Bên cạnh những bao lì xì đỏ thắm và những món ăn truyền thống, Tết cổ truyền còn gắn liền với những trò chơi dân gian trong các hội thi mùa xuân. Mỗi trò chơi thường đi kèm một phần thưởng khích lệ cho người chiến thắng, tạo ra niềm vui ngày Tết, đồng thời có ý nghĩa gắn kết mọi người nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Trước khi smartphone, tablet xuất hiện, Tết của chúng ta đã từng "dữ dội" như thế nào? Cùng Edu2Review du hành thời gian về với những trò chơi dân gian ngay thôi!
Kéo co
Kéo co là một trong những trò chơi tập thể phổ biến nhất trong văn hóa dân gian. Với một quy tắc rất đơn giản, trò chơi gồm hai đội, ngăn cách với nhau bởi vạch mức. Đội nào kéo được đội bạn sang vạch mức của mình là chiến thắng.
Trò chơi kéo co
Đập niêu đất
Trò chơi khá đơn giản và không đòi hỏi nhiều sức lực như kéo co. Người chơi sẽ bịt kín mắt và được trang bị một cây gậy có độ dài trung bình là 50cm.
Để chiến thắng, họ sẽ phải đi từ điểm xuất phát đến cái niêu có sẵn phía trước và đập trúng. Đây là trò chơi phổ biến trong các hội đình được tổ chức ở khu vực Bắc Bộ.
Trò chơi đập niêu, tưởng chừng như dễ nhưng không phải vậy đâu nhé
Đi cà kheo
Đây là trò chơi ít nhọc công chuẩn bị nhất bởi người chơi chỉ cần được trang bị cà kheo là có thể bắt đầu. Tuy nhiên, đi cà kheo lại kén người chơi không tưởng và chỉ dành cho những người yêu thích "cảm giác mạnh".
Người đi cà kheo cần có sự nhanh nhạy, nhịp nhàng để kết hợp với nhau đi trên cây cà kheo. Người giữ được thăng bằng trên cà kheo lâu nhất khi đến điểm đích sẽ là người chiến thắng.
Trò chơi đi cà kheo là một nghệ thuật và người chơi là một nghệ sỹ
Ô ăn quan
Ô ăn quan được xem là trò chơi dân gian có tính chiến thuật, gồm 2 hoặc 3 người chơi và sử dụng các vật liệu thi đấu đơn giản. Hai đội sẽ ngồi đối diện nhau, và có năm ô được vẽ ra, mỗi ô có 5 viên gạch tượng trưng cho quân mình, ngoài ra có 2 ô lớn cùng với 2 vật tượng trưng là quan.
Họ sẽ lần lượt nhau rải quân đi, cho đến khi ta có thấy 1 ô trống và sẽ được được ăn ô ngay trước đó. Sau đó khi ô quan hết quan thì ta kết thúc trò chơi và đếm ô quan. Người có nhiều ô qua nhất sẽ là người chiến thắng.
Hình ảnh trò chơi dân gian ô ăn quan đã được zingplay làm trò chơi online
Dù nguyên mẫu là trò chơi trẻ em, ô ăn quan lại được nhiều độ tuổi yêu mến vì luật chơi hấp dẫn và có thể chơi ở mọi lúc mọi nơi. Sự phổ biến này đã giúp ô an quan không có nguy cơ "tuyệt chủng" trong thời đại công nghệ 4.0 với hình thức chơi online đầy kịch tính, hấp dẫn.
Chọi gà
Chọi gà là một trò tiêu khiển phổ biến khắp vùng quê, tỉnh thành, đặc biệt ở những khu vực chăn nuôi gia cầm trọng điểm. Họ sẽ huấn luyện thể lực cùng với sức chiến đấu cho những chú gà chiến, sau đó đem đi thi đấu với nhau.
Trò chơi dân gian chọi gà rất được hưởng ứng ở nhiều nơi khắp Việt Nam
Cờ người
Cờ người là trò chơi dân gian được biến thể từ cờ tướng. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của trò chơi là việc sử dụng "con người" làm nước đi, thay vì "con tướng" như nguyên bản.
Vì sử dụng người thi đấu với nhau nên trò chơi thường được diễn ra ngoài trời, trên một khoảng không rộng lớn. Để trò chơi diễn ra thuận lợi, người tổ chức cần chú ý đến nhiều yếu tố như thời tiết, khí hậu...
Hình ảnh trò chơi dân cờ người đã xuất hiện rất nhiều trong các lễ hội truyền thống VN
Những trò chơi trên đây, dù hiện tại có thể không phổ biến như trước, nhưng vẫn giũ một ý nghĩa rất riêng biệt về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Cũng qua bài biết này, Edu2Review kính chúc các bạn một năm mới an khang, thịnh vượng và thật nhiều thành công trong cuộc sống!
Thảo Vy - K.C.V.T. tổng hợp