NÓN LÁ - Xóm “miền Tây” – những con người hào sảng | Edu2Review
💡 Ưu đãi giới hạn từ ILA: Giảm đến 45% học phí lớp tiếng Anh chuẩn Cambridge
💡 Ưu đãi giới hạn từ ILA: Giảm đến 45% học phí lớp tiếng Anh chuẩn Cambridge
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?

      NÓN LÁ - Xóm “miền Tây” – những con người hào sảng

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      Xóm “miền Tây” ven rạch Bà Bướm, dưới chân cầu Phú Mỹ, nằm trong dự án quy hoạch xây dựng khu đô thị và công viên (thuộc phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM).

      Những người phụ nữ làm nội trợ, trẻ em phụ mẹ nhặt rau, rạch Bà Bướm “bao nước vô thời hạn”

      Xóm “miền Tây” ven rạch Bà Bướm, dưới chân cầu Phú Mỹ, nằm trong dự án quy hoạch xây dựng khu đô thị và công viên (thuộc phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM). Những người lao động nghèo tại đây buộc phải dời đi. Hơn chục hộ còn bám trụ đang đối diện với nhiều khó khăn nhưng họ vẫn giữ được những nét hào sảng, hồn hậu hệt như người miền Tây.

      Bến muôn phương

      Đi loanh quanh cả buổi sáng, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ lầy lội trong những ngày mưa lớn, con đường chất đầy sỏi đá và cát xây dựng. Xóm “miền Tây” nằm khuất sau những rừng cây đứng tuổi và những rặng dừa nước lâu năm chưa được khai phá. Xóm không có đường đi, lối vào chỉ có mấy miếng gạch và hai tấm ván lót tạm.

      Đi sâu thêm một chút, chúng tôi chỉ thấy vài căn chòi tạm bợ, còn lại mấy chiếc ghe mục nát cũ kĩ, ọp ẹp nằm ì ạch trên những đoạn nước cạn.

      Chúng tôi e dè đi vào lòng xóm, chú Út Trước (Đặng Văn Trước, 61 tuổi) một tay chống gậy, tay kia cầm bình trà từ dưới ghe khập khiễng bước lên mời chúng tôi vào căn chòi nhỏ tiếp chuyện. Sau những câu chào hỏi thông thường, những người khác cũng gác lại công chuyện để tỏ lòng thương mến dành cho khách phương xa. Chúng tôi bắt đầu im lặng bởi sức hấp dẫn từ cách nói chuyện quá đỗi mộc mạc “đính kèm” một vài câu tục. Mỗi câu chuyện kể ra như là một lát cắt cuộc đời mà nếu không đến đây, chúng tôi không thể nào hình dung được.

      Như nhìn thấu tâm tình lữ khách, chú Út Trước ngồi nâng niu tấm ảnh cũ, uống một ngụm trà, rít mấy hơi thuốc, hào phóng kể chuyện cuộc đời. Chú kể hồi đó chỗ này vui lắm. Bà con tứ xứ tề tụ về đây, gặp nhau nhóm thành làng, thành xóm nên coi nhau như ruột thịt. Cũng tối lửa tắt đèn có nhau không khác gì cái văn hóa làng xã trong truyền thống Nam Bộ xưa.

      Chú Út cho biết trước đây ven rạch Bà Bướm có hơn 40 gia đình sinh sống, đa phần là người dân nhập cư từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh… chỉ một số ít là người dân địa phương gốc.

      Chính xác là mấy chục năm thì chú Út Trước không còn nhớ, chỉ biết rằng cái xóm này đã tồn tại ngay từ khi chú còn rất nhỏ. Do cuộc sống mưu sinh vất vả, người dân phương Nam lưu lạc đến vùng đất này. Thấy làm ăn có vẻ “được” nên người ta thả neo, lập nghiệp. Từ đó, ven rạch Bà Bướm mọc lên “khu dân cư” không điện, không nước, không hộ khẩu, người ta sống tạm bợ trên những chiếc ghe cũ kĩ, chật hẹp.

      “Dân nhập cư thì ở đâu có ruộng, có vườn mà cất nhà. Đất thương cho được miếng ăn qua ngày là mừng lắm rồi. Mấy người gốc ở đây thì may mắn hơn còn có được cục đất mà cất chòi ở tạm. Nhưng nhập cư hay không nhập cư cũng vậy, người ta sống như nhau hết. Nhờ đó mà tồn tại qua mấy chục năm.” – chú Út kể.

