CÂY BÚT TRẺ - Lòng hào hiệp trong những con hẻm thơm thảo giữa Sài Gòn | Edu2Review
💡 Ưu đãi giới hạn từ ILA: Giảm đến 45% học phí lớp tiếng Anh chuẩn Cambridge
💡 Ưu đãi giới hạn từ ILA: Giảm đến 45% học phí lớp tiếng Anh chuẩn Cambridge
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?

      CÂY BÚT TRẺ - Lòng hào hiệp trong những con hẻm thơm thảo giữa Sài Gòn

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      Giữa Sài Gòn hoa lệ, cuộc sống luôn gấp gấp trong vòng xoay hối hả đến nỗi không có thời gian nở với nhau nụ cười.

      Đằng sau phố thị ồn ào là chằng chịt ngõ hẻm nghĩa tình, ai đến cũng thấy ấm lòng. Đó là những con hẻm miễn phí ấm nồng với bao tấm lòng thơm thảo.

      Từ tủ thuốc treo ngay ở đầu hẻm, bình nước uống, xe ôm, vá xe bên lề đường hay nuôi heo đất phát quà cho người nghèo, quần áo,...cho đến dịch vụ mai táng đều được ghi rõ là "Miễn phí". Nhờ đó mà những người lao động nghèo khổ, những người khuyết tật khó khăn, mỗi khi đi qua đây lại thấy ấm lòng.

      Ông Đỗ Văn Út (51 tuổi) làm công việc thầm lặng. Hàng ngày, tại con hẻm 96 (Đường Phan Đình Phùng, Quận Phú Nhuận, TP.HCM) ông đều đặn châm nước, pha trà từ sáng sớm cho người dân lao động nghèo. Ảnh: Nhóm Cây bút trẻ.

      Hẻm “Sáu trong một”​

      Con hẻm 96 (Đường Phan Đình Phùng, Quận Phú Nhuận, TP.HCM) được người dân lao động nghèo biết đến, bởi hai chữ miễn phí. Từ bình trà đá, bơm vá xe, phát cơm, xe ôm, tủ thuốc cho đến dịch vụ mai táng đều được miễn phí. Nhiều người dân gọi vui là hẻm “Sáu trong một”.

      Dưới thời tiết se lạnh giữa tháng 12, chúng tôi tìm đến con hẻm 96 gặp ông Đỗ Văn Út (51 tuổi) là chủ nhân những vật dụng miễn phí.

      Ngồi trò chuyện, ông Út cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ đặt nước uống, bơm vá xe ngay đầu hẻm miễn phí cho người dân lao động nghèo. Sau này, tôi được bà con giúp đỡ “Góp gió thành bão” mới nhân rộng ra thêm. Chính vì thế, tôi mới có nhiều nghề trong tay từ tài xế, y sĩ phát thuốc kiêm cả dịch vụ mai táng,…nghĩ cũng lời”.

      Ông Út nói, từ ngày có tủ thuốc giúp được nhiều người. Vào mùa nắng nóng hay giá lạnh những người mua gánh bán bưng, chạy xích lô, bán vé số,…quần quật rong ruổi mọi góc phố để mưu sinh.

      Khi đi ngang qua đây chẳng may bị trúng gió hay cảm nắng, ông và người dân chạy ra dìu họ vào hẻm để cạo gió, xoa dầu và phát thuốc về uống. Hay những cú va quệt xe, khiến nhiều người bị thương. Ông cũng sơ cứu rồi giúp đưa đi bệnh viện. Cứ thế, ông trở thành y sĩ hồi nào không hay.

      Bà Trần Thị Bé (63 tuổi, Quận Gò Vấp, TP.HCM) tâm sự: “Quê ở Tiền Giang, vì cái nghèo đeo bám, tôi lên thành phố mưu sinh bằng nghề ve chai. Rong ruổi mọi góc phố để kiếm từng đồng, tôi đâu dám ăn, uống gì. Nhiều khi khát khô cả cổ nhưng không dám ghé mua chai nước, vì sợ tốn tiền. Từ khi biết con hẻm 96, ngày nào nào tôi cũng ghé uống nước, nhận cơm và có khi xin thuốc miễn phí. Tôi không ngờ, ở Sài Gòn lại có con hẻm thơm thảo như vậy”.

      Đang nói chuyện, chúng tôi lẻn ngước lên tủ thuốc nhỏ có đầy đủ các loại, không kém ngoài tiệm. Nào là thuốc cảm, băng y tế, dầu gió, thuốc đau nhức khớp,…tủ thuốc nhỏ treo một góc hẻm cùng ông Út giúp đỡ được nhiều người dân lao động nghèo nhiều năm qua.

      Ông Út nói, mỗi khi tủ thuốc vơi đi, ông tự động mua bỏ thêm hay người dân trong hẻm tự nguyện bổ sung vào để tủ thuốc nhỏ không bị hụt.

      “Sống trong cảnh nghèo khổ từ nhỏ, trải qua bao nghề lao động chân tay, tôi hiểu được sự vất vả của họ. Tôi nghèo tiền, nghèo bạc không thể nghèo về tình thương. Giá trị của tình người, của tinh thần tương thân tương ái còn cao hơn nhiều lần so với giá trị vật chất”, ông Út bày tỏ.

      Nghĩa tử là nghĩa tận

      Tủ thuốc nhỏ nằm ở một góc tường đã theo ông Út cứu người trong nhiều năm qua. Ảnh: Nhóm Cây bút trẻ.

      Không những thế, ông Út còn làm dịch vụ mai táng miễn phí giúp đỡ những người nghèo khó, vô gia cư được mồ yên mả đẹp. Tấm biển được treo ở một góc hẻm có nội dung: "Vạn Phúc - Điểm giúp hòm từ thiện, trợ táng miễn phí phục vụ 24/24, kể cả ngày lễ, Tết và chủ nhật".

      Ông Út cho biết, ông từng chứng kiến người dân nghèo, vô gia cư không may qua đời. Nhưng họ không có hàng thân thích lo ma chay, an táng. Ông đã mạnh dạn đi vận động các cơ sở trại hòm để lo ma chay chu tất cho họ.

      Vừa bơm xe, ông Út kể, có lần hai vợ chồng từ tỉnh An Giang lên thành phố không may bị tai nạn. Người vợ bị chấn thương sọ não. Số tiền cần phẫu thuật lên tới 40 triệu đồng, nhà nghèo nên người chồng không xoay sở được.

      Nghe tin, ông đến bệnh viện và vận động mọi người giúp đỡ mong góp đủ chi phí để thực hiện ca phẫu thuật. Nhưng, người vợ không qua khỏi. Ông lại tiếp tục lo phần hậu sự, chạy đi xin hòm khắp nơi.

      Ông Út cho biết thêm: “Trước đây, tôi cũng từng kinh qua nghề ma chay, chuyên tắm rửa, tẩm liệm cho người chết. Có lần trong hẻm có đám ma nhưng gia đình nghèo không mua nổi quan tài. Không cầm được lòng, tôi chạy tới các trại hòm để xin, nhưng mới đầu người ta chưa tin nên từ chối.

      Tôi phải chạy lên phường xin giấy xác nhận hoàn cảnh rồi trở lại cơ sở trại hòm. Thấy vậy, người ta thương tình ủng hộ một cái miễn phí. Sau đó, tôi cùng người bạn làm chủ cơ sở trại hòm Vạn Phúc thực hiện dịch vụ mai táng miễn phí cho bà con trong xóm và các quận huyện”.

      Cũng theo ông Út, có khi ông còn bỏ tiền túi ra để mua nhang, đèn. Những lúc đang ăn cơm, nghỉ ngơi hay giữa đêm khuya nhận được điện thoại có người cần giúp đỡ, ông tức tốc đi ngay. Cứ thế, con hẻm 96 ấm lên tình người giữa đường phố Sài Gòn.

      “Họ đã sống cả một cuộc đời vất vả, không có nhà để trú thân. Khi giã từ cuộc sống, họ cũng mong muốn mình được che chở để nằm yên vào lòng đất mẹ. Nên tôi nghĩ công việc này rất bình thường, ai có lòng thiện nguyện thì cũng làm như tôi. Tôi sẽ làm công việc này cho đến khi không còn sức nữa mới thôi”, ông Út bày tỏ.

      Hẻm gom tiền nuôi heo đất

      Không những thế, ông Út còn kiêm cả dịch vụ mai táng miễn phí cho người dân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nhóm Cây bút trẻ.

      Từ lâu, con hẻm 60 (Đường Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM) còn được người dân Sài Gòn gọi là hẻm “Heo đất”. Bởi khi bước vào hẻm, người ta sẽ nhìn thấy một bà cụ bán bánh mì, bên cạnh bà lúc nào cũng có một con heo đất dán dòng chữ: “Nuôi heo đất giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”. Người bán bánh mì và cũng là người khởi xướng phong trào nuôi heo đất đó là bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, 73 tuổi mà mọi người vẫn thường gọi là má Cúc.

      Hơn 20 năm, má Cúc vẫn tận tâm với công việc mà người ta thường gọi “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Người dân ở khu vực có lẽ không còn lạ lẫm hình ảnh má Cúc hàng ngày đẩy chiếc xe bánh mì ra đầu ngõ hay đi xin từng bọc ve chai, giấy báo,…tất cả số tiền kiếm được đều bỏ ống heo giúp đỡ người dân lao động nghèo.

      Nhớ về buổi đầu nuôi heo đất, má Cúc kể, người dân trong hẻm chưa tin nên còn dị nghị, bàn ra tán vào. Không những thế, má còn bị các con can ngăn không cho làm.

      Bà Nguyễn Thị Bạch Cúc nuôi heo đất tại con hẻm 60 (Đường Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM) giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nhóm Cây bút trẻ.

      “Có hôm, tôi lẻn mấy con đi nhặt ve chai dọc đường để bán lấy tiền nuôi heo. Nhưng ngờ đâu, con dâu đứng phía trước liền lánh đi chỗ khác, nhưng cuối cùng cũng bị phát hiện. Dần dần, việc làm của tôi cũng được mọi người và con ủng hộ, cùng tôi tích tiểu thành đại để nuôi heo mau ăn chóng lớn”, má Cúc cười.

      Má Cúc còn tự tay chăm sóc, tắm rửa cho người già, người bệnh điên. Má kể cho chúng tôi rằng má tắm cho người già, tôi cười, vì má cũng già. Má Cúc nhớ lại, lần đó tắm cho bà bị bệnh điên, nghe họ chửi bới, thậm chí má còn bị đánh đến nỗi hai mấy tết mà mặt còn sưng tấy.

      Công việc thiện nguyện của Má Cúc không dừng, má còn quyên góp quần áo, bánh kẹo đến giúp đỡ những vùng sâu, vùng xa. Má bảo người ta ở đó khổ lắm, áo không có mặc, trẻ con đi chân đất. Má cũng kể, lần đó má đi lên phía sông Ngạn từ thiện, đồng bào ở đó thấy má thi reo lên "Giàng lên, Giàng lên". Má cười, có lẽ việc giúp đỡ được người khác là niềm vui của má.

      Má Cúc mới bán được 35 ngàn đồng ve chai liền bỏ vào ống heo. Bà ôm trong tay lắc lắc và khoe với chúng tôi heo đầy rồi đấy các con. Tết này có thể đập ra phát quà cho bà con nghèo rồi. Ảnh: Nhóm Cây bút trẻ.

      Ngần ấy năm vì xã hội, giúp đỡ không ít người có hoàn cảnh kém may mắn. Nhưng nhìn quanh nhà má không có lấy một tấm bằng khen, má Cúc nói: "Mình làm vì cái tâm, chứ đâu vì thành tích. Tôi làm với mong muốn xã hội này không còn những người bất hạnh, khổ sở, mong họ có cơm ăn áo mặc no ấm là vui rồi”. Có lẽ thế, ở cái tuổi ngoài "Thất thập cổ lai hi" má Cúc vẫn tận tụy vì những mảnh đời bất hạnh.

      Tết gần kề, má Cúc đã chuẩn bị quà tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những thùng mì tôm, những chai dầu ăn, nước mắm, bột ngọt,...Năm nay, má đã chuẩn bị được gần 500 suất quà Tết, cùng với đó là các suất học bổng và tiền trợ cấp định kỳ cho học sinh nghèo.

      Ông Trần Huy Ích (56 tuổi) sống gần khu vực, cho biết: “Trong khu vực, ai cũng khâm phục trước tấm lòng thiện nguyện của bà. Mới đây, ở xóm có đứa nhỏ bị giang hồ chém thương tâm, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bà cũng đội mưa đi xin tiền từng nhà. Có nhà cho, có nhà hất hủi nhưng bà vẫn kiên trì. Trong xóm có tấm gương sáng như bà, tôi cũng tự hào lây”.

      Quả thật, giữa chốn thành thị đầy bon chen đâu đó vẫn ánh lên những tấm lòng thơm thảo, cao đẹp biết bao khiến cho thành phố giàu thêm nghĩa tình. Dù bộn bề khó khăn nhưng họ vẫn nghĩ về mọi người, yêu thương và trân trọng nhau.

      Nhóm Cây bút trẻ

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016