Một trong những kĩ năng cực kì quan trọng mà bất cứ ứng viên nào cũng cần có trong quá trình đăng kí xin việc là kĩ năng giải quyết vấn đề. Kĩ năng này thường được hỏi trong những buổi phỏng vấn dưới dạng câu hỏi tình huống. Làm sao để nâng cao, rèn luyện kĩ năng này? Hãy cùng Edu2Review tìm hiểu những bước sau nhé.
Hiểu rõ nguồn gốc vấn đề
Bước đầu tiên trong quá trình giải quyết vấn đề là nhận thức rõ nguồn gốc của vấn đề. Để làm được điều này, bạn cần bình tĩnh nhìn lại toàn bộ quá trình công việc để tìm kiếm “phần lỗi” đã khiến vấn đề nảy sinh. Nhờ đó, bạn mới có thể tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp cho riêng vấn đề đó mà không làm ảnh hưởng đến những phần còn lại của công việc. Ví dụ: bạn nhận thấy điểm học kì vừa rồi đột nhiên xuống thấp. Để hiểu rõ nguyên do tại sao, bạn cần nhìn nhận lại quá trình học hỏi của mình: bạn có lơ là hay không? Hay do phương pháp học, làm bài thi có vấn đề?
Hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề
Phân tích vấn đề
Sau khi đã biết rõ nguyên nhân vấn đề, hãy tiến hành phân tích nó. Việc này giúp bạn hiểu rõ bản chất của vấn đề: vấn đề sai ở đâu, sai như thế nào, tính chất nghiêm trọng? Để minh họa, ta hãy tiếp tục với ví dụ ở trên. Giả sử nguyên nhân bạn bị điểm thấp là do phương pháp làm bài thi của bạn không ổn. Hãy tự hỏi mình: không ổn ở đâu? Không ổn như thế nào? Câu trả lời có thể là do bạn chưa nắm được cách chấm điểm của từng giáo viên, hoặc chưa biết cách trau chuốt ngôn từ, hay có thể là do chưa biết cách truyền đạt ý của mình trong câu chữ nên giáo viên chưa hiểu và chấm bạn điểm thấp v..v..
Đơn giản hoá mọi việc
Sau khi đã xác nhận nguồn gốc và phân tích vấn đề, bạn hãy nghĩ về nó thật đơn giản. Hãy nghĩ rằng vấn đề này không hề phức tạp và hoàn toàn có cách để giải quyết nó. Việc cho rằng đó là một vấn đề “khó nhằn” sẽ chỉ khiến bạn thêm luẩn quẩn trong vòng tròn bối rối, căng thẳng và chẳng thể tỉnh táo để nghĩ cách giải quyết được nó đâu. Hãy bình tĩnh đối mặt với nó trong tâm thế thảnh thơi nhất có thể, và bạn sẽ nghĩ ra khối cách hay ho cho xem.
Lật ngược vấn đề
Đôi khi, trong quá trình giải quyết những vấn đề tương tự nhau, ta thường lạc vào lối mòn của những cách giải quyết cũ. Tuy nhiên, đôi khi việc áp dụng những phương án cũ không hiệu quả. Đây chính là lúc bạn cần lật ngược vấn đề và tìm những giải pháp mới mẻ, sáng tạo hơn. Hãy mạnh dạn thay đổi, bằng cách tự hỏi: “Còn cách giải quyết nào khác?”, biết đâu bạn sẽ bắt gặp những kết quả bất ngờ.
Lật ngược vấn đề giúp bạn tìm được những giải pháp mới
Nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau
Hãy thoát ra khỏi “chiếc hộp” tư duy cố hữu của mình và thử nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau để thấu hiểu rõ được bản chất của nó. Từ đó, bạn sẽ nắm được những nhân tố nào tác động và bị tác động bởi vấn đề này, biết được mình đã làm được gì, chưa làm được gì, điều gì chưa tốt, nên làm điều gì tiếp theo…
Chọn giải pháp
Sau khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề, đưa ra những phương án phù hợp để giải quyết, bạn sẽ đến giai đoạn quan trọng nhất: lựa chọn giải pháp. Đây là lúc bạn cần nhìn lại nguồn gốc phát sinh của vấn đề, cũng như cân nhắc những phân tích, đánh giá của bản thân, và nguồn lực hiện có (tài chính, sức khỏe, thời gian) để lựa chọn giải pháp phù hợp nhất.
Lựa chọn giải pháp là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình giải quyết vấn đề
Đề ra mục tiêu
Sau khi đã có giải pháp của riêng mình, bạn cũng nên xác định 1 mục tiêu cho nó. Ví dụ: bạn đặt mục tiêu là trong 2 tuần sẽ nâng cao kĩ năng viết luận, 1 tuần để tìm hiểu phong cách chấm điểm của giáo viên,… Đây là cách giúp bạn tập trung hơn vào quá trình giải quyết vấn đề của mình, cũng như nâng cao vài kĩ năng khác của bản thân.
Tự đặt ra mục tiêu giúp bạn tập trung hơn vào công việc
Thực hiện
Và giai đoạn quan trọng nhất đã tới: tiến hành giải quyết vấn đề. Trong quá trình này, chắc chắn sẽ có rất nhiều chướng ngại vật phát sinh, ngăn cản bạn đến với thành quả và mục tiêu mình đã đặt ra. Hãy luôn chủ động, kiên định, tỉnh táo và tập trung để nhận biết và giải quyết những vấn đề nhỏ phát sinh đó. Ví dụ, bạn muỗn tập gym để giảm cân. Chắc chắn trong quá trình tập, đôi lúc bạn sẽ thấy chán nản, làm biếng, … Hãy tìm cách để khiến việc tập luyện trở nên dễ dàng và hào hứng hơn với bản thân. Khi đó, bạn sẽ tự động cảm thấy tập trung hơn vào mục tiêu giảm cân của mình.
Đánh giá lại kết quả vấn đề
Hãy nhìn lại toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề của mình, từ khâu xác định nguồn gốc, đến khâu đưa ra và lựa chọn, tiến hành thực hiện giải quyết vấn đề. Cách giải quyết của bạn đã hợp lý, hiệu quả chưa? Bạn rút ra được bài học gì từ việc này?
Hãy nhìn lại toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề để kịp thời điều chỉnh và rút kinh nghiệm nhé!
Hãy thường xuyên luyện tập khả năng giải quyết tình huống một cách thực tế để mài giũa óc suy luận, khả năng tính toán, tư duy phản biện của mình. Đọc, học hỏi thật nhiều, và liên kết những kiến thức đó để sau này áp dụng vào giải quyết tình huống tương tự. Điều này sẽ giúp bạn trở thành đối tượng tiềm năng dễ dàng lọt vào mắt xanh của nhiều nhà tuyển dụng đấy nhé!
Nguồn: www.careerlink.vn
* Hãy truy cập Edu2Review mỗi ngày để tìm kiếm những cơ hội việc làm hấp dẫn.
Ngọc Dung tổng hợp
Edu2Review – Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam.