Trong một tập thể, xung đột, mâu thuẫn giữa các thành viên là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Kết quả của xung đột có thể tiêu cực hoặc tích cực, phụ thuộc vào bản chất và vào phương pháp giải quyết xung đột. Nếu được giải quyết tốt, xung đột sẽ giúp các thành viên có cơ hội hiểu nhau hơn. Dưới đây là một số phương pháp trong kỹ năng giải quyết mâu thuẫn mà nhà quản lý nên tham khảo.
Phương pháp cạnh tranh
Đây là kỹ năng giải quyết mâu thuẫn quyết đoán, ít mang tính hợp tác bởi cơ sở của phương pháp giải quyết này là sử dụng khả năng, quyền lực, “ảnh hưởng” của mình để tạo áp lực khiến người khác phải nghe theo. Ảnh hưởng này có từ vị trí, cấp bậc, chuyên môn, hoặc khả năng thuyết phục.
Trong tập thể cần đề cao tính dân chủ, nhưng phương pháp này được cho là có hiệu quả với những trường hợp mâu thuẫn cần được giải quyết nhanh chóng, như khi nhóm đang có công việc chung sắp tới deadline. Nếu người quyết định biết chắc mình đúng thì cũng có thể áp dụng cách này để tránh lãng phí thời gian và công sức của tập thể. Tuy nhiên, bạn nên đưa ra thêm bằng chứng để chứng minh quyết định của bạn là đúng. Điều này sẽ giúp các thành viên còn lại "tâm phục khẩu phục".
Phương pháp hợp tác
Khi hợp tác, cá nhân thường cố gắng thương lượng, đàm phán với người còn lại để tìm ra giải pháp sao cho cả hai bên đều cảm thấy hài lòng. Do đó, đây là kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng cách thỏa mãn tất cả mọi người có liên quan.
Trái ngược với phương pháp cạnh tranh, bạn nên sử dụng phương pháp này khi có đủ thời gian tập hợp quan điểm, thông tin từ nhiều phía để có phương pháp xử lý hoàn hảo nhất. Hoặc nếu các bên đều có những quyền lợi quan trọng cần thỏa hiệp thì bạn cũng áp dụng phương pháp này.

Phương pháp hợp tác giúp đôi bên cùng có lợi (Nguồn: wheattares)
Phương pháp lẩn tránh
Là cách giải quyết xung đột bằng cách phó mặc cho người trong cuộc tự mình giải quyết. Có thể bạn sẽ thấy đây thực ra không phải là một phương pháp bởi người quản lý không có động thái xử lý hay giải quyết. Nhưng trên thực tế, có những vấn đề mà bạn không nên tham gia như can thiệp tới đời tư của nhân viên.
Nếu vấn đề không quá quan trọng và không làm ảnh hưởng tới công việc, thì bạn nên phớt lờ nó để tập trung cho nhiều công việc khác. Biết cách phân bổ sự quan tâm và thời gian của mình một cách hợp lý cũng là một tố chất quan trọng của người quản lý giỏi.
Phương pháp nhượng bộ
Đây là phương pháp giải quyết không dứt khoát mà đề cao tính hợp tác và đối lập với phương pháp cạnh tranh. Nhà lãnh đạo khi áp dụng phương pháp này sẽ bỏ qua quyền lợi của chính họ để thoả mãn nhu cầu của người khác. Phương pháp này có thể phát huy hiệu quả tốt khi vấn đề cần giải quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người khác hơn là bạn, hoặc bạn đặt tiêu chí hoà hợp lên hàng đầu trong công ty hoặc phòng ban của mình.

Để giữ hòa khí, nhiều trường hợp phải hy sinh quyền lợi (Nguồn: quietrev)
Trên đây là 4 phương pháp trong kỹ năng giải quyết mâu thuẫn phổ biến và dễ dàng áp dụng. Nhà quản lý luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề nhân sự trong quá trình làm việc. Thay vì đợi có vấn đề mới giải quyết, bạn nên chủ động trau dồi kỹ năng quản trị nhân sự để giúp tập thể hòa hợp hơn, từ đó doanh nghiệp có thể nhanh chóng đạt đến mục tiêu chung.
Khuê Lâm (Tổng hợp)