KHÔI NGUYÊN - Đau đáu nỗi buồn trầu cau | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      KHÔI NGUYÊN - Đau đáu nỗi buồn trầu cau

      KHÔI NGUYÊN - Đau đáu nỗi buồn trầu cau

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      “Thương nhau cau bổ làm đôi miếng/ Một lá trầu xanh thắm nợ duyên/ Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ/ Em còn hoài vọng tiếng người thương…”

      Bà Sáu Lên bên hàng trầu của mình

      “Thương nhau cau bổ làm đôi miếng/ Một lá trầu xanh thắm nợ duyên/ Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ/ Em còn hoài vọng tiếng người thương…”. Kể ra cũng đã lâu rồi tôi mới có dịp nghe lại những câu hát này, dù chỉ là phát tình cờ trên radio của một chuyến xe muộn. Này là đoạn mở đầu bản vọng cổ Lá trầu xanh của soạn giả Viễn Châu, ngày bé tôi vẫn thỉnh thoảng nghe “ké” của ngoại lúc bà vừa đưa võng vừa nhai trầu. Trầu cau đối với thế hệ chúng tôi chỉ là những câu chuyện cổ tích, là những gì thuộc về ông bà, về nét đẹp xưa cũ của một thời đã qua. Nhưng đối với một vài người, đó là cả một đời gắn bó, là nguồn sống, là cái nghề mà đến tận lúc suy tàn ít nhiều người ta vẫn ra sức bám trụ, giữ gìn để khỏi mai một vì cái “tình trầu duyên cau” vẫn còn thắm mãi…

      Cách đây vài tuần tôi ra Chợ Lớn trong một chuyến đi “săn ảnh” cho bài tập chuyên ngành sắp nộp về kiến trúc chợ Sài Gòn. Đang đứng lóng ngóng đợi thêm vài đứa bạn nữa ở ngay cạnh khuôn viên bến xe, tôi chợt ngạc nhiên khi thấy nơi đây quy tụ khá nhiều những quầy hàng bày bán trầu cau – một thứ hàng hóa tưởng chừng như đã thuộc về dĩ vãng. Giữa bốn bề nhộn nhịp tấp nập, cạnh muôn ngàn mặt hàng tại khu chợ sầm uất bậc nhất Sài thành này, làm sao trầu cau có thể bám trụ lại đến tận bây giờ trong sự lãng quên dần của người thành thị? Câu hỏi này chợt nảy lên trong đầu và thôi thúc tôi quay trở lại đây lần hai nhằm tìm kiếm câu trả lời.

      Chỉ còn là dư âm

      Tôi tìm đến chợ trầu cau vào một hôm khác cách đó ít lâu. Lúc đấy là đầu giờ chiều nhưng trời lại quá u ám buồn tẻ do chỉ vừa mới tạnh ráo đôi chút sau cơn mưa dai dẳng không ngớt ngay từ sáng sớm. Chợ hôm nay vắng vẻ thưa thớt hơn lần trước rất nhiều. Cả một đoạn đường Lê Quang Sung trải dài từ chỗ giao với Chu Văn An cho đến đường Nguyễn Hữu Thận (quận 6, TP. HCM) chỉ còn chưa đến mười gian hàng đang bày bán. Tập trung đông nhất là ở khu vực đối diện cổng sau bến xe Chợ Lớn, còn lại chỉ lác đác một hai quầy hàng đìu hiu sau trận mưa đầu ngày. Tôi rảo bước nhanh đến bên một cụ bà thoạt trông đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, người mặc bộ quần áo bà ba, đang cố chặn giữ tấm bạt khỏi bị cơn gió lớn thổi bay mất.

