PHÙNG HẠO - Người sao chép linh hồn | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      PHÙNG HẠO - Người sao chép linh hồn

      PHÙNG HẠO - Người sao chép linh hồn

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      Nằm nép mình trên con đường Điện Biên Phủ nhộn nhịp là hàng tranh đơn sơ dựng bằng một giá đỡ treo vài bức họa của một ông lão gần 80 tuổi.

      Nằm nép mình trên con đường Điện Biên Phủ nhộn nhịp là hàng tranh đơn sơ dựng bằng một giá đỡ treo vài bức họa của một ông lão gần 80 tuổi. Ít ai biết rằng, người đàn ông này là một trong những người nắm giữ sinh mệnh của nghề vẽ tranh truyền thần.

      Không ai sống trên con đường Điện Biên Phủ ( Quận 10) không biết đến một ông lão tuổi đã “thất thập cổ lai hy” vẫn ngày ngày cặm cụi vẽ tranh bên hiên nhà số 596. Cứ đúng 8 giờ sáng, người ta lại thấy ông cầm trên tay một bìa sơ mi đựng giấy bút cùng một tờ nhật báo, lặng lẽ đến hàng tranh của mình. Ông lấy chiếc ghế xếp ra, bật vội cây dù to tướng, rồi điềm nhiên ngồi xuống đọc báo, xong rồi thì... ngồi vẽ đến tận 5 giờ chiều mới chịu về. Người đàn ông ấy chính là nghệ sĩ Từ Hoa Lợi, người vẫn ngày đêm khóc thầm cho cái nghề một đời theo đuổi, giờ đang ở cửa vực tử sinh…

      “Đến với nghề không phải chuyện dễ!”

      Mê vẽ tranh từ năm 7 tuổi, nghệ sĩ Từ Hoa Lợi đã có những bước đầu đời làm quen với hội họa bằng việc cặm cụi vẽ lại từng con gà, con vịt, bó rau… mẹ mua về. Theo đuổi đam mê hơn nửa thế kỉ qua, điều ông tâm đắc nhất với nghề, đó chính là: chữ tâm. Ở tuổi gần 80, ông vỗ ngực tự xưng: “Suốt quãng thời gian theo nghề, chẳng có gì làm khó được mình! Vì mình dành hết cái tâm ra để sống với đam mê thì chẳng việc gì khó!”. Theo ông, người vẽ tranh truyền thần chỉ có thể tỏa sáng khi thực sự đam mê, dồn hết tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, để hoàn thành một bức vẽ, trung bình mất khoảng 3-5 giờ, thế nên với nhiều người mới bắt đầu tham gia rất dễ trở nên chán nản. Bản thân nghiệp vẽ cũng không mang lại thu nhập cao như các ngành nghề khác, khiến nhiều người “làm nghề này mà suốt ngày nghĩ đến nghề khác nhiều tiền hơn” nên chẳng bao giờ theo nghiệp được.


      Với chừng ấy năm hành nghề, ông không đếm xuể hết những sản phẩm của mình, chẳng nhớ nỗi đã vẽ cho bao người, chỉ biết trong căn gác nhỏ của mình tràn ngập những món quà từ bộ comple, chiếc quần âu, nón cói,… mà người mến mộ khắp nơi dành tặng. Bản thân ông họa sĩ già luôn cho đó là “những quả ngọt” hái được khi đã tận tụy “trồng cây”.

      Ở nghệ thuật truyền thần, thợ vẽ lành nghề là người sẽ có được đôi mắt tinh tế, có thể nhìn được muộn phiền qua nét mặt người khác. “Một lần nọ, có cô gái trẻ tìm đến nhờ tôi vẽ truyền thần. Trong lúc vẽ thì mắt cô ứa lệ, rặng hỏi mới biết rằng… còn nhỏ tuổi nhưng cuộc đời trải qua nhiều biến cố, muốn nhân lúc còn trẻ lưu lại hình dáng để mai này nhìn lại!” - Ồng Từ chậm rãi kể lại, vừa kể ông vừa lau vội vệt mồ hôi trên trán rồi thở dài. Mỗi một người đến với ông đều mang theo câu chuyện về cuộc đời của họ, qua bàn tay tài hoa mà một phần cuộc đời đó được tỏ bày, bộc bạch trên trang giấy.

      Không ít lần, những câu chuyện về cuộc đời của từng hoàn cảnh khiến ông không thôi trằn trọc. Nhớ về câu chuyện cảm động 4 năm trước, ông Từ nghẹn ngào: “Nhờ báo đài, một gia đình cách mạng ở Củ Chi tìm đến tôi ở để nhờ vẽ lại một cụ già đã mất hơn 40 năm. Tôi thấy họ khố sở vì ông bà, tổ tiên đã mất bấy lâu mà trên bàn thờ trống trơn chỉ có mỗi nhang đèn, nên gật đầu chấp nhận”. Sau đó, ông theo họ về nhà và cho mời tất cả người trong dòng họ lại, tìm ra người có nét giống với người đã khuất nhất và hỏi han tỉ mỉ về những đặc điểm khác trên gương mặt để bước đầu xác định lại bản mẫu. Người nghề sĩ già bắt đầu lấy giấy vẽ ra, mọi người xung quanh yên lặng đến lạ, không một ai dám gây ra bất kì tiếng động gì. 3 giờ trôi qua, ông Từ gỡ giá tranh, đưa cho người con út của ông cụ đã khuất ( năm đó ông này 85 tuổi). Người con út đón lấy, nước mắt giàn giụa, tay run cầm cập thốt lên: “Bố ơi! Bố đã được về với con, với cháu rồi!”. Nhớ lại phút giây nghẹn ngào ấy, ông tâm sự: “Dù không khóc thành tiếng, nhưng trong tim tôi nấc lên từng nhịp vì tự hào, vì tài năng của mình đã đem lại hạnh phúc cho đời, cho cả người đã ra đi từ rất lâu rồi!”.

      Truyền nhân đi lạc

      Ở tuổi gần đất xa trời, mong ước lớn nhất của nghệ sĩ Từ Hoa Lợi giờ đây không gì khác ngoài tìm được người nối nghiệp. Với ông, mong ước được xóa bỏ danh hiệu “người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn” chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy. Đã biết bao nhà báo đến đây, biết bao ekip đến ghi hình,… họ đều mang theo câu hỏi “có phải ông là người vẽ truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn?”. Mỗi một lần gật đầu trả lời là mỗi lần trái tim người nghệ sĩ già thêm thổn thức.

      Suốt chừng ấy thời gian theo nghề, niềm tự hào lớn nhất của ông chính là cả ba người con trai đầu đều được ông dẫn dắt theo nghiệp vẽ, nhưng buồn thay: “Cả cuộc đời tôi vẽ truyền thần, sinh con ra đào tạo cho chúng nó thành tài, nhưng không ngờ một ngày con trai tôi bảo rằng ba hãy thông cảm cho con vì con không đủ kiên trì để ngồi trên bàn vẽ suốt 5 tiếng đồng hồ!”, ông nghẹn ngào chia sẻ. Rồi các con trai lần lượt theo nghề kiến trúc sư, chăm chút vào những bản vẽ nhà cửa, sân vườn… chẳng còn mảy may đến cái gọi là “truyền thần” mà chính cha mình đã dành cả đời theo đuổi. Được biết, trước đây ông có nhận dạy hai người học nghề. Sau khi học xong, họ tự mở cửa hiệu riêng nhưng khoảng 5,6 năm sau thì đóng cửa và chuyển sang kinh doanh. Bởi thế, để sống được với nghề đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tâm huyết dữ dội và tinh thần “sống chết” với nghề, không đủ tâm thì tự ắt duyên sẽ hết, nghiệp cứ thế mà vơi.

      Với những hy vọng mong manh trước bờ vực sinh tử của nghề, ông Từ vẫn luôn thắp lên trong mình niềm hy vọng bé nhỏ, rằng trên cuộc đời những người thực sự yêu thích nghệ thuật truyền thần sẽ trở lại và cùng nhau vực dậy nó bằng chính tâm huyết của mình. Nhưng bây giờ, giữa thời đại số hóa, những truyền nhân vẫn đang đi lạc đâu đó, chưa tìm được… lối về. Trong bầu không khí ảm đạm đó, tôi đành cắt ngang bằng một câu đùa: “80 tuổi rồi, bao lâu thì ông định ngừng vẽ?”. Chẳng cần nghĩ ngợi xa xôi, ông dứt khoát: “Bao giờ Trời Phật không cho nữa thì thôi!”. Nói đoạn, ông phì cười, đưa tay lên xoa xoa tờ giấy trên giá vẽ rồi đặt cây bút lên phác họa vài nét, một gương mặt người lại hiện ra…

      Vài nét về nghệ thuật truyền thần

      Từ những năm 60 của thế kỉ trước, nghề vẽ tranh truyền thần rộ lên như một hiện tượng. Cửa hiệu vẽ tranh truyền thần mọc lên khắp nơi, chen chúc nhau trên phố, từ đó một bước đưa nghề này vào giai đoạn hoàng kim. Truyền thần vốn là một loại hình nghệ thuật kí họa, tái hiện lại đường nét, thần thái trên gương mặt con người dựa trên mặt người hoặc bản mẫu ( tranh, ảnh) … Thời điểm sau chiến tranh, chẳng có máy ảnh hay bất kì phương tiện ghi hình nào để lưu giữ di ảnh người đã khuất, nên người thân tìm đến nghề vẽ tranh truyền thần như một cứu cánh. Nhờ vào nghệ thuật truyền thần, mà những bức ảnh bị hư hại được phục hồi, tấm ảnh chụp tập thể có thể biến thành một tấm ảnh chân dung,… Nhưng trên hết, truyền thần đúng như cái tên của nó, không chỉ vẽ lại chính xác từng đường nét, chi tiết của gương mặt, mà còn thổi vào bức vẽ linh hồn của nhân vật, một cách chân thật và gần gũi. Từ đặc điểm trên, truyền thần trở thành một điểm tựa tâm linh trong biết bao trái tim người Việt Nam đương thời. Họ tìm về truyền thần như một hình thức để tưởng nhớ cha ông, về những người cả một đời không có một tấm ảnh...

      Phùng Hạo

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016


      Có thể bạn quan tâm

      Sự kiện

      Chính thức khởi động IMPACT 2024 - Chuỗi đào tạo về chủ đề Social Marketing

      11/04/2024

      Vào tháng Tư tới đây, Câu lạc bộ Marketing Trường Đại học Ngoại thương - MaC FTU chính thức khởi ...

      Sự kiện

      “Inside Out - Insight Found” - Workshop chuyện ngành sáng tạo thu hút đông đảo các bạn trẻ

      05/04/2024

      Ngày 31/3 vừa qua, Workshop “Inside Out - Insight Found” với sự góp mặt của Content Creator Phúc ...

      Sự kiện

      CHÍNH THỨC MỞ ĐƠN EXBROAD RUNWAY 2024 - SHARPEN TOOLS, SHARPER MIND

      03/04/2024

      Exbroad Runway, cuộc thi mang đậm dấu ấn thương hiệu CLB Du học trường Đại học Ngoại thương SAC ...

      Sự kiện

      WORKSHOP LÀM TRANH ĐÔNG HỒ - HỌA NÉT ĐÔNG HỒ

      27/03/2024

      Họa Nét Đông Hồ là workshop được tạo ra với mục đích tôn vinh và lan tỏa giá trị của dòng tranh ...