Kinh doanh là hoạt động giúp tăng trưởng, phát triển nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho xã hội. Để công việc đạt được mục tiêu này, bạn phải là một doanh nhân thành đạt và nắm vững “bí kíp” là những kỹ năng kinh doanh quan trọng.
Kinh doanh là gì?
Theo định nghĩa của Luật Doanh nghiệp Việt Nam, kinh doanh là việc thực hiện các hoạt động có trật tự, hệ thống, độc lập với danh nghĩa và trách nhiệm riêng, theo mục đích sinh lợi và tuân thủ các điều kiện của Pháp luật.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để trở thành một doanh nhân? Những kỹ năng kinh doanh nào sẽ là chìa khóa giúp bạn thành công?
12 kỹ năng để kinh doanh thành công
1. Kỹ năng ủy thác công việc
Ủy thác công việc là trao cho mọi người trách nhiệm, quyền hạn và phân bổ nguồn lực để hoàn tất các nhiệm vụ. Cơ sở để bạn tiến hành việc này là khi các nhân viên có thể thực hiện được hầu hết các hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp. Nếu ủy thác hiệu quả sẽ mang đến những lợi ích sau:
- Với doanh nghiệp: có những quyết định đúng đắn, sử dụng thời gian hợp lý, tăng năng suất làm việc
- Với người quản lý: phát huy sự tận tâm của các nhóm và sự nổi trội của từng người, tận dụng kỹ năng chuyên môn của mọi thành viên
- Với nhân viên: tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi làm việc nhóm và cảm nhận được giá trị của bản thân
5 bước thực hiện việc ủy thác:
- Xác định mục tiêu
- Lập kế hoạch, thực hiện
- Giám sát việc thực hiện
- Phản hồi công việc
- Đánh giá kết quả
2. Kỹ năng giao tiếp tốt
Kỹ năng giao tiếp hiệu quả luôn cần trong bất kỳ hoàn cảnh nào và được xem là yếu tố then chốt đối với sự phát triển toàn diện của một người. Bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết những việc bạn làm đều yêu cầu đến kỹ năng này. Để kinh doanh đạt hiệu quả, khả năng giao tiếp tốt là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, giao tiếp tốt không phải là nói nhiều hoặc dài dòng mà là cách truyền tải thông điệp cần nhẹ nhàng, cô đọng để số đông đều hiểu và nắm bắt được thông tin nhanh, chính xác. Bạn phải biết cách kết nối hiệu quả giữa tầm nhìn với đam mê và niềm tin của chính mình.
3. Kỹ năng đàm phán, thương lượng
Doanh nghiệp nào cũng muốn đạt lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều ở tài ngoại giao, đàm phán của các doanh nhân trên thương trường. Đàm phán được hiểu là quá trình giao tiếp "có đi có lại" giữa hai bên để đạt được những thỏa thuận chung. Mấu chốt của vấn đề là bạn cần biết cách phát triển một cuộc thương lượng cùng có lợi cho các bên tham gia mà vẫn đảm bảo kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.
4. Kỹ năng hoạch định chiến lược
Hoạch định chiến lược là một chức năng quản trị có ảnh hưởng rất lớn, đóng vai trò đảm bảo cho các nhân viên và các bên có liên quan cùng hướng đến những mục tiêu chung, đạt đến sự thống nhất về phương hướng hoạt động trước sự biến động của thị trường. Hoạt động này được xem như sự nỗ lực, nhằm đưa ra những quyết định và hành động cơ bản có tính chất định hình, hướng doanh nghiệp đến tầm nhìn và sứ mệnh đã đặt ra.
Việc hoạch định chiến lược có kết quả tốt hay không, phụ thuộc vào phương thức dự kiến khả năng vận hành của doanh nghiệp ở tương lai trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm, cùng với các kế hoạch kinh doanh chi tiết.
5. Kỹ năng lãnh đạo
Lãnh đạo là một trong những kỹ năng quản lý không thể thiếu, thúc đẩy các thành viên trong một nhóm cùng hướng và đi đến các mục tiêu chung. Kỹ năng này thường xuất hiện ở người có tầm nhìn xa và khả năng chiến lược, dự đoán trước được những thay đổi, cơ hội lớn trong tương lai. Chìa khóa để thành công chính là bạn phải biết cách xây dựng mối quan hệ và sự ảnh hưởng lâu dài với khách hàng trong hiện tại và tương lai, nhà cung cấp, nhân viên, và các nhà đầu tư.
6. Kỹ năng xây dựng và làm việc nhóm
Kỹ năng xây dựng và làm việc nhóm là sự thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác tích cực với mọi người. Trong môi trường làm việc hiện đại ngày nay, kỹ năng này là cực kỳ cần thiết. Việc mọi người cùng nhau suy nghĩ sẽ tìm ra những giải pháp tối ưu hơn so với một cá nhân làm việc độc lập.
7. Kỹ năng phân tích vấn đề
Khi muốn giải quyết tốt bất cứ vấn đề nào trong công việc, kỹ năng phân tích được đánh giá rất quan trọng. Với sự tiến bộ công nghệ như ngày nay, nhu cầu về kỹ năng này cũng cao hơn. Bên cạnh đó, phân tích chính là hành động tiếp cận tình hình kinh doanh của doanh nghiệp một cách bao quát và tổng quan nhất, quyết định những việc làm cần thiết để đạt mức tăng trưởng ở tương lai. Việc quan trọng là bạn cần thu thập, xem xét và đánh giá dữ liệu cần thiết để xây dựng những lập luận thuyết phục.
8. Kỹ năng bán hàng và marketing
Chìa khóa ở kỹ năng bán hàng và marketing là cách tạo ra và truyền tải những thông điệp, câu nói hấp dẫn đến đúng mục tiêu, đối tượng để thu về nguồn lợi nhuận, doanh thu cho doanh nghiệp. Ở kỹ năng này, cách thức phân tích cạnh tranh thị trường và xu hướng của ngành đóng góp không nhỏ cho việc đẩy mạnh chiến lược marketing.
9. Kỹ năng quản lý tổng thể
Kỹ năng quản lý tổng thể là sự hướng dẫn và kiểm soát một nhóm nhân viên phối hợp làm việc. Bên cạnh đó, chuyên môn triển khai và chỉ đạo nhân sự, tài chính và khoa học công nghệ cũng là một phần của kỹ năng quản lý tổng thể. Kỹ năng này đòi hỏi bạn phải có phương thức phát triển, điều hành một hệ thống làm việc để có thể quản lý được các hoạt động hằng ngày, chăm sóc các bên liên quan và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.
10. Kỹ năng quản lý dòng tiền hiệu quả
Dòng tiền ở các doanh nghiệp luôn là vấn đề được quan tâm không ít, vốn được coi là "huyết mạch" đối với các hoạt động kinh doanh liên quan đến vấn đề tài chính. Vì dòng tiền đóng vai trò rất quan trọng nên bạn phải có cách thức điều phối, bảo vệ và kiểm soát để không bị thất thoát.
11. Kỹ năng quản lý tài chính
Quản lý tài chính là việc "trông coi" tiền bạc, sự chênh lệch giữa chi tiêu và thu nhập. Yêu cầu báo cáo tài chính và ngân sách định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, chìa khóa cho kỹ năng này chính là diễn giải, phân tích báo cáo để định rõ các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn lợi nhuận của doanh nghiệp theo hướng tiêu cực.
12. Kỹ năng quản trị thời gian
Kỹ năng cuối cùng nhưng quan trọng không kém chính là quản trị thời gian. Bạn nên học cách quản lý thời gian hiệu quả và tập trung vào những hoạt động mang lại giá trị cao nhất cho doanh nghiệp.
Edu2Review hy vọng những kỹ năng kinh doanh đã nêu trong bài viết sẽ giúp bạn đến gần với con đường thành công.
Ngọc Trân (Tổng hợp)