      Vừa giúp bà một tay che lại tấm bạt cho ngay ngắn, tôi vừa hỏi: “Bữa nay buôn bán được không bà?”. “Không, ế lắm, sáng giờ bán chưa được hai chục ngàn. Mưa gió quá trời!”. Bà trả lời, rồi lại chậm chạp ngồi xuống bên rổ cau. Tôi hỏi tiếp: “Bán ít thế sao đủ sống ạ?”. Bà cụ chỉ đáp: “Già rồi, bán cho vui thôi”. Sau đó, qua lời kể của bà, tôi biết được bà tên Sáu Lên, 82 tuổi, là một trong những người gắn bó lâu nhất ở chợ này còn lại đến nay với hơn 60 năm lặn lội sớm tối cùng gánh trầu. Bà không nhớ rõ chợ có cụ thể từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu rồi, phải tận từ thời Pháp, đường Lê Quang Sung này đã tấp nập những hàng gánh cau trầu. Bà đã dành gần như cả đời mình đi về bán buôn ở đây, với lá trầu miếng cau, với những mâm cỗ cưới. Khoảng 20 năm trở về trước, chợ đông vui và nhộn nhịp lắm. Lúc đó, người ăn trầu còn nhiều, hằng ngày việc buôn bán luôn diễn ra tấp nập không ngơi nghỉ từ sáng sớm đến chiều tối, đặc biệt là vào dịp cuối năm hay những lúc có lễ hội, cưới xin,…

      Trong ký ức của bà, cả con đường Lê Quang Sung cùng một khu vực rộng lớn xung quanh chợ Bình Tây phải có hơn hàng trăm sạp, đông đúc khắp hai bên đường và kéo dài hơn cây số chỉ toàn những gánh trầu được bày bán. Người mua kẻ bán tới lui nhộn nhịp, xe tải chở hàng lên xuống liên tục ghé vào từ lúc sáng sớm cho đến khi chiều muộn. Nơi đây gần như là chợ đầu mối trầu cau của cả Sài Gòn và vùng Đông Nam bộ. Lúc đó, trầu cau về chợ phần lớn từ 18 thôn vườn trầu ở Bà Điểm, Hóc Môn, có khi còn chở tận từ miền Tây lên hay ngoài Trung vào. Giờ thì nguồn cung cấp hàng chính đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cau trầu ở Hóc Môn đã bị phá bỏ đi nhiều, còn lại chẳng bao nhiêu nên không đủ cung cấp nữa. Nói đoạn bà dừng lại lấy nước vảy nhẹ lên mấy lá trầu cho khỏi héo. “Nếu ngày xưa 10 phần thì bây giờ chỉ còn lại chừng 2 phần là nhiều, mất hết gần 8, 9 phần rồi”. Bà nói rồi cúi xuống nhặt những lá trầu còn xanh tươi đặt vào trong mát, đôi mắt bà cụ chợt xa xăm như đang nhớ về sự sầm uất một thời của những gánh trầu này.

      Nỗi lo thất truyền

      Tôi bước sang hàng bên cạnh để trú tạm cơn mưa bất chợt do cây dù mong manh của bà Sáu không đủ chỗ cho tôi cùng chiếc ba lô và máy ảnh cồng kềnh. Gian hàng này là của cô Phước, đã ngoài 40, trông có rộng rãi tươm tất hơn sạp trầu của bà Sáu đôi chút nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng ế ẩm, cũng một phần là vì thời tiết hôm ấy xấu. Biết tôi đi tác nghiệp, cô chỉ cười rồi chủ động nói chuyện: “Gần 10 năm trở lại đây chợ suy nhiều rồi. Bây giờ chỉ còn chỗ bến xe này là đông nhất, được khoảng bảy tám quầy, đầu đường lác đác hai, ba gánh với cuối đường có một bà bán nữa là hết rồi. Nhiều lắm cũng chưa tới hai chục người bán”.

