Trong một buổi học kĩ năng, thầy giáo hỏi cả lớp: “Nếu các bạn lên núi chặt cây, vừa vặn trước mắt chỉ có hai gốc cây, một gốc cây to và một gốc cây nhỏ, các bạn sẽ chặt gốc nào?”
Câu hỏi vừa được đưa ra, tất cả sinh viên đều nói: “Dĩ nhiên là chặt gốc cây to rồi.”
Thầy cười, nói: “Gốc cây to kia chỉ là một gốc bạch dương bình thường, còn gốc cây nhỏ kia lại là một cây gỗ hương, bây giờ các bạn sẽ chặt cây nào?”
Chúng tôi nghĩ, cây gỗ hương khá quý hiếm, nên trả lời: “Chặt cây gỗ hương ạ, bạch dương không được bao nhiêu tiền!”
Thầy vẫn giữ nụ cười, hỏi tiếp: “Nếu gốc cây dương là vừa thẳng vừa đẹp, mà cây gỗ hương lại lồi lõm xiêu vẹo, các bạn sẽ chặt cây nào?”
Cảm thấy có một sự nghi ngờ "không hề nhẹ", nhưng chúng tôi vẫn nói: “Nếu vậy, hay là vẫn chặt cây dương. Cây gỗ hương cong queo xấu xí nên chắc không ai muốn chặt đâu!”
Lông mày thầy nhướng lên, chúng tôi đoán là thầy sẽ thêm điều kiện nữa, quả nhiên, thầy nói: “Cây dương tuy cao thẳng, nhưng vì tuổi đời khá lâu năm, nên phần giữa đã mối ăn mục rỗng, lúc này, các bạn sẽ chặt gốc nào?”
Nếu là bạn, bạn sẽ chặt cây nào? (Nguồn: naijaloaded)
Tuy không hiểu nổi trong hồ lô của thầy bán thuốc gì, chúng tôi vẫn từ điều kiện của thầy mà suy nghĩ, nói: “Thế thì lại chặt cây gỗ hương, cây dương ở giữa đã mục rỗng, càng không thể dùng!”
Thầy bày ra vẻ mặt "biết ngay là thế mà" rồi hỏi: “Thế nhưng dù cây gỗ hương ở giữa không bị mục, nhưng nó cong queo đến "cả bố mẹ nó còn không nhận ra", bắt đầu chặt sẽ rất khó khăn, vậy các bạn sẽ chặt gốc nào?”
Chúng tôi bật cười vì câu nói hài hước của thầy, dứt khoát không suy nghĩ kết luận của thầy là gì nữa, liền nói: “Vậy chặt cây dương. Đều không thể dùng như nhau, đương nhiên chọn cây dễ chặt!”
Thầy không để chúng tôi thở, hỏi tiếp: “Thế nhưng trên cây dương có một tổ chim, đang trong mùa ấp trứng, các bạn sẽ chặt gốc nào?” Cuối cùng, có bạn không đánh bại nổi bản tính tò mò liền hỏi: “Thầy ơi! Cuối cùng thầy hỏi chúng em cái này để làm gì vậy?"
Thầy thu hồi nụ cười, nói: “Vì sao các bạn không tự hỏi mình, rốt cuộc là chặt cây để làm gì? Tuy điều kiện của tôi thay đổi, nhưng yếu tố cuối cùng quyết định kết quả là động cơ ban đầu của các bạn. Nếu muốn lấy củi, các bạn sẽ chặt cây dương; muốn làm hàng mỹ nghệ, sẽ chặt cây gỗ hương. Các bạn tất nhiên sẽ không rảnh đến mức cầm theo búa lên núi chặt cây chơi chứ?!”
Đến đây cả lớp mới vỡ òa ra, thầm kêu sao mà thầy thâm thúy quá. Nhưng quả thật, chúng tôi đã hiểu ra một chân lý.
Trước khi thực hiện một công việc gì, kể cả việc lớn hay nhỏ, bạn phải luôn xác định được mục tiêu từ trước thì mới không bị đủ loại điều kiện và hiện tượng bên ngoài mê hoặc. Và chi khi bạn duy trì được sự tập trung của mình vào mục tiêu thì lúc đó con đường đạt được thành công của bạn mới là ngắn nhất.