Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (Nguồn: Internet)
Là một trong những trường Đại học lâu đời nhất TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, trường Đại học Công nghiệp TPHCM đang dần hoàn thiện và có những bước chuyển mình tích cực trong công cuộc giảng dạy cũng như về cơ sở vật chất, song ngày càng phát triển và có được sự tin tưởng của sinh viên.
Ngôi trường có số lần “thay tên đổi họ” nhiều nhất
“Thay tên như thay áo” là một câu nói không thể chính xác hơn khi phải miêu tả về Đại học Công nghiệp TP.HCM. Trường được thành lập đầu tiên năm 1956 do các tu sĩ dòng Don Bosco và lấy tên là Trường Huấn nghiệp Gò Vấp.
Trường Huấn nghiệp Gò Vấp (1956) (Nguồn: Wikipedia)
Trải qua 8 lần đổi tên, cuối cùng trường được nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, tên viết tắt là IUH. Trường Đại học Công nghiệp TPHCM là một trong những cơ sở giáo dục Đại học lớn tại Việt Nam.
>>Giải đáp nhanh thông tin hướng nghiệp 2020 tại đây<<
Choáng với số lượng tòa nhà "khủng"
Sinh viên IUH không ai là không ngỡ ngàng khi ngày đầu tiên bước chân vào khuôn viên trường đã lạc lõng giữa những tòa nhà cao tầng “mọc” đầy sân. Số lượng tòa nhà ở ngôi trường lâu đời này nhiều còn hơn cả số lần đổi tên của nó, cứ như là mỗi lần đổi tên, trường sẽ xây thêm một tòa nhà mới để ăn mừng. Tính đến thời điểm hiện tại, Đại học Công nghiệp TP.HCM có tổng cộng 12 tòa nhà bao gồm cả kí túc xá.
Tham quan Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (Nguồn: Youtube)
Bãi xe "thất thủ"!
Theo ước tính của chú giữ xe, số tiền thu được từ việc này trong một tháng ở IUH đủ để trả cả tiền điện và tiền nước cho toàn trường. Đại học Công nghiệp TP.HCM sở hữu tổng cộng 4 bãi xe nhưng tình trạng “kẹt gửi xe” vẫn diễn ra hằng ngày và luôn luôn. Đến nỗi, nhiều bạn sinh viên phải học vào “khung giờ vàng” 12h30 - giờ bắt đầu buổi học chiều - phải bắt Grab hoặc Uber đi học vì sợ sau khi qua ải gửi xe, sẽ không đủ thêm thời gian vượt ải...chờ thang máy.
Lực lượng sinh viên "hùng hậu" khiến bãi xe của trường thường xuyên "quá tải" (Nguồn: Hot Face IUH)
Ngôi trường có ít cơ sở nhất
Nhiều bạn sinh viên các trường khác than thở rằng, ngày nào cũng phải chạy 2, 3 cơ sở để học các môn thật cực khổ. Họ khen sinh viên IUH “sướng” quá, chỉ học có một chỗ. Nhưng họ đâu biết rằng, 12 tòa cao ốc sừng sững kia được coi như 12 cơ sở của trường vậy. Và chỉ riêng việc chạy quanh 12 khối bê tông đó thôi cũng đủ làm cho sinh viên IUH chóng mặt.
Giới thiệu về trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (Nguồn: Youtube)
Nhiều ngành học, nhiều lựa chọn!
Mỗi khi nhắc đến tên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, ai cũng nghĩ trường này chỉ dành cho nam thôi, nữ học làm gì. Nhưng không! Ngôi trường này thú vị hơn bạn nghĩ nhiều.
Ngôi trường này thú vị hơn bạn nghĩ! (Nguồn: CLB Truyền thông UMC)
Ngoài các ngành đúng chất Công nghiệp, trường còn đào tạo chuẩn các ngành về Kinh tế, Ngôn ngữ, IT và cả May thời trang nữa. Điều tuyệt vời hơn là không những bạn có thể tìm thấy các chàng trai đang cắt vải ở khoa May, mà còn tìm thấy những cô gái đang sửa máy ở khoa Ô tô chẳng hạn!
Nhiều diện tích nhà - ít diện tích sân
Có vẻ ai cũng “choáng” khi đi một vòng thăm thú diện tích của trường, nhưng ít ai biết được rằng, bên trong ngôi trường này ngoài đường đi thì không hề có sảnh chính - nơi thường được tổ chức các hoạt động ngoại khóa hoặc khai giảng, bế giảng như hầu hết các trường khác. Nơi duy nhất để tổ chức hoạt động ở IUH chính là...sân xe đạp.
IUH tổ chức lễ khai giảng 2017 tại Sân vận động Quân khu 7 (Nguồn: sinhvieniuh)
Vì thế nên mỗi lần trường “có biến”, các bạn thường gửi xe trên sân xe đạp phải chạy đôn chạy đáo di chuyển xe đi chỗ khác. Nhưng do chính cái sân duy nhất cũng quá có hạn về độ rộng, những khi cần tổ chức quy mô lớn hơn, trường phải chạy tít ra Sân vận động Quân khu 7.
Ngôi trường thân thiện, chuyên nghiệp, dễ gần khó xa
Có lẽ, khi theo học ở bất cứ một ngôi trường nào, chúng ta đều có những ấn tượng nhất định về nơi đó. Như ấn tượng về người giảng viên tận tình giàu kinh nghiệm, về những bạn sinh viên năng động nhiệt huyết, về những lần tổ chức hoạt động bổ ích, vui tươi, về nhà văn hóa sinh viên luôn sôi động những điệu nhảy, những tiếng đàn tiếng ca, về phòng trưng bày đầy tự hào với những chiếc cúp sáng rực rỡ!
Hay đơn giản chỉ là sự tinh tế của nhà trường khi luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho sinh viên. Đối với tôi, IUH là cả một đại gia đình mà khi trải qua 4 năm sống cùng, đã để lại cho tôi không những kiến thức, mà còn là tình cảm và kỷ niệm của một thời sinh viên.
Uyên Bùi