Công nghệ thông tin (IT – Information Technology) là một thuật ngữ bao gồm phần mềm, mạng lưới internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Nói nôm na, đây là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, hầu như lĩnh vực nào cũng cần đến ứng dụng của công nghệ thông tin, điều này đã làm cho IT trở thành một ngành hot được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Vậy, các bạn đã biết sinh viên học công nghệ thông tin sẽ thực tập ở những vị trí nào chưa?
1. Lập trình viên
Đối với những bạn có đam mê tìm hiểu hoặc có kỹ năng về về các kĩ thuật Activex X, C#, Visual Basic, .Net hay Java... có khả năng giải quyết và phân tích vấn đề, khả năng giao tiếp, làm việc theo nhóm cũng như làm việc độc lập thì đây là vị trí phù hợp. Ở vị trí lập trình viên, các bạn sẽ "viết" nên các chương trình, phần mềm ứng dụng cho việc điều khiển các hệ thống máy móc cơ khí, xử lí các dữ liệu... như hệ thống điều khiển máy hàn, máy tiện, điều khiển camera, các phần mềm xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh...
2. Thiết kế web
Khi làm thiết kế web, các bạn sẽ được đào tạo chương trình thiết kế, khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm đồ họa như Photoshop, Corel Draw, Flash, Dreamwave,... và có thêm kiến thức về lập trình web. Công việc của chuyên viên thiết kế web là thiết kế website sao cho thân thiện, dễ dàng sử dụng, nhìn bắt mắt với các nút bấm, các banner, màu sắc các liên kết, độ đậm, nhạt của kiểu chữ... vì vậy đòi hỏi bạn phải có khiếu thẩm mĩ cao.
Bạn phải có khiếu thẩm mĩ để làm thiết kế web đấy nhé!
3. Phát triển web
Nếu bạn nắm rõ về Internet, các chương trình ứng dụng cho web cũng như chiến lược kinh doanh thương mại điện tử, có các kĩ năng về .Net, C#, Java… thì hãy ứng tuyển vị trí phát triển web. Phát triển web tập hợp các yêu cầu kinh doanh, phát triển các chi tiết kĩ thuật cho các phần mềm ứng dụng cho web và giúp đỡ các chuyên gia quản lý trang web về kĩ thuật.
4. Xây dựng và quản lý dữ liệu
Xây dựng và quản lý dữ liệu là công việc thiết kế các chương trình ứng dụng ví dụ giao diện sử dụng, giao dịch giữa khách/chủ trong toàn mạng và các bộ phần cấu thành hệ thống. Bạn cần cung cấp thông số kĩ thuật cho đội phát triển phần mềm, thiết kế, kiểm tra việc mã hoá. Để ứng tuyển vào vị trí này, bạn cần có kiến thức về kĩ thuật, lên kế hoạch, điều phối và khả năng giao tiếp. Những kiến thức về DB2, các sản phẩm dữ liệu Orracle, XML, C+++ sẽ gây ấn tượng đến các nhà tuyển dụng.
5. Quản trị mạng
Công việc của các chuyên viên quản trị và an ninh mạng là thiết kế, vận hành và theo dõi các hệ thống mạng an toàn và bảo mật, nắm được các kỹ thuật xâm nhập và các biện pháp phòng, chống tấn công của các hacker hiệu quả. Thiết kế và duy trì hệ thống tường lửa hay nhận dạng, rà soát và sửa chữa các lỗ hổng trên hệ thống mạng của đơn vị, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống, xử lý sự cố an toàn thông tin,...
Đối với các vị trí như IT Support hoặc triển khai hạ tầng mạng, các doanh nghiệp thường không đòi hỏi khắt khe về kinh nghiệm làm việc, chỉ cần ứng viên đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra là được, vì các công việc ở vị trí này chỉ bao gồm hỗ trợ người dùng (nhân viên) trong việc sử dụng máy tính và các thiết bị khác như dây mạng, email … Còn ở vị trí quản trị hệ thống, máy chủ, yêu cầu có kinh nghiệm được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhu cầu tuyển nhân sự ngành mạng rất nhiều nhưng cơ hội thực tập cho sinh viên ngành mạng lại ít hơn ngành lập trình. Điều hiển nhiên là công ty nào cũng có hệ thống mạng và cần người quản trị mạng nhưng ít nơi dám giao cả hệ thống cho thực tập sinh. Yêu cầu tuyển dụng cho vị trí này là danh sách dài lê thê các chứng chỉ cần có, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, thành thạo một số kiến thức chuyên sâu phù hợp với công việc của doanh nghiệp, đặc biệt là lúc nào cũng thấy dòng chữ “Phải có ít nhất 1-2 năm kinh nghiệm”.
Quản trị mạng là một ngành được tuyển dụng khá nhiều
6. Phát triển game (GD)
Đây không chỉ là việc vẽ đồ họa 2D, 3D mà còn phát triển ý tưởng, thiết kế kịch bản trò chơi, màn chơi, lập trình và người chuyên chơi để tìm lỗi của game. Bởi vậy, đây là một công việc rất giàu tính sáng tạo chứ không hề khô cứng như nhiều người lầm tưởng về những nghề liên quan đến máy móc. Ngoài tư duy mĩ thuật là một yếu tố cần thiết thì bạn cần có suy nghĩ logic khi làm ở vị trí phát triển game.
7. Kỹ thuật máy tính
Nghiên cứu và thiết kế các bộ phận chức năng của máy tính, tham gia làm việc trong các dự án sản xuất các thiết bị máy tính cho các tập đoàn lớn trên thế giới như: Intel, IBM, Samsung, Nidec... là công việc của những người làm kỹ thuật máy tính. Bạn cần nắm vững các nguyên lý cơ bản và thực tiễn trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Kết: Nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin vẫn sẽ vẫn tiếp tục tăng cao. Theo định hướng quy hoạch quốc gia đến năm 2020 Việt Nam cần khoảng 1.000.000 lao động thuộc lĩnh vực này. Tuy nhiên, các bạn sinh viên đừng vì thế mà yên tâm rằng sẽ luôn có bến đỗ cho mình khi rời trường. Mỗi bạn cần tự trao dồi kỹ năng cần thiết cho bản thân mình trong những năm tháng còn ngồi ở giảng đường đại học, từ đó có thể tự tin hơn khi tìm nơi thực tập. Ngoài ra, hãy bắt đầu từ vị trí thấp, lương thấp để có sự khởi đầu cho những công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, lương cao sau này, bạn nhé!
Quí Minh
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam