TRANG ĐÀI - Thư pháp "phiêu lưu ký" | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      TRANG ĐÀI - Thư pháp "phiêu lưu ký"

      TRANG ĐÀI - Thư pháp "phiêu lưu ký"

      Cập nhật lúc 26/04/2018 14:56
      Chữ Nho mất cùng với sự thắng thế của văn hóa Phương Tây nên hình ảnh về Ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.

      Cách nay khoảng chẵn một thế kỉ, vị thế của các Ông đồ dường như đã bị “rớt giá”. Trần Tế Xương lúc ấy đã có những lời thơ buồn thấm thía “ Nghe nói khoa này sắp đổi thi/ Các Ông đồ cổ đỗ mau đi/ Dẫu không bia đá còn bia miệng/ Vứt bút lông đi, giắt bút chì!”. Chữ Nho mất cùng với sự thắng thế của văn hóa Phương Tây nên hình ảnh về Ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Đối với những người sống trải trong văn hóa Á Đông chút vang bóng về hình ảnh Ông đồ ngày tết để lại thật nhiều dư vị.

      Ông đồ là một danh từ buồn

      Tôi được một cô bạn mê thư pháp giới thiệu đến Hội quán “Hoa chữ Việt” để “nhâm nhi” vài mẩu chuyện về nghề Ông đồ. Chủ hội quán là “Ông đồ trẻ” Dương Minh Hoàng, anh vừa bước sang tuổi 32 nhưng đã có 10 năm gắn bó với nghệ thuật thư pháp. Có lẽ đây là lần đầu tôi gặp một “anh đồ” trong trang phục áo thun và quần jean. Vậy nên tôi có chút ngạc nhiên, tự hỏi bản thân không biết mình có tìm nhầm người không. Suy nghĩ ấy bị gạt phăng ngay sau những chia sẻ đầu tiên của anh về nghề.

      “Người Việt từ xưa có truyền thống thờ chữ, rước chữ, xin chữ. Theo đó, thờ chữ và rước chữ là đối với những chữ của vua, được viết trong các sắc phong. Còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ vào những dịp lễ tết trong cộng đồng. Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì người ta xin, người cầu tài lộc thì xin chữ tài chữ lộc, người cầu con cái xin chữ phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ thọ… Có những ông đồ thì lại đến các chợ, hoặc nơi đông người qua lại, bày giấy mực ra để bán chữ, có thể nói chỗ ông đồ ngồi là chỗ mọi người xúm vào đông nhất. Những ông đồ chữ đẹp được mọi người chú ý rất nhiều, mỗi chữ cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền, nên ai cũng muốn mua cho mình một vài chữ, sắc đỏ của giấy, mùi thơm của mực cũng làm cho ngày tết thêm màu sắc và hương vị. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình. Đó không những là phong tục tốt đẹp mà còn là niềm vui trí tuệ lớn lao mang đậm hương vị văn hóa dân tộc. Khi đó, ông đồ như một lãnh tụ tinh thần của cộng đồng làng xã, ông vừa dạy chữ thánh hiền vừa truyền trao nghệ thuật thư pháp – một hình thức văn hoá xem trọng chữ nghĩa của thánh hiền. Sau khóa thi chót, chữ Nho cũng nền Hán học không còn giữ địa vị độc tôn nữa mà nhường nhường bước cho nền văn hóa mới của thế hệ mới. Vì thế hình ảnh Ông đồ cũng dần biến mất”.

      Nói đến đoạn này thì “anh đồ” bỗng ngừng lại vài giây như thể nhấn mạnh với tôi ý này: “Kể vậy thôi chứ anh vẫn muốn được gọi là nghệ nhân thư pháp. Vì Ông đồ là một danh từ buồn, là từ mà người ta vẫn dùng để gọi những người không đỗ đạt trong các khoa thi. Với họ thì đó chính là một điều tiếc nuối.” Vẫn biết là mình không cố ý gợi lên ý nghĩ đó với “anh đồ” nhưng tôi vẫn có chút tự trách bản thân. Cuộc nói chuyện tạm dừng lại, anh gợi ý tôi uống vài tách trà. Chắc đây là cách mà “người nghệ sĩ thư pháp” vẫn hay dùng để giải tỏa những nỗi buồn xưa cũ.

      Nghệ nhân viết thư pháp “Dương Hoàng Minh”

      Chuyện về một Ông đồ

      Anh kể tiếp bằng câu chuyện theo đuổi đam mê “cầm cọ” của mình. Đến với thư pháp từ năm 15 tuổi chỉ sau một lần đi xem triển lãm và từ lúc đó tình yêu với nghệ thuật thư pháp đã nhen nhóm trong anh. Nhưng sau đó anh theo học ngành cơ khí để làm vui lòng ba mẹ trước rồi mới đi theo tiếng gọi của đam mê. Sau khi học xong, anh đã gửi cho ba mẹ tấm bằng của mình và từ đó anh quyết đi theo niềm đam mê đã nhen nhóm trong trái tim từ thuở nhỏ.

      ” Người nghệ sĩ tỏ ra rất hài lòng với quyết định của mình. Nhưng tôi vẫn chưa tin lắm về sự dứt khoác của câu chuyện này. Đối với những người trẻ tuổi (như tôi) thì việc theo đuổi hẳn một công việc (mà nhất là công việc liên quan đến văn hóa truyền thống) là chuyện rất hiếm; vẫn luôn có rất nhiều chân trời cần khám phá trong dự định của họ. Đúng với suy nghĩ của tôi, anh nói từng có một khoảng thời gian khá dài anh bỏ nghề. “Lúc đấy, anh cảm thấy công việc này chán vô cùng. Trong xã hội hiện đại như hôm nay thì người ta cần một cái gì đó nhanh, gọn và đẹp theo kiểu “xì – tin” còn thư pháp thì cần sự chậm rãi. Người thưởng thức buộc phải chậm rãi để ngẫm, thấm thía từng con chữ thì mới thật sự thấy được giá trị của thư pháp. Nhưng rồi khoảng một năm sau, anh cảm thấy mình không thể từ bỏ được niềm đam mê thư pháp, vậy là ngay lúc đó anh viết đơn từ chức và trở lại với mực tàu, giấy đỏ, với thư pháp.

      Và từ đó đến nay anh vẫn luôn tự hào là mình vẫn còn sống được với nghề, và vẫn còn người yêu quí thư pháp”. Tôi thật vui vì bỗng dưng lại được bắt gặp ánh mắt say mê đối với nghề cho chữ của những “ông đồ” trong những kí ức xưa cũ. Hẳn là tổ nghề đã chọn anh để làm công việc lưu giữ nét đẹp truyền thống quí báu này của dân tộc. Nhưng nghĩ lại thì không biết bây giờ còn mấy ai đủ đam mê và tâm huyết để làm sống dậy một thời thịnh vượng của nghệ thuật này.

      Anh bảo viết cái thư pháp dễ lắm, anh không làm được chuyện gì phức tạp nên theo nghề. Nói thế không có nghĩa là ai cũng có thể viết được thư pháp Việt và dễ dàng có được tác phẩm hoàn hảo. Hai nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật thư pháp là hình và thần, mà qua đó thể hiện được chữ viết và là phương tiện để bày tỏ tâm thức con người. Dụng cụ không thể thiếu đó là: bút, nghiên, giấy, mực hay vẫn được gọi là "văn phòng tứ bảo". Cái “văn phòng tứ bảo” ấy anh đã đặt gọn gàng vào một căn lầu nhỏ lọt ở đường Phan Đình Phùng. Tất cả cọ được treo lên một chiếc giá nhỏ đặt vừa vặn trên bàn làm việc. Mực và màu lại được xếp vào một hộp riêng theo thứ tự. Nhìn cách cách xếp đặt từng cây cọ, nghiêng mực, xấp giấy,... cũng có thể cảm nhận được sự trân trọng của người nghệ sĩ đối với nghề nghiệp của mình.

      Việc chọn một câu văn hay một bài thơ để viết lên trang giấy cũng hết sức cẩn trọng. Vì ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết. Đến với thú chơi thư pháp Việt không phải cứ thích là được. Mà cần có tình yêu sâu đậm với tiếng Việt, phải đam mê với nghệ thuật viết chữ, phải biết nâng niu, trân trọng từng nét chữ bởi mỗi nét chữ là một mảnh hồn Việt và đặc biệt là sự kiên trì, khổ luyện. Và cũng bởi với thư pháp Việt, ngay cả cách cầm bút lông thế nào cho đúng cách, cho vững tay cũng mất vài tháng đến nửa năm luyện tập miệt mài. Lao động miệt mài cho nghề là vậy nhưng mấy ai ghi nhận công sức mà người nghệ sĩ đã bỏ ra. Anh kể nhiều khi người ta hay thị trường hóa công việc này. Người đến mua chữ họ chỉ mua vội như một như cầu chứ không cần và cũng không muốn hiểu về ngữ nghĩa của con chữ.

      “Nỗi niềm” bút mực

      Khoảng mấy năm trở lại đây, người học thư pháp thì nhiều chứ người mua thì không mấy ai. Mở một hội quán mà có khi cả tháng anh chưa được tranh nào, anh phải xoay sở bằng cách vẽ chữ lên áo dài, làm đồ chơi và dạy thư pháp. Kể về chuyện này anh chỉ cười hiền rồi giấu luôn nỗi buồn của mình vào trong đấy. Ngay cả dịp tết là thời gian làm ăn được nhất năm nhưng cũng chỉ đủ để trang trải đủ tiền thuê nơi làm việc, còn lại anh lại phải dùng vào việc mua dụng cụ để viết. Người nghệ sĩ vẫn không giỏi làm giàu bằng vật chất, họ thường làm giàu cho đời sống tinh thần hơn. Anh cũng bảo tôi nếu như muốn làm giàu thì anh đã không chọn làm nghệ sĩ thư pháp.

      Ra về, anh tặng tôi một cái hộp nhỏ bảo đây là quà, rồi không nói gì thêm. Về đến nhà mở ra mới thấy là một bức thư pháp viết chữ “AN”. Chắc có lẽ đây là chữ dễ viết nhất và cũng là điều mà ai cũng mong muốn. Mong rằng tết tới và nhiều cái tết sau nữa, tôi vẫn sẽ được gặp anh để xin chữ.

      TRANG ĐÀI

      Chương trình nhận được Tài trợ vàng từ nhãn hàng Nước tăng lực NumberOne và các nhà tài trợ đồng hành gồm: Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Trung tâm Anh ngữ ULI.

      Các đơn vị Bảo trợ truyền thông cho chương trình gồm Kenh14.vn, báo Sinh viên Việt Nam, EBIV, YBOX, S Communications, FTUNEWS, FTU Zone, Fly Entertainment, STDT Communications, Truyền thông UEL và các đơn vị hỗ trợ truyền thông: REC Miền Nam, CLB Phóng Viên Trẻ (Nhà văn hóa Thanh Niên), CLB Phóng Viên Trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing).

      Hướng dẫn bình chọn:

      Đối với thể loại phóng sự báo in: Xem chi tiết hướng dẫn bình chọn tại địa chỉ: http://tinyurl.com/ps-bao-in-2016


      Có thể bạn quan tâm

      Sự kiện

      Chính thức khởi động IMPACT 2024 - Chuỗi đào tạo về chủ đề Social Marketing

      11/04/2024

      Vào tháng Tư tới đây, Câu lạc bộ Marketing Trường Đại học Ngoại thương - MaC FTU chính thức khởi ...

      Sự kiện

      “Inside Out - Insight Found” - Workshop chuyện ngành sáng tạo thu hút đông đảo các bạn trẻ

      05/04/2024

      Ngày 31/3 vừa qua, Workshop “Inside Out - Insight Found” với sự góp mặt của Content Creator Phúc ...

      Sự kiện

      CHÍNH THỨC MỞ ĐƠN EXBROAD RUNWAY 2024 - SHARPEN TOOLS, SHARPER MIND

      03/04/2024

      Exbroad Runway, cuộc thi mang đậm dấu ấn thương hiệu CLB Du học trường Đại học Ngoại thương SAC ...

      Sự kiện

      WORKSHOP LÀM TRANH ĐÔNG HỒ - HỌA NÉT ĐÔNG HỒ

      27/03/2024

      Họa Nét Đông Hồ là workshop được tạo ra với mục đích tôn vinh và lan tỏa giá trị của dòng tranh ...