Kỹ năng mềm khi đi xin việc, bạn đã biết chưa? (Nguồn: yourjobs)
Sinh viên đi thực tập không còn xa lạ gì với các nhà tuyển dụng, họ cần nhân lực nhưng sinh viên vẫn không kiếm được việc làm. Có thể nói kiến thức các bạn không thiếu nhưng kỹ năng xin việc mới quyết định rằng bạn có gây ấn tượng với họ hay không? Hãy để Edu2Review gợi ý các kỹ năng sau đây để tự tin “xin đâu trúng đó” khi đi thực tập, bạn nhé!
Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH". Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher
Khi xin việc, bước đầu tiên để bạn gây chú ý cho nhà tuyển dụng đó là viết Thư xin việc (Cover letter) và Sơ yếu lý lịch (CV) rồi gửi đến công ty hoặc gửi qua đường Email. Có thể bạn nghĩ việc này đơn giản nhưng nếu bạn không làm tốt thì cơ hội được gọi đi phỏng vấn gần như bằng 0.
Bạn có thể tìm cách viết Cover letter và CV đúng chuẩn trên các website giới thiệu việc làm, nhưng bên cạnh đó, hãy tham khảo một số kỹ năng xin việc để chắc chắn rằng bạn sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng từ những chi tiết nhỏ nhất.
1. Kỹ năng viết CV
Nội dung của một CV xin việc hiệu quả, rõ ràng bao gồm: thông tin cá nhân ứng viên, trình độ học vấn, kỹ năng làm việc, kinh nghiệm làm việc, mục tiêu nghề nghiệp, năng khiếu sở thích bản thân.
Viết CV tuy dễ mà khó, dưới đây là một vài lưu ý cho bạn (Nguồn: 1001vieclam)
Tổng hợp các lỗi thường gặp, cần tránh khi viết CV:
- Không có bằng chứng đầy đủ:
Những thông tin vô căn cứ sẽ không được chấp nhận. Bạn nên chứng minh bạn có những gì nhà tuyển dụng cần để đưa ra ví dụ trong CV của mình. Ví dụ: Một mẫu dự án bạn đã thực hiện và thành công, các văn bằng chứng chỉ…
- Quá chung chung:
Nhiều ứng viên thường chỉ viết CV xin việc theo một mẫu chung chung vì họ muốn giữ những lựa chọn khác nữa, Chắc chắn rằng với một CV chung chung như vậy, sẽ chẳng để lại ấn tượng gì cho nhà tuyển dụng và chả có lý do gì để họ chọn bạn. Bạn cần thể hiện một cách rõ ràng mình là ai, làm được điều gì và có điểm nào phù hợp với công việc đang ứng tuyển.
- Dài dòng:
Bạn nên viết những gì đúng sự thật, ngắn gọn, dễ nhìn và quan trọng nhất tạo thiện cảm khi đọc với nhà tuyển dụng. Việc bạn nói nhiều về điểm tốt của bản thân đôi khi lại tạo hiệu ứng ngược, khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ và khắt khe hơn khi phỏng vấn trực tiếp.
- Lỗi chính tả:
Nhiều CV xin việc có các lỗi chính tả và thường bị loại ngay từ đầu. CV của bạn cần phải hoàn hảo nếu bạn muốn chứng minh tính chuyên nghiệp và thể hiện sự chú ý đến từng chi tiết.
2. Kỹ năng viết Cover Letter
Thư xin việc (cover letter) là một bản viết để nhà tuyển dụng dựa vào đó chọn, sàng lọc ra những ứng viên có cơ hội lọt vào vòng phỏng vấn. Để có một thư xin việc hiệu quả, bạn cần làm nổi bật những kĩ năng và kinh nghiệm của mình mà có thể áp dụng vào công việc một cách tốt nhất để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Nếu Cover letter của bạn đơn điệu và nhàm chán, thì bạn đã lỡ mất cơ hội cho công việc (Nguồn: ITviec)
Một số quy tắc khi viết thư xin việc:
- Ghi rõ cụ thể tên của người nhận đơn, vị trí, công ty muốn xin việc.
