Nội dung nổi bật:
- Hàng ngàn người đã biểu tình chống chính phủ trên các đường phố ở Bangkok vì dự luật ân xá (dù đã bị bác hôm 11/11). Người ta tin đó là một nỗ lực của bà Yingluck nhằm “rửa sạch tội lỗi” cho anh trai bà – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
- Người Thái cũng chờ đợi xem liệu bà Yingluck có vững vàng vượt qua được cuộc khủng hoảng lớn hiện nay hay không. Cuộc khủng hoảng này diễn ra đúng vào thời điểm không thuận lợi với kinh tế Thái Lan, khi tăng trưởng xuất khẩu yếu kém, chi tiêu cá nhân giảm và nợ cá nhân tăng.
- Mới đây, tòa án của Liên Hợp Quốc, cũng đưa ra phán quyết có lợi cho Campuchia trong cuộc tranh chấp lãnh thổ chung với Thái Lan. Phán quyết này có thể khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc, vốn luôn coi bà Yingluck là mềm yếu với Campuchia, thêm tức giận.
Việc có tới 9 nghị sĩ trong Đảng Dân chủ, trong đó có ông Suthep Thaugsuban, rút khỏi Quốc hội Thái Lan hồi đầu tuần này sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch của đảng trong việc kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, tờ The Nation dẫn lời một quan chức hàng đầu của Đảng Dân chủ đối lập – ông Jurin Laksanavisit cho biết.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ chưa tìm được thời điểm thích hợp bởi họ cần phải thu thập thêm thông tin và tài liệu cho cuộc tranh luận về bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ, ông Jurin nói thêm.
Đảng Dân chủ đối lập có thể đệ trình kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các thành viên trong nội các Thái Lan trước khi đưa nữ Thủ tướng Yingluck vào “tầm ngắm”.
Bà Yingluck sẽ có một tuần để quyết định xem liệu có giải tán Hạ viện hay không, Phó Lãnh đạo Đảng Dân chủ Alongkorn Ponlaboot cho biết. Nếu nữ Thủ tướng từ chối giải tán Hạ viện thì kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ được thực hiện, ông Alongkorn nói thêm.
Trước đó, hôm (12/11), người ta chứng kiến các cuộc biểu tình chống chính phủ leo thang trên các đường phố ở thủ đô Bangkok vì dự luật ân xá mà chính phủ đưa ra. Làn sóng biểu tình mới nhất tiếp tục làm sâu sắc thêm mâu thuẫn trong xã hội phân cực ở Thái Lan và có nguy cơ đe dọa sự ổn định của chính phủ.
Một loạt diễn biến trên được cho là “đòn phản tác dụng” từ một “canh bạc chính trị” mà chính phủ thực hiện. Hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập ở trung tâm thủ đô Bangko để phản đối dự luật ân xá mà họ tin là một nỗ lực của bà Yingluck nhằm “rửa sạch tội lỗi” cho anh trai bà – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đưa ông này trở về nước sau nhiều năm phải đi sống lưu vong bên ngoài để trốn tránh án phạt tù 2 năm vì tội tham nhũng mà ông phải đối mặt năm 2008.
Mặc dù hôm 11/11, Thượng viện Thái Lan đã bác bỏ dự luật ân xá của chính phủ nhưng điều đó chẳng làm giảm nhẹ cơn tức giận của những người biểu tình. Những người này thề tiếp tục theo đuổi cho đến khi dự luật ân xá của chính phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo luật thì Hạ viện được kiểm soát bởi Đảng Puea Thai của nữ Thủ tướng Yingluck có thể sẽ tái giới thiệu về dự luật ân xá trong vòng 180 ngày tới.
Sự kiên quyết của phe đối lập Thái Lan đang làm dấy lên mối quan ngại về khả năng bùng phát bạo loạn và bất ổn từng khiến đất nước Thái Lan chao đảo nhiều lần kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 2006.
