Đằng sau điểm tuyển sinh là giấc mơ đại học hay những áp lực thi cử đè nén (Nguồn: Tinmoi)
Cứ mỗi mùa thi đến, các bạn học sinh lại rơi vào tình trạng “căng như dây đàn” vì đây chính là "cột mốc" mang tính quyết định trên con đường sự nghiệp. Chính vì vậy mà rất nhiều bạn bị căng thẳng, stress do áp lực thi cử kèm theo các bệnh lý khác bởi chế độ ăn uống không hợp lý, không đảm bảo vệ sinh dẫn đến cơ thể suy yếu, mệt mỏi.
Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH".Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher
Áp lực của các sĩ tử…
Các kỳ thi quan trọng: Thi cuối học kỳ, thi thử, thi tốt nghiệp… liên tiếp diễn ra khiến nhiều bạn học sinh thường phải học rất nhiều. Thức đêm để ôn bài, tâm lý căng thẳng là những vấn đề mà các em thường gặp phải. Vì vậy, cần chuẩn bị những biện pháp để luôn chủ động, tỉnh táo và có tâm lý thật sẵn sàng.
Chuẩn bị hồ sơ: Việc hoàn thiện hồ sơ để chọn lựa trường Đại học, Cao đẳng sẽ có rất nhiều thủ tục hành chính và yêu cầu giấy tờ cần thiết. Giai đoạn này cũng dễ tạo nhiều áp lực cho các em như:
-
Phải suy nghĩ nhiều về việc xác định nguyện vọng, sở thích, khả năng sao cho phù hợp với bản thân và mong muốn của gia đình
-
Sẽ khó khăn hơn cho các học sinh, gia đình ở các vùng xa, thiếu thông tin hoặc chưa có kinh nghiệm.
-
Nhiều bố mẹ quá áp đặt mà không quan tâm đến mong muốn của con, ép buộc con phải theo lựa chọn của mình khiến các em chán nản, muốn bỏ học hoặc nặng hơn là trầm cảm…
Lưỡi hái vô hình mà phụ huynh tạo ra cho con trẻ: áp lực học tập, kì vọng quá cao (Nguồn: Youtube)
Từ kì thi đến các sai lầm dễ mắc phải…
Học thêm, học thêm và học thêm: Thời điểm nước rút trong mùa thi, các sĩ tử thường học thêm, “chạy sô” giữa rất nhiều ca học khác nhau. Thậm chí có em đi học thêm cả ngày. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà không đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, giai đoạn này các em cần có kế hoạch ôn tập hợp lý kết hợp với giữ gìn sức khỏe.
Nguy hiểm từ các chất kích thích: Để giữ được sự tỉnh táo, thức đêm học bài, nhiều sĩ tử lạm dụng quá các chất kích thích như trà, cà phê. Điều này có thể gây ra các chứng loạn tâm thần, mất ngủ, cơ thể suy kiệt về sau. Sẽ là một chặng đua trước kì thi nên các em cần giữ một sức khỏe dẻo dai, không nên nhồi nhét kiến thức.
Cần có kế hoạch học tập hợp lý để tránh tình trạng nhồi nhét kiến thức trước kì thi (Nguồn: Zing News)
Hệ lụy gây ra những bệnh lý
Bệnh tinh thần: Lo âu, trầm cảm, rối loạn phân ly thường gặp trong mùa thi. Các bạn học sinh dễ mắc phải các tình trạng: ngủ hay tỉnh giấc, mệt mỏi, bồn chồn, thậm chí là buồn chán bi quan. Nhiều em có biểu hiện nặng như không muốn gặp mọi người, bỏ học hoặc nguy hiểm hơn là tự sát. Tránh rơi vào những trường hợp kể trên, gia đình cần luôn đồng hành, động viên và cùng các em giữ được tâm lý thoải mái nhất.
Không nên tạo cho các em quá nhiều áp lực (Nguồn: Youtube)
Bệnh ăn uống: Mùa thi diễn ra vào thời tiết nóng nực nên các sĩ tử thường có xu hướng sử dụng nước đá, các đồ uống lạnh. Thậm chí, để tiết kiệm thời gian ôn thi, các em còn lựa chọn nhịn hoặc ăn uống bằng thức ăn nhanh, không đảm bảo vệ sinh. Hệ quả là nhiều em bị ngộ độc thức ăn, tiêu chảy, sức khỏe suy kiệt… trước khi ngày thi diễn ra. Vì vậy, khi ngày thi đang đến gần, các chế độ ăn uống cũng là một vấn đề quan trọng cần được gia đình và các em lưu ý.
Sẵn sàng để có sức khỏe tốt trước kì thi
Tạo tâm lý thoải mái: Lựa chọn phương pháp học tập khoa học, giữ tinh thần thoải mái là những điều các sĩ tử cần có. Bên cạnh đó, gia đình, thầy cô phải luôn đồng hành, hỗ trợ các em khi cần thiết.
Thư giãn qua việc tập luyện: Nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần qua các hoạt động thể dục thể thao như bóng rổ, cầu lông, đá bóng… hoặc các hoạt động tập thể khác. Điều này vừa giúp các em giải trí vừa có thể học tập tốt hơn.
Chế độ sinh hoạt hợp lý: Ngủ đủ giấc, rèn luyện cơ thể hàng ngày, không thức khuya, không dùng các chất kích thích, có thói quen sinh hoạt phù hợp là những điều đáng phải quan tâm.
Ngoài ra, đây là lúc các em cần đến sự đồng hành của thầy cô và bố mẹ nhất. Các giáo viên hãy luôn quan tâm chia sẻ, gần gũi với học trò của mình để sẵn sàng giúp đỡ khi các em gặp khó khăn. Bố mẹ cần quan tâm đến con hơn, hiểu rõ tâm lý và nguyện vọng của con mình để tránh tạo áp lực cho các em.
Bố mẹ, thầy cô, bạn bè hãy luôn đồng hành bên cạnh các em (Nguồn: Youtube)
Gia đình, nhà trường, xã hội không nên tạo áp lực quá lớn cho các em từ điểm tuyển sinh. Chúc các em có một kì thi THPT Quốc gia 2018 đạt kết quả thật cao!
Bích Diệp tổng hợp
(Theo Báo Sức khỏe đời sống)