- Đơn xin việc cần có nội dung chính xác và thực tế, không quá một trang giấy. Tránh ngôn ngữ hoa mỹ.
- Thể hiện được những phẩm chất và năng lực phù hợp với công việc theo yêu cầu ở bản mô tả công việc và những kỹ năng yêu cầu. Đưa ra những ví dụ ngắn gọn.
- Đặt mình vào vị trí của người đọc. Bạn có thể nói gì để thuyết phục người đọc rằng bạn sẵn sàng và có thể làm được việc.
- Hãy nhớ rằng đây là một công cụ marketing. Vì vậy nên sử dụng rất nhiều từ ngữ chỉ hành động.
- Nhờ ai đó đọc và kiểm tra kỹ lại đơn xin việc của bạn.
- Nên chuyển sang dạng file pdf, kiểm tra lại format của bạn xem đã phù hợp chưa.
3. Kỹ năng viết Email
Bạn đã có CV và Cover Letter nhưng việc gửi đến nhà tuyển dụng cũng gian nan không kém. Viết và gửi Email thật hiệu quả để thông tin của bạn mau chóng đến tay nhà tuyển dụng nhé.
Viết Email đúng cách để nhà tuyển dụng phải “click” vào xem ngay (Nguồn: blogtimviec)
- Cách chọn địa chỉ Email:
Bạn nên chọn một Email "nghiêm túc", ví dụ như [email protected] (hoặc @gmail.com), hoặc một Email tương tự kiểu như thế để sử dụng xin việc làm cũng như sử dụng lâu dài trong quá trình làm việc sau này. Nhà tuyển dụng sẽ thấy được sự thành thật và chỉnh chu với công việc bạn muốn ứng tuyển.
- Tên file đính kèm:
Khi gửi kèm resume, thư xin việc hay bất cứ tài liệu nào khác theo yêu cầu của công ty, hãy dảm bảo rằng tên của tài liệu ấy có chứa tên của bạn, ví dụ như ‘lindsay_smith_resume.pdf’. Đừng quên rằng số đơn xin việc gửi đến nhà tuyển dụng có thể lên tới 100 hoặc hơn, hãy để nhà tuyển dụng phải nhớ đến bạn. Bên cạnh đó, gửi các tập tin dạng pdf sẽ đảm bảo quy cách trong các tài liệu sẽ không bị thay đổi.
- Điền tiêu đề Email hợp lý:
Không được để trống dòng chủ đề, hoặc dùng một chủ đề chung chung như “xin chào”. Hãy cho nhà tuyển dụng nhận biết ngay mục đích Email của bạn tại ngay khi mở hòm mail, ví dụ: “Đơn xin ứng cử vào vị trí Giám đốc bán hàng”, như vậy bạn sẽ có cơ hội được xem xét ngay hoặc nhà tuyển dụng dễ dàng tìm lại vào ngày hôm sau.
- Nội dung Email:
Không để trống mail, sẽ chẳng nhà tuyển dụng nào cho rằng bạn có thiện trí và tác phong làm việc tốt nếu chỉ quăng qua và cái tệp và không nói gì cả. Hãy để nội dung xin việc tóm tắt vào mail vì nó sẽ giúp người nhận (nhân sự) có thể đọc ngay và có được cái thông tin ban đầu về bạn mà không cần phải tải CV hay Cover Letter về (khi bạn đính kèm).
- Ghi thông tin liên lạc vào Email:
Những thông tin liên lạc đến bạn đã có trong hồ sơ của bạn, nhưng điều đó lại đòi hỏi nhà tuyển dụng phải mở file đính kèm để tìm những thông tin này. Một ý hay để giải quyết vấn đề này là bạn hãy là ghi tất cả thông tin liên lạc của bạn trong phần chính của Email.
