Mỗi người trong cuộc sống đều có những khát vọng của riêng mình, người muốn làm chủ, kẻ muốn được cảm giác thỏa mãn, dù có là làm thuê. Vậy nếu bạn là một kẻ làm thuê với chức danh CEO của một tập đoàn đa quốc gia và một ông chủ của một công ty khởi nghiệp, bạn chọn bên nào?
Hơn 20 năm trước, tôi là Giám đốc Dự án của ABB VN – thuộc một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật điện (ABB có bề dày lịch sử trên 130 năm, hiện có khoảng 135.000 nhân viên, hoạt động trên 100 nước).
Những dự án thiết bị, công nghệ mà chúng tôi tham gia đấu thầu có giá trị nhiều triệu đô la và khách hàng chính là những công ty điện lực và những chủ đầu tư lớn ở Việt Nam.
Tôi là dân kỹ thuật, học chuyên ngành kỹ thuật, được làm việc ở một vị trí cao trong một tập đoàn điện kỹ thuật hàng đầu thế giới thì quá tuyệt vời rồi còn gì. Vậy mà tôi vẫn có một khát khao khác, một khát khao lạ kỳ đến khó lý giải - làm CEO của một công ty lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Tôi từ bỏ tập đoàn này, với mức lương chính mỗi tháng gần 2 cây vàng thời đó và một môi trường làm việc “trên cả tuyệt vời” để theo đuổi ước mơ kỳ cục của mình. Tôi làm việc cho nhiều tập đoàn, công ty khác, Mỹ có, Nhật có, Singapore có, Châu Âu có,… Ở đâu, tôi cũng canh cánh trong lòng một hoài bão là phải “trèo” lên vị trí điều hành cao nhất của một công ty có quy mô “xứng tầm”.
Nhiều người khát khao và đam mê trở thành CEO của những tập đoàn đa quốc gia
Và số phận cũng đã mỉm cười với tôi khi tôi được “săn” về làm CEO cho một tập đoàn thực phẩm chế biến có quy mô “xứng tầm” để tham gia xây dựng những thương hiệu hàng đầu ở VN. Và rồi từ đó, nghề CEO và quản lý cấp cao trở thành cái “nghiệp” theo đuổi tôi gần như suốt đời. Nghề này đã giúp tôi kiếm sống, nuôi các con ăn học nên người, và thỏa mãn đam mê cống hiến ở những sân chơi lớn.
Vợ chồng tôi cũng có một giấc mơ khởi nghiệp, và cũng đã mấy lần khởi nghiệp. Những công ty khởi nghiệp của chúng tôi đang ăn nên làm ra thì tôi lại “ngứa nghề”. Như một con hổ nhớ rừng, tôi không thể ngồi yên điều hành một công ty có quy mô nhỏ, dù nó là công ty của chính mình. Tôi muốn quay về “rừng”, về với những tập đoàn, công ty có quy mô lớn để thỏa mãn khát khao làm thứ gì đó thật lớn.
Tôi nhớ quay quắt những cuộc họp “toàn cầu” với những người mang các quốc tịch khác nhau đến tham dự. Tôi thích trình bày những kế hoạch, chương trình “hoành tráng” trước những con người "đẳng cấp", vừa nghe, vừa chất vấn, "vặn vẹo" cho ra trò. “Thích to, ham lớn” gần như là bản năng của tôi.
Thực sự, trong đời sống thường, tôi cũng chỉ xem những trận bóng đá sân lớn, và hoàn toàn không có chút cảm xúc nào với những trận cầu futsal ở sân mini. Chỉ khi làm nghề tư vấn, tôi mới bắt đầu tiếp cận với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Và cũng ở đó, tôi nhận thấy, dù nhỏ, vừa, hay cực lớn, thì các nguyên tắc, phương pháp quản lý điều hành cũng có những điểm chung gần như bất di, bất dịch. Điều này không phải ai cũng nhận ra!
Dù là công ty nhỏ hay lớn cũng sẽ có những phương pháp điều hành bất di bất dịch
Khát vọng lớn, nhưng không chịu bắt đầu từ nhỏ là nhược điểm của tôi. Tôi mấy lần bắt đầu rồi từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp khi công ty của chúng tôi vừa định hình và có chiều hướng phát triển tốt. Lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp là hãy “nghĩ lớn, nhưng bắt đầu từ việc nhỏ”, và phải làm việc nhỏ với lòng đam mê và kiên trì. Đa số các quản lý cấp trung, cao từ các tập đoàn đa quốc gia ra ngoài khởi nghiệp đều thất bại. Đơn giản là vì họ cũng như tôi – luôn ở trong tâm trạng “hổ nhớ rừng”!
Nguồn: tác giả Nguyễn Hữu Long
Edu2Review – Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam