Có lẽ mỗi khi nhắc đến Marketing, người ta sẽ nhớ ngay đến hình ảnh của những TVC quảng cáo trên tivi. Tuy nhiên, đó chỉ là loại hình quảng bá thương hiệu được các doanh nghiệp ưa chuộng ở nhiều năm trước vì dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế thị trường như hiện nay, khái niệm Marketing đã vươn lên một tầm cao mới với nhiều cách thức đa dạng, hấp dẫn và đặc biệt hiệu quả. Vậy định hướng và phát triển nghề nghiệp này như thế nào?
* Bạn muốn học ngành Kinh tế – Quản lý nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học đào tạo ngành Kinh tế - Quản lý tốt nhất Việt Nam!
Marketing – nhân tố làm nên sự sống còn của doanh nghiệp
Theo Philip Kotler – cha đẻ của ngành Marketing hiện đại thì Marketing là nghệ thuật tạo ra giá trị, truyền thông và phân phối những giá trị đó nhằm thỏa mãn vấn đề của khách hàng mục tiêu để đem lại lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở những đoạn clip quảng cáo, người làm Marketing có thể tạo ra những video clip xúc động, những câu chuyện truyền cảm hứng, những tấm ảnh đơn giản mà ấn tượng... gắn liền với thông điệp của sản phẩm, gây ấn tượng cho người xem và tạo hình ảnh thương hiệu trong đầu người dùng.
Đặc biệt trong thị trường "trăm người bán, vạn người mua" như hiện nay, cùng một sản phẩm có thể do nhiều nhà sản xuất khác nhau tạo ra. Việc nhãn hiệu đó có chỗ đứng trên thị trường hay không, có được nhiều người tiêu dùng biết đến hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ Marketing của doanh nghiệp đó. Đó cũng chính là lý do cơ bản nhất biến Marketing thành một ngành học đầy sức hút và các "marketers" tài năng luôn được săn đón ráo riết hiện nay.
Marketing – nhân tố làm nên sự sống còn của doanh nghiệp
Không chỉ mang vai trò quảng bá thương hiệu, các chuyên viên Marketing cũng là nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất. Đội ngũ Marketing giúp doanh nghiệp định hướng được trào lưu sản xuất, phát hiện những nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng thông qua việc cập nhật được thông tin thị trường, nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Sinh viên Marketing sau khi tốt nghiệp không chỉ có thể trở thành chuyên viên Marketing, phụ trách phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, mà còn có thể linh hoạt với các vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, chăm sóc khách hàng, quan hệ công chúng... Trong trường hợp bạn sở hữu những ý tưởng tuyệt vời cùng tư duy chiến lược, kỹ năng lãnh đạo thì việc đảm nhận các chức vụ cao hơn như trưởng phòng Marketing, giám đốc chiến lược, giám đốc Marketing, giám đốc kinh doanh… là hoàn toàn có thể.
Chỉ cần có năng lực bạn sẽ có cơ hội thăng tiến cao!
4 tố chất cần có của một marketer chính hiệu
- Tính kiên trì: Người làm Marketing thường là những người hướng ngoại. Vì môi trường làm việc của họ sôi động, bận rộn và đầy ắp sáng tạo. Tuy nhiên, những người thuộc tuýt kể trên lại thường thiếu đi tính kiên trì. Điều có thể dẫn đến sự thất bại trong công việc, không chỉ riêng lĩnh vực Marketing. Chính sự kiên trì sẽ giúp marketer vượt qua những căng thẳng và áp lực của công việc; bình tĩnh và vững tin trước những kết quả không như mong muốn.
- Tính tự tin, dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro: Sự tự tin chính là liều thuốc tinh thần không thể thiếu giúp bạn luôn dồi dào năng lượng, động lực để làm việc. Tuy nhiên, cần lưu ý tính tự tin trong marketing không đồng nghĩa với việc độc đoán, luôn cho mình là đúng, bỏ qua những ý kiến của người khác. Bên cạnh đó, cơ hội và thách thức luôn tồn tại song hành cùng nhạu. Biết chấp nhận rủi ro và có đầu óc mạo hiểm, bạn sẽ thu được nhiều "chiến tích".
- Sự năng động, linh hoạt và sáng tạo: Như đã đề cập ở trên, làm Marketing đòi hỏi bạn cần có một cái đầu nhanh nhẹn, không ngừng sáng tạo, luôn nhìn nhận vấn đề trong trạng thái biến đổi của thị trường. Những sản phẩm mà bạn xem là hiện đại hôm nay, có thể nhanh chóng trở nên lạc hậu chỉ sau tích tắc.
- Khả năng giao tiếp: Bản chất của giao tiếp chính là sự trao đổi thông tin 2 chiều: nghe và nói. Một marketer chính hiệu cần có khả năng truyền đạt những xu hướng mình nghiên cứu được cho chủ doanh nghiệp, đặc biệt là khách hàng. Hơn thế nữa, để có được những chiến lược hiệu quả chính họ phải là người biết lắng nghe nhu cầu của người dùng.
Kiên trì, tự tin, sáng tạo, giao tiếp tốt là những tố chất của một marketer
Nên học Marketing ở đâu?
Với môi trường làm việc năng động và cơ hội thăng tiến rộng mở trên, Marketing chính là ngành học có sức hút to lớn đối với đông đảo học sinh. Tuy nhiên, để trở thành một marketer giỏi, bạn không những cần có tố chất mà còn phải chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức vững chắc.
Thấu hiểu nhu cầu lao động của các doanh nghiệp và của chính các bạn sinh viên, một số trường đại học uy tín đã ngày càng hoàn thiện chương trình đào tạo để kịp thời đón đầu xu thế marketing hiện đại. Có thể kể đến như:
- Đại học Kinh tế TP.HCM
- Đại học Kinh tế – Luật
- Đại học Văn Hiến
- Đại học Mở TP.HCM
- Đại học Hoa Sen
- Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)
- Đại học Tài chính – Marketing TP.HCM
- Đại học Quốc tế RMIT
- ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF)
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội
- Đại học Thương mại
Nên học Marketing ở đâu?
Với những thông tin trên đây, Edu2Review hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết giúp bạn phần nào xây dựng kế hoạch định hướng và phát triển nghề nghiệp này trong tương lai. Chúc các bạn thành công!
Mai Trâm (Tổng hợp)
Nguồn hình ảnh: Pexels