Bên cạnh ngữ pháp, từ vựng là kiến thức bạn cần bổ sung liên tục, thường xuyên để sử dụng một cách thành thạo. Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều tips học từ trên internet. Tuy nhiên, không phải bí quyết nào cũng hiệu quả và tiết kiệm được thời gian. Hôm nay Edu2Review sẽ mang đến bạn đọc 10 cách học thuộc từ mới tiếng Anh nhanh nhất thông qua bài viết sau.
* Bạn muốn học tiếng Anh nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trung tâm tiếng Anh tốt nhất Việt Nam!
Luyện nói với chính mình bất kỳ lúc nào
Việc luyện từ vựng sẽ trở nên hiệu quả hơn khi bạn nói chuyện với bản thân. Người học có thể dễ dàng nhận biết những phần kiến thức mà mình còn thiếu để lên kế hoạch rèn luyện. Ngoài ra, tự nói chuyện còn giúp bạn chọn lọc được những từ phù hợp với ngữ cảnh, từ đó hình thành nên thói quen khi giao tiếp.
Cách học này còn giúp bạn nhớ lâu và nhanh hơn. Vì khi nói chuyện với chính mình, bạn sẽ tiếp nhận được thông tin từ việc nghe và nói. Điều này khiến não bộ ghi nhớ nhanh và hiệu quả hơn. Hơn nữa, phương pháp này cũng rất hữu ích với những người tự ti, hay ngại ngùng khi giao tiếp với người lạ.
Tự nói với bản thân giúp dễ dàng tự điều chỉnh cách phát âm của mình
Ghi chép lại những kiến thức cần thiết
Một trong những cách tốt nhất để ghi nhớ một điều gì đó là liệt kê dưới dạng danh sách. Hãy bị sẵn trong ba-lô một cuốn sổ từ vựng để khi gặp những từ mới, bạn có thể viết lại bất kỳ lúc nào. Và đừng quên mang theo “quyển từ điển cá nhân” này theo bên mình nhé!
Để giúp cho việc học từ hiệu quả hơn, bạn nên ghi chép một cách có khoa học, dễ nhìn. Bạn có thể trang trí nó thành một cuốn nhật ký cho riêng mình. Về phần nội dung, bên cạnh từ và nghĩa tiếng Việt, bạn cũng nên phân loại từ như danh từ, động từ, tính từ… Đừng quên thêm ví dụ cụ thể, cách phát âm và nghĩa tiếng Anh của từ vựng đó.
Đọc thật nhiều tài liệu bằng tiếng Anh
Bạn sẽ thấy đây là cách học từ mới hữu hiệu nếu chăm chỉ duy trì thói quen đọc hằng ngày, nhất là các văn bản bằng tiếng Anh. Bạn có thể đọc sách, báo, bài viết trên mạng xã hội, blog… mà mình yêu thích. Hãy chọn những chủ đề bạn quan tâm như văn chương, khoa học, ẩm thực, du lịch…
Giữ thói quen đọc mỗi ngày sẽ giúp bạn biết thêm nhiều từ vựng mới, đồng thời hiểu rõ ngữ cảnh sử dụng thích hợp. Hãy ghi chép hoặc gạch chân những cụm từ lạ mà bạn phát hiện trong sách, báo hay những bài blog và tra cứu nghĩa của chúng.
Sách luôn là nguồn cung cấp thông tin vô tận, hãy tận dụng nó cho việc học!
Cố gắng tạo sự liên tưởng với từ mới
Khi nghe hoặc nhìn thấy một từ mới, bạn nên liên tưởng đến những từ ngữ tương tự để nhớ dễ dàng hơn. Ví dụ, nếu bạn muốn học từ “gigantic” (khổng lồ), hãy nghĩ đến Godzilla, dinosaur (khủng long) hay King Kong.
Cách này cũng có tác dụng ngược lại là giúp bạn học được từ mới khi bắt gặp những hình ảnh mà bản thân liên tưởng từ trước. Để phương pháp này hiệu quả hơn, mọi người nên tìm sự tương đồng giữa những từ ngữ gần gũi với bản thân.
Áp dụng thuật ghi nhớ Mnemonics
Mnemonics là phương pháp học từ mới từ việc tạo ra mối liên kết giữ những việc có sẵn trong trí nhớ với sự vật xung quanh. Bạn có thể dùng hình ảnh, câu chuyện, từ tiếng Anh viết tắt để làm đối tượng ghi nhớ cho từ vựng cần học. Những đối tượng cần chọn nên gần gũi với cuộc sống của bản thân.
Ưu điểm của phương pháp này là bạn có thể nhớ được một lượng kiến thức lớn và nhanh chóng. Ví dụ, yêu cầu cơ bản của một đoạn văn gồm 4 phần: Point (quan điểm về vấn đề đang đề cập), Reason (lý do), Example (dẫn chứng, ví dụ) và Point (khẳng định lại quan điểm vừa đưa ra). Từ 4 ý trên, chúng ta có thể ghép những chữ cái đầu với nhau để tạo thành PREP – viết tắt của Prepare (chuẩn bị).
Dựa trên cách học này, bạn sẽ nhớ được thứ tự các bước để “chuẩn bị” cho bài luận sắp viết. Thực hiện cách này, bạn có thể thu gọn được kiến thức lại thành đối tượng đơn giản và dễ nhớ. Tương tự, bạn hãy áp dụng cho việc học từ mới của mình!
Hãy áp dụng cách học này chung với một nhóm bạn để mang lại nhiều sự sáng tạo hơn!
Thực hiện nhiều bài kiểm tra từ vựng thuộc chủ đề khác nhau
Đây vừa là cách làm quen được với từ mới vừa ôn lại những từ vựng cũ. Bằng việc làm các bài kiểm tra, bạn có thể tự đánh giá lại khối lượng từ vựng mà mình có và đâu là những phần cần trau dồi thêm.
Mạng internet phát triển cũng tạo điều kiện để bạn tìm kiếm nhiều nguồn thông tin, kiến thức đa dạng mà không tốn quá nhiều chi phí. Hãy thử hệ thống hóa lại từ vựng tiếng Anh bằng cách thực hiện các bài kiểm tra uy tín.
Giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ
Đây luôn là cách hữu hiệu để bạn học bất kỳ một ngôn ngữ nào từ tiếng Anh, Pháp đến Nhật, Hàn... Khi giao tiếp với người bản xứ, bạn có thể trau dồi cho mình nhiều từ vựng mới, biết được cách phát âm, điều chỉnh tông giọng và sử dụng từ đúng ngữ cảnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng có cơ hội luyện tập kỹ năng nghe nói của mình cũng như hiểu thêm về văn hóa, con người của nhiều nước khác nhau. Hãy chọn những địa điểm như công viên, bờ hồ hoặc nơi tập trung nhiều người nước ngoài… để “săn Tây”. Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh để gặp gỡ và trao đổi kiến thức.
Nếu bạn ngại việc di chuyển và tiếp xúc với nhiều người, hãy sử dụng một số phần mềm kết nối quốc tế để hỗ trợ cho việc học của mình.
Giao tiếp tiếng Anh với nhiều người, bạn sẽ có được vốn từ vựng phong phú
Học từng phần kiến thức nhỏ
Đừng cố “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức cùng một lúc, vì điều đó có thể khiến bạn bối rối, khó nhớ và dễ nhầm lẫn. Ngôn ngữ dùng để thể hiện sự vật, sự việc xung quanh chúng ta, nên hãy áp dụng những cách học linh động và phù hợp với bản thân.
Một tip nhỏ là bạn nên chia từ vựng theo từng chủ đề nhất định và gắn kèm theo các danh từ những tính từ phù hợp. Cách này giúp bạn ghi nhớ dễ dàng và mở rộng ý nghĩa của từ.
Ưu tiên tập trung vào cụm từ hơn từng từ riêng lẻ
Đây là cách học quen thuộc và mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh việc ghi nhớ nhanh chóng, phương pháp này còn giúp bạn trau dồi kiến thức về ngữ pháp, nhất là kết hợp đúng các từ với nhau. Cụ thể, những cụm từ mang nhiều thông tin hơn từ đơn lẻ, có nghĩa rộng và bao gồm ngữ cảnh, câu chuyện đằng sau nó.
Ngoài ra, cách này còn giúp bạn điều chỉnh được ngữ điệu, cách nối âm, nuốt âm và ngắt nhịp hợp lý khi giao tiếp. Khi học từ vựng tiếng Anh riêng lẻ, bạn sẽ phải tốn thời gian suy nghĩ về cách sử dụng ngữ pháp sao cho đúng cấu trúc. Điều này khiến việc giao tiếp mất đi sự tự nhiên. Vì thế, người học nên áp dụng cách “nạp” thêm từ mới này.
Hãy ưu tiên học cụm từ thay vì từng từ!
Áp dụng phương pháp Spaced Repetition
Phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng) dành cho đối tượng có ít thời gian học hoặc không thể tập trung quá lâu vào một việc. Với cách trau dồi vốn từ này, bạn sẽ tận dụng được những khoảng thời gian rảnh, nghỉ giữa giờ, hoặc trên xe buýt để học thuộc những từ mới.
Vậy phải thực hiện phương pháp “Lặp lại ngắt quãng” như thế nào? Bạn cần chia nhỏ thời gian học trong ngày của mình. Thay vì học 1 lần kéo dài liên tục trong 2 tiếng thì bạn có 4 lần học dài 30 phút/ lần. Bằng cách này, bạn sẽ hạn chế được khả năng quên từ cũng như giúp bản thân ôn lại kiến thức nhuần nhuyễn hơn.
Hãy sử dụng phương pháp trên cùng với một số ứng dụng hỗ trợ việc học như Anki, Flashcards Deluxe, Memrise…
Bạn cảm thấy phương pháp nào hữu hiệu với bản thân nhất? Nếu chưa tìm ra được cách học phù hợp, bạn hãy thử tất cả những gợi ý trên để nhanh chóng áp dụng nhé! Edu2Review hy vọng với 10 cách học thuộc từ mới tiếng Anh nhanh nhất trên, bạn sẽ tiến bộ và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ của mình.
Minh Nguyệt (Tổng hợp)
(Nguồn ảnh: Pexels)