Thầy cô luôn là người dẫn đầu tri thức, khơi nguồn kiến thức cho học sinh. Những người đưa đò cứ thế lầm lũi tiễn đưa bao thế hệ, và cũng đã có biết bao con người thành công nhưng vẫn luôn nhớ đến những lần trách mắng, đòn roi thưở nào. Kỷ niệm là thứ mà tiền bạc không mua được.
Ngày 20-11 đã gần kề, bên cạnh những câu chuyện thể hiện tình cảm thầy trò nhiều buồn vui, cũng có những câu chuyện khiến người ta rơi nước mắt. Câu chuyện về người Thầy sau là một ví dụ.
Câu chuyện về Thầy Cô luôn mang nhiều cảm xúc
Người Thầy này đặc biệt, không phải vì một diện mạo soái ca, cũng chẳng phải vì xuất thân trâm anh thế phiệt, chỉ vì Thầy thiếu đi một thứ bình thường mà ai cũng có - đôi mắt. Và câu chuyện về người Thầy tàn nhưng không phế - thầy Đặng Ngọc Duy trong lời kể sau hẳn sẽ không khiến nhiều người khỏi xót xa và khâm phục nghị lực phi thường này.
Phần 1: Không đầu hàng số phận
Kíp nổ trong vườn nhà đã chuyển cuộc đời thầy Duy sang ngã mới
Vào một buổi sáng định mệnh năm 1989, khi vừa tròn 13 tuổi, Đặng Ngọc Duy đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt và 1 nửa bàn tay trái vì vô tình nhặt phải một kíp nổ trong vườn nhà. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, sự cố ấy đã đảo lộn cuộc sống của Duy.
Mất 3 năm để nguôi ngoai nỗi đau và sự tuyệt vọng, Duy xin gia đình cho tới Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng). Nhưng sau khi Duy học hết chương trình lớp 5, trường lại trả Duy về địa phương. Lúc đó Duy đã 19 tuổi. Trong trống trải và hẫng hụt, Duy cố gắng học đàn guitar và tìm niềm vui ở thơ ca. Nỗi muộn phiền và day dứt muốn thoát khỏi nghịch cảnh của Duy thể hiện qua những vần thơ, lời nhạc.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng xúc động khi đọc những dòng thơ của người thanh niên mù và động viên Duy: “Có người mắt sáng mà thơ tối mò, có “nhìn” ra những “tiếng động” vô thanh trong sâu thẳm của mình đâu. Không có khác biệt giữa người làm thơ bình thường với người khiếm thị. Ánh sáng của thơ là ánh sáng bên trong, người thấy nắng chắc gì biết đó là nắng. Người nhắm mắt lại đôi khi chói lọi trong lòng”.
Chỉ nhạc và thơ làm bạn với Duy
Làm bạn với thơ và nhạc chỉ làm bớt đi nỗi buồn, cô đơn chứ không thể giúp Duy có một tương lai tươi sáng. Lo lắng cho tương lai của mình, Duy quyết chí phiêu lưu vào Nam với mong muốn tìm một cơ hội học hành. Năm 1996, chàng trai mù với số tiền ít ỏi tích cóp được đã bắt xe vào Nam khi chưa biết bến đỗ là đâu. Duy lang thang ở Nha Trang, rồi vào Sài Gòn, tự mò mẫm đến nhiều trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật và những tổ chức nhân đạo. Duy kể, sợ nhất là lúc đặt chân đến Sài Gòn vào đêm khuya, bản thân tật nguyền, lại không quen biết ai, chưa biết đi đâu về đâu, đứng run cầm cập vì đói và mệt bên một góc bến xe mà chờ trời sáng.
Mấy tháng trời lang thang nơi đất khách, quê người đã khiến Duy nhận ra quê nhà vẫn thích hợp hơn và quyết định quay về, tiếp tục con đường học vấn bằng mọi giá để vươn tới ước mơ tri thức và giúp đỡ những người khuyết tật như mình. Miệt mài với bảng chữ nổi cùng nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng, Duy cũng đã vượt qua kỳ thi đại học và hoàn thành chương trình Sư phạm Ngữ văn tại Trường Đại học Quảng Nam ở cái tuổi ngấp nghé 30.
Phần 2: Mái ấm cho trẻ tật nguyền
Mái ấm Hướng Dương của thầy Duy
Ra trường, Duy tiếp tục đeo đuổi ý tưởng thành lập một mái ấm nho nhỏ cho những trẻ em khuyết tật, mồ côi ở địa phương. Từ số tiền có được nhờ phát hành tập thơ “Sắc màu thời gian”, cùng với sự trợ giúp của một số mạnh thường quân, Duy đã thành lập mái ấm Hướng Dương vào năm 2009.
Bốn năm qua, mái ấm Hướng Dương - một ngôi nhà nhỏ cấp 4 ở số 79 đường Tiểu La, TP Tam Kỳ, Quảng Nam luôn rộn tiếng đọc bài, tiếng cười đùa của các em học sinh khuyết tật. Nơi đây đã trở thành mái nhà hạnh phúc của những phận đời trẻ thơ kém may mắn và cũng là niềm vui của thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy. Tại mái ấm này, nhiều trẻ em bị khuyết tật câm, điếc, mù, thiểu năng trí tuệ, trầm cảm... được chăm sóc, nuôi dạy hoàn toàn miễn phí.
Thầy Đặng Ngọc Duy đang hướng dẫn học trò tại mái ấm
Năm 2013, thầy Duy tâm sự: “Hiện mái ấm Hướng Dương có tổng cộng 21 em, được 6 giáo viên và nhân viên chăm sóc, dạy dỗ. Tôi đang triển khai nâng cấp mái ấm Hướng Dương lên thành một ngôi trường khuyết tật với số lượng học viên chiêu sinh hàng năm khoảng 50 em”.
Cũng cùng năm này, vào tháng 10, cơ quan chức năng đã quyết định giao 800m2 đất tại phường An Phú, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho mái ấm Hướng Dương để xây dựng một cơ sở khang trang hơn, giúp được nhiều trẻ em khuyết tật hơn.
Hiện tại, mái ấm Hướng Dương của thầy Duy trở thành nơi học tập, sinh hoạt và là mảnh đất chắp cánh ước mơ cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Hãy sống mạnh mẽ và luôn hướng về phía mặt trời như hoa Hướng Dương
Bạn đã thử đi đến một vùng đất xa lạ một mình và thậm chí không tìm được nơi trú thân trước đó? Bạn đã thử chấp nhận việc không nhìn thấy người thân? Nếu bạn đã một lần nếm trải vị đắng đó, bạn sẽ cảm được một phần khắc nghiệt trong cuộc đời Thầy. Không ai sinh ra đã là vĩ nhân, nhưng cách sống và cách truyền cảm hứng cho người khác khiến bạn vĩ đại.
Và cuộc sống của Thầy chính là niềm cảm hứng, không chỉ cho những người kém may mắn, mà cho cả những người bình thường khác. Hãy để ánh sáng từ cuộc đời Thầy phủ đầy đôi mắt bạn.
Anh Thư tổng hợp
Edu2Review - The No.1 Review Education Website