Thành công trong kinh doanh là điều ai cũng ao ước đạt được. Trong thời đại công nghệ phát triển, cách tiếp cận khách hàng qua Internet, mạng xã hội đang trở nên phổ biến bên cạnh việc bán hàng truyền thống. Vì thế, việc sở hữu các kỹ năng bán hàng online sẽ cực kỳ hữu ích nếu như bạn đang có ý định kinh doanh trực tuyến.
Khái niệm về bán hàng online
Bán hàng online (còn được biết đến với tên gọi khác là thương mại điện tử) là hình thức mua bán, giao dịch sản phẩm/dịch vụ của cửa hàng trên môi trường Internet.
Bán hàng qua các website sẽ giúp tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể (Nguồn: blog123website)
Cách này có điểm tương tự kinh doanh truyền thống nhưng khác biệt ở việc không cần mặt bằng để trưng bày mẫu sản phẩm. Nơi thực hiện bán hàng sẽ là mạng xã hội, các website thông qua quảng cáo trực tuyến. Ưu điểm của hình thức này là tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể và đo lường được các kết quả.
Thị trường online rất rộng lớn và các doanh nghiệp vẫn không ngừng cạnh tranh với nhau. Nếu không được phục vụ chu đáo thì khách hàng sẽ không quay trở lại website của bạn vào những lần sau. Do đó, 10 kỹ năng bán hàng online dưới đây sẽ là bí kíp làm cầu nối với người tiêu dùng và giúp bạn đạt doanh thu cao.
10 kỹ năng bán hàng online hiệu quả
1. Gửi mẫu thử đến khách hàng và lắng nghe nhận xét
Đây là cách làm trong các chiến dịch “dùng thử miễn phí” mà nhiều doanh nghiệp đã áp dụng với mục đích kiểm tra chất lượng và tạo hiệu ứng lan truyền.
Tạo ấn tượng tốt trong lần ra mắt sản phẩm đầu tiên là việc làm cần thiết. Vì thế, hãy gửi các mẫu miễn phí đến khách hàng. Sau đó, bạn cần lắng nghe những lời nhận xét, góp ý và ghi nhận lại các ý kiến để điều chỉnh sản phẩm một cách chọn lọc. Với cách làm này, doanh nghiệp sẽ tạo ấn tượng tốt trong lòng người tiêu dùng và họ sẽ trở thành khách hàng thân thiết.
Sản phẩm có chất lượng tốt được lan truyền đi xa sẽ giúp doanh nghiệp tạo được uy tín ở cộng đồng bán hàng online (Nguồn: it-s)
2. Hiểu khách hàng
Câu nói “Khách hàng là thượng đế” thực sự là “kim chỉ nam” cho tất cả doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh truyền thống cũng như trực tuyến. Bạn nên tôn trọng người tiêu dùng trong mọi trường hợp và đừng cố ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm/dịch vụ nếu không muốn họ lập tức rời khỏi trang web bán hàng.
Trước hết, bạn phải thiết lập mối quan hệ, nắm bắt thông tin của khách hàng qua hệ thống tư vấn tại trang web trong những lần trước đó khi mà họ thực hiện các hành vi khác nhau một cách có mục đích. Sau đó, bạn mới nên giới thiệu về sản phẩm và chốt đơn hàng.
3. Viết cảm nhận chia sẻ
Viết blog chia sẻ các tác dụng từ sản phẩm của doanh nghiệp là điều bạn nên làm. Hãy tận dụng các diễn đàn, forum để quảng bá rộng rãi. Bên cạnh việc bán hàng, bạn cần phải cho khách hàng biết thêm chi tiết về thương hiệu và công dụng của món hàng. Việc này không chỉ cung cấp nhiều thông tin với người mua hàng mà còn giúp website của bạn đạt thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm.
Tận dụng việc viết blog để chia sẻ cảm nhận và tăng độ quảng bá (Nguồn: smarterwave)
4. Gửi email đến khách hàng thân thiết
Tiếp thị qua email là điều cần thiết cho hoạt động bán hàng. Nhiều doanh nghiệp đã có nguồn thu khá lớn từ việc này.
Một danh sách email được phân loại rõ ràng và phù hợp với các tiêu chí của doanh nghiệp có thể xem như thông tin vô giá. Email và tin nhắn là phương thức tiếp thị hiệu quả và không tốn nhiều chi phí nếu như bạn biết cách soạn thư chào hàng và nắm bắt được tâm lý khách hàng.