      Cô Phước có hơn 30 năm gắn bó với nghề bán trầu cau. Gia đình cô đã ba thế hệ nối tiếp nhau giữ nghiệp truyền thống. Từ bà ngoại cô là một trong những người đầu tiên quảy gánh trầu bán ở chợ những ngày đầu cho đến mẹ cô kế tục để rồi khi bà già yếu lại đến cô trực tiếp đảm đương. Có lẽ vì từ nhỏ đã theo mẹ ra chợ trông coi sạp hàng mà cô đặc biệt yêu từng lá trầu quả cau mình bán. Nhìn cách cô vừa cẩn thận vừa khéo léo têm những lá trầu cánh phượng đầy công phu rồi xếp ngay ngắn ra đĩa cũng đủ hiểu cô thực sự tận tâm với cái nghề của gia đình. Khi được hỏi về người sẽ kế nghiệp cô với hàng trầu này, cô lắc đầu: “Giờ đâu còn ai bán trầu nữa. Nhà cô cũng vậy, con cô đi học đi làm hết rồi nên đến cô là đời cuối cùng rồi”. Giờ đây, những người trụ lại với chợ phần lớn là những bà cụ tuổi ngoài bảy mươi, trung niên như cô Phước còn 2, 3 người. Nhiều người vì nản, vì ế ẩm mà bỏ nghề, nhiều người già yếu rồi lần lượt mất, không có ai thay thế.

      Rồi đây khi những bậc “lão làng” như bà Sáu Lên không còn nữa thì cũng là lúc sự lụi tàn, mai một của buồng cau gánh trầu rõ ràng hơn bao giờ hết. Biết đâu rồi lại thêm một nghề truyền thống nữa của Sài Gòn mãi mãi chỉ còn trong tâm tưởng, trong tiềm thức của những người già và sẽ chỉ là câu chuyện về một thời vang bóng được kể cho lớp trẻ sau này. “Biết sao giờ con, bây giờ cau mắc quá, người ăn trầu thì đâu còn bao nhiêu. Người ta mua về cưới hỏi là chính, mà thường cũng mua vài ba quả cau lá trầu cho có lệ. Giờ sống theo Tây hết rồi. Mình thì được ngày nào hay ngày đó thôi, không dám mong sẽ phục hồi lại được như xưa.”

      Níu kéo lại nghề xưa

      Những người như bà Sáu cô Phước vẫn lặn lội đi về dù trời mưa hay nắng, dù bán được hay không. Có hôm họ chỉ dọn hàng ra rồi cuối ngày lại dọn vào, không kiếm được đồng nào. Một năm nghỉ được đôi ba ngày, trừ những khi đám tiệc hay đau ốm thì lễ Tết cũng chẳng nghỉ bao nhiêu. Tết Nguyên đán, cô Phước không nghỉ được một ngày trọn vẹn vì tối mồng một là phải sửa soạn dọn hàng cho khuya mồng hai bán sớm. Cô phân trần: “Mồng hai, mồng ba người ta đi lễ bái, chùa chiền nhiều nên cô bán được hơn mọi ngày. Mình phải tranh thủ bày ra bán sớm đặng kiếm chút đỉnh tiền Tết.”

      Hằng ngày, dù phải lặn lội đường sá từ tận Bà Điểm, Hóc Môn lên đến Chợ Lớn, nhiều hôm hàng ế, phải tự tay bỏ đi từng lá trầu úa, rồi lại chắt chiu từng đồng lời ít ỏi, cô Phước chưa bao giờ có ý định sẽ bỏ nghề, rời chợ. “Cái nghề này đã giúp gia đình cô mưu sinh mấy chục năm nay. Hồi xưa nuôi sống cả nhà cô. Giờ bỏ không được. Mình không được quay lưng phản bội lại với cái nghề đã giúp mình có được như bây giờ”. Những tiểu thương còn trụ lại đến tận lúc này phần lớn đều có cùng suy nghĩ với cô Phước, họ sẽ sống với nghề cho đến chừng nào còn có thể, vì cái “nợ trầu cau” đã một lần dính vào thì khó mà dứt ra được.Với bà Sáu Lên, phần thời gian còn lại của cuộc đời hơn 80 năm đã qua sẽ vẫn dành cho gánh trầu nơi góc phố, “cho đến khi nào không đi nổi nữa thì thôi”. Dù ngày càng khó cạnh tranh, giá cả bấp bênh, nhiều khi bị người mua ép giá nhưng cô Phước hay bà Sáu vẫn không có dự định sẽ bán thêm những mặt hàng khác như rượu cưới đi kèm như nhiều nơi vẫn đang làm để hút khách bên cạnh trầu cau thuần túy.

