Trên thế giới có gần 60 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính và hơn 100 nước khác sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Điều đó chứng tỏ vai trò ngày càng to lớn của ngoại ngữ này đối với cơ hội phát triển trong tương lai của các thế hệ trẻ.
Nhận thức được xu hướng đó, nhiều tổ chức đào tạo trên cả nước đang dần đẩy mạnh việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, để ươm mầm tri thức cho các bé sớm nhất có thể. Tuy nhiên, việc giảng dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non lại không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi giáo viên cần phải lựa chọn phương pháp, nội dung và hình thức giảng dạy phù hợp để trẻ hứng thú học mà không bị nhàm chán.
Định hướng giảng dạy rõ ràng
Từ 3-6 tuổi là độ tuổi vô cùng quan trọng, định hình sự phát triển về tính cách cũng như các khả năng khác ở bé. Giai đoạn này, bé không thể tiếp thu cùng lúc quá nhiều kiến thức mang tính học cứng nhắc. Do đó, người hướng dẫn cần phân biệt rõ mục đích việc làm quen tiếng Anh của trẻ mầm non với mục đích học tiếng Anh của trẻ độ tuổi lớn hơn.
Trong chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, giáo viên không thể ấn định số lượng từ, các cấu trúc ngữ pháp hay đặt ra mức độ kỹ năng nghe hiểu nhất định cho trẻ. Trẻ chỉ làm quen một ngôn ngữ mới với những niềm vui, sự say mê và những cảm xúc tích cực thông qua hình thức “học mà chơi, chơi mà học”, chứ không phải đo lường bằng những giờ học như ở trường phổ thông.
Giáo viên cần có chuyên môn vững vàng và khả năng sán g tạo
Giáo viên mầm non đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai định hướng ấy. Giáo viên phải là người hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lí, nắm bắt nhanh những nhu cầu cảm xúc của trẻ để từ đó quyết định phương pháp tổ chức cho trẻ tiếp cận, làm quen với tiếng Anh thông qua các hoạt động vui chơi cá nhân, vui chơi theo nhóm (nhỏ và lớn), chơi tại các góc lớp tiếng Anh hoặc vui chơi ngoài trời.
Thực tế cho thấy, trẻ nhỏ có khả năng bắt chước rất nhanh, đặc biệt là về ngôn ngữ. Vì thế, khi dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, giáo viên phải phải luôn chú ý kiểm tra lại cách phát âm chuẩn của mỗi từ trước khi cung cấp cho trẻ.
Đối với trẻ, tiếp cận tiếng Anh là tiếp cận với nền văn hóa hoàn toàn mới. Vì thế giáo viên phải luôn tích cực trong việc tiếp thu những cái mới và chọn lọc những điều hay để phát triển công việc của mình. Trong mỗi buổi học, giáo viên cần mang đến cho trẻ một không khí thật tự nhiên, gần gũi để khuyến khích trẻ hòa mình vào môi trường Anh ngữ và khám phá những điều thú vị trong môi trường ấy.
Dạy trẻ học tiếng mẹ đẻ vốn đã khó, cho trẻ tiếp cận và làm quen một ngôn ngữ khác nữa lại càng khó hơn. Chính vì vậy, ngoài việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ như dạy trẻ học tiếng Anh bằng hình ảnh thì giáo viên cần phải có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể thật hấp dẫn và cuốn hút trẻ: Vừa nói vừa sử dụng các động tác diễn tả, minh họa cho lời nói để buổi học thêm sinh động.
Khi dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, giáo viên cần linh hoạt sử dụng kỹ năng ngôn ngữ cơ thể (Nguồn: YouTube – Phương Vũ)
Lựa chọn nội dung phù hợp
Về giáo án dạy tiếng Anh mầm non, giáo viên cần nghiên cứu và ưu tiên lựa chọn các chương trình tiếng Anh mầm non theo chủ đề nhất định. Các chủ đề ban đầu thường là những đề tài quen thuộc, gần gũi với trẻ như: Chào hỏi/Greetings, Màu sắc/Colors, Gia đình/Family, Con vật/Animals, Bản thân/Myself, Số đếm/Number…
Ưu tiên lựa chọn các bài học tiếng Anh mầm non theo chủ đề (Nguồn: YouTube – Dạy trẻ)
Nhưng khi đến thời điểm gần kết thúc năm học, giáo viên có thể cho trẻ tiếp cận với các chủ đề rộng hơn, mới mẻ hơn như: Hình dạng/Shaper, Cảm xúc/Feelings, Đối lập/Opposites, Ngôi nhà của tôi/My house…
Ngoài ra, việc lựa chọn các từ loại khác nhau để cung cấp cho trẻ như: danh từ, tính từ hay động từ có ý nghĩa quan trọng trong việc bước đầu giúp trẻ sử dụng một số cụm từ và câu ngắn hướng tới mục tiêu cao hơn đó là giao tiếp bằng tiếng Anh, giúp trẻ dần hình thành cho mình kĩ năng sử dụng được tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên giống như việc học và nói tiếng mẹ đẻ.
Việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non – một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại không hề giản đơn một chút nào, bởi nó đòi hỏi nhiều yếu tố chuyên môn và cả sự linh hoạt của người đứng lớp. Hy vọng rằng, bố mẹ hoặc các bạn đã, đang và sẽ trở thành một giáo viên tiếng Anh mầm non tương lai sẽ thật lưu ý để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho trẻ trong những buổi đầu tiếp cận ngoại ngữ này.
Xem thêm danh sách trung tâm
tiếng Anh trẻ em
Mỹ Diệp tổng hợp
Nguồn: Nhân dân điện tử
Nguồn ảnh cover: pbs