Tâm lý vốn là một phạm trù khó nắm bắt, vì thế đối với nhiều người ngành Tâm lý học có thể hơi “thần bí”, đôi khi mơ hồ, cảm tính. Có lẽ cũng vì lý do này mà đa số các sĩ tử và phụ huynh đánh giá sai tiềm năng của ngành học này. Trong bài viết dưới đây, Edu2Review sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành Tâm lý học nói chung.
BẢNG XẾP HẠNG
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM
Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề
Tâm lý học có tên tiếng Anh là Psychology, là một bộ môn thuộc khối khoa học xã hội. Tâm lý học chuyên nghiên cứu về hành vi và tâm trí, cũng như mọi mặt của ý thức, vô thức và tư duy của con người. Từ đó, tâm lý học có thể giải thích những hành động của con người và lý giải quá trình suy nghĩ, lý luận đằng sau những hành vi đó.
Hẳn là khi nghe những lý giải trên đây, vẫn sẽ có nhiều người còn mơ hồ về khái niệm tâm lý học. Nói một cách đơn giản, tâm lý học là chìa khóa để bạn “đọc vị bất kỳ ai” và thấu hiểu các hành vi của họ.
Ngành Tâm lý học nghiên cứu việc xử lý thông tin, biểu hiện hành vi và làm rõ bản chất của con người bằng cách đi sâu phân tích các yếu tố đời sống của con người từ kinh tế, chính trị, xã hội cho đến văn hóa, giáo dục, y học… Hiện nay, tâm lý học được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của xã hội.
Tâm lý học được ứng dụng trong nhiều mặt đời sống (Nguồn: psychlearningcurve)
Đa số chúng ta đều nhầm lẫn giữa hai khái niệm tâm lý và tâm thần học cũng như công việc của bác sĩ tâm lý (nhà tâm lý) và bác sĩ tâm thần. Dưới đây là bảng so sánh về sự khác biệt của hai công việc này.
Công việc |
Nhà tâm lý |
Bác sĩ tâm thần |
Phương thức điều trị |
Sử dụng liệu pháp tâm lý để can thiệp và điều chỉnh hành vi của người bệnh |
Sử dụng cách kê đơn để điều trị cho các bệnh nhân có vấn đề về tâm lý và mất khả năng kiểm soát hành vi |
Đào tạo |
Học trường Y và thực hành chuyên khoa Tâm lý tại bệnh viện hoặc hoàn thành bằng Tiến sĩ tâm lý |
Bắt buộc phải có bằng đào tạo tại trường Y và làm việc tại chuyên khoa Tâm thần học |
Chọn đúng nghề, làm đúng việc
Cùng với sự phát triển của xã hội, các vấn đề tâm lý bất ổn ngày càng xuất hiện nhiều hơn, bất kể lứa tuổi. Dù là một tín hiệu không tích cực nhưng đây lại là cơ hội cho ngành Tâm lý học. Sau khi ra trường, sinh viên chuyên ngành Tâm lý học có thể đảm nhận các vị trí công việc sau:
- Nhà tâm lý học đường: Hiện nay, một số trường quốc tế tại Việt Nam có tuyển dụng vị trí này nhằm cải thiện môi trường giáo dục tại cơ sở. Công việc chính của nhà tâm lý học đường là tham gia vào việc giúp học sinh có thể giải tỏa áp lực, khúc mắc trong học tập, cuộc sống hay đời sống tình cảm để có thể chuyên tâm vào việc học tập và đạt thành tích tốt.
- Nhà trị liệu tâm lý: Bạn có thể làm việc độc lập tại các trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý hoặc hỗ trợ bác sĩ tâm lý trong điều trị cho bệnh nhân.
- Chuyên viên tham vấn: Ở vị trí này, bạn có thể làm việc tại các trung tâm tư vấn, tổng đài đường dây nóng, tổ chức phi chính phủ… Công việc chính của bạn là gặp gỡ, trò chuyện với những đối tượng yếu thế hoặc có nhu cầu hiểu, nhận thức được vấn đề của mình và để tìm cách giải quyết hợp lý.
