“Marketing là tiếp thị hả con?”, “Marketing là đi phát tờ rơi đúng không con?”,… là những câu hỏi mà ai là sinh viên học về Marketing đều đã từng nghe qua dù chỉ một lần. Nhưng đối với những ai đã học qua cái ngành nghề này rồi thì mới biết cái nghề này không được định nghĩa chỉ bằng mấy câu ngắn ngủi như thế.
Marketing là gì?
Có rất nhiều định nghĩa mang tính học thuật về Marketing chúng ta có thể tìm thấy trên mạng, sách chuyên ngành,… nhưng chung quy chúng là có thể hiểu đơn giản là: Marketing là hình thức không thể thiếu trong kinh doanh, nó bao gồm tất cả các hoạt động hướng đến khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của họ thông qua quá trình tiếp thị sản phẩm, phát triển thương hiệu. Mục tiêu của Marketing đó chính là trở thành chiếc cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Marketing là hình thức không thể thiếu trong kinh doanh (Nguồn: Marketing India)
Marketing là học những gì?
Trong trường đại học, nhập môn Marketing, bạn sẽ được học những gì cơ bản nhất, tổng quan nhất về nó như môn Marketing căn bản, Hành vi khách hàng, Quản trị học,… hay tìm hiểu sâu hơn về 4Ps, 7Ps. Sau đó khi vào chuyên ngành rồi thì tùy thuộc vào chuyên ngành chính của bạn học là gì thì bạn sẽ được học chuyên sâu hơn về nó. Ví dụ tại trường Đại học Tài chính – Marketing trong ngành Marketing sẽ được phân thành 3 chuyên ngành chính: Quản trị Marketing, Quản trị thương hiệu, Truyền thông Marketing.
Với chuyên ngành Quản trị Marketing bạn sẽ học chuyên sâu về Xây dựng kế hoạch Marketing, Quản trị Marketing, Quản trị nhân lực, Tin học ứng dụng trong Marketing,… Sinh viên ra trường sẽ được định hướng làm việc tại phòng Marketing, kế hoạch, kinh doanh,… của các công ty.
Quản trị thương hiệu bạn sẽ được học sâu hơn về những gì liên quan mật thiết đến thương hiệu như Nhượng quyền thương hiệu, Xây dựng thương hiệu qua phương tiện truyền thông kỹ thuật số,… Các bạn học ngành này sẽ được định hướng làm tại bộ phận thương hiệu, PR, R&D,…
Còn đối với chuyên ngành Truyền thông Marketing, các bạn sẽ được đào tạo chuyên sâu về truyền thông và được định hướng làm việc ở bộ phận sáng tạo, truyền thông,…
Marketing là làm gì?
Đó là câu hỏi mà ai cũng đặt ra khi muốn vào nghề này. Trong trường đại học chúng ta được học rất nhiều về 4Ps: Product, Price, Place và Promotion. Và bạn có tưởng tượng được không mỗi chữ P này thôi đã là một lĩnh vực quá ư là rộng rồi. Trong ngành này sẽ có 2 phân ngành đó là Client và Agency. Mỗi loại công ty – mỗi phân ngành sẽ có yêu cầu cao những giá trị khác nhau đối với mỗi nhân viên.
Khi bước vào học về Marketing trong môi trường đại học bạn sẽ được tìm hiểu nhiều hơn về các nhãn hàng (brand) và đặc biệt hiểu rõ hơn là một tập đoàn có thể có nhiều nhãn hàng khác nhau. Bạn có thể cảm thấy rất thích thú và càng ngày càng tò mò hơn về nó khi bạn biết rằng những gì bạn sử dụng mỗi ngày đều là nhãn hàng chung của một tập đoàn chứ không phải là của những công ty khác nhau. Ví dụ như: Omo, Dove, Vaseline,… là các nhãn hàng của Unilever hay Pepsi, Twister,… là của PepsiCo chẳng hạn. Đây là những công ty sản suất, họ áp dụng những chiến lược về sản phẩm, giá,… để bán được sản phẩm cho người tiêu dùng. Trong ngành, họ được gọi là Client. Có thể nói Client là người hiểu rõ nhất về thị trường và cách kinh doanh, nói ngắn gọn là Max - Não – Trái (quá logic). Trong Client có 3 bộ phận chính là Brand Management, Trade Marketing và Research.
Client và Agency (Nguồn: Wecreate.life)
Vậy bạn có bao giờ thắc mắc là những quảng cáo trên TV, những clip viral của CocaCola, Pepsi,… chúng ta thường xem hay những tờ rơi, banner mà chúng ta thấy đầy ngoài đường lại tạo được sức hút không? Và có lẽ khi nhìn những ấn phẩm truyền thông đó thì chúng ta đều ồ lên khen và mong ước rằng mình cũng có thể làm ra chúng. Và nghĩ rằng để làm được điều đó chúng ta phải vào được Unilever và PepsiCo,… Nhưng trong quá trình học chuyên ngành ta sẽ đụng một phân ngành khác gọi là Agency – hay những công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị, quảng cáo. Và chính những công ty này mới là nơi đưa ra những đoạn TVC, những mẫu quảng cáo đó chứ không phải là các tập đoàn Unilever, PepsiCo như chúng ta đã nghĩ. Agency là người thấu hiểu bản chất và thách thức kinh doanh của Client, tập trung vào thị phần cảm xúc, làm nên những giải pháp sáng tạo hỗ trợ Client tăng trưởng. Trong một quá trình làm việc của Agency thì Client chỉ làm những khâu đầu – cuối (đưa ra yêu cầu và lựa chọn giải pháp từ agency). Nếu các Client chịu trách nhiệm về 4Ps của một sản phẩm thì hầu hết các công ty Agency đều chỉ làm việc trên P cuối cùng – Promotion mà thôi. Khi ứng tuyển vào loại công ty này, họ không đòi hỏi chúng ta phải có về những tư tưởng, chiến lược mà đòi hỏi về những kỹ năng rất cụ thể như về tiếng Anh, kỹ năng sáng tạo, thuyết trình,… Có 8 loại Agency thông dụng là Advertising (IMC), PR, Event/Activation, Digital, Production, Research, Media, Media Publisher.
Học Marketing có năng động không?
Năng động ư? Marketing có thừa nhé. Không chỉ về độ năng động mà những ai học Marketing đều có một độ lầy, bựa không ai sánh bằng. Nói chẳng đâu xa, tại khoa Marketing trường Đại học Tài chính – Marketing có một câu hát mà trong hoạt động nào cũng được sướng lên một cách đầy “tăng động” đó là “Marketing mình là siêu nhân, là siêu nhân, là siêu nhân. Marketing mình là siêu nhân, uống xì tin biến hình”.
Marketing không chỉ có học không đâu nhé. Thông qua những chương trình Đoàn Hội, những Marketer tương lai đều thể hiện được cái chất trong mỗi hoạt động, đưa những bài học vào trò chơi một cách khéo léo, dễ thương,… Có thể nói hoạt động nào cũng có những họ - những con người hoạt bát, năng động vô bờ bến.
Hãy về với “đội Marketing” để tìm hiểu sâu hơn nữa về nó cùng với sự trải nghiệm thực tế thì bạn sẽ thấy cái nghề này nó thú vị biết bao.
“Marketing thú vị lắm, rảnh vào học ha”
*Bạn muốn học nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Đọc đánh giá trên Edu2Review mỗi ngày để tìm nơi học tốt nhất
.
Nhi Nguyễn tổng hợp
Edu2Review Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam