Hiện nay, harmonica càng ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam vì những âm thanh trầm bổng réo rắt của nó mang lại niềm hứng thú, say mê cho mọi người, cũng như tính nhỏ gọn, tiện lợi mang theo trong túi khi cần nghỉ ngơi, giải trí. Trên thị trường hiện có đến 3 loại harmonica, bạn có biết sự khác nhau giữa chúng hay không?
EBIV1. Số lỗ
-Diatonic nhỏ gọn, có 1 hàng 10 – 12 lỗ, là loại harmonica phổ biến nhất trên thế giới, chủng loại phong phú.
-Chromatic có 12, 16, 20 hay 24 lỗ với một cần bấm ở bên cạnh.
-Tremolo có 2 hàng với 3 loại 16, 20 hay 24 lỗ, là loại kèn dễ sử dụng nhất, thích hợp cho người mới tập, rất phổ biến ở Việt Nam và các nước Á Đông.
Diatonic 10 lỗ là loại được sử dụng phổ biến
EBIV2. Thể loại nhạc
-Diatonic có âm thanh ấm, chắc, phát ra âm đơn (single note), dễ sử dụng các kỹ thuật tay, bend, wahwah… Trong dòng Diatonic lại có rất nhiều loại khác nhau về key, về cấu tạo để thích hợp cho từng thể loại nhạc khác nhau. Ví dụ: Blue Harp, Folk Harp, Cross Harp, Straight Harp, Solo Harp...
-Chromatic là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn chơi những bản nhạc mà mình yêu thích bất kể bản nhạc đó là khóa gì và có bao nhiêu thăng giáng. Tuy nhiên, thể loại nhạc thích hợp nhất cho Chromatic là classic, jazz và các nhạc truyền thống các nước.
-Tremolo có âm thanh réo rắt, thổi bè khá hay, thích hợp với những thể loại nhạc country, nhạc truyền thống, dân ca...
Chromatic có thể được sử dụng để chơi tất cả các thể loại nhạc
EBIV3. Nhược điểm
-Diatonic được bán ở Việt Nam đều là loại Straight Harp (Standard Diatonic) 10 lỗ - chỉ thích hợp với các thể loại nhạc phương Tây (blue, rock...), nên cấu tạo của nó thiếu mất một nốt La ở quãng thấp, điều này gây khó khăn trong việc chơi các bản nhạc dạng truyền thống, nhất là đối với các thể loại nhạc Châu Á. Có một giải pháp khác là sử dụng Diatonica 12 lỗ chuyên dụng để solo, nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam chưa nhập loại này.
-Chromatic tương đối khó chơi do phải sử dụng một cần bấm khi muốn thổi ra những nốt thăng giáng. Vì vậy mà các bạn sẽ phải luyện tập rất nhiều thì mới có thể làm quen với nó.
-Tremolo không chơi được thăng giáng (có thể thổi được một số nốt nếu sử dụng kỹ thuật bend và overblow). Ngoài ra, nếu muốn chơi tất cả các thể loại nhạc bằng Tremolo thì cần phải có đủ một bộ với nhiều khóa khác nhau để thổi kép cùng một lúc hay thay đổi qua lại.
Cần có đủ bộ tremolo để thổi được tất cả các thể loại nhạc mà bạn ưa thích
EBIV4. Giá thành
-Diatonic tùy theo từng loại mà có giá thành khác nhau. Diatonic 10 lỗ dao động từ 260.000 - 700.000đ: Silver star, Easttop T008K, Easttop T008 Silver, Hohner Alabama...
-Chromatic khá đắt so với túi tiền của người Việt Nam, đặc biệt là với các bạn trẻ. Giá trung bình từ 50 USD trở lên và cũng rất ít chủng loại được nhập về nước ta. Các bạn mới tập chưa biết gì về nhạc lý, cũng như chưa chơi bất kỳ nhạc cụ nào và không có người hướng dẫn thì không nên chọn mua dòng kèn Chromatic. Đây là dòng kèn phức tạp, đòi hỏi có một nền tảng nhạc lý căn bản để luyện tập và có người hướng dẫn để học bài bản.
Harmonica có nhiều giá thành khác nhau, tùy thuộc từng loại cũng như chất lượng kèn
-Tremolo có giá tiền dao động từ 200.000 - 450.000đ: Study Suzuki 24, Easttop T2401, Swan Senior Performance 24, Ocean star Hohner 24, Easttop T2403. Đây là các dòng kèn tầm trung, có thể luyện tập khá tốt cho người mới, tất nhiên những loại giá cao thì chất lượng cao hơn.
Lưu ý: không nên chọn các dòng có giá quá thấp, vì chất lượng rất kém, thổi rất mất hơi, âm thanh không chính xác dễ làm hư cảm âm của bạn, và cũng dễ nản chí khi tập.
Nếu thật sự yêu thích và đam mê âm thanh của một chiếc kèn harmonica, bạn nên đầu tư những loại chất lượng tốt hơn, tất nhiên giá cũng sẽ cao hơn, với mức 500.000đ trở lên. Ưu điểm khi bạn mua một chiếc harmonica tốt với giá trị cao thì thổi sẽ rất nhẹ hơi, âm thanh chuẩn xác, khi tập cũng sẽ có hứng thú hơn, tập luyện dễ dàng và nhanh hơn.
*Hãy truy cập Edu2Review mỗi ngày để đón đọc nhiều bài viết mang lại cho bạn những thông tin hấp dẫn.
Yến Nhi tổng hợp
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam