Theo khảo sát của Cơ quan khảo thí giáo dục Mỹ (ETS), hơn 30 triệu người trên thế giới đã từng chọn bài kiểm tra TOEFL để chứng tỏ năng lực thành thạo tiếng Anh của mình. Đa số họ là sinh viên có ý định học ở bậc cao hơn trong một môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc là những ứng viên xin học bổng, người muốn sang nước ngoài làm việc cũng cần bằng TOEFL để làm thủ tục xin visa.
Hơn thế nữa, nước ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, cần rất nhiều nhân lực được đào tạo tốt về kỹ năng lẫn ngoại ngữ. Vì vậy, số người có nhu cầu lấy bằng TOEFL (TOEFL iBT qua máy tính và TOEFL PBT qua bài làm trên giấy) ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, khi bước vào quá trình ôn luyện, nhiều người cảm thấy hoang mang vì không biết nên học bắt đầu từ đâu và như thế nào? Nếu bạn đang trong tình trạng như vậy thì bài viết chia sẻ kinh nghiệm luyện thi TOEFL iBT sau đây rất hữu ích.
* Bạn muốn học TOEFL nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trung tâm luyện thi TOEFL tốt nhất TP.HCM!
Lên thời gian biểu và tạo động lực cho mình
Cũng như những kỳ thi khác, để đặt ra điểm đến chính xác, khả thi thì đầu tiên hãy xác định mình đang ở đâu. Vì thế, bạn hãy làm bài test để kiểm tra năng lực mình như thế nào. Thông thường, có 3 cách để test thử TOEFL iBT: tham gia thi thử tại các trung tâm, tự tìm bài test trên mạng và làm các bài test chính thức của những năm trước.
Tiếp theo, chúng ta sẽ dựa vào điểm đó để đưa ra một mục tiêu cụ thể. Và khi đó, bạn phải trả lời được câu hỏi: mức điểm mình cần đạt là bao nhiêu? Khi nào có thể đi thi được?
Đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và cố gắng chinh phục chúng (Nguồn: dohrmannconsulting)
Để tốt nhất, bạn hãy cụ thể lịch học theo từng tháng, từng tuần cho dễ kiểm soát và tránh tình trạng học lệch. Ví dụ như bạn còn 4 tháng để ôn thi. Trong thời gian này, cần chia nhỏ ra thành 2 giai đoạn lớn:
- Giai đoạn 1: Học kỹ năng từng phần (2 tháng)
- Giai đoạn 2: Luyện đề + review kĩ năng (2 tháng)
Hơn nữa, để có thể tiến gần hơn với mục tiêu đặt ra, bạn phải biết cách tạo động lực cho chính mình hoặc người ta vẫn hay nói vui là "mình không ngại việc học vất vả đâu, mình chỉ cần một lý do thôi".
Nếu vậy, tại sao bạn không thử bằng cách đi đăng ký thi từ trước? Vì khi đặt ra deadline từ đầu sẽ giúp bản thân bạn không bị xao nhãng và chần chừ. Khi đó, tâm lý nếu không chịu học hành, thi cử cho tử tế thì sẽ mất vài triệu khiến bạn quyết tâm cao và làm theo đúng kế hoạch hơn.
Tuy nhiên, bạn phải phân chia thời gian học tập đan xen với sinh hoạt vui chơi cho hợp lý, khoa học. Tránh tình trạng học suốt 4 – 5 giờ liên tục, khiến cơ thể mệt mỏi, không thể tiếp thu tốt được.
Những nguồn tài liệu để tham khảo và ôn tập
Theo kinh nghiệm luyện thi TOEFL iBT của người đi trước chia sẻ, bạn không nên chú trọng vào việc dàn trải quá nhiều sách vì như thế sẽ mất thời gian và tạo cảm giác mệt mỏi. Thay vào đó, bạn nên sử dụng 1 cuốn sách chính, xung quanh là các tài liệu tham khảo bổ trợ, cộng với làm đề và đánh giá lại.
Ví dụ như: Delta’s Key là cuốn chính bạn sử dụng. Các tài liệu như Notefull, Barron… là tài liệu bổ trợ thêm.
Một vài tài liệu hay sẽ là công cụ hỗ trợ rất tốt cho bạn trong quá trình luyện thi TOEFL iBT (Nguồn: fujixerox)
Ngoài ra, quyển sách không thể bỏ qua trong quá trình luyện thi là cuốn Barron, các cấp độ của chúng ngang ngửa hoặc khó hơn so với đề thi thật. Phần các kĩ năng của Barron, tác giả viết khá chi tiết và áp dụng hiệu quả. Bạn có thể tham khảo và xem nó có phù hợp với mình hay không nhé!
Một vài phần mềm hỗ trợ việc học
Nếu từ vựng còn hạn chế, khuyến khích bạn nên tải phần mềm Memrise về điện thoại hoặc có thể dùng trên web. Memrise được dùng để học từ vựng theo dạng flashcard, có cả ảnh minh họa và phát âm, giúp bạn ghi nhớ nhanh và lâu hơn. Trên phần mềm có sẵn 1 bộ flashcard list 400 từ, bạn chỉ cần tìm nó và tải về học một cách dễ dàng.
Còn nếu kỹ năng nói bạn chưa tốt thì sao? Lời khuyên dành cho bạn là sử dụng Voice recorder trên máy tính, rất tiện lợi và gọn nhẹ, dùng chúng để ghi âm lại bài nói của mình. Sau đó, bạn hãy bật lên nghe lại, kiểm tra và sửa các lỗi phát âm, ngữ điệu cho đúng.
Kinh nghiệm học cho từng kỹ năng
-
Đọc:
Ở phần này, mỗi người sẽ có một cách khác nhau để làm bài, có thể đọc câu hỏi trước hoặc đọc hết bài rồi mới trả lời câu hỏi. Nhưng tốt nhất là bạn nên dành 1 – 2 phút ban đầu để tóm tắt nhanh cấu trúc và nội dung chính của từng đoạn. Với cách này, chúng ta sẽ nhàn hơn khi trả lời các câu sau và cũng dễ dàng khi làm câu summary.
-
Nghe:
Kỹ năng chủ yếu được sử dụng trong phần nghe là take note. Bài thi có được điểm cao hay không phụ thuộc vào cách bạn sắp xếp các ý và chi tiết trong bài ra sao.
Nếu vẫn còn thấy khá mơ hồ ở phần này, bạn nên tham khảo thêm các video trên website Notefull (trang web hướng dẫn cách học, tài liệu học, tổng quan bài thi, luyện từng kỹ năng, tới kỹ năng làm chủ phòng thi, giảm stress, kết hợp với video vô cùng dễ hiểu).
Tìm một người bạn luyện nghe, luyện nói cùng mình sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn (Nguồn: betterhearingcenters)
Sự luyện nghe đều đặn trong Listening cũng là một yếu tố cực kì quan trọng. Hãy đảm bảo mỗi ngày bạn có ít nhất 30 phút để nghe (nghe để làm bài hay chỉ nghe để quen tai).
Những ai còn yếu kỹ năng này có thể luyện tập thêm bằng cách viết chính tả 15 phút/ ngày, đây là một phương pháp được nhiều người áp dụng thành công. Các trang web hỗ trợ bạn viết chính tả: TED, Listen A Minute, Trainyouraccent...
-
Nói:
Bước đầu để cải thiện điểm Speaking là phải luyện nói rất nhiều, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Người học cũng cần xác định chính xác vấn đề đang cản trở mình là gì và nỗ lực sửa chúng. Một số khó khăn mà nhiều bạn thường gặp: cách phát âm, âm điệu, ngữ pháp, việc chuẩn bị trước dàn ý và sự lưu loát.
Ngoài ra, bạn có thể ghi âm lại những câu trả lời của mình và sau đó nghe lại, nhận xét chúng. Nếu có thể, hãy tìm người có chuyên môn, trình độ đánh giá bài nói giúp mình, như vậy sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn.
-
Viết:
Lưu ý trong phần viết, thời gian sẽ gây áp lực cho bạn ít hoặc nhiều, chúng ảnh hưởng đến độ dài của bài, cách dùng từ… của bạn. Vì vậy, chúng ta nên căn chỉnh thời gian cho hợp lý, tránh áp lực cho phần thi này nhé.
Trên thực tế, phần viết quy định ít nhất 300 từ. Nhưng nếu bạn muốn đạt điểm cao trong phần này hãy viết khoảng 500 từ khi đi thi, cố gắng đưa các từ academic vào bài, nhưng đừng nhiều quá, sẽ bị trừ điểm.
Trên đây chỉ là một vài kinh nghiệm luyện thi TOEFL iBT mà Edu2Review chia sẻ, mong rằng có thể giúp bạn ít nhiều trong việc học. Tuy nhiên, để chinh phục được số điểm mơ ước không chỉ dựa vào phương pháp hay kinh nghiệm của người khác, mà phần lớn phụ thuộc vào sự cố gắng, quyết tâm của chính bạn.
Cẩm Thu (Tổng hợp)