Giao tiếp bằng tiếng Anh luôn là một thử thách to lớn đối với một số bạn sinh viên. Có thể bạn có từ vựng ổn, ngữ pháp tạm, nhưng bạn lại không thể nói chuyện với người nước ngoài, lí do duy nhất của bạn là không thể nghe được họ đang nói gì. Giao tiếp là quá trình nghe – hiểu và nói, nhưng bạn lại không nghe được thì làm sao hiểu mà nói chuyện tiếp với người ta. Vậy bạn có đang gặp phải những vấn đề sau đây khi học nghe tiếng Anh không?
Khó khăn khi học nghe tiếng Anh là gì?
Sau đây là những khó khăn khi học nghe tiếng Anh mà bạn vẫn thường hay gặp phải.
Không nhận ra các âm tiếng Anh
Khi được hỏi về nguyên nhân của việc gặp khó khăn với các âm trong tiếng Anh, một số người cho rằng khó khăn này là do họ không phân biệt được các âm tiếng Anh, các từ đồng âm, đặc biệt là các từ có cách phát âm gần giống nhau.
Trong đó, việc nhầm lẫn giữa dạng khẳng định và dạng phủ định là nguyên nhân chủ yếu, đặc biệt là việc không nhận ra thông tin chính cần nghe là do một vài đặc điểm trong phát âm chuỗi lời nói (connected speech) trong tiếng Anh như: hiện tượng nuốt âm (elision), dạng yếu trong phát âm một số từ chức năng (weak form), hiện tượng đồng hóa âm vị (assimilation), hiện tượng rút gọn của từ (contraction), hiện tượng nối âm (linking)...
>> Xem thêm Bí quyết luyện phản xạ nghe nói khi giao tiếp tiếng Anh
Như vậy, việc người học không nhận ra các âm trong tiếng Anh chủ yếu là do: không phân biệt được các từ đồng âm và các từ có cách phát âm gần giống nhau, nhầm lẫn giữa dạng khẳng định và dạng phủ định, đặc biệt là do một số ảnh hưởng về phát âm chuỗi lời nói trong tiếng Anh.
Thiếu tập trung khi nghe
Nguyên nhân của việc thiếu tập trung khi nghe có thể là do thiếu kinh nghiệm khi nghe làm cho người nghe càng lúc càng cảm thấy khó tập trung vào bài nghe.
Khó có thể nắm bắt ý chính của bài nghe
Nguyên nhân của việc khó có thể nắm bắt ý chính của bài nghe vì người nghe không biết đâu là thông tin quan trọng cần nghe trong bài. Hoặc do việc người nghe không thể suy luận được nội dung chính của bài nghe từ những từ ngữ quan trọng (key words) làm cho họ không nắm bắt được ý chính khi nghe.
Không theo kịp tốc độ của người nói
Bạn không theo kịp tốc độ của người nói chủ yếu là do trong quá trình nghe bạn luôn dịch những gì mình nghe được sang tiếng Việt rồi mới hiểu, lúc đó não bộ củ bạn sẽ phải làm cùng lúc 3 việc: nghe, dịch những gì nghe được từ tiếng Anh sang tiếng Việt, sau đó hiểu những gì bằng tiếng Việt vừa mới dịch xong.
Chính vì thế, khi bạn nghe và hiểu xong 1 câu thì người nói đã nói tới câu thứ 2, thứ 3, dẫn đến việc bạn không hiểu là họ đang nói gì. Chưa kể đến việc người nước ngoài họ vẫn luyến các âm đuôi với nhau, bạn không nghe tiếng Anh thường nên dẫn đến việc nghe không quen, và hệ quả là không theo kịp tốc độ của người nói.
Hạn chế vốn từ vựng để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày
Có thể bạn học được kha khá từ vựng, nhưng khi nghe người nước ngoài nói bạn bị “đứng hình”, và tự hỏi “họ đang nói từ gì vậy?”. Đôi khi các bạn có thể bị lầm tưởng rằng mình biết nhiều từ vựng, nhưng bạn thử kiểm tra xem những từ vựng đó có thông dụng trong cuộc sống hằng ngày không, bạn biết những từ về chuyên ngành du lịch, kinh tế, may mặc… nhưng lại hạn chế vốn từ vựng để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, thế thì bằng cách nào bạn nghe người khác nói.