Dự luật ân xá cũng từng được chính phủ ủng hộ ông Thaksin gần đây nhất do Đảng Quyền lực Nhân dân lãnh đạo đưa ra vào cuối năm 2008. Khi đó, các cuộc biểu tình phản đối dự luật này cực kỳ căng thẳng và nó đã dẫn đến việc sân bay chính ở thủ đô Bangkok bị chiếm đóng suốt một tuần. Cuối cùng, kết thúc là tòa án đưa ra phán quyết giải tán chính phủ của Đảng Quyền lực Nhân dân vì cáo buộc gian lận bầu cử.
Vội vã đưa ra dự luật ân xá vào thời điểm này có thể là một bước đi tính toán sai lầm của nữ Thủ tướng Yingluck bởi nó lại làm “sống dậy” sự chống đối của phe nổi dậy và làm ảnh hưởng đến uy tín mà bà đã tạo dựng được trong hơn hai năm qua là một nhà lãnh đạo khéo léo, ôn hòa và tránh đối đầu.
Bước đi sai lầm?
"Bà Yingluck đang phải đối mặt với một số sự thụt lùi. Canh bạc dự luật ân xá đã khiến bà ấy phải trả giá đắt, thậm chí là đắt hơn với anh trai bà – ông Thaksin. Tuy nhiên, bà ấy có thể giành lại chỗ đứng của mình”, ông Thitinan Pongsudhirak – một nhà phân tích chính trị thuộc trường Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok, cho biết.
"Trước đây, bà ấy đã từng vực dậy như vậy, sau trận lụt, và bà ấy có thể tiếp tục hồi sinh như vậy”, ông Thitinan nói thêm.
Sự hồi phục của đất nước Thái Lan sau trận lũ lụt lịch sử tồi tệ nhất trong vòng 50 năm vào cuối năm 2011 đã giúp nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck củng cố niềm tin của người dân vào chính phủ của bà và ít nhất đã dẹp bỏ được những cáo buộc cho rằng bà chỉ là con rối của người anh trai nổi tiếng Thaksin.
Tuy nhiên, người ta vẫn hồi hộp và căng thẳng chờ đợi xem liệu bà Yingluck có vững vàng vượt qua được cuộc khủng hoảng lớn hiện nay hay không. Cuộc khủng hoảng này diễn ra đúng vào thời điểm không thuận lợi khi nền kinh tế Thái Lan – nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng xuất khẩu yếu kém, chi tiêu cá nhân giảm và nợ cá nhân tăng.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bắt đầu diễn ra từ hồi tháng 7 nhưng đợt leo thang nhất là cách đây một tuần.
Thêm phần khó khăn cho bà Yingluck là hồi đầu tuần này, tòa án của Liên Hợp Quốc đưa ra phán quyết có lợi cho Campuchia trong cuộc tranh chấp với Thái Lan ở vùng lãnh thổ xung quanh ngồi đền cổ nằm trên biên giới hai nước. Chính phủ lo ngại, phán quyết này sẽ khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc, vốn luôn coi bà Yingluck là mềm yếu với Campuchia, thêm tức giận. Điều đó có thể thêm động lực cho các cuộc bầu cử chống chính phủ.
Cựu Thủ tướng Thaksin đã đi sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 2008 để trốn tránh án tù 2 năm vì tội tham nhũng. Ông này vẫn có uy tín rất lớn trong tầng lớp người dân nghèo nông thôn – những người muốn ông được ân xá và trở về nước để nắm quyền. Tuy nhiên, ông Thaksin lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của tầng lớp hoàng gia, trung lưu ở thủ đô – những người luôn xem ông là một "nhà độc tài và là một mối đe dọa đối với nền quân chủ".
Được tiếp sức từ bộ máy chính trị đầy mạnh mẽ của ông Thaksin, bà Yingluck đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 8 năm 2011. Ban đầu, bà bị chỉ trích vì thiếu kinh nghiệm chính trị nhưng sau đó nữ Thủ tướng đã giành được nhiều lời khen ngợi vì dẫn dắt đất nước đi qua được những giai đoạn hòa bình lâu dài nhất trong những năm gần đây.
Ebiv Team/ Nguồn: Theo Kiệt Linh,VnMedia
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam