Để học tiếng Anh tốt, ngoài sự chăm chỉ còn cần có phương pháp học tập khoa học và tài liệu học hợp lý. Điều này đặc biệt trở thành rào cản lớn trên con đường chạm tay tới cái đích bạn muốn khi tự học tại nhà. Vì học tiếng Anh tại nhà thì bạn sẽ không có thầy cô chỉ dạy, cũng không có bạn bè ở trình độ tương đương để thi đua và tạo động lực cho nhau cùng phát triển.
Hãy tìm cho mình cách học tiếng Anh tại nhà tối ưu nhất dựa trên những gợi ý dưới đây.
Bạn học tiếng Anh để làm gì và khả năng của bạn như thế nào?
Đầu tiên, bạn hãy hiểu mình trước đã, hiểu cả về động cơ học tập, mục tiêu cần đạt và vị trí hiện tại của bạn so với cái đích đó. Xác định được lý do học tiếng Anh một cách rõ ràng thì bạn mới có động lực để phấn đấu và kiên trì trên con đường đầy gian nan.
Hầu hết mọi người đều học tiếng Anh để phục vụ cho học tập và công việc, khá ít người học cho biết hay học để xem phim, đọc báo mở mang tri thức. Vì thế, mục tiêu sau một thời gian học thường hướng tới một chứng chỉ có giá trị quốc tế (Ví dụ: TOEIC, IELTS …) với một mức điểm tối thiểu nào đó.
Bảng tham chiếu Khung trình độ chung Châu Âu và các chuẩn trình độ Quốc tế (Nguồn: Tiếng Anh chuẩn Châu Âu)
Nếu bạn đã xác định rõ chứng chỉ cần có và số điểm bạn muốn đạt được, thì chỉ cần tham gia một bài thi thử (tự tải đề về làm tại nhà hoặc ra trung tâm luyện thi và đăng ký thi thử) để biết khả năng của bạn hiện tại đang ở mức nào. Trong trường hợp, bạn không xác định cụ thể một loại chứng chỉ hoặc một bài thi phải vượt qua, thì có thể quy đổi tương đương và thi thử một bài kiểm tra mà bạn cảm thấy thuận tiện nhất.
Một số phương pháp học và cách để chọn phương pháp tối ưu nhất
- Luyện đề
Quá trình luyện đề sẽ diễn ra theo trình tự: tự làm một bài thi, so sánh bài làm với đáp án, tự chữa bài và học những gì còn sai hoặc chưa biết. Bên cạnh việc làm đề liên tục với độ khó tăng dần, người học sẽ phải tìm cách áp dụng những kiến thức thu lượm thêm sau mỗi lần tự chữa bài. Nếu không thực hành như vậy thì làm nhiều đề chỉ giúp tăng kỹ năng chứ vốn kiến thức không phát triển nhiều.
Luyện đề giúp phát triển cả kỹ năng và kiến thức (Nguồn: Reader's Digest)
Như vậy, ôn luyện qua các đề mẫu có tác dụng cải thiện cả kỹ năng và kiến thức, dần dần tốc độ làm bài sẽ nhanh hơn, độ chính xác cao hơn và đương nhiên là điểm số cũng cao hơn. Tuy nhiên, cách này thường phù hợp với những người đã có một nền tảng nhất định. Đối với những ai đang bắt đầu tiếp cận với Anh ngữ hoặc mất gốc, cơ hội thành công nhờ phương pháp này là một việc bất khả thi.
- Học qua video
Học bằng cách xem, nghe các video tiếng Anh thuộc nhiều hình thức, chủ đề khác nhau (Ví dụ: hội thoại, diễn văn, phim, chương trình giả trí…) không nhất thiết bạn phải hiểu hết tất cả những gì có trong video. Quá trình xem, nghe lặp đi lặp lại là để nâng cao kỹ năng nghe, phản xạ tiếng Anh bên cạnh việc học các cấu trúc, từ vựng được sử dụng trong video. Điều này có ích cho tất cả những người học tiếng Anh dù đang ở trình độ nào.
Tận dụng thời gian rảnh đề vừa thư giãn, vừa luyện tiếng Anh (Nguồn: Review Geek)
Khi bắt gặp một từ mới nào đó được nhắc tới trong đoạn chương trình mà bạn đang xem, bạn nên cho video dừng lại (thực tế thường gọi là “pause”) để bắt chước cách phát âm, đoán nghĩa của từ dựa trên văn cảnh trước khi tra từ điển. Nếu một lần chưa rõ, bạn có thể tua đi tua lại để nghe chính xác hơn và học cách sử dụng từ trong các tình huống thực tế.
Một lời khuyên từ nhiều chuyên gia là bạn nên xem mà không có phụ đề (thực tế thường gọi là “subtitles”) nhiều lần, cố gắng nghe hết những gì đã biết. Sau đó, bạn mới xem lần cuối kèm theo phụ đề để biết cách viết những từ mới và tra từ điển để học những từ này. Lý do là khi không có phụ đề, bản thân bạn bắt buộc phải cố gắng nghe và sự tập trung sẽ được đưa lên cao, nên ngôn ngữ được ngấm dần dần một cách tự nhiên.
>> Top những trung tâm học tiếng Anh giao tiếp tốt nhất tại TP.HCM
- Tự nói với chính mình
Khi bạn tự làm giám khảo về bài nói của mình thì bạn sẽ nhìn ra được những ưu, nhược điểm của bản thân. Cách làm dễ nhất là đứng trước gương và nói, lúc này bạn có thể thoải mái nói bất cứ thứ gì bạn muốn. Bạn hãy nói mọi câu, từ tiếng Anh hiện lên trong đầu và chú ý quan sát cách phát âm, phong thái của mình khi nói.
Hãy tự phản chiếu và nhận xét mình qua gương (Nguồn: Big Stridz)
Điều này rất quan trọng vì mục đích của bạn khi học tiếng Anh không phải nói cho mình nghe mà là giao tiếp quốc tế, cụ thể là nói cho người đối diện nghe và hiểu. Đừng ngần ngại đặt mình vào vị trí của người khác để tự điều chỉnh cách phát âm, nói của bản thân hoàn thiện hơn.
Đặc biệt, khi nói với chính mình qua gương thì bạn không ngại sai, không ngại nhầm, kết quả là bạn nói tự nhiên, lưu loát hơn. Dù lúc đầu, bạn sẽ mắc một số lỗi sai cơ bản, rất ngớ ngẩn nhưng sau những lần như thế, bạn sẽ có kinh nghiệm và cải thiện dần dần. Có thể bạn mắc lỗi, nhầm lần thứ nhất và chưa thể sửa ngay ở lần tiếp theo, nhưng sau mười, hai mươi lần cố gắng sửa thì bạn sẽ tạm biệt lỗi sai đó mãi mãi.
Thoạt nghĩ, ta thấy có vẻ như ưu điểm của việc tự học tại nhà so với đi học ở trung tâm chỉ là học phí rẻ và thời gian linh hoạt. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự biết tận dụng không gian riêng tư và sự tập trung thì thành công vẫn mỉm cười với bạn. Chúc bạn học tốt!
Thanh Huyền