      Không có điện thì câu nhờ điện từ những hộ ở trên đất liền, không có nước sạch nên họ phải mua từng bình nước lọc để uống, đổi từng thùng nước từ chợ để nấu nướng. Những sinh hoạt thông thường như tắm rửa, giặt giũ thì rạch Bà Bướm cũng hào phóng “bao nước vô thời hạn”. Là dân tứ xứ, sống lênh đênh trên ghe nên cũng không có hộ khẩu hay tạm trú tạm vắng.

      Những người dân lao động nghèo, ít ăn ít học, công việc mưu sinh cũng chỉ biết dựa vào đất và nước như đặt lưới cá, thả câu đêm, đặt luồng, đặt lợp… Ai có sức vóc thì chạy ghe mướn cho người ta. Nhà nào có chút vốn thì “đầu tư” nuôi thêm mấy con heo, con gà.

      Anh Thành (Nguyễn Thanh Trọng, 42 tuổi) tiếp lời chú Út: “Ở đây coi khổ vậy chứ ít nhất là còn sống được. Mấy cái nghề này giàu thì không dám mơ nhưng biểu chết đói thì cũng khó. Siêng làm một chút thì cơm ngày 3 bữa không thành vấn đề. Chỉ tội mấy đứa nhỏ không được ăn học đàng hoàng. Mình không lo được học phí cho tụi nó để học cao nhưng cũng cố làm sao cho đứa nào cũng đọc được chữ”.

      Từ ngày cầu Phú Mỹ thông xe, phường Phú Thuận cũng bắt đầu nhộn nhịp. Nhưng xóm “miền Tây” vẫn chắt chiu từng giọt nước sạch, từng giây phút sáng đèn, vẫn len lỏi giữa lòng đô thị qua mấy chục năm.

      Đất hết tình, sông cũng cạn nghĩa

      Hồi tưởng về quá khứ, dòng cảm xúc của chúng tôi bị gián đoạn khi mấy đứa trẻ con cả người ướt như chuột lột, lấm lem bùn đất, cầm trên tay mấy cây sắt vụn nhặt được, chạy sòng sọc ngang căn chòi. Chị Năm (Nguyễn Thị Năm, 30 tuổi) gọi hai đứa con gái trong đám lại bảo: “Chào mấy chú đi con! Mấy chú ở trong Thành phố tới thăm xóm mình đó!”.

      Hai đứa con gái, đứa lớn tầm 8 tuổi, đứa nhỏ chừng 3 tuổi cúi đầu chào rồi trố mắt nhìn. Có lẽ đã rất lâu không có ai bước vào xóm làm khách như chúng tôi. Dứt lời, đứa con gái lớn nhảy xuống rạch hồn nhiên đùa giỡn cùng đám con nít. Mấy đứa con trai núp trong những bụi dừa nước chơi chọi sình.

      Nhìn mấy đứa nhỏ, chị Năm thở dài: “Vợ chồng chị làm nghề thả lưới, mỗi ngày kiếm được cỡ một trăm nghìn đồng. Tính ra mỗi tháng gần 3 triệu trừ tiền điện câu nhờ và tiền đi đổi nước khoảng 2 trăm rưỡi ra thì phần còn lại cũng không lấy gì làm đủ cho bốn miệng ăn nhưng vẫn sống được tới bây giờ”.

      Từ hồi khu dân cư mọc lên, rạch Bà Bướm bị thu hẹp đáng kể, tôm cá cũng không còn bao nhiêu. Bên cạnh nghề sông nước, vợ chồng chị cùng với những người lao động khác tranh thủ đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy để bù lại phần tôm cá bị hao hụt. Còn mấy đứa con chị thì chạy theo mấy người làm công trình để “mót” ít sắt vụn về bán, phụ giúp cha mẹ phần nào.

      Dự án quy hoạch khu dân cư, công viên được triển khai, toàn bộ đất đai khu vực con rạch và vùng lân cận bị thu hồi. Hơn một năm qua, người dân không biết bao nhiêu lần bị “đuổi”. Những hộ nào có được căn nhà còn được hỗ trợ 10 triệu đồng để di dời còn những gia đình sống trên ghe thì chịu “trắng tay”. Nhiều người đã “dứt áo ra đi” tìm sinh kế khác. Hiện tại xóm miền Tây đã tan rã gần hết, chỉ còn hơn chục hộ bám trụ, đa phần là những hộ không được hỗ trợ.

