Chỉ cần lướt qua nhiều trang báo mạng hiện nay, bạn sẽ không khó bắt gặp những cái tít giật gân kiểu “đâm chết người yêu vì không muốn chia tay”, “thiếu nữ bị tạt axit vì muốn chia tay”…, thậm chí tống tiền, tung ảnh hot… Đây là những hậu quả có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là bạn trẻ. Vậy làm thế nào để nếu xúi quẩy phải chia tay người yêu, thì vẫn “hòa bình”, êm đẹp? Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư Phạm TP HCM) sẽ gỡ rối giúp bạn.
Theo thầy Hiếu, bản chất của tình cảm là một loại động lực, đến khi bị từ chối sẽ quay ra thành phản lực. Do đó, tình yêu có thể bị biến thành lòng thù hận. Chính vì vậy, biết cách chia tay trong êm đẹp sẽ là cách giúp mỗi người giữ an toàn cho mình và gia đình. Xem chia sẻ của thầy Hiếu dưới đây.
1. Không nên quyết định chia tay quá đột ngột
Theo Thầy Hiếu, bạn hãy có bước đệm để cả hai chuẩn bị tâm lý thích nghi dần với nỗi đau này. Trường hợp nếu đối phương nài nỉ, nên giải thích rõ lý do rồi hẹn "tạm chia tay" để hai bên có thêm thời gian suy nghĩ kĩ, sau đó tìm cách khéo léo buông bỏ dần dần.

Tránh chia tay quá đột ngột, dễ tạo cú sốc cho đối phương
2. Không xúc phạm nhau
Một câu nói xúc phạm (của bạn hoặc của cha mẹ bạn đối với người ấy) cũng thổi bùng cơn giận trong lòng họ (dù họ xứng đáng với lời xúc phạm đó đi chăng nữa).
Một bà mẹ đã đuổi anh chàng ra khỏi nhà và rất có thể đó là một phần lý do anh ta quay lại với nhiều nhát dao sát hại. Một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng, một lời xúc phạm sẽ đốt cháy nhiều thứ hơn ta tưởng. Hãy cố gắng dùng những lời lẽ kiềm chế nhất.

Tuyệt đối không xúc phạm người ấy
3. Không phủ nhận sạch trơn quá khứ
Bạn không nên bảo "Quen cô tôi chẳng được gì!" hay "Thằng đào mỏ!", "Xem như mấy năm qua chưa hề tồn tại đi!", "Tôi không còn yêu anh nữa!"... Những câu ấy là con dao hai lưỡi, cứa vào tim "người ấy" và có thể sẽ quay ngược đâm lại chính mình.

Phủ nhận quá khứ chỉ làm cho đối phương thêm đau
4. Không nên khiêu khích cơn ghen tức
Khi mới chia tay, nên hạn chế thấp nhất khả năng anh ta biết mình có người yêu mới (dù điều này chẳng có gì sai cả). Hạn chế thể hiện tình cảm với người yêu mới ở những nơi mà anh ta dễ dàng nhìn thấy hay post hình người mới trên facebook. Đó một phần cũng là lịch sự, cũng là tự bảo vệ mình.

Mặc dù đã chi tay người cũ nhưng cũng đừng vì thế mà sớm khoe người mới
5. Không phũ phàng để họ có cảm giác bị bỏ rơi
Hết tình thì còn nghĩa. Nếu được, bạn nên thỉnh thoảng nên gọi điện thoại thăm hỏi tình hình của người cũ (nếu họ không phản đối) để "người ấy" không có cảm giác bị bạn bỏ rơi. Một cuộc gọi sẽ an ủi và hóa giải được nhiều cảm xúc của "người ấy" hơn bạn tưởng. Tuy nhiên, chỉ quan tâm vừa phải để họ không hiểu lầm rằng ta muốn quay lại và nuôi hy vọng.
Ngoài ra, hãy nhờ người thân, bạn bè, những người xung quanh anh ấy chăm sóc an ủi động viên, để "người ấy" nhận ra rằng, còn rất nhiều người khác quan tâm mình.

Bị bỏ rơi là một cảm giác vô cùng tồi tệ
Ngoài 5 bí kíp trên, thầy Hiếu còn muốn nhắn nhủ với bạn trẻ qua những lời kết luận dưới đây.
Bạn gái cần tùy người, tùy hoàn cảnh mà linh hoạt để nghĩ cách chia tay khéo léo nhất. Bởi những vụ việc đau lòng khi chia tay người yêu cho thấy, bạn gái thường là người phải hứng chịu hậu quả nặng nề.
Còn các chàng trai cũng cần phải nhớ: Cuộc đời là một con đường không bằng phẳng, không phải tình cảm lúc nào cũng như ý của mình. Nếu mảnh ghép đó không khớp với mình, thay vì trả thù bằng những đòn hèn hạ, hãy dũng cảm chấp nhận sự thật, đó mới là bản lĩnh đàn ông.
Ngoài ra, trên đời này không phải chỉ có một người để yêu. Người ta thường phải nhầm lẫn vài lần trước khi tìm ra được một nửa thật sự của mình. Đừng vì cơn ghen hay lòng thù hận mà đốt cháy người khác và thiêu cháy cả cuộc đời mình.
Thế nên: Yêu cũng cần phải học cách chia tay.
Kim Thư (theo báo Tuổi Trẻ)
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam