Có nhiều bạn đánh đồng kì thực tập với một kì nghỉ, cho rằng chỉ cần làm qua loa cho xong rồi cuối kì xin con dấu là thành công. Ngược lại, nhiều bạn thực sự biến những tháng thực tập trở thành chuỗi kinh nghiệm quý báu cho bản thân. Họ đã làm như thế nào?
1. Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước kì thực tập
Đừng tưởng cứ “xách CV lên và đi” là bạn có tìm kiếm cho mình một chỗ thực tập ưng ý. Nếu bạn thực sự muốn có kì thực tập đúng nghĩa thì việc đầu tiên bạn cần làm là tự trả lời những câu hỏi sau: “Mình đang học ngành gì?”, “Mình có muốn thực tập đúng ngành không?”, “Thực tập ở công ty lớn hay nhỏ?”
Sau khi đã có những định hướng ban đầu, việc tiếp theo bạn cần làm là tìm kiếm một chỗ thực tập phù hợp và tìm hiểu thật kĩ về công ty bạn định nộp đơn để có một sự chuẩn bị chu đáo. Nếu bạn đã có người giới thiệu, rất tốt, còn nếu không thì cũng đừng lo lắng, hãy tận dụng sức mạnh của những trang mạng tìm việc như: Vietnamworks, Careerbuilder,…
Tìm hiểu kĩ về công ty trước khi nộp CV sẽ tăng tỉ lệ thành công cho bạn
Khi đã có “chốn dung thân”, bạn phải xác định rõ mục tiêu cho mình, sẽ học được gì, học bao nhiêu,… Tiếp theo là hãy F5 lại thói quen sinh hoạt của bạn. Sinh viên thì thức khuya, ngủ nướng là chuyện như cơm bữa, tuy nhiên, bạn phải chấm dứt tình trạng này ngay lập tức nếu không muốn ngủ gà ngủ gật trong giờ làm việc. Và đừng quên dọn dẹp trang cá nhân của bạn - nên làm việc này từ trước khi nộp CV, vì nhiều nhà tuyển dụng và các boss thích truy cập vào đó để có những đánh giá chân thực hơn về ứng viên hay nhân viên của mình.
2. Quan sát - kĩ năng không phải ai cũng học được
Đừng chỉ chăm chăm vào công việc, hãy dành thời gian quan sát người khác
Những đồng nghiệp biết bạn là một nhân viên mới và muốn giúp đỡ bạn, nhưng họ không thể dành nhiều thời gian giải thích mọi thứ. Vì vậy khi họ trả lời những câu hỏi của bạn hoặc chỉ cho bạn cách thực tập, điều quan trọng nhất là bạn phải chú ý.
Hơn thế, bạn cần quan sát về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Những đồng nghiệp của bạn nói chuyện với nhau như thế nào? Họ đối xử với cấp trên như thế nào? Đâu là những mục tiêu và mối quan tâm lớn của họ? Quan sát tốt sẽ giúp bạn học hỏi được rất nhiều điều đấy.
3. Tìm kiếm người cố vấn
Hãy tìm cho mình một “tiền bối” và hỏi về công việc, về công ty, về kinh nghiệm và tất tần tật những thứ bạn quan tâm. Tất nhiên, bạn nên biết chọn thời điểm thích hợp để hỏi và đặt câu hỏi môt cách thông minh. “Bám đuôi” những người giỏi sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều hơn bạn nghĩ đấy.
Bên cạnh đó, đừng quên tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp của bạn. Khi đã có sự thân thiết, mọi người sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn hơn. Những mối quan hệ này không chỉ hữu ích trong thời gian bạn thực tập mà còn mang lại nhiều hơn thế trong tương lai sau này.
Một trong những việc cần làm là nhanh chóng tìm cho mình một người cố vấn tốt
4. Xây dựng tác phong chuyên nghiệp
Đừng bao giờ mang “thời trang sinh viên” vào công ty nhé, bởi bạn sẽ gặp nhiều rắc rối đấy! Khi nhìn vào một người mới, điều đầu tiên họ đánh giá sẽ là cách ăn mặc của bạn. Hãy chi tiêu một chút vào việc “tút tát” lại sao cho hợp với môi trường công sở hơn. Nếu còn thói quen “giờ dây thun” thì lời khuyên là, nên từ bỏ ngay và lập tức. Chẳng có sếp nào thích nhân viên của mình hay đi muộn và lề mề cả đâu.
Một điều nữa, trong giờ làm việc hãy hạn chế đến mức tối thiểu việc tán gẫu, nghe điện thoại, nhắn tin, lướt Facebook và vài chuyện cá nhân linh tinh khác. Chỉ cần bị bắt gặp một lần thôi, bạn sẽ mất điểm trầm trọng trong mắt cấp trên và đồng nghiệp đấy.
Bạn nên chấm dứt thói quen đi trễ nếu không muốn gặp nhiều rắc rối
5. Chủ động trong công việc
Nếu như bạn không rõ điều gì, hãy mạnh dạn hỏi người đi trước. Mọi người đều bận bịu với công việc của mình nên chẳng ai đủ rảnh để đến tận nơi cầm tay chỉ việc cho bạn đâu. Một tip mà không phải ai cũng biết đó là, nên chủ động đề xuất sếp giao thêm công việc cho mình. Bằng cách đó, bạn không chỉ ghi điểm tuyệt đối với cấp trên mà còn có cơ hội trải nghiệm để tích lũy nhiều hơn kinh nghiệm cho bản thân.
6. Học cách chấp nhận
Khi mới vào công ty, có thể bạn sẽ phải làm những công việc lặt vặt như: photo, đánh máy, rót nước, bưng trà,… từ sáng tới chiều. Cũng có thể, bạn gặp phải cấp trên khó tính hay những người đồng nghiệp chỉ chăm chăm vào công việc của mình mà chẳng muốn giúp đỡn ai. Bạn sẽ không quen với chuyện bị la mắng và phàn nàn suốt cả ngày.
Nhưng bạn phải chấp nhận tất cả những việc đó, học cách quen với chúng, và cố gắng hết sức để làm tốt hơn. Đừng đòi hỏi người ta phải cho bạn làm những công việc quan trọng hay phải đối xử trân trọng với bạn, vì sự thật, bạn là người mới. Khi đã vượt qua giai đoạn này, bạn sẽ trưởng thành hơn và mạnh mẽ hơn rất nhiều đấy.
Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho những chuyện không mong muốn trước khi bước vào kì thực tập sẽ giúp bạn bớt bỡ ngỡ hơn
Kết: Thực tập là giai đoạn vô cùng quan trọng vì bạn sẽ được trải nghiệm thực tiễn kiến thức học trên sách vở suốt những năm tháng đại học. Đừng bỏ qua khoảng thời gian quý báu này, hãy tận dụng nó để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân và trưởng thành hơn.nhé.
* *Mỗi một lựa chọn sai lầm, lấy đi nhiều thứ của bạn. Vào Edu2Review mỗi ngày và cập nhật thông tin về các tổ chức giáo dục để có quyết định đúng.
Thu Quyên tổng hợp
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam