Với bối cảnh nền kinh tế mở cửa như hiện nay, thật hiếm thấy doanh nghiệp nào lại tự trói buộc mình trong môi trường nội địa. Tuy nhiên, "nước cờ" đi ra thế giới của doanh nghiệp cần nhất chính là yếu tố trình độ, không hẳn phải có kiến thức vĩ mô, nhìn xa trông rộng mà trình độ thể hiện rõ nhất ở nền tảng ngoại ngữ.
Từ đó, chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh – ngôn ngữ được sử dụng chính trong giao dịch thương mại và hợp tác quốc tế. Nếu trong kinh doanh, đúng thời điểm là mấu chốt quan trọng để thành công, thì việc dạy tiếng Anh cho doanh nghiệp cũng thế. Có 3 thời điểm vô cùng quan trọng mà các doanh nghiệp không nên bỏ qua, hãy cùng Edu2Review khám phá ngay sau đây!
* Bạn muốn học Giao tiếp nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trung tâm ngoại ngữ dạy Giao tiếp tốt nhất Việt Nam!
Khi doanh nghiệp đang tụt hậu, hội nhập là chìa khóa để thành công
Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực Đông Nam Á có tốc độ phát triển kinh tế khá đáng nể, theo ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 duy trì mức khá cao là 6,8%, trong khi đó Thái Lan, Philippin hay Indonesia đã có dấu hiệu chậm lại. Với thị trường năng động như vậy, một doanh nghiệp nếu chỉ mãi duy trì hoạt động trong nước thì khó có thể phát triển trong tương lai.
Việt Nam đang là thị trường năng động, thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài (Nguồn: baomoi)
Cơ hội duy nhất đối với những doanh nghiệp này chính là phải chủ động hội nhập để hiểu thương trường rộng lớn như thế nào, mở rộng thị trường kinh doanh và quan trọng hơn là để biết mình cần chuẩn bị gì để không bị tụt hậu. Chắc chắn điều đầu tiên để hội nhập đó là phải trang bị kiến thức tiếng Anh doanh nghiệp cho đội ngũ nhân sự.
Tại sao việc dạy tiếng Anh cho doanh nghiệp lại quan trọng đến vậy? Thực tế cho thấy, mức độ thành thạo Anh ngữ sẽ tương quan với mức độ thuận lợi trong kinh doanh, những thương vụ kinh doanh ngày nay hầu hết đều được thực hiện bằng tiếng Anh. Thậm chí, ở các nước mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức nhưng họ vẫn sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chung của công ty, ví dụ với một vài cái tên lớn như: Rakuten, Nokia, Samsung và Renault…
Điển hình nhất phải kể đến là Trung Quốc, dù dân số nói tiếng Trung nhiều nhất thế giới nhưng không thể phủ nhận các doanh nghiệp đều rất đầu tư cho nhân viên học tiếng Anh. Jack Ma cũng đã dành riêng gần 10 năm để học tiếng Anh trước khi thành tỷ phú như ngày hôm nay. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải quyết tâm bổ sung ngoại ngữ nếu không muốn mãi quanh quẩn bên “lũy tre làng”.
Để doanh nghiệp hội nhập tốt, bổ sung ngoại ngữ là điều vô cùng cần thiết (Nguồn: kenh14)
Khi doanh nghiệp cần được nâng tầm, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác
Một câu nói quen thuộc mà bạn đã từng nghe: thương trường là chiến trường, đó không phải là cách nói phóng đại mà hoàn toàn thể hiện đúng sự khắc nghiệt vốn có của nó. Vậy làm sao để doanh nghiệp củng cố được vị trí và nâng tầm ảnh hưởng của mình?
Câu trả lời rất đơn giản, đó là doanh nghiệp phải không ngừng hợp tác để trở nên vững mạnh hơn. Doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển nếu có cơ hội hợp tác với các khách hàng lớn, nhất là các khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tiếng Anh doanh nghiệp là điều không thể thiếu, bạn không thể để bất kỳ công việc quan trọng nào cũng giao cho thông dịch viên, vừa không thể hiện được sự chuyên nghiệp vừa dễ bị tiết lộ bí mật kinh doanh.
Việc nhân viên và các công ty giao dịch với khách hàng, nhà cung cấp và đối tác ở nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thời đại ngày nay. Những công ty đang phát triển mạnh trong điều kiện kinh doanh này đều sở hữu đội ngũ nhân viên được đào tạo tiếng Anh văn phòng và giao tiếp thương mại cực kỳ bài bản.
Hợp tác với các công ty nước ngoài là cơ sở để gia cố thêm vị trí của doanh nghiệp (Nguồn: vietbao)
Nếu doanh nghiệp của bạn cũng có những nhân viên có kiến thức ngoại ngữ vững vàng như thế thì không cần phải lo lắng khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường quốc tế. Khi đã có tiếng Anh giao tiếp doanh nghiệp, bạn có thể tham dự các hội thảo quốc tế, gặp trực tiếp đối tác nước ngoài và quan trọng hơn là còn có thể giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh khi bất đồng ngôn ngữ.
Khi nhà lãnh đạo dường như đang hoài nghi về đội ngũ nhân viên của mình
Những nhà lãnh đạo luôn là người có con mắt tinh tường nhất, vì họ điều hành cả một doanh nghiệp, công ty lớn, không chỉ bản lĩnh trong kinh doanh, họ còn có khả năng đánh giá nhân sự ở mức độ cơ bản. Vậy nên, một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm chắc chắn sẽ không làm ngơ nếu cảm thấy nhân sự của mình đang gặp phải một số khó khăn, nhất là về khả năng ngoại ngữ – điều hoàn toàn có thể cải thiện được.
Đối với một số người, tiếng Anh vẫn là một trở ngại, khó có thể vượt qua được dù đã được tiếp xúc với nó từ khi còn đi học đến lúc đi làm. Cũng có thể vì vốn tiếng Anh doanh nghiệp kém mà nhiều người chọn làm các công ty nhà nước, trong khi đó nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội mới. Phải chăng bạn đã đánh mất cơ hội quý giá của bản thân chỉ vì rào cản ngôn ngữ?
Bản thân người chủ doanh nghiệp nếu thấy được hạn chế đó ở nhân viên thì nên khuyến khích, tạo điều kiện cho họ học tiếng Anh bằng nhiều cách như: mở lớp đào tạo tiếng Anh cho nhân viên văn phòng hay cho nhân viên tham gia các khóa học tiếng Anh thương mại… Chính thời điểm mà doanh nghiệp đầu tư vào đội ngũ nhân viên chắc chắn sẽ tạo nên giá trị sau này.
Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ nhân viên có thể mang đến lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp (Nguồn: iwokcenter)
Có thể mỗi doanh nghiệp sẽ có một chiến lược kinh doanh khác nhau và có phân khúc thị trường riêng của mình, nhưng tiếng Anh vẫn là một yếu tố vô cùng cần thiết để doanh nghiệp có thể tiến xa hơn trên con đường phát triển phía trước. Hãy ghi nhớ 3 thời điểm vàng trong bài viết này để kịp thời bổ sung kiến thức và nắm lấy cơ hội thành công cho doanh nghiệp của bạn.
Quang Vinh (Tổng hợp)