Mỹ là một đất nước phát triển hàng đầu thế giới về tất cả các lĩnh vực như: Kinh tế, giáo dục, chính trị,... Vì thế, mọi người thường có suy nghĩ thủ tục xin Visa Mỹ là vô cùng khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, xin Visa sẽ dễ dàng hơn nhiều, nếu bạn nắm rõ được các bước và các điều kiện cần có. Hãy cùng Edu2Review tìm hiểu tất tần tật về thủ tục Visa Mỹ trong bài viết này nhé!
1. Xin Visa du học Mỹ với 4 bước
Để có thể hoàn tất việc xin Visa du học Mỹ một cách đơn giản và dễ dàng bạn cần nắm rõ các bước cũng như các công việc cần thiết trong quy trình xin Visa.
Các thủ tục xin Visa du học Mỹ (Nguồn: Vietnamembassy)
Dưới đây là các bước để bạn hoàn thành hồ sơ cũng như đi phỏng vấn Visa:
Bước 1: Xin cấp giấy I-20 có số SEVIS
Bạn cần có thư chấp thuận từ trường đại học hoặc trung cấp mà bạn đã đăng ký để xác nhận bạn đã được chấp nhận vào học theo tiêu chuẩn sinh viên không định cư.
Trả phí SEVIS I-901: Tất cả các đương đơn xin thị thực du học hay trao đổi văn hoá đều phải trả phí SEVIS trước ngày phỏng vấn. Du học sinh phải nộp bản chính biên nhận đóng phí SEVIS (mẫu I-797) hoặc biên nhận điện tử nếu việc đóng phí được thực hiện qua mạng internet.
Bước 2: Hoàn thành mẫu đơn xin cấp thị thực
Để có thể tham gia phỏng vấn, bạn bắt buộc phải hoàn thành mẫu đơn DS-160. DS-160 là mẫu đơn xin Visa điện tử, được áp dụng cho các đối tượng xin Visa Mỹ với mục đích không định cư như Du lịch, Du học,…
Đơn DS-160 phải điền hoàn toàn bằng tiếng Anh, tuy nhiên bạn cũng có thể dễ dàng tìm kiếm mẫu đơn DS-160 bằng tiếng Việt để tham khảo và điền chính xác hơn.
Lưu ý bạn phải đọc thật kỹ câu hỏi và trả lời đầy đủ, chính xác. Điền sai đơn DS 160 sẽ dẫn đến việc bạn bị từ chối xét duyệt Visa Mỹ.
Bước 3: Đặt lịch hẹn phỏng vấn và trả lệ phí
Sau khi đã hoàn tất mẫu đơn xin Visa, bạn cần chọn ngày và giờ phỏng vấn. Tạo thư xác nhận lịch phỏng vấn, sau đó in ra và nhớ đem theo trong buổi phỏng vấn.
Bạn cần thanh toán một khoản phí MRV khoảng 160 USD. Khoản phí này có thể được thanh toán trực tuyến, các bạn chỉ cần giữ lại biên lai thu tiền để mang đi khi phỏng vấn
Bước 4: Phỏng vấn
Học sinh đến Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ vào ngày và giờ trên phiếu hẹn (có thể đến sớm hơn 1 giờ) và mang theo những loại giấy tờ bản chính sau:
NHỮNG GIẤY TỜ CẦN CHUẨN BỊ CHO BUỔI PHỎNG VẤN
- DS-156 đã dán hình 5x5, DS-158 và DS-157(nếu là học sinh nam từ 16-45 tuổi), có chữ ký của học sinh
- Bằng chứng đã thanh toán phí an ninh (SEVIS fee)
- I-20 hoặc DS-2019
- Học bạ, bằng cấp, bảng điểm… mà học sinh đã được cấp trong quá trình học vừa qua;
- Chứng chỉ TOEFL, IELTS, SAT, GMAT, GRE…(nếu có)
- Bằng chứng về tài chính: sổ ngân hàng, giấy tờ chứng minh về thu nhập của cha mẹ hoặc người tài trợ như: giấy phép kinh doanh, giấy tờ thuế, hợp đồng lao động, xác nhận công tác…, giấy tờ nhà đất.
2. Xin visa du học Mỹ có thật sự khó?
Đã có rất nhiều bạn sinh viên rớt Visa Mỹ chỉ vì những lý do không đáng có. Nếu như bạn không muốn bản thân rơi vào trường hợp như vậy thì hãy cùng tìm hiểu một số kinh nghiệm khi xin Visa du học Mỹ dưới đây:
Bỏ túi những kinh nghiệm khi phỏng vấn Visa du học Mỹ (Nguồn: Vietnamembassy)
Soạn sẵn các câu trả lời cơ bản và luyện tập trước ở nhà
Để có thể tự tin và trả lời lưu loát trong buổi phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị trước một số câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn, ví dụ như:
- Câu hỏi về thông tin cá nhân và gia đình.
- Kết quả học tập tại Việt Nam và kế hoạch học tập tại Mỹ.
- Các câu hỏi về chứng minh tài chính.
- Lý do mà bạn lựa chọn du học tại trường, ngành này tại Mỹ.
Và tất nhiên, để bản thân có thể giảm thiểu những áp lực và lo lắng, bạn nên luyện tập trả lời phỏng vấn tại nhà thật nhiều và thật lưu loát.
Phân loại các giấy tờ và chia làm nhiều bìa nhỏ
Đối với những loại giấy tờ và hồ sơ, bạn nên chuẩn bị và chia nhỏ ra theo từng đề mục. Ví dụ như:
- Các giấy tờ về học tập: học bổng, xác nhận của trường tại Mỹ,...
- Thành tích học tập: bảng điểm, học bạ,...
- Giấy tờ nhân thân
- Chứng minh tài chính
Mỗi loại giấy tờ, bạn nên bỏ vào một bìa nhỏ riêng để khi cần đến thì có thể đưa ra một cách dễ dàng và nhanh chóng khi cần. Tránh trường hợp để tài liệu lộn xộn, bạn sẽ bị đánh giá là thiếu sự chuẩn bị và chuyên nghiệp.
Ngoài ra, bạn cũng nên tập cách rút giấy tờ để bổ trợ cho câu trả lời của bạn. Ví dụ như khi trình bày về khả năng tài chính, vừa trả lời bạn vừa đưa ra những giấy tờ liên quan. Điều này sẽ giúp bạn được đánh giá khá tốt đấy!
Điền mẫu DS-160 tỉ mỉ, cung cấp những thông tin có ích
Điền DS-160 là thủ tục quan trọng trước khi tham gia phỏng vấn. Thực chất, khi đọc mẫu đơn này của bạn, thì bên Lãnh sự quán đã có được quyết định bạn đậu hay rớt Visa Mỹ rồi. Việc phỏng vấn chỉ được coi là một hình thức xác nhận lại xem những thông tin mà bạn ghi trong đơn có chính xác hay không mà thôi. Vì vậy, bạn nên cố gắng cung cấp thông tin thật chính xác, đầy đủ và đưa vào đơn những gì mà bạn muốn họ biết về bạn.
Trả lời thành thật
Trả lời thành thật là yếu tố tiếp theo bạn cần lưu ý. Bạn sẽ không thể biết được bên Lãnh sự quán mong muốn nghe điều gì từ bạn khi hỏi câu hỏi nào đó. Có thể khi thành thật, bạn không biết là có thể đậu Visa hay không. Nhưng nếu, bạn bị phát hiện rằng nói dối thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ được bước chân tới xứ sở cờ hoa một lần nào cả.
Hạn chế khen và nói quá nhiều về nước Mỹ
Đây cũng là một những lỗi mà khá nhiều người mắc phải. Khi được hỏi tới lý do tại sao lại lựa chọn học tập ngành học tại Mỹ mà không phải ở một đất nước khác, nhiều bạn thường sẽ thần tượng hóa nước Mỹ và khen quá nhiều nước Mỹ.
Thật ra, khi bên Lãnh sự hỏi bạn câu hỏi này, họ chỉ muốn biết bạn đã tìm hiểu kỹ về ngành học bạn chọn hay chưa. Hoặc nó có gì đặc biệt khiến bạn ấn tượng và mong muốn được học tập tại đó. Bạn càng thể hiện bạn thích nước Mỹ bao nhiêu thì họ lại càng có cơ sở để nghi ngờ rằng bạn có ý định ở lại Mỹ.
Trong bài viết này, Edu2Review đã đưa ra một số lưu ý cũng như các thủ tục khi xin Visa du học Mỹ. Hy vọng, những thông tin trên có thể giúp ích cho bạn trong việc hoàn tất các thủ tục trước khi đi du học. Xin Visa du học Mỹ sẽ không thật sự khó nếu như bạn có sự tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ. Chúc bạn thành công!
Ánh Nguyễn (Tổng hợp)