(Nguồn: blogdulich)
Đa dạng văn hóa cũng đồng thời củng cố tính thống nhất của mỗi nền văn hóa. Đa dạng văn hóa trong toàn cầu hóa văn hóa một mặt duy trì, củng cố, hiện đại hóa văn hóa dân tộc, phát huy bản sắc của văn hóa dân tộc, mặt khác, tiếp thu tất cả những gì tiên tiến, hiện đại của các dân tộc khác để làm giàu cho nền văn hóa của dân tộc mình.
Đa văn hoá là gì?
Đa dạng văn hóa thường dùng để chỉ sự cùng tồn tại của nhiều nền văn hóa, dạng thức văn hóa và nhiều cách biểu đạt văn hóa khác nhau ở một vùng nói riêng hoặc trên thế giới nói chung.
Ý nghĩa của đa dạng văn hoá là gì?
Đa dạng văn hóa là đặc trưng của xã hội loài người, bởi thế nó là điều kiện cần thiết cho phát triển, thậm chí cho sự sinh tồn của con người. Đa dạng văn hóa là khởi nguồn của bản sắc, của đổi mới và sáng tạo, giúp liên kết mọi người trên thế giới. Nó là động lực thúc đẩy phát triển, không chỉ tăng trưởng kinh tế, mà còn làm phong phú hơn cuộc sống trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần.
Đa dạng văn hoá là khởi nguồn của bản sắc dân tộc (Nguồn: duhocphilippines)
Đa dạng văn hoá có ý nghĩa đối với các lĩnh vực:
1. Kinh tế
Đa dạng văn hóa là nguồn lực cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch: tạo công ăn việc làm và thu nhập qua các di sản, qua việc tham quan, bán hàng thủ công và các sản phẩm văn hóa khác.
Sinh kế truyền thống: giữ gìn kiến thức địa phương, tạo công ăn việc làm; phương cách đa dạng từ sản xuất hàng thủ công, nông nghiệp, quản lý nguồn tài nguyên…
2. Xã hội
Đa dạng văn hoá là phương tiện hiệu quả để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và chống lại các định kiến. Điều này hết sức cần thiết đối với ổn định xã hội.
Gắn kết xã hội: Văn hoá là nguồn hy vọng, cho phép con người có được ý thức sâu sắc về cảm giác thuộc về cộng đồng.
Giao lưu văn hoá trong một ngày hội ở Tây Nguyên (Nguồn: Đangcongsan)
Vốn xã hội: Bảo vệ các hình thức khác biệt của văn hoá và quá trình hình thành các hình thức này sẽ góp phần tăng cường vốn xã hội của cộng đồng và đem lại cảm giác làm chủ và niềm tin vào các tổ chức công cộng.
3. An ninh quốc phòng
Đa dạng văn hoá là phương tiện thúc đẩy và bảo đảm an ninh chính trị cũng như toàn vẹn lãnh thổ. Mỗi nhóm, tộc người đều có người lãnh đạo tinh thần (già làng). Thông qua những người lãnh đạo tinh thần, sử dụng văn hóa và ngôn ngữ của từng nhóm, tộc người và địa phương chính là phương thức hữu hiệu để đảm bảo an ninh chính trị.
Già làng đang thổi tù tập hợp dân làng (Nguồn: dantricdn)
Do đặc điểm cư trú của nhiều nhóm dân tộc sống ở biên giới, vùng núi cao nên chính sự đa dạng trong lối sống sinh kế và văn hóa giúp bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ đất đai lãnh thổ,... giúp các cán bộ người dân tộc dễ tiếp cận với đồng bào mình; gắn kết cộng đồng, tăng cường đại đoàn kết dân tộc.
4. Môi trường
Đa dạng văn hoá giúp bảo vệ cảnh quan môi trường. Điều này xuất phát từ việc mỗi dân tộc có quan niệm thế giới quan riêng. Khi những nét văn hoá này được bảo tồn, nó góp phần bảo tồn rừng và cảnh quan thiên nhiên.
Một ví dụ cụ thể như, người dân tộc có niềm tin là rừng thiêng, do đó phải cấm người lạ, người trong bản vào phá. Điều này giúp bảo tồn được rừng, cảnh quan môi trường tự nhiên.
Đa dạng văn hoá cũng góp phần bảo vệ thiên nhiên (Nguồn: tnmt)
Mỗi khu vực trên hành tinh đều đang trở thành đa dạng văn hóa và sức mạnh của sự đa dạng đang được phát huy cao độ trong ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Mỗi nền văn hóa đều chứa đựng những sức mạnh riêng và đóng góp cho sự phát triển của loài người theo những cách khác nhau.
Đối thoại giữa các nền văn hóa chẳng những tăng cường nâng cao sự hiểu biết mà còn tạo cơ hội cho các nền văn hóa hợp tác, giao lưu và tiếp biến văn hóa, mở ra những cơ hội mới cho các nền văn hóa hiểu rõ hơn về nền văn hóa của quốc gia, dân tộc mình tạo tiền đề cho sự phát triển xã hội.
*Hãy truy cập Edu2Review mỗi ngày để cập nhật những kiến thức bổ ích
Quỳnh Quyên (Tổng hợp)
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam