Tổng Kết Buổi Tọa Đàm “Gap Year - Thanh Xuân Của Tôi  | Edu2Review
💡 Ưu đãi giới hạn từ ILA: Giảm đến 45% học phí lớp tiếng Anh chuẩn Cambridge
💡 Ưu đãi giới hạn từ ILA: Giảm đến 45% học phí lớp tiếng Anh chuẩn Cambridge
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?

      Tổng Kết Buổi Tọa Đàm “Gap Year - Thanh Xuân Của Tôi 

      Cập nhật lúc 25/01/2019 23:18
      18:30 ngày 10/01/2019 tại phòng Trần Đại Nghĩa thuộc khuôn viên SIHUB đã diễn ra buổi tọa đàm “Gap year - Thanh xuân của tôi” do EPIC School và Innovative Leadership Club (ILC) đồng tổ chức.

      Buổi tọa đàm diễn ra trong không gian ấm cúng, cởi mở với chia sẻ đến từ 04 cựu “gapper”: Thùy Trang - quản lý LSLC, blogger Trang PS, Thư Vũ - sáng lập DPET và Tài năng trẻ TP. HCM 2018 Thảo Vy.

      Mở đầu, sáng lập viên của ILC - anh Trương Đoàn Huỳnh Long khiến cả khán phòng bất ngờ bằng câu chuyện gap year của chính mình. Với anh, tiếng gọi bên trong đã thôi thúc bản thân sống cuộc đời mình mong muốn, khiến anh sẵn sàng nghỉ việc và lên đường chu du khắp Việt Nam với vỏn vẹn... 5 triệu đồng. Sự “phi thường” ấy, như cách gọi của MC Thảo Vy, đã mang không khí thanh xuân về với buổi tọa đàm.

      5 triệu đi khắp Việt Nam!

      5 triệu đi khắp Việt Nam!

      Tiếp nối, diễn giả Thư Vũ, cô gái chọn gap year một cách đầy ngẫu hứng ngay khi vừa kết thúc năm nhất đại học đã gây ấn tượng với câu chuyện “học làm người bình thường”. Thư của năm 2014 sống cuộc đời như bao sinh viên đại học khác, cho đến khi vòng lặp ấy khiến cô mệt mỏi. Và gap year đến với Thư như một quãng nghỉ, để “phục hồi và chuẩn bị”. Từ tiệm cà phê 1908 cho đến khi sáng lập DPET với đồng đội và chinh phục những cung đường, Thư nhận ra hạnh phúc của mình nằm ở chính sự bình an nội tại. Khép lại quãng nghỉ đó, điều còn ở lại với Thư là lòng can đảm vượt qua nỗi sợ và đường dẫn tới thế giới của nội tâm.

      Đi thật xa để tìm thấy bình an nội tại.

      Đi thật xa để tìm thấy bình an nội tại.

      Khác với Thư Vũ đi thật xa để tìm chính mình, blogger Trang PS chọn cho mình cách “hiểu người để hiểu mình”. Với lối kể chân thật, Trang PS đưa người nghe đến với gap year thông qua các từ khóa. #mentor, theo Trang, việc có một người thầy để dẫn lối bản thân là điều kiện tiên quyết. Đó cũng là lý do cô từ bỏ ngôi trường Ngoại thương để đi tìm người thầy của mình. #mối quan hệ sinh tài chính, đúc kết từ gap year, Trang PS nhấn mạnh việc gây dựng mạng lưới quan hệ bởi “những người ở gần nhau sẽ ảnh hưởng lẫn nhau”. Vì thế, để bản thân có thể tiến bộ và tích cực, việc bao quanh mình bởi những cá nhân tích cực là cần thiết. Đây cũng là thông điệp của cô khi nói về gap year “Phải học hỏi được điều gì đó từ người lạ trước khi hai bên tạm biệt nhau”.

      Các mối quan hệ sinh tài chính là mấu chốt để thành công.

      Các mối quan hệ sinh tài chính là mấu chốt để thành công.

      Không kém phần ấn tượng, chị Trương Thị Thùy Trang bắt đầu câu chuyện bằng một bản hồ sơ điển hình chuẩn chỉnh, có phần “nhạt nhẽo”. Và câu chuyện của chị chính là phần “gap” giữa bộ hồ sơ nhạt nhẽo ban đầu và bảng thành tích ấn tượng đó. Gap year của chị không hề bằng phẳng, mà được đánh dấu bởi những lần cãi lời gia đình. Khoảnh khắc chị mặc kệ sự phản đối gay gắt của cha mẹ, vay mượn 20 triệu đồng để đi Philippin tham dự khóa học mở đầu cho hành trình đầy thử thách ấy.

      "Cái gì càng khó, càng đáng giá!"

      Nhưng như chị đúc kết, “cái gì càng khó, càng đáng giá”. Quả thật, chính chuyến đi định mệnh ấy đã đưa chị đến với hơn 10 quốc gia từ Đông Nam Á, cho đến Tây Á. Từ miền đất đầy huyền bí như Nepal cho đến tắm mình trong dòng sông Hằng huyền thoại…Để khép lại, chị Trang chiếu lại hình ảnh bản thân nhảy bungee jump từ đỉnh thác cao nhất Ấn Độ. Chị nói, gap year cũng như nhảy bungee, trước khi nhảy thì đầy lo sợ, lúc nhảy rồi thì thấy như không có điểm tựa, không ai nâng đỡ, nhưng đến cuối cùng thì nhận ra luôn có sợi dây giữ lấy mình, giúp mình tìm ra phương hướng.

      "Gap year cũng giống như nhảy bungee..." (Nguồn: vtimes)

      Buổi tọa đàm kết thúc để lại nhiều cảm xúc khó quên trong lòng người tham dự. Với những ai chưa hiểu rõ, thì nay đã biết không hề có công thức chung cho gap year, mà đó, phụ thuộc vào hành trình đi tìm chính mình của mỗi người. Với những người đã có sẵn dự định gap, thì lại cảm thấy như được củng cố thêm niềm tin để đặt bước chân đầu trên hành trình “khó mà đáng” ấy. Còn với những ai chưa tìm được lối đi giữa cuộc đời, gap year có thể là lựa chọn để họ “phục hồi và chuẩn bị”, hoặc có thể là hành trình “làm việc cật lực” với nỗ lực “hiểu người để hiểu mình”. Hoặc chỉ đơn giản, gap year là “dành thời gian để tìm hiểu về thế giới khác quan trọng hơn - chính bản thân mình”.