- Đọc lại Email và kiểm tra lỗi chính tả:
Hãy chuyên nghiệp và đọc lại hồ sơ một cách cẩn thận. Sai lỗi chính tả rất khó chấp nhận, điều đó sẽ cho thấy bạn là một người cẩu thả, không chuyên nghiệp. Nên nhớ rằng Email của bạn mà bạn không muốn đọc thì không ai muốn đọc.
4. Kỹ năng phỏng vấn
Các kỹ năng trên đều hướng tới mục đích duy nhất là được nhà tuyển dụng chú ý và mời phỏng vấn. Vì vậy, hãy chuẩn bị thật tốt khi đi phỏng vấn, ấn tượng lần đầu tiên rất quan trọng, quyết định thành bại của cả một quá trình rèn luyện, học tập và xin việc.
- Tự tin và bình tĩnh:
Sự tự tin chính là vũ khí quan trọng nhất giúp bạn chiến thắng trong phỏng vấn xin việc. Để thể hiện thái độ tự tin bạn hãy luôn nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng, trình bày vấn đề một cách mạch lạc không ấp úng hay lo sợ. Muốn có được sự tự tin trước hết bạn phải có một tinh thần thoải mái và đặc biệt là chuẩn bị những kiến thức chuyên môn kĩ càng.
Hình ảnh minh họa khi đi phỏng vấn (Nguồn: viecoi)
- Chú ý ngôn ngữ cơ thể:
Nhiều lúc bạn thất bại cũng chỉ bởi những hành động nhỏ vô tình như ngồi không thẳng lưng, hành động thừa thãi như gãi đầu, ánh mắt nhìn xuống… chứng tỏ bạn không hề tự tin với bản thân. Các nhà tuyển dụng thường cho rằng cơ thể truyền tải thông tin cảm xúc chân thật nhất của ứng viên.
- Chủ động đặt câu hỏi:
Việc bạn chủ động như đưa ra những câu hỏi, những thắc mắc thiết thực sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Thông qua những câu hỏi thông minh, bạn không chỉ tránh được căng thẳng, áp lực mà còn thể hiện khéo léo sự quan tâm của bạn đối với vị trí đang ứng tuyển.
- Đừng nói “không”, hãy tích cực nói “có”:
Khi phỏng vấn xin việc chắc chắn bạn sẽ gặp phải những câu hỏi không biết xử lý ra sao nhưng đừng vội trả lời rằng “Tôi không biết” - điều này chứng tỏ bạn là người thiếu năng lực. Thay vào đó bạn hãy khéo léo hơn đôi chút bằng cách “Tôi sẽ tìm hiểu vấn đề này” sẽ khiến nhà tuyển dụng hài lòng hơn bởi sự ham học hỏi của bạn.
Một số lưu ý khi xin việc:
Nếu các bạn sinh viên muốn ứng tuyển vào vị trí có yêu cầu trình độ tiếng Anh thì tốt nhất các bạn cần chuẩn bị 2 bộ hồ sơ bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, và nhớ liệt kê các bằng cấp Anh ngữ còn thời hạn sử dụng trong CV tiếng Anh của bạn.
Nếu cẩn thận hơn thì nên chuẩn bị thêm một số câu đối thoại tiếng Anh cơ bản về bản thân, chuyên môn, nghề nghiệp khi đi phỏng vấn. Chắc chắn rằng bạn sẽ không gặp lúng túng và xử lý tình huống kịp thời khi nhà tuyển dụng bất chợt hỏi tiếng Anh.
Chỉ cần một vài kỹ năng xin việc cùng với chút kiến thức chuyên ngành, bộ hồ sơ xin việc của bạn chắc chắn sẽ gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng, thêm vào đó là phong thái tự tin, chuyên nghiệp khi đi phỏng vấn thực tập. Mong bạn được nhà tuyển dụng yêu thích và có công việc thực tập ưng ý nhé.
Quang Vinh tổng hợp