Khi giao tiếp bạn và người đối diện nói về cuộc sống hằng ngày nhiều hơn là nói về những từ chuyên về một ngành nào đó. Thế nên, hãy học từ vựng bắt đầu từ những vật gần gũi với bản thân nhất.
Không đủ vốn từ vựng và cấu trúc câu
Vấn đề này không nằm ở số lượng từ vựng và cấu trúc mà bạn sở hữu, mà phụ thuộc vào khả năng bạn có thể nhớ được bao nhiêu từ và dùng được nó vào trong những tình huống giao tiếp thực tế. Cách học từ vựng, cấu trúc truyền thống bằng cách ghi chép lại nhiều lần từ hay cấu trúc muốn học kèm theo nghĩa tiếng Việt đã hạn chế khả năng ghi nhớ của bạn trong thời gian dài và dễ làm bạn "lạc lối" trong mê cung từ vựng do chính bạn tạo ra.
Biện pháp khắc phục
Dựa vào cách phát âm
Cách này có thể áp dụng hiệu quả cho các từ có cách phát âm gần giống nhau vì chúng có trọng âm rơi vào các âm tiết khác nhau, ví dụ như thirteen / thirty và độ dài ngắn của các âm là khác nhau, ví dụ ship/sheep, fit/ feet.
>> Xem thêm 4 "địa chỉ" để luyện nghe tiếng Anh giao tiếp miễn phí
Dựa vào nghĩa của cả câu và chức năng của từ trong câu
Các từ đồng âm được phát âm giống hệt nhau, rất dễ gây nhầm lẫn cho người nghe, ví dụ some / sum, I/ eye, son/ sun. Bên cạnh đó lại có những từ đồng âm và đồng cách viết mang nghĩa khác nhau (homonyms) như left, flat, saw, play. Do vậy, người học cần phải dựa vào chức năng của từ đó trong câu, cấu trúc câu được tạo nên bởi từ đó, đặc biệt là ngữ cảnh của câu (context) để suy luận và chọn ra từ đúng.
Cách khắc phục nhầm lẫn giữa dạng khẳng định và dạng phủ định
Trong tiếng Anh, để phủ định, người ta thường dùng các trợ động từ trong câu. Ngoài ra, dạng phủ định của từ cũng có thể được tạo nên nhờ các phụ tố (tiền tố hoặc hậu tố) như: im- trong impossible, il- trong illegal, dis- trong dissatisfied, -less trong careless. Do đó, để tránh nhầm lẫn giữa dạng khẳng định và dạng phủ định trong bài nghe, người học cần đặc biệt chú ý đến các phụ tố, các trợ động từ cũng như một số yếu tố khác như giọng điệu của người nói và ngữ cảnh của câu.
Cách khắc phục một số ảnh hưởng về cách phát âm chuỗi lời nói trong tiếng Anh
Làm quen với những hiện tượng này bằng cách tìm học những ví dụ thường gặp và đặc trưng cho từng hiện tượng, tập phát âm các cụm từ đó, viết ra nhật ký học tập để ghi nhớ.
Thường xuyên luyện tập nghe
Trong khi nghe, một người nghe giàu kinh nghiệm bao giờ cũng có nhiều lợi thế hơn những người nghe ít kinh nghiệm do trong quá trình luyện tập, họ đã hình thành được một số kỹ năng. Do đó, để nâng cao khả năng nghe hiểu, người học ngoại ngữ nên tích cực luyện tập một cách hợp lý và có phương pháp. Bằng việc thường xuyên luyện tập và tiếp xúc với các tài liệu có mức độ thay đổi từ dễ đến khó, cùng với thời gian, người học sẽ hình thành được kỹ năng nghe.
Còn bạn có những khó khăn gì trong quá trình học nghe tiếng Anh, và giải pháp của bạn là gì?
Tiết Phương (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: mindalife