Phỏng vấn luôn là thử thách mà bất kỳ ứng viên nào cũng cần vượt qua để có được công việc trong mơ của mình. Sẽ thật đáng tiếc nếu để cho việc mắc một sai lầm nào đó cướp đi cơ hội của bạn. Sau đây là 5 lỗi mà bạn cần tránh để có được một buổi phỏng vấn hoàn hảo.
Phỏng vấn là bước quan trọng để quyết định xem bạn có được nhận hay không
EBIV1. Không chuẩn bị trước cho buổi phỏng vấn.
“Thất bại trong khâu chuẩn bị tức là chuẩn bị cho một thất bại.” Câu nói này của cựu HLV Sir Alex Ferguson chắc chắn sẽ là lời khuyên hữu ích dành cho bất kỳ ai sắp bắt đầu buổi phỏng vấn của mình. Hãy thử tưởng tượng về việc bạn liên tục ngập ngừng, lúng túng trước những câu hỏi liên quan đến công ty khi đang phỏng vấn. Chắc hẳn sẽ không một nhà tuyển dụng nào thích điều này. Những người phỏng vấn sẽ có ít nhất một câu để thử ứng viên có hiểu về công ty của họ hay không. Việc bạn không biết thông tin gì về công ty của họ sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy bạn không thực sự nghiêm túc và bạn sẽ bị mất điểm trầm trọng. Hãy dành thời gian tìm hiểu về công ty mà bạn mong muốn ứng tuyển, về lĩnh vực làm việc của công ty, văn hóa tổ chức, bề dày truyền thống, thành tựu…, những điều này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong buổi phỏng vấn.
EBIV2. Sai lầm khi không đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng hoặc đặt câu hỏi không phù hợp.
Buổi phỏng vấn sẽ không chỉ diễn ra một chiều theo kiểu nhà tuyển dụng hỏi - ứng viên trả lời. Chắc chắn người phỏng vấn sẽ rất mong muốn ứng viên đặt câu hỏi cho mình. Việc không đặt bất kỳ câu hỏi nào cho nhà tuyển dụng sẽ khiến cảm giác bạn chưa thực sự chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn hoặc không hứng thú với buổi phỏng vấn. Vì vậy, hãy chuẩn bị trước ít nhất ba hoặc bốn câu để hỏi nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bạn phải đưa ra những câu hỏi thật thông minh và phù hợp trong buổi phỏng vấn. Những câu hỏi như bước kế tiếp của đợt phỏng vấn là gì chắc chắn sẽ khiến người phỏng vấn hài lòng hơn nhiều so với việcbạn tập trung hỏi quá nhiều về lương bổng, chính sách đãi ngộ…
EBIV3. Nói những điều tiêu cực về công ty cũ/sếp cũ.
Nếu từng trải qua công việc tại một công ty trước đó, rất có thể nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn về lý do về việc bạn xin nghỉ việc. Những câu nhận xét như “Tôi rời bỏ công ty cũ vì môi trường làm việc ở đó vô cùng tệ” hay “ Sếp của tôi không tốt” là điều mà bạn tuyệt đối nên tránh. Dù bạn có gặp bất đồng với đồng nghiệp, sếp hay công ty cũ thì cũng không nên để người phỏng vấn biết điều này.
Việc chê bai liên tục công ty cũ/ sếp cũ/ đồng nghiệp sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy nghi ngờ về thái độ của bạn, cho rằng bạn có thể sẽ lặp lại những lời nói tiêu cực này về công ty của họ trong tương lai. Hãy cố gắng trả lời những câu tế nhị hơn, như “Công ty cũ không thích hợp với tôi, tuy nhiên, tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm kinh doanh, cũng như nhiều bài học ý nghĩa khác từ đây” hay “Tôi đang tìm kiếm một môi trường làm việc mới, có thể thử thách bản thân nhiều hơn và nâng tầm chính mình” nếu bạn được hỏi chi tiết về nguyên nhân khiến bạn chuyển công việc hoặc mong muốn của bạn đối với vị trí mới.
EBIV4. Trang phục phỏng vấn không phù hợp.
Vẻ bề ngoài trong buổi phỏng vấn có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá một phần nào đó về con người, tính cách của bạn. Mặc quá nhếch nhác hay quá cầu kỳ có thể khiến cho nhà tuyển dụng mất cảm tình về bạn. Việc lựa chon trang phục không phù hợp, quá cẩu thả sẽ dễ khiến cho người phỏng vấn cảm giác bạn không tôn trọng họ, không tôn trọng công ty. Vì vậy, hãy cẩn thận trong việc lựa chọn trang phục của mình. Lựa chọn tốt hơn cả cho bạn là một bộ vest, hay có thể là áo sơ-mi và quần âu (hoặc váy công sở).
EBIV5. Nói quá nhiều.
Một nguyên tắc vàng ở đây là đừng bao giờ để câu trả lời của bạn quá dài. Việc nói quá nhiều có thể khiến bạn nói lan man, không tập trung vào chủ đề cốt lõi cần đề cập và điều này có thể làm người phỏng vấn cảm giác bạn không hiểu những điều họ nói. Một số ứng viên cố gắng che giấu sự hồi hộp bằng việc nói nhiều nhưng điều này xem ra lại hữu ích một chút nào. Bạn nên bình tĩnh ngồi xuống và lắng nghe nhà tuyển dụng, sau đó đưa ra những câu trả đúng, đủ, đảm bảo cho người tuyển dụng hiểu đúng ý mà bạn muốn truyền đạt. Nếu nhận thấy thái độ khó hiểu, không hài lòng của nhà tuyển dụng, bạn nên dừng việc nói của mình, không nên tiếp tục kéo dài và bình tĩnh đợi những câu hỏi tiếp theo để thể hiện bản thân.
*Hãy truy cập Edu2Review mỗi ngày để tìm hiểu những cơ hội thực tập đầy hấp dẫn.
Tiểu Linh tổng hợp
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam