Bắt đầu từ ngày 29/8, thí sinh chính thức bước vào đợt thay đổi xét tuyển nguyện vọng 2021. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 2 ngày thay đổi nguyện vọng “nháp” vào 24 - 25/8 để thí sinh làm quen với giao diện và thao tác trước khi điều chỉnh chính thức. Để quá trình thay đổi xét tuyển nguyện vọng 2021 diễn ra thuận lợi, thí sinh nên “bỏ túi” các lưu ý quan trọng sau.
Bảng xếp hạng
trường đại học tại việt nam
Các cột mốc thời gian quan trọng
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian thay đổi xét tuyển nguyện vọng 2021 kéo dài 1 tuần, bắt đầu từ ngày 29/8 đến hết 17h ngày 5/9. Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng nhập vào hệ thống để thay đổi thông tin vì chỉ có thể điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, mọi chỉnh sửa sau đó sẽ không được hệ thống chấp nhận.
Trong trường hợp số lượng nguyện vọng sau khi chỉnh sửa lớn hơn số nguyện vọng ban đầu hoặc sửa sai, bổ sung các nội dung liên quan đến đối tượng, khu vực ưu tiên, thí sinh cần phải điền đầy đủ và chính xác thông tin vào mẫu phiếu khai và nộp tại địa điểm thu nhận hồ sơ (trường THPT của thí sinh) cùng với lệ phí tương đương với số nguyện vọng chênh lệch so với ban đầu. Ở những địa phương đang trong tình trạng giãn cách xã hội theo chỉ định của chính phủ, thí sinh cần liên hệ với điểm thu nhận hồ sơ để được hướng dẫn cụ thể.
Từ ngày 12/9 đến 17h ngày 15/9, các cơ sở đào tạo sẽ tiến hành thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo quy chế tuyển sinh và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17h ngày 16/9. Đối với những thí sinh phúc khảo bài thi/môn thi, các em sẽ được điều chỉnh nguyện vọng sau khi nhận được kết quả phúc khảo cuối cùng.
Chậm nhất là vào 17h ngày 26/9, thí sinh phải hoàn thành thủ tục và xác nhận nhập học (tính theo dấu bưu điện).
Thí sinh được 3 lần thay đổi nguyện vọng đến trước 17h ngày 5/9 (Nguồn: thanhnien)
Tài khoản và mật khẩu đăng nhập
Khi đăng ký dự thi, thí sinh được cấp một tài khoản và mật khẩu tương ứng, thí sinh sử dụng thông tin này và đăng nhập vào hệ thống thisinh.thithptquocgia.edu.vn để tiến hành 5 bước thay đổi xét tuyển nguyện vọng 2021. Trong trường hợp quên mật khẩu, thí sinh cần nhanh chóng với địa điểm đăng ký thi để xin cấp lại.
Một trong những điều thí sinh cần đặc biệt lưu ý khi thay đổi xét tuyển nguyện vọng 2021 chính là bước cuối cùng. Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ giáo dục Đại học nhấn mạnh: “Năm 2018, một số thí sinh sau khi nhập thông tin thay đổi lên hệ thống coi như là xong không nhấn nút lưu, sau khi hết hạn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển kiểm tra lại mới phát hiện thông tin vẫn như cũ, lúc đó hệ thống đã khóa. Do đó thí sinh sau khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng phải nhấn lưu thông tin và phải kiểm tra ngay trước khi xác nhận đăng ký”.
Để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc như trên, sau khi đã hoàn thành chỉnh sửa và lưu thông tin, thí sinh cần phải thoát ra khỏi hệ thống và đăng nhập lại để chắc chắn rằng những thay đổi mình thực hiện đã được lưu lại.
Hướng dẫn chi tiết cách thay đổi nguyện vọng (Nguồn: YouTube – Tuyensinh247.com)
Chiến thuật thay đổi nguyện vọng thông minh
Thay đổi nguyện vọng không chỉ là chiếc “phao cứu sinh” cho thí sinh có điểm thi không như mong muốn mà còn là chiếc “chìa khóa vàng” giúp thí sinh điểm cao có cơ hội đặt chân vào trường top. Tuy nhiên, dù ở trường hợp nào, việc thay đổi xét tuyển nguyện vọng 2021 