- Nhà tâm lý học: Công việc của nhà tâm lý học rất đa dạng, bạn có thể làm công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách liên quan đến tâm lý ứng dụng trong quản trị, kinh doanh hay tham gia vào các dự án liên quan tới lĩnh vực tâm lý...
- Nhà tư vấn tuyển dụng: Công việc của bạn là giúp các nhà quản lý đánh giá nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức; xác định các yêu cầu của vị trí tuyển dụng, lên kế hoạch và thực hiện phỏng vấn tuyển dụng các ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc và văn hóa của tổ chức.
Ngoài ra, còn có một số công việc thuộc ngành Tâm lý học nhưng mang tính đặc thù hơn là tâm lý học thể thao và tâm lý học tội phạm. Với những công việc này, bạn sẽ cần được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực công việc sau này để có thể phân tích tâm lý đối tượng chính xác hơn.
Đầu ra của ngành Tâm lý học không chỉ là bác sĩ tâm lý (Nguồn: thehealthy)
Ôn đúng khối, thi đúng trường
Các tổ hợp môn xét tuyển vào ngành Tâm lý học bao gồm cả các tổ hợp môn tự nhiên và xã hội. Tuy là một chuyên ngành thuộc khối xã hội nhưng Tâm lý học cũng yêu cầu sinh viên có kiến thức đa dạng, logic, vì vậy các tổ hợp môn xét tuyển ngành này có thêm cả những môn tự nhiên. Tùy vào từng trường mà các tổ hợp xét tuyển có thay đổi nhưng cơ bản đều xoay quanh 6 tổ hợp sau:
- A00 (Toán, Vật lí, Hóa học)
- A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh)
- B00 (Toán, Hóa học, Sinh học)
- C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí)
- D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh)
- D14 (Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh)
Để thuận tiện cho các phụ huynh và sĩ tử tìm cơ sở đào tạo chuyên ngành Tâm lý học, Edu2Review đã tổng hợp danh sách dưới đây theo từng khu vực.
Miền Bắc |
Miền Trung |
Miền Nam |
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội - Đại học Lao động Xã hội - Đại học Sư phạm Hà Nội |
- Đại học Sư phạm – Đại học Đà nẵng - Đại học Hồng Đức - Đại học Đông Á |
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM - Đại học Lao động Xã hội - Cơ sở TP.HCM - Đại học Sài Gòn - Đại học Sư phạm TP.HCM - Đại học Công nghệ TP.HCM - Đại học Văn Hiến - Đại học Văn Lang - Đại học Hoa Sen |
Với chuyên môn đào tạo Tâm lý học tại các cơ sở nói trên, sinh viên sau tốt nghiệp có thể trở thành giảng viên đào tạo bộ môn này, làm việc tại các trung tâm tư vấn tâm lý hay các Viện – Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý, tổ chức phi chính phủ... Ngoài ra bạn cũng có thể trở thành chuyên viên nghiên cứu thị trường tại doanh nghiệp.
Sinh viên ngành Tâm lý hoàn toàn có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh (Nguồn: marketingdonut)
Hiện tại, các trường đào tạo Y khoa không có chuyên ngành về Tâm lý học. Do đó, nếu muốn trở thành bác sĩ tâm lý thì bạn cần phải hoàn thành bằng bác sĩ đa khoa và công tác tại chuyên khoa tâm lý tại các bệnh viện.
Nếu bạn có đam mê với ngành Tâm lý học tội phạm thì có thể tham khảo một số trường thuộc nhóm ngành tâm lý liên quan đến điều tra như Đại học Cảnh sát, Đại học An ninh Nhân dân, Đại học Luật (khoa Luật hình sự). Tuy nhiên, Tâm lý học tội phạm chỉ là một bộ môn chứ chưa được đào tạo như một chuyên ngành.
Ngành Tâm lý học không hề hẹp đường nghề như nhiều người hiểu nhầm. Trái lại, đây là một ngành học rất có triển vọng trong tương lai. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ngành học này. Chúc bạn sớm lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân!
Khuê Lâm (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: searchenginejournal