      Đời sống quá khó khăn, chiếc ghe neo đậu mấy chục năm đã cũ kĩ không thể tách bến được nữa, lại thêm đã quen với cách sống rất riêng của xóm miền Tây nên hơn chục hộ gia đình chấp nhận cảnh nay xua mai đuổi. Anh Trần Thanh Điền (chồng chị Năm) tâm sự: “Bây giờ công trình chưa đi sâu vào đây thì mình cố ở. Chứ bây giờ mà đi cũng không biết đi đâu. Nhưng sớm muộn gì thì cũng đi. Chỉ mong sao người ta chịu để lại cục đất cắm dùi để dựng đỡ cái chòi lá ở cũng vui” – giọt nước mắt chị Năm tuôn dài theo từng câu nói của chồng.

      Chú Tư (nhân vật xin giấu tên, 56 tuổi) có chút điều kiện hơn so với những hộ còn lại. Gia đình chú nuôi được đàn heo rừng trang trải cuộc sống. Nhìn mười mấy con heo con chen chút nhau tranh sữa mẹ, chú chán nản: “Tuổi của chú bây giờ là hết hi vọng rồi. Kiếm được chỗ này dung thân, nuôi mấy con heo lo cho con cháu cũng mừng. Bây giờ con cái lớn hết rồi, đang đi làm ổn định nhưng mai mốt người ta đuổi thiệt tụi nó lại cũng bấp bênh như mình hồi trước. Còn mấy con heo này nữa, chắc phải bán mẹ bán con hết chứ biết sao!”.

      Chúng tôi cảm nhận rất rõ cuộc sống bình yên của xóm “miền Tây” đang bị đe dọa và có nguy cơ “xóa sổ” khỏi rạch Bà Bướm. Mấy chục năm lặng lẽ sống “bên cạnh” đô thị, nay những người lao động lại phải “nhổ neo lên đường”, đối diện cảnh trôi nổi thập phương tứ xứ.

      Với xóm miền Tây, cái nghèo, cái khổ đã quá quen thuộc nhưng nỗi lo lớn nhất của họ là chỗ ở, là không gian sống bình yên, là cái “nghĩa sông tình đất” mất chục năm nay. Bây giờ “đất hết tình, sông cạn nghĩa” thì “xóm miền Tây” tất phải tự cứu lấy mình. Không thì nguy cơ xóa sổ khỏi rạch Bà Bướm là điều khó tránh khỏi.

      “Đời nó bạc chứ lòng người không bạc”

      Trải qua bao thăng trầm đổi thay của Thành phố, nhất là khu vực Quận 7, dưới chân cầu Phú Mỹ, xóm “miền Tây” vẫn vẹn nguyên những nét hồn hậu, hào sảng và một lối sống thanh bình, giản dị. Mỗi con người trong xóm là một số phận rất điển hình. Có thể nói chú Út Trước là hiện thân hoàn hảo của một “ông già Nam Bộ”.

      Không may mắn như nhiều người khác, chú Út Trước đã gửi một chân lại chiến trường Nam Bộ xưa. Không con cháu, không họ hàng, chú chỉ có người bạn đời làm niềm an ủi. Cách đây 5 năm, vợ chú không may bị tai nạn lao động qua đời, bỏ lại một mình chú trôi nổi theo con nước lớn ròng. Chú suy sụp hoàn toàn nhưng chính cái xóm “miền Tây” này đã vực chú đứng dậy. Mất đi người vợ trăm năm, bù lại chú có thêm rất nhiều đứa con, đứa cháu.

      Không chỉ là chốn dung thân, với chú, cái xóm lao động nghèo này đã trở thành một đại gia đình, một nơi lưu giữ nhiều hồi ức đẹp và thay thế cho một phần cơ thể bị khiếm khuyết của chú. “Khổ thì quen lâu rồi! Đời khổ nhưng mà vui, những lúc buồn thì mình tự hát rồi tự quên. Ở đây hàng xóm nghèo mà thân tình, đời nó bạc chứ lòng người không bạc!” – chú Út xoa đầu con mèo rồi ôm chặt nó vào lòng như một người bạn.

      Chú Út cho biết hồi chưa quy hoạch, rạch Bà Bướm heo hút người qua lại. Những buổi tối, cả xóm ra mấy gò cao nhóm đống lửa rồi ngồi quay quần lại nói chuyện. Người nào “bội thu” trong ngày hoặc mới lãnh lương thì chuẩn bị tí rượu thịt. Người nào “thất thu” cũng nhảy vào uống cho thấy an ủi rồi tự nhủ “ngày mai sẽ khá hơn”. Mấy đứa trẻ con chạy lon ton nhặt đừng đám lá khô tung vào cho ngọn lửa bùng lên thật to rồi nhảy nhót xung quanh, ca hát tưng bừng cùng với một nụ cười bừng sáng.

      Lá cháy hết, lửa lịm dần, những nụ cười chợp tắt, mọi người lại trở về chuẩn bị cho cuộc mưu sinh. Cuộc sống đơn giản, thầm lặng nhưng vẫn còn chút động lực để “cả đám người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng”.

      Đến khi quy hoạch khu đô thị, dân cư và công viên thì không còn chỗ để đốt lửa. Cái sự mong đợi ấy cũng tan biến. Những người ở lại dù thưa thớt quá nhưng vẫn quyết tâm bám trụ. “Khổ thì khổ chứ đi làm sao cho đành. Gắn bó ghe xuồng sông nước quen rồi. Bây giờ mà kêu lên bờ, sống cảnh ‘khô khan’ không chịu nổi đâu! Giờ chỉ còn hơn 10 ghe, giá mà người ta đừng đuổi để chòm xóm có nhau như thế này thì tốt quá!” – chú Út nhìn xa xăm – “Hôm nay còn ngồi đây nói chuyện như thế này, ngày mai người ta lại đuổi rồi mỗi người mỗi ngả chưa biết sẽ ra sao?”.

      Không có những “đêm liên hoan” bên đống lửa thì mỗi sáng sớm hoặc chiều tối, những người lớn tuổi vẫn thường ngồi lại nói chuyện với nhau, thanh niên thì đứng xung quanh lắng nghe. Cứ một ly nước trà, một điếu thuốc hút là đủ quên hết những muộn phiền trong cuộc sống. Những khi trời trở lạnh còn có được mấy bịch cà phê, người trẻ say sưa uống cho ấm môi, người già ngồi nhâm nhi làn khói gợi nhớ về quá khứ cũng thấy ấm lòng.

      Cuộc sống bấp bênh theo con nước, xóm “miền Tây” tồn tại giữa lòng đô thị nhưng lại tách biệt hoàn toàn với những phồn hoa, náo nhiệt bên ngoài. Trên cầu Phú Mỹ, xe cộ và dòng người giao thương luôn tấp nập thì dưới chân cầu, ven rạch Bà Bướm, những người lao động nghèo vẫn len lỏi để tồn tại qua bao năm tháng, nhen nhóm một ngọn lửa khác, rất mong manh, “liu riu” mấy chục năm. Đến nay có lẽ là lúc sắp lụi tàn.

      Màng đêm buông xuống, xóm “miền Tây” khuất dần trong những đám dừa nước và rừng cây, chìm hẳn dưới chân cầu rực rỡ. Đâu đó còn xót lại vài sợi sáng lọt ra từ những khe gỗ của vành ghe, cửa sổ hay đèn soi nhái. Chỉ loáng thoáng tiếng cười của mấy đứa trẻ lớn trầm mình dưới ao bắt ốc, trẻ nhỏ nô đùa tranh nhau con heo đất ôm ngủ, tiếng đi qua đi lại của mấy người phụ nữ, tiếng cụng ly của cánh đàn ông.

      Chỉ có câu vọng cổ của chú Út vang vọng cả một vùng: “Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng tôi đã ớn lạnh sao gió đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rã cánh rụng tơi... bời. Người cũ giờ đây đã vắng dạng lâu rồi. Mây lang thang trôi về nơi vô định, sương khói nhạt nhoà hoa thắm cũng buồn trôi…”.

      Dưới đây là một số hình ảnh:

      Mấy đứa con nít trong sớm sau khi đi mót sắt vụn, hồn nhiên nhảy xuống rạch tắm rửa, đùa giỡn

      Những đứa trẻ lấy heo đất (với những đồng lẻ kiếm được từ việc bán sắt vụn) làm gối ôm khi ngủ như ôm ấp một giấc mơ đổi đời sau này

      Người dân lao động nghèo, ít ăn ít học, công việc mưu sinh cũng chỉ biết dựa vào đất và nước như đặt lưới cá, thả câu đêm, đặt luồng, đặt lợp… Ai có sức vóc thì chạy ghe mướn cho người ta. Nhà nào có chút vốn thì “đầu tư” chăn nuôi

      Chú Út Trước ngồi nâng niu tấm ảnh cũ, uống một ngụm trà, rít mấy hơi thuốc, hào phóng kể chuyện cuộc đời

      Cuộc sống khó khăn nhưng xóm miền Tây luôn hiếu khách. Mâm cơm đón lữ khách là thành quả lao động nhiều ngày của cả xóm. Cơm đạm bạc, rượu cay nồng mà ấm tình xứ sở.

      THANH ĐỨC - CHÍ HÀO

      Nhóm Nón Lá

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016