Gửi email các thông tin, chiến dịch của sản phẩm kèm theo chương trình khuyến mãi thường sẽ thu hút được khách hàng. Những nội dung bạn cần chú ý trong email:
- Hạn chế những từ "click ngay", "câu view"… sẽ làm thư của bạn bị xóa lập tức
- Đi vào trọng tâm: Đảm bảo email đề cập đến mục tiêu kinh doanh quan trọng hay là một chiến lược cụ thể
- Chủ đề lôi cuốn: Cần lưu ý nội dung tiêu đề trước khi gửi để thu hút và tăng khả năng đọc thư của khách hàng
Ngoài ra, bạn nên đặt một forum đăng ký email ở website để xây dựng danh sách thông tin khách hàng tiềm năng.
5. Làm nổi bật thương hiệu
Mục đích cốt lõi nhất của kinh doanh chính là bán được hàng. Vì thế, hãy quảng cáo thương hiệu của mình một cách nhiều nhất có thể bằng cách nghĩ ra các hình thức và nội dung quảng cáo thú vị, hài hước, gây ấn tượng sâu sắc.
6. Thúc đẩy kinh doanh bằng việc xây dựng mối quan hệ
Xây dựng mối quan hệ online, offline và hợp tác với các cửa hàng bán lẻ khác sẽ tạo ra lợi nhuận cho việc kinh doanh. Trường hợp là một doanh nghiệp lớn thì bạn nên tìm các nơi bán lẻ để phân phối sản phẩm. Cả hai hình thức bán lẻ trực tiếp và trực tuyến đều rất có ích cho việc hỗ trợ, thúc đẩy việc nhận diện thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Xây dựng mối quan hệ sẽ giúp thúc đẩy việc kinh doanh (Nguồn: obsline-scdn)
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm những những đối tác khác có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo một cộng đồng trao đổi thông tin, quảng bá sản phẩm mà không ảnh hưởng đến lợi ích của đôi bên.
Đây thực sự là một cách đơn giản để đạt hiệu quả kinh doanh cao trong bán hàng online.
7. Tận dụng mạng xã hội
Mạng xã hội Facebook và Instagram là một trong những nơi tiếp cận hiệu quả để tương tác với người tiêu dùng. Quảng cáo trên 2 nền tảng này sẽ xây dựng hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp và làm tăng tính kết nối cộng đồng.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng diễn đàn thảo luận trực tiếp làm nơi tư vấn, đưa ra lời khuyên, trả lời câu hỏi và thậm chí tìm kiếm thêm khách hàng mới. Đây là phương tiện để lan truyền rộng rãi các loại thông tin khác nhau.
8. Sử dụng các công cụ quảng cáo có trả phí
Một trong những cách làm cho người tiêu dùng đến với trang web của bạn nhanh nhất chính là quảng cáo mất phí. Hình thức này có các loại, bao gồm: Adwords, Google Ads và Facebook Ads.
Từ đó, bạn có thể tạo ra các chiến dịch quảng cáo hướng đến từng đối tượng người dùng theo giới tính, độ tuổi, sở thích… Vì vậy, có thể nói ẩn dụ rằng tất cả khách hàng sẽ nằm trong tầm ngắm của bạn, còn việc "nhắm trúng" nguyện vọng của họ hay không tùy thuộc vào khả năng của người sử dụng công cụ.
9. Khảo sát kinh doanh
Thường xuyên khảo sát thị trường, tìm hiểu ý kiến của những người tiêu dùng, ghi nhận đánh giá về trang web, nội dung, hình ảnh, chức năng của sản phẩm… sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện hệ thống kinh doanh, sản phẩm và có những điều chỉnh kịp thời giúp tăng doanh thu bán hàng.
10. Thống kê số liệu
Thống kê là kỹ năng cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng. Mục đích của việc này là nắm được doanh thu, khách hàng đến với doanh nghiệp từ các nguồn nào, thống kê sản phẩm bán chạy nhất, nguyên nhân món hàng không bán được...
Thống kê các số liệu sẽ giúp bạn nắm được tình hình kinh doanh hiện tại (Nguồn: bucksalley)
Công cụ sử dụng để thống kê số liệu trang web có tên là Google Analytics. Dịch vụ này được biết đến với việc không tốn phí và phân tích kỹ lưỡng, chi tiết sẽ giúp bạn tạo ra những chiến lược phù hợp để bán các sản phẩm của mình.
Bán hàng online hiện đang là xu hướng vì các ưu điểm nổi trội so với phương pháp truyền thống. Edu2Review hy vọng với những kỹ năng đã nêu, bạn sẽ thành công trong lĩnh vực này.
Ngọc Trân (Tổng hợp)