Đại học Thành Đô là một ngôi trường tư thục có không ít “lùm xùm” về việc dạy và học. Tại miền Bắc, cái nhìn dành cho những ngôi trường ngoài công lập khá khắt khe, nhiều định kiến. Do đó, những “tai tiếng” này càng khiến mọi người ngày càng thiếu thiện cảm hơn về ngôi trường này.
bảng xếp hạng trường đại học
tốt nhất việt nam
Những cam kết của nhà trường
Nói về các trường tư thục nói chung đương nhiên không thể bỏ qua những đánh giá về cơ sở vật chất. Bên trong giảng đường của Đại học Thành Đô (ĐH Thành Đô), các phòng học được trang bị hiện đại, bố trí hợp lí, ngay ngắn, sạch sẽ và luôn có đầy đủ các thiết bị phục vụ người học như: máy chiếu, điều hòa.
ĐH Thành Đô có tổng diện tích sử dụng trên 10ha, sở hữu khuôn viên rộng lớn, nhiều cây xanh và có không gian để các sinh viên tổ chức hoạt động ngoại khóa. Có thể thấy rằng, ĐH Thành Đô không hề thua kém các đại học công lập nếu xét trên phương diện cơ sở vật chất.
Giới thiệu Đại học Thành Đô (Nguồn: YouTube – Đại học Thành Đô)
Với tiềm lực tài chính mạnh, ĐH Thành Đô cũng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên đông đảo, từng tham gia giảng dạy tại rất nhiều các trường đại học trong nước và quốc tế. Là một đại học non trẻ, ĐH Thành Đô cùng các giáo viên sẽ phải cố gắng rất nhiều để chứng minh được chất lượng đào tạo của mình. Tuy vậy, sự nỗ lực trong việc xây dựng đội ngũ đáp ứng nhu cầu đào tạo của trường là đáng ghi nhận.
Được biết đến là trường tư thục đầu tiên đào tạo ở bậc đại học tại Việt Nam, ĐH Thành Đô đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh đa dạng, tập trung vào những nhóm ngành có nhu cầu nhân sự cao như: Công nghệ thông tin, tiếng Anh, tiếng Nhật...
Để giảm thiểu lo ngại về vấn đề học phí, nhà trường cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, học bổng và hỗ trợ mua đồ dùng học tập.
Thực tế đào tạo: Quảng cáo chỉ có tính chất minh họa
Việc PR, quảng cáo đối với các đại học tư thục là chuyện quá quen thuộc, nhưng vấn đề xảy ra là những lời “thổi phồng” quá đà về các chương trình đào tạo với tính chất lôi kéo, điều này khiến hình ảnh nhà trường mất uy tín, trở thành những “kẻ buôn con chữ”.
Điển hình là trong khoảng 3 năm học gần đây, nhà trường vẫn liên tục tuyển sinh ngành Dược học văn bằng 2 với cam kết cấp bằng chính quy. Tuy vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cho phép nhà trường đào tạo theo hình thức này. Hay nói cách khác là các cử nhân theo học tại đây sẽ không có bằng cấp được công nhận chính quy như lời nhà trường cam kết.
Thêm nữa, khi được phỏng vấn về việc tuyển sinh không đúng quy định, phía nhà trường đưa ra giải thích đây là hình thức “liên thông ngành ngang” – hình thức liên thông cùng hoặc khác khối ngành đã học. Để có thể đào tạo thêm một ngành mới, người học phải bổ sung thêm một số môn học và điều kiện nhất định. Tuy vậy, việc nhà trường đưa ra lời chiêu sinh dưới hình thức văn bằng 2 là đi sai bản chất của phương thức đào tạo.
Thêm vào đó, ĐH Thành Đô có đưa ra những điều kiện xét tuyển không phù hợp với ngành học. Đơn cử với ngành Dược học, ĐH Thành Đô thực hiện xét tuyển cả những sinh viên học ngành nghề khác như nghệ thuật, kế toán, cơ khí... Đây quả là một dấu hỏi lớn về chất lượng đào tạo của nhà trường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa ra nhiều yêu cầu bắt buộc như học nâng cao, bổ sung với mức học phí không hề rẻ, gây bức xúc với nhiều sinh viên. ĐH Thành Đô cũng có biểu hiện không thực hiện hỗ trợ học bổng theo đúng cam kết đã đề ra. Rõ ràng những lời quảng cáo “sai sự thật” từ phía nhà trường đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới các sinh viên đã và đang theo học tại trường.
Khó lòng có thể quy kết tất cả những đại học ngoài công lập đều thiếu minh bạch, nhưng những hoạt động của Đại học Thành Đô đã làm cộng đồng có đánh giá không tích cực về hình thức đào tạo này. Qua đây, mỗi thí sinh trước khi ứng tuyển cần xem xét kỹ lưỡng nguyện vọng của bản thân để tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
Khuê Lâm tổng hợp
Nguồn tham khảo:Báo Dân trí
Nguồn ảnh: Đại học Thành Đô