      Mặt khác, họ đang cố gắng sáng tạo để quả cau dây trầu của mình có thể thích ứng mà tồn tại tốt hơn trong điều kiện mới, với nhu cầu mới của cuộc sống hiện đại. Bày trí công phu những mâm lễ trầu cau cưới hỏi, không ngừng suy nghĩ, lựa chọn để tạo nên nhiều mẫu mã đẹp cho mặt hàng mình bày bán chính là biện pháp mà các bà các cô nỗ lực để cứu lấy gánh trầu của mình. Với những mâm cau cưới, tuy mất chút ít thời gian sắp xếp lựa chọn nhưng lại bán được giá cao hơn nhiều lần so với cau ăn, “vả lại bây giờ người ta chỉ toàn dùng trầu cau cho dịp cưới hỏi nên mình phải chuyển sang làm nhiều kiểu dáng đẹp, lạ cho mâm trầu mới mong bán được” – cô Phước chia sẻ. Đó chính là cách mà trầu cau bám trụ để còn tồn tại cho đến ngày nay, trước sự lãng quên của người đời, trước sự tất bật của lối sống hiện đại.

      Dẫu sao vẫn đáng để hy vọng cho tương lai của những gánh trầu vì ít nhất người ta còn nhớ đến quà cau lá trầu vào mỗi dịp hỷ sự, lễ tết. Trẻ em vẫn được nghe kể về sự tích trầu cau, người già lác đác vẫn còn ăn trầu và các bà các cô mưu sinh ở chợ trầu vẫn còn dọn hàng ra bán buôn dù rằng ít ỏi. Tôi tự hỏi không biết rồi đây đến lúc nào nghề này mai một hay thậm chí biến mất hẳn trước tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh của thành phố cùng nỗi lo giải tán khu chợ để dành chỗ cho các nhà hàng, khách sạn mới. “Chừng nào cưới xin còn cần có trầu cau thì mình còn bán tiếp” có lẽ chỉ cần bao nhiêu đây câu chữ của cô Phước thôi cũng đã là câu trả lời thích đáng nhất cho những băn khoăn của tôi rồi.

      Tôi cầm ô rời đi ngay sau khi cơn mưa tầm tã buổi chiều vừa bớt nặng hạt. Lặng nhìn khu chợ từ một góc ô cửa kính xe buýt, tôi bắt gặp hình ảnh bà Sáu Lên vẫn cặm cụi chẻ cau, hiện lên thấp thoáng giữa màu xanh của những rổ trầu trong màn mưa bụi mịt mờ khi chiều buông. Xe buýt rời đi, để lại đó nơi góc phố những bộn bề náo nhiệt, những băn khoăn trăn trở, những câu chuyện mưu sinh và cả những người đang ngày đêm thầm lặng gìn giữ nét đẹp văn hóa đang dần mai một của Sài thành.

      KHÔI NGUYÊN

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016


      Có thể bạn quan tâm

      Sự kiện

      WORKSHOP LÀM TRANH ĐÔNG HỒ - HỌA NÉT ĐÔNG HỒ

      27/03/2024

      Họa Nét Đông Hồ là workshop được tạo ra với mục đích tôn vinh và lan tỏa giá trị của dòng tranh ...

      Sự kiện

      Auditing and Accounting Challenge 2024: Sân chơi học thuật hàng đầu toàn quốc

      12/03/2024

      Ngày 04/03/2024, CLB Kế toán Kiểm toán viên Học viện Tài chính (A&A) đã tổ chức thành công buổi ...

      Sự kiện

      KHẮC DẤU TÀI NĂNG LUẬT MÙA IV - MỘT ĐƯỜNG ĐUA ĐÃ TRỞ LẠI

      07/03/2024

      Khắc dấu Tài năng Luật mùa IV trở lại hứa hẹn sẽ đem tới cho tất cả các thí sinh một sân chơi ...

      Sự kiện

      I-INVEST! 2024: S N CHƠI TRÍ TUỆ DÀNH CHO SINH VIÊN ĐÃ CHÍNH THỨC KHỞI TRANH

      04/03/2024

      Năm 2024 là cột mốc đánh dấu chặng đường 15 năm trưởng thành và phát triển của cuộc thi I-INVEST! ...