuôi” của chúng tôi, người đã có gần 35 năm chăm sóc, nuôi dưỡng và gắn bó từ những ngày đầu chúng tôi về nơi đây.

      “Cha nuôi” năm nay đã 55 tuổi, vẫn hay được mọi người biết đến với hình ảnh một người đàn ông hiền hậu, chất phác, xuất hiện trong bộ đồng phục màu xám thường ở cạnh chuồng gấu. Ông tên Biện Văn Lộc, một trong những nhân viên lâu năm nhất ở đây và cũng là người đồng hành cùng bọn tôi lâu dài nhất. Tôi không nhớ rõ lắm về nguồn gốc của mình, chỉ biết là ngay từ tấm bé, chúng tôi đã được đưa đến vườn thú nuôi dưỡng và không bao lâu sau thì được cha nuôi của mình chính thức tiếp quản. Các bạn đừng nhầm tưởng tôi còn nhỏ mà bắt nạt nhé. Năm nay bọn chúng tôi đã 40 tuổi rồi đấy, thuộc vào hàng “lão làng” tại Thảo Cầm Viên này.

      Ngoài tự nhiên, họ hàng chúng tôi chỉ sống được khoảng 20 đến 25 năm thôi, chúng tôi “thọ” như vậy có lẽ là nhờ một phần lớn vào công chăm sóc, nuôi nấng của cha Lộc. Cứ đều đặn 7 giờ sáng mỗi ngày, cha sẽ mở cửa giải phóng bọn tôi khỏi chuồng ép chật chội, ngột ngạt. Chúng tôi được tự do chơi đùa với nhau trên mỏm đất xây cao rộng rãi, đầy ánh nắng với thật nhiều hoa cỏ, cây xanh và bao quanh là dòng suối uốn lượn chảy ra từ thác nước phía sau. Tại sinh cảnh hữu tình đó, chúng tôi sưởi nắng, đón gió, đùa nghịch cùng nhau trong khi cha Lập tất bật vệ sinh chuồng ép, quét dọn chất thải, dùng vôi khử trùng để đảm bảo lúc nào nơi ngủ của chúng tôi cũng thật vệ sinh, sạch sẽ. Nhờ sự cẩn thận và kĩ lưỡng của cha, chúng tôi tránh được rất nhiều bệnh thường gặp của loài gấu.

      Gấu ngựa chúng tôi sợ nhất các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Khi mắc bệnh, chúng tôi thường sẽ ốm một trận ra trò, bỏ ăn, mệt mỏi, chỉ biết ủ rũ chui vào một góc và không còn tung tăng nghịch phá nữa. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cô dì, anh chị của mình vì bệnh nặng chữa không khỏi mà qua đời nên rất hãi. Sau đó tôi cũng ý thức được rằng phải ăn uống sạch sẽ để tránh căn bệnh quái ác này. Từ khi có cha Lộc, nhờ sự tinh ý quan sát và phát hiện sớm các triệu chứng mà tôi cùng các bạn luôn được điều trị kịp thời. Có lẽ vì thế chúng tôi mới khỏe mạnh đến tận giờ này đấy, hơn 40 năm chứ ít ỏi gì!

      Giới thiệu với các bạn bộ đồ chơi cha Lộc thiết kế riêng cho chúng tôi đùa nghịch. Này là những khúc gỗ to được đặt để khắp nơi cho tôi cọ mình, gối đầu nằm ngủ, lúc buồn có thể lăn nó đi rồi lại trượt về. Kia là những chiếc lốp xe sơn phết đủ màu trông thật thích mắt và các thanh gỗ giăng trên dây xích cao cho chúng tôi thỏa sức bày trò. Là tự tay cha làm cho bọn tôi đấy, cũng chính cha lắp chúng vào đây, bảo sao chúng tôi không yêu quý cha cho được! Quét lá và dọn vệ sinh trong ngoài xong cả, cha lại tất bật sửa soạn bữa ăn cho chúng tôi. Mỗi khi có người hỏi họ gấu nhà tôi ăn gì, cha hay đáp ngắn gọn: “Chúng là loài ăn tạp, thực vật động vật gì cũng ăn hết cả”. Thành thật mà nói thì tôi có hơi xấu hổ bởi điều trên, nhưng quả thực chúng tôi rất háu ăn, ăn được nhiều món và cha Lộc thì hiểu rõ điều ấy hơn ai cả.

      Thực đơn hằng ngày của chúng tôi là hoa quả chín, thường là chuối, táo, ngoài ra còn có khoai lang, thịt bò luộc,…Chúng tôi hảo ngọt lắm, quả gì ngọt ngào mọng nước, thức quà nào nhiều đường là tôi cùng các bạn mê tít cả lên và chắc rằng hôm ấy sẽ ăn nhiều hơn một chút. Biết vậy nên thi thoảng cha lại bồi dưỡng chúng tôi bằng mật ong, loại thức ăn khoái khẩu mà chỉ cần nghĩ thôi tôi đã chợt thèm hương vị ấy rồi. Thật ra tiêu chuẩn về khẩu phần ăn hằng ngày của vườn thú cho loài gấu bọn tôi chỉ là một bữa mỗi ngày vào khoảng 9 giờ sáng mà thôi. Ấy vậy mà nhờ cha Lộc, chúng tôi vẫn đều đặn “một ngày hai bữa cơm đèn”. Thức ăn được bộ phận cung cấp mang đến không nhiều hơn, chỉ là cha chia ra thành hai phần, rồi xin thêm nơi này nơi khác một chút để đảm bảo đủ hai bữa sáng chiều cho bọn tôi. Những hôm thiếu đồ ăn quá, sợ chúng tôi không no bụng, cha Lộc lại phải vất vả tìm thêm thực phẩm, nài nỉ bên “bếp ăn” cho thêm chút ít, đôi khi cha tự bỏ tiền túi ra để bồi dưỡng thêm.

      Biết được cha thương, hôm nào chưa no bụng là tôi cùng Mishu và Mishi lại làm dáng, bày ra gương mặt trông làm sao cho thật tội nghiệp, ủ dột để xin xỏ, làm nũng với cha. Thấy thế ông lại thương, không cầm lòng nổi mà tìm thêm thức ăn cho bọn tôi lót dạ. Chúng tôi cũng yêu cha không kém, mỗi lần được ăn no là vui vẻ ngay lên, hớn hở đùa nghịch làm ông cũng thấy vui lây. “Phải để chúng ăn no thì mới khỏe mạnh được” đó là lí do mà dù khó khăn thế nào cha vẫn ưu ái dành cho chúng tôi thật nhiều đồ ăn. Còn gì hạnh phúc hơn thế các bạn nhỉ?

      Dạy gấu cũng như dạy người

      Chiều nay trong lúc đang mải mê vui chơi cùng đồng bọn như thường lệ thì không biết từ đâu có hai cô cậu sinh viên đi lại đứng nói chuyện khá lâu cùng cha Lộc. Họ đem theo cả bút viết, máy ảnh, lâu lâu lại lôi ra chụp lúc chúng tôi đang đùa nghịch. Cha vừa trò chuyện với họ vừa chỉ về phía chúng tôi, thỉnh thoảng hai cô cậu kia nghe cha nói gì đó bèn quay sang nhìn tôi liên tục rồi vội vàng ghi ghi chép chép. Tôi thoáng nghe được họ hỏi cha Lộc về cái duyên trở thành “cha nuôi” của bầy gấu. Thực ra cha không chỉ nuôi nấng mỗi ba đứa chúng tôi mà còn là cha chung của hai con gấu ngựa chuồng bên, bọn gấu chó và bầy nhím nữa. Nhưng tôi chắc chắn một điều là cha Lộc thương ba đứa tôi nhất, vì chúng tôi rất vâng lời, biết làm trò và không ngỗ nghịch như hai con gấu hàng xóm.

      Chúng cũng là gấu ngựa như bọn tôi nhưng vì khác bầy nên được tách ra để nuôi riêng. Vậy mà chúng vẫn hay không an phận đến bên thành chuồng gầm gừ kiếm chuyện chọc tức chúng tôi. Những lúc như vậy tôi thường chạy đến đáp trả thích đáng, nhiều khi hăng quá mà lồng lộn lên trông thật dữ tợn nhưng thật ra tôi chỉ hung hăng với mỗi chúng mà thôi, tôi vẫn nghe lời cha khi ông đến gần gọi tên để can ngăn. Cha vẫn hay khen tôi với mọi người là ngoan nhất trong 3 đứa, hôm nay trước mặt cô cậu này vẫn vậy, ông làm tôi sung sướng đến phổng mũi. Cha Lộc còn nói thêm: “Misha là gấu đực chứ nó hiền và ngoan lắm. Mishu Mishi còn hung dữ nói không nghe chứ Misha rất biết nghe lời”. Hiểu rõ tính cách riêng của từng cá thể, mỗi khi dạy dỗ chúng tôi, cha Lộc thường đến cạnh gọi tên, ra khẩu lệnh cho bọn tôi thực hiện và dùng thức ăn như một phần thưởng xứng đáng cho ai ngoan ngoãn, biết vâng lời. Ông chưa bao giờ đánh đập hay ngược đãi chúng tôi cả.

      Cha Lộc bảo với hai bạn sinh viên rằng: “Nuôi nó thương yêu thì nó biết chứ đánh nó hoài nó cũng không thương. Nhiều khi cho ăn nó làm sai thì la một lần cho nó biết rồi thôi. Đừng có đánh tùm lum nó không nghe lời, nó mặc cảm với mình. Chứ nhiều khi làm dữ với nó, nó giả bộ hiền hiền rồi nó đứng sau nó tấn công mình liền”. Nói thế mới là cha Lộc chứ! Vì vậy mà chúng tôi chưa từng làm cho ông phải bị thương lần nào. Mỗi lúc rảnh rỗi cha lại dạy chúng tôi làm trò. Dưới sự huấn luyện của ông, chỉ trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã biết cách pha đủ trò vui. Từ đơn giản như mỗi lần nghe gọi tên sẽ chạy lại bên cạnh cho đến phức tạp hơn như dụi mõm bằng tay, đứng thẳng người lên, vỗ tay gật đầu,…ba đứa bọn tôi giờ đã hoàn toàn thuần thục. Phải học nhanh thôi vì cha cứ lấy thức ăn ngon ngọt ra để dụ dỗ, huấn luyện chúng tôi cơ mà. Lúc đầu tôi vô tình làm theo vì được ăn thích lắm, thế rồi lâu dần quen đấy. Đã có lần một nhân vật nổi tiếng tên Hoài Linh gì đấy tìm đến tận chuồng để xem cha Lộc cùng tôi diễn trò xiếc để rồi tôi được khen tấm tắc, nghĩ lại thật tự hào.

      Có vẻ hai cô cậu sinh viên kia hỏi cha gì đấy về quãng thời gian trước khi ông trở thành nhân viên vườn thú. Cũng đã lâu rồi tôi mới nghe ông kể lại những chuyện này. Trước lúc trở thành người cha tuyệt vời của lũ gấu chúng tôi, ông đã lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại vùng “đất thép” Củ Chi. Tôi thấy ông kể thật say mê về những ngày tháng trước giải phóng, lúc đó ông vào quân ngũ, thuộc trung đoàn 195 Bộ Tư lệnh Thành phố. Kỉ niệm về tình bạn, về sự hy sinh gian khổ của đồng đội trong chiến tranh là điều mà ông nhớ nhất khi đi qua những năm tháng đạn bom. Rồi cũng chính tình bạn thôi thúc ông từ bỏ một công việc với thu nhập ổn định hơn để trở thành “cha nuôi” của bọn gấu chúng tôi tại Thảo Cầm Viên này.

      Mỗi khi nói đến vấn đề này, nét mặt cha lại thoáng buồn. Ông trải lòng rằng với mức lương chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng hằng tháng là không đủ để trang trải, chi tiêu, lo cho gia đình nhưng vì yêu nghề, vì quý mến chúng tôi mà suốt bao nhiêu năm nay ông vẫn không từ bỏ, ngày ngày đều đặn đến chăm nom bầy gấu. Để cải thiện thu nhập, cha Lộc tranh thủ những hôm nhiều khách tham quan bán thêm hoa quả để du khách cho chúng tôi ăn. “Chú làm đây yêu nghề lắm, cực sao cũng làm. Chỉ có khi mình làm có một số người không xem trọng mình thì cũng nản chút chút thôi. Chứ đi bộ đội được thì làm gì cũng được”. Cha khẳng định bằng giọng chắc nịch với hai cô cậu nọ, rồi ông cười xòa. Ông nói thêm rằng sẽ tiếp tục gắn bó với nơi này cùng “bầy con” nhà gấu vài năm nữa cho đến tận lúc về hưu. Chỉ vậy thôi cũng đã đủ khiến chúng tôi cảm thấy thật biết ơn và ấm lòng khôn xiết.

      Cha Lộc ngắm nhìn “các con” của mình từ xa

      Hai sinh viên trẻ rời đi sau khi hoàn thành bài phỏng vấn cũng vừa lúc trời sầm sập đổ cơn mưa như trút nước. Tôi cùng các bạn đã sớm yên vị trong hốc đá và những túp lều che mưa từ sớm, bây giờ chỉ còn việc nằm khoan khoái ngắm nhìn khung cảnh thân quen mờ mịt trong màn mưa sau đó đánh một giấc thôi. Cha Lộc đang vội vã tìm chỗ trú, một phần áo ướt sũng đi vì trận mưa ngày một nặng hạt. Nhìn bóng lưng thân quen đang khuất dần đó, tôi lại thêm thương ông nhiều hơn. Ông chính là “gấu cha” vĩ đại của chúng tôi. Tôi sẽ không sao quên được câu nói hôm nay ông chia sẻ với hai cô cậu nọ trước khi kết thúc bài phỏng vấn: “Đối với con người hay con gì cũng vậy, miễn mình tình cảm với nó thì nó cũng tình cảm với mình”.

      KHÔI NGUYÊN

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016


      Có thể bạn quan tâm

      Sự kiện

      TRAO GIẢI CUỘC THI: “NHÀ QUẢN TRỊ NHÂN SỰ TƯƠNG LAI 2024”

      22/07/2024

      Ngày 06.07.2024 vừa qua, Vòng Chung kết & Buổi Vinh danh - Trao giải Cuộc thi: “Nhà Quản trị Nhân ...

      Sự kiện

      Choáng ngợp trước những điều bất ngờ trong đêm nhạc Phút Cuối 2024 - Đại lộ thanh âm

      10/07/2024

      Tối ngày 01/07, đêm nhạc hội Phút Cuối 2024 - Đại lộ thanh âm đã diễn ra tại Hội trường C - Học ...

      Sự kiện

      [QUYỀN LỢI CÓ 102 KHI ĐĂNG KÝ ISME BUSINESS CASE DEBATE CONTEST 2024]

      08/07/2024

      Bạn quan tâm đến các vấn đề liên quan tới ngành thời trang? Bạn muốn cất lên tiếng nói, quan điểm ...

      Sự kiện

      Điều hấp dẫn gì sẽ được bật mí tại đêm nhạc Phút Cuối 2024?

      28/06/2024

      Sau hơn 1 tháng tổ chức với nhiều sự kiện đồng hành hấp dẫn, Phút Cuối 2024 - Đại lộ thanh âm sẽ ...