Nếu bạn lên Google và gõ “cách học tiếng Anh của người Thái” thì sẽ có rất ít bài báo nói tường tận về điều này, thay vào đó là các clip hài về cách phát âm cười ra nước mắt của họ. Hoặc bạn sẽ nhận về nhiều kết quả từ cách học tiếng Anh của người Philippines, đất nước đứng nhất Đông Nam Á về tiếng Anh. Nhưng khi gõ bằng tiếng Anh, bạn sẽ thấy rất nhiều bài viết nói về trình độ tiếng Anh rất thấp của người dân xứ sở chùa vàng.
Sự thật là rất nhiều học sinh Thái không thể nói được những câu đơn giản nhất bằng tiếng Anh dù dã được học từ tiểu học. Chính phủ Thái Lan cũng đang rất nỗ lực để có thể phổ cập tiếng Anh cho người dân. Bạn có băn khoăn vì sao người dân Thái Lan lại chưa giỏi tiếng Anh không trong khi họ là cường quốc về du lịch? Hãy cùng cộng đồng đánh giá giáo dục Edu2Review tìm hiểu bài viết này nhé!
Đất nước Thái Lan xinh đẹp (Nguồn: thai-thailand.ru)
[Công ty Cổ phần Edu2Review] – Edu2Review là viết tắt của EBrand Index Value – Edu2Review là kênh đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo – Cộng đồng đánh giá giúp tạo lập niềm tin và sự minh bạch cho người dùng.
Trong một bài viết trên trang ajarn, tác giả đã kể về trải nghiệm dạy tiếng Anh của mình ở Thái Lan. Tác giả đặt ra câu hỏi vì sao dù đã đầu tư rất nhiều trong việc thuê giáo viên bản xứ đến dạy tiếng Anh, trình độ của học sinh Thái vẫn nghèo nàn như vậy? Và trong suốt 10 năm giảng dạy tại Thái Lan, tác giả đã cảm nhận rõ ràng tình hình rất tệ ở đây. Thậm chí những nước mà họ vẫn coi thường như Myanmar hay Lào đều có khả năng tiếng Anh tốt hơn họ nhiều. Tác giả cho rằng câu trả lời cho sự yếu kém về tiếng Anh của người Thái bắt nguồn ở cách mà các thầy cô Thái Lan dạy tiếng Anh.
Theo tác giả, học sinh không hề được “dạy” một cách đúng nghĩa. Hệ thống giáo dục ở Thái Lan rất xem trọng giáo viên, và họ lấy giáo viên làm trung tâm (teacher-centered) của giảng dạy. Học sinh chỉ việc chép các “thông tin” (từ của tác giả) từ bảng đen hay bảng trắng hoặc các tờ handouts. Các giáo viên cũng không hề lo lắng phương pháp dạy này có phù hợp và hiệu quả hay không, nó cứ thế được áp dụng cho tất cả các môn. Thậm chí, khi học sinh được kiểm tra, thì các em cũng chỉ đang được kiểm tra những gì mình nhớ, chứ không phải những gì mình hiểu.
Một câu chuyện thực tế khác đã làm tác giả rất bất ngờ. Khi tham quan lớp dạy của một giáo viên tiếng Anh người Thái Lan, cách dạy của cô giáo này đã khiến tác giả bất ngờ tới mức...chưng hửng. Bạn có thắc mắc cô ấy dạy thế nào không? Cô đảm nhận một lớp 50 học sinh cấp 2 và cực kì mất trật tự. Tuy nhiên, sau khi cô lật sách ra và chép một đoạn dài từ trong quyển sách giáo khoa, tất cả các em bắt đầu chép lại hết tất cả những gì mà cô viết. Sau khi chép xong, cô giáo chỉ ngồi xuống quan sát cả lớp chép và theo tác giả thì nhìn cô rất buồn chán.
Sau khi mỗi học sinh chép xong, các em phải mang lên cho cô chấm. Và cô giáo này đã chấm rất nhanh, thậm chí còn không nhìn vào những gì các em đã chép. Còn các em học sinh lại tiếp tục các trò chơi giống như trước khi cô vào lớp. Ngay khi tiếng chuông hết giờ vang lên cũng là lúc cô kết thúc việc chấm bài, và buổi học kết thúc (?).
Khi tác giả dạy những lớp cao hơn, thì tình trạng chép, chép và chép vẫn tiếp diễn. Một học sinh đã tiết lộ rằng, nếu các bạn chép đầy đủ những gì có trong tờ handouts dài 6 trang thì sẽ nhận được 6 điểm cho bài thi kết thúc học kì. Nhưng các em đều hoàn toàn không hiểu những gì viết trong các tờ handouts ấy. Thậm chí các thầy cô chỉ việc lên mạng và rồi in ra bắt các em chép, điều này làm các em cảm thấy không hề muốn tôn trọng giáo viên của mình.
Các học sinh Thái Lan hoàn toàn không hề được khuyến khích phát biểu, và do vậy các em cũng không hề thắc mắc về bất cứ điều gì. Khi đi ngang các lớp học ở đây, bạn sẽ rất khó nhìn thấy các em giơ tay để xin phát biểu, mà phần lớn chỉ giơ tay để xin đi vệ sinh. Các em biết rằng, có những thứ như American English và British English, nhưng chỉ chấp nhận và không bao giờ đặt câu hỏi.
Khi học với giáo viên bản xứ, các em sẽ ngồi ngay ngắn và tiếp thu điều giáo viên nói như đang nghe một điều thần kì nào đó.
Chính phủ Thái Lan nhận thức rõ tình hình không mấy tươi sáng này. Các nhà lãnh đạo cho rằng với trình độ tiếng Anh này, người Thái sẽ khó lòng cạnh tranh với các nước lân cận. Bộ Giáo dục thậm chí đã đề ra chương trình "Một ngày nói tiếng Anh" tại trường học. Tuy nhiên, chính trang bangkokpost.com lại gọi chương trình này là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Học sinh Thái Lan thật sự không có nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh, và việc phải nói tiếng Anh ít nhất một ngày trong tuần đã mang đến những khó khăn nhất định. Khi được phóng viên hỏi cảm xúc về chương trình này, em Seangma, một học sinh, đã trả lời như sau: “Mặc dù dự án này cho phép chúng em nói tiếng Anh nhiều hơn, nhưng chúng em vẫn không chắc khả năng nói của mình có được cải thiện hay không”.
Em thừa nhận dù đã học tiếng Anh hơn một thập kỉ, nhưng trình độ của em vẫn không khá lên, lí do là do em rất ít khi nói. Và mặc dù trường của em đã chọn thứ tư là ngày nói tiếng Anh, tuy nhiên liệu sẽ có mấy người làm được điều này trọn vẹn một ngày?
Thậm chí, Hiệu trưởng trường Seangma đang theo học cho biết có rất nhiều học sinh thậm chí còn không thể viết hoàn chỉnh bảng chữ cái từ A-Z. Ông cho rằng chương trình này sẽ không thể đi xa, và học sinh nên được cho học ngôn ngữ của các nước lân cận như Myanmar hay Malaysia.
Trên trang hỏi đáp Quora, một thành viên kể rằng bạn ấy có 2 người bạn Việt Nam và Thái Lan. Trong khi người bạn Việt Nam có thể giao tiếp ở mức khá thì người bạn Thái lại không thể nói được những câu dù đơn giản nhất. Bạn ấy rất thắc mắc và đã nghĩ rằng ở Thái Lan người ta không dạy tiếng Anh. Nhiều comment đã đưa rá ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Có bạn cho rằng, ở Thái, vì áp lực các kì thi nên giáo viên và học sinh thường chỉ quan tâm đến ngữ pháp và điểm số (riêng cái này thì khá giống Việt Nam chúng ta). Một bình luận khác của một giáo viên nước ngoài tại Thái Lan chỉ ra rằng chính thái độ của người Thái là thứ ngăn cản họ giỏi tiếng Anh. Họ chỉ quan tâm đến việc giải trí và khá lười. Giáo viên chỉ việc chép bài lên bảng, còn học sinh chỉ việc chép. Không ai quan tâm đến sự thật là trình độ tiếng Anh của các giáo viên này cũng rất thấp.
Một câu trả lời khác cũng được nhiều phiếu bầu cho rằng người Việt Nam học tiếng Anh dễ dàng hơn người Thái vì bảng chữ cái. Theo người này, tiếng Việt sử dụng bảng chữ cái Latin, do đó rào cản khi học tiếng Anh của người Việt không nhiều như người Thái với bảng chữ cái khác hẳn. Đây cũng là vấn đề thường gặp với người học đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Campuchia khi họ phải làm quen với những chữ cái A B C D từ đầu.
Do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, mỗi quốc gia sẽ có những khó khăn riêng khi học tiếng Anh (Nguồn: mindstretcher)
Những người đứng đầu đất nước chùa vàng đang tiếp tục đưa ra những cải cách mới. Họ chọn ra 350 giáo viên xuất sắc để tham gia khóa huấn luyện đẩy mạnh tiếng Anh. Từ đó, 28 giáo viên giỏi sẽ được chọn và cử đi khắp cả nước đến 18 trung tâm dạy tiếng Anh, nơi giáo viên và nhà quản lý trường học ở khu vực lân cận có thể đến và được đào tạo. Có thể thấy, Thái Lan đang rất quyết tâm thay đổi và nâng cao khả năng tiếng Anh của người dân.
Qua bài viết này, liệu bạn có suy nghĩ gì cho mình không? Edu2Review nghĩ rằng, dù người dân Thái Lan có nhiều bất cập trong vấn đề dạy và học, nhưng họ đang khắc phục và cố gắng thay đổi theo hướng tốt hơn. Điều quan trọng là họ ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh và có những chính sách khuyến khích học ngôn ngữ này. Chúng ta, có nhiều thuận lợi hơn so với họ, vậy lý do gì mà lại không học đúng không nào?
Và đừng để mất nhiều thời gian, công sức để học như người Thái, chúng ta hãy học một cách thông minh hơn, bằng cách chọn đúng nơi, học đúng cách. Và thông tin là cách có thể giúp bạn có được mọi thứ trong thời đại ngày nay. Và Edu2Review chính là nơi cung cấp thông tin cho bạn.
*Thông tin được cập nhật đến 09/2016.
Bảng xếp hạng trung tâm
Tiếng Anh tại Việt Nam
Khả Vy (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: somanyhorses
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam