(nguồn: Rishabhsoft)
Dành thời gian xả hơi quá nhiều
Hẳn là sau khi trải qua kì thi THPT Quốc gia căng thẳng, bạn nào cũng muốn được xả stress thiệt nhiều, đi chơi thiệt đã để bù cho khoảng thời gian dài đằng đẵng bị “cấm cung” “tu luyện” ở trường học, ở trung tâm, và cả ở nhà. Sau đó, còn được các anh chị khóa trên mách “học đại học dễ lắm em, cứ chơi thôi cũng qua môn”.
Và rồi thế là với tâm lí là sẽ “đi chơi”, bạn nghiễm nhiên mặc định việc học trở thành thứ yếu ở trường đại học.
Ngủ quên trên chiến thắng
Bạn nghĩ ngơi, thư giản và mãn nguyện với những thứ mình đạt được (nguồn: DeviantArt)
Các bạn đã chiến thắng cuộc đua vào các trường top, ngành hot với điểm số cao ngất ngưỡng khiến ba mẹ tự hào, gia đình hãnh diện. Và hơn ai hết, bạn tự tin hơn, rồi tự mãn.
Bạn trở nên quá hài lòng với chính bản thân mình, bạn quên đi việc mình phải tiếp học tập, tiếp tục nỗ lực, quên đi cả những ước mơ, hoài bảo của mình. Hãy nhớ rằng, những người có xuất phát điểm thấp hơn, họ sẽ có động lực để cố gắng nhiều hơn, và ngược lại. Đừng để bản thân tuột lại phía sau chỉ vì bạn đã từng giỏi hơn họ.
Không quản lí tốt thời gian
Bạn là sinh viên năm nhất, bạn không có quá nhiều môn phải học. Thời gian rảnh, bạn làm gì?
Đi chơi với lũ bạn mới quen? Tham gia các hoạt động Đoàn – Hội, hoạt động ngoại khóa ở trường? Đi làm thêm? Đi thử các món ăn mới lạ từ vỉa hè tới các nhà hàng cao cấp sang trọng? Đi khám phá thành phố mới? Đi hẹn hò?...

Bạn có quá nhiều việc cho một ngày (nguồn: DuongLinh CDNVN)
Thành phố mới nơi bạn đặt chân đến quá hay ho, quá nhiều hoạt động thú vị cho bạn, bạn có thời gian rảnh, cũng không còn trong sự quản lí khắt khe của ba mẹ như hồi còn ở nhà. Nên, cứ xách balo lên và đi thôi.
Nhưng này, mục đích bạn ở đây là gì? Ba mẹ mỗi năm chi ra biết bao nhiêu tiền cho học phí, sinh hoạt phí,… cả ngàn thứ chi phí khác cho bạn ở đây là gì? Chính là để bạn học. Tuy nhiên, mỗi ngày bạn mệt mỏi trở về nhà trọ sau từng ấy hoạt động sôi nổi mà bạn đã làm trong ngày, bạn chỉ muốn chui vào cái nệm êm ái của mình. Và ngủ, chuẩn bị năng lượng cho một ngày dài năng động tiếp theo.
Còn học hả? – Thôi để sau đi.
Bị bạn bè lôi kéo vào những cuộc đi chơi thâu đêm suốt sáng
Thành phố mới, con người mới. Và tất nhiên, bạn cũng sẽ có bạn mới. Họ đến từ những vùng miền khác nhau, có giọng nói khác nhau. Tuy nhiên, họ cũng như bạn, là sinh viên năm nhất đầy nhiệt huyết, muốn thử, muốn khám phá mọi thứ. Rồi những con người có cùng mục đích sống đến với nhau, tạo nên một hội bạn thân như anh em keo sơn, không cuộc vui nào mà không có đủ mặt cả hội cả.

Dành quá nhiều thời gian cho các cuộc chơi không có điểm dừng (nguồn: XTi)
Nhưng mà, việc vui chơi là không có điểm dừng. Hồi trước thì sao? Giờ giới ngiêm của bạn là chín giờ tối. Bây giờ, bạn tự lập, không ai quản thúc bạn nữa, nên thôi, cứ chơi xong rồi về. Từ đó, bạn sa đà vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Rồi, bạn rơi vào trạng thái lười học, chỉ dành thời gian ở giảng đường cho những việc vô bổ khác, và ngủ bù.
Đến thi mới học
Bạn luôn bận rộn cho các cuộc chơi, các hoạt động khác, và cũng chả dành ra một khoảng thời gian cố định trong ngày cho việc học. Nhưng rồi nghĩ “ai cũng nói thi trên đại học dễ lắm, kiểu gì cũng qua môn, nên thôi, nào thi rồi học.”
Nhưng mà bạn ơi, đại học không còn như cấp ba nữa. Một môn bạn học có quá nhiều tài liệu để tham khảo, lượng kiến thức bạn phải nạp vào là rất rất rất nhiều, và giảng viên thì chẳng có ai đưa ra đề cương trước cho bạn cứ học theo đó rồi thi nữa đâu. Một kì có vài môn, một môn có vài cuốn tài liệu dày cộm và chỉ còn vài ngày nữa là thi.

Quá nhiều kiến thức bạn phải nhồi nhét trong thời gian ngắn (nguồn: iOne)
Bạn chẳng thể nhồi nhét hết ngần đó kiến thức trong một thời gian ngắn đâu. Có chăng chỉ là học vẹt, thi xong rồi quên.
Chưa kể, ở đại học không có nhiều cột điểm để bạn có thể “gỡ” sau một bài kiểm tra điểm thấp nữa. Ở đây, bạn chỉ còn một cột “Điểm quá trình” – đánh giá bạn trong quá trình học tập có siêng năng, năng nổ hay không, và một cột “Điểm thi kết thúc học phần” – điểm thi cuối kì của bạn. Rồi thi xong, xác định điểm thấp thì sao? Chỉ có thể thi lại, học lại thôi, chẳng còn cơ hội nào cho bạn “gỡ điểm” như hồi cấp ba nữa đâu.
Vậy, bạn phải làm sao?
Chuẩn bị tâm lí
Bạn biết rõ đại học sẽ không còn giống cấp ba nữa. Nhưng đừng nghĩ lên đại học sẽ là “học đại” và chỉ để đi chơi. Nên nghĩ rằng, đại học, tức là một bậc học cao hơn, bạn sẽ phải tự mày mò học hỏi nhiều hơn là được giảng dạy tận tình như những cô cậu cấp ba.
Bạn cũng sẽ chẳng có ba mẹ lúc nào cũng kè kè bên cạnh lo cho bạn A – Z. Bạn sẽ phải tự lập hơn, tự lo mọi thứ, tự tính toán chi tiêu hàng tháng của mình. Việc có bạn có ăn sang đầu tháng rồi cuối tháng ăn mì tôm hay không cũng do bạn tự quyết định.
Có mục tiêu và phương pháp
Với mọi thứ bạn làm, hãy cho nó một mục tiêu và phương pháp cụ thể.
Mục tiêu giúp bạn có thể phấn đấu nhiều hơn. Và nếu đã có mục tiêu, hãy đặt mục tiêu cho bạn thật cao để có thể khuyến khích bạn nỗ lực hết mình.
Và việc có một phương pháp làm việc, học tập cụ thể giúp bạn làm việc có năng suất hơn, hoàn thành tốt công việc của mình.
Học cách phân bổ thời gian hợp lí
Bạn không thể chỉ học, học, học suốt bốn năm đại học thôi đâu. Bạn nên dành thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa, hay thử sức bản thân ở một công việc part – time nào đó. Vày hãy nhớ, phân bổ thời gian một cách hợp lí để có thể đảm bảo sức khỏe của mình và hoàn thành được các công việc đã đề ra.
Có một nhóm bạn thân,
Bạn hãy tìm cho mình những người bạn tốt để có cùng chơi, cùng học và tạo động lực cho nhau, giúp nhau vượt qua những khó khăn trong học tập, cuộc sống. Chứ không phải một hội bạn chỉ xuất hiện khi họ cần bạn, khi bạn cần họ thì lại chẳng thấy ai.
… và một mentor
Bạn nên nghĩ xem mình mong muốn trở thành người như thế nào trong tương lai. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy rõ ràng hơn về tương lai của mình. Sau đó, tìm xem ai là người gần giống với hình mẫu mà bạn mơ ước nhất. Hãy làm quen và học hỏi từ họ. Bạn sẽ học được rất nhiều điều và sẽ biết mình cần phải làm gì để đạt được mục tiêu của mình. Đừng quên cảm ơn và có động thái thể hiện mình thật sự quan tâm và trân quí những thứ họ đã dành cho mình.
Vì vậy, đừng để bản thân mắc sai lầm nào chỉ vì nghĩ "học đại học nhàn lắm" nhé bạn!
Bảo Trân
Edu2Review – Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam