Ôn thi hiệu quả luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh, sinh viên. Vậy làm thế nào để có phương pháp ôn thi hiệu quả, khoa học, tiết kiệm thời gian và công sức?
1. Lên lịch trình từ sớm
Sergio Della Sala, giảng viên từ Đại học Edinburgh cho rằng cách ôn bài tối ưu nhất là phải được thực hiện liên tục và quan trọng là bắt đầu từ sớm nhất có thể. Việc ôn bài theo phương pháp chia nội dung thành từng mục nhỏ sẽ tốt hơn là học kiểu gấp rút "nước tới chân mới nhảy". Bạn có thể sử dụng flashcard và mang theo trong túi sách để ôn luyện mọi lúc mọi nơi.
2. Tự học mỗi ngày
Việc đọc đi đọc lại sẽ giúp bạn nhuần nhuyễn những kiến thức đó mà không cần phải học vẹt. David Cox, sinh viên ngành Tâm lý học, đã khẳng định việc lặp lại là một trong những cách hiệu quả nhất để ghi nhớ và xử lý thông tin. Bạn cũng có thể ghi nhớ kiến thức bằng những phương pháp “thân thiện” hơn, ví dụ, thay vì gạch chân hoặc highlight nội dung trong sách, bạn có thể brainstorm hay đọc to thông tin đó lên để ghi nhớ kiến thức vừa đọc qua.
3. Trao đổi với bạn bè
Học nhóm luôn là biện pháp hiệu quả để ôn lại kiến thức
"Học thầy không tày học bạn", trao đổi với bạn bè là cách giúp bạn nhớ bài lâu nhất. Oscar Tollast, sinh viên ngành báo chí truyền thông đa phương tiện thuộc Bournemouth University chia sẻ: “Với bài kiểm tra Luật, việc gia nhập vào nhóm ôn bài trên Facebook là cách học tốt nhất với mình. Qua đó bọn mình có thể trao đổi các ý tưởng và các phương án với nhau. Bằng việc giải đáp thắc mắc của một ai khác, bạn có thể khẳng định và kiểm định nội dung mình đã học qua xem có chính xác hay chưa”.
4. Tránh xa những tác nhân khiến bạn mất tập trung
Việc quá lạm dụng công nghệ, như dùng điện thoại nhắn tán gẫu hay dùng máy tính lướt web vô tội vạ là một trong những nguyên nhân khiến bạn mất tập trung. Bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ của các phần mềm hỗ trợ bằng cách thiết lập chương trình StayFocusd của Google Chrome hoặc Facebook Nanny để được hạn chế sử dụng những chương trình này mỗi khi đến giờ học bài.
Hãy tránh xa những tác nhân gây mất tập trung
Rachel Barry, sinh viên Luật tại LSE thậm chí còn có ý tưởng táo bạo hơn khi nghĩ cách đưa mật khẩu Facebook và Twitter cá nhân cho người thân để có người quản lí việc đăng nhập vào hai trang mạng xã hội này. Việc đưa ra một thời gian hoàn thành cụ thể cũng sẽ tạo cho bạn sức ép để lên kế hoạch chuẩn bị hiệu quả.
5. Ngủ đủ giấc
Việc thức khuya ôn bài không những không đem lại hiệu quả ôn thi cao mà còn gây tác hại không lường cho cơ thể. Điều này theo thầy Della Sala là vô cùng có hại cho sức khỏe cũng như trí nhớ của bạn, bởi bạn chỉ thu nạp và xử lý thông tin hiệu quả khi có một một giấc ngủ điều độ. Vì thế tốt nhất là hạn chế thức khuya và ngủ đủ giấc.
6. Những cách ôn bài “không đụng hàng”
George Brooke-Smith, sinh viên từ York University chia sẻ cách học vô cùng độc đáo của mình, đó là ghi nhớ nội dung ôn tập trong khi chơi piano: “Bạn sẽ nhớ lời bài hát dễ hơn khi có nhạc, vì thế mình đã đặt những thông tin đó vào bài hát và học thuộc theo cách đó.” Anh chàng cũng là người đã từng học bài theo cách viết, vẽ lên tường phòng ngủ khi còn nhỏ. Trong khi đó, Oscar Tollast, lại ôn bài theo cách viết lại thông tin vào một quyển vở rồi đọc to (như công việc của phát thanh viên) rồi thu âm để nghe lại cho nhớ.
Mạnh Duy tổng hợp (Nguồn: Guardian)
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam