Anh Cameron Shingleton – Tiến sĩ Triết học người Australia chính gốc với 5 năm sinh sống ở TPHCM, tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa viết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt – đã rút ra những kinh nghiệm quý báu để giúp các bạn trẻ lựa chọn cách tự học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả hơn.
* Bạn muốn học Giao tiếp nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trung tâm ngoại ngữ tốt nhất Việt Nam!
Tuyệt chiêu nghe nói: hiểu sơ sơ cũng là hiểu
Theo anh Cameron Shingleton, người Việt thường được khuyến khích hiểu bài học thông qua việc vận dụng các quy tắc ngữ pháp và tra từ điển để nắm 100% nội dung giao tiếp được truyền đạt. Tóm lại là hiểu trọn, biết tuốt, nói “không” với việc hiểu sơ sơ, biết mập mờ.
Khi lâm vào hoàn cảnh chỉ hiểu một phần những gì người bản xứ nói, các bạn cảm thấy nản lòng và than thân trách phận vì tình trạng “điếc ngoại ngữ” của mình. Nhưng thực tế, đây là tình thế hết sức bình thường khi bạn học tiếng Anh cho người mới bắt đầu.
Trong quá trình luyện tập giao tiếp tiếng Anh, việc không nghe ra cũng... chẳng có gì mới mẻ. Câu nói “bình tĩnh là điều tạo nên sự quý tộc” hoàn toàn phù hợp ở đây, khi bạn chỉ cần hỏi nhẹ: “Could you say that again?” (Làm ơn nhắc lại được không?).
Đặc biệt, chỉ nên tập trung tâm vào những từ khóa quan trọng để hiểu ý chính của người nói, chứ không nhất thiết phải học như kiểu nghe – viết chính tả. Lý do là vì những từ ngữ không quan trọng, chỉ đóng vai trò ngữ pháp sẽ được nói lướt rất nhanh, mà việc nghe kịp nó cũng không mang lại thêm ý nghĩa nào cho câu cả!
Việc học tiếng Anh sẽ dễ dàng hơn khi có "hội chị em" cùng luyện tập (Nguồn: blogs.technet.microsoft)
Bí kíp 3 không: không sợ sai, không sợ quê, không sợ hỏi
Một điều nữa trong cách tự học tiếng Anh giao tiếp của người Việt được anh Cameron Shingleton “chỉ mặt vạch tên” là những nỗi sợ cố hữu, mang tên sợ sai, sợ quê và sợ hỏi. Ở trường, các bạn sợ mắc lỗi thì bị thầy cô, bạn bè chê cười. Lúc gặp người nước ngoài, các bạn cũng ngại lên tiếng vì sợ nói sai, mất mặt.
Khi nghe người nước ngoài nói tiếng Việt, các bạn thường tỏ ra vô cùng thích thú và không quan tâm đến việc họ có nói sai ngữ pháp hay phát âm chưa chuẩn. Vậy nên các bạn cũng hãy vượt qua nỗi sợ của mình để hiểu là người nước ngoài chẳng ngại gì khi nghe bạn nói sai tiếng Anh.
Thực tế, bạn càng phải hiểu tầm quan trọng của việc nói sai. Dù học tiếng Anh giao tiếp tại nhà cùng bạn bè hay luyện tập trong lớp học, đấy cũng là cơ hội để bạn sửa lỗi và luyện tập cho chuẩn hơn trong những lần nói sau.
Thần chú cần nhớ: học từ vựng, đừng xa rời ngữ cảnh
Từ vựng là điều quan trọng không thể thiếu khi bạn học tiếng Anh giao tiếp tại nhà. Nhưng nếu bạn vẫn còn học theo kiểu “cổ lỗ sĩ”, chép từ ra sổ rồi thuộc một cách máy móc thì... còn khuya mới giỏi được tiếng Anh!
Mải mê chép từ vựng không phải là cách học hiệu quả đâu, bạn tôi ơi! (Nguồn: videoblocks)
Để nhớ lâu một từ mới, bạn cần “gặp” lại nó khoảng 7 lần trong 7 tình huống khác nhau. Tốt nhất là khi học, bạn nên tìm hiểu kỹ cách dùng từ trong nhiều ngữ cảnh đa dạng, gắn liền với một hoàn cảnh cụ thể (như cuộc trò chyện ở sân bay, nhà hàng, khách sạn...).
Học tiếng Anh cho người mới bắt đầu không bao giờ đơn giản, nhưng hẳn là những lời khuyên của anh Cameron Shingleton, không nhiều thì ít, cũng đã “khai sáng” cho bạn một vài điều lý thú.
Cách tự học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả thì còn rất nhiều, nhưng tựu chung, bạn luôn cần ghi nhớ 3 điều cơ bản: tập trung nghe từ khóa, tạm biệt nỗi sợ sai và không bao giờ bỏ quên ngữ cảnh.
Yến Nhi tổng hợp
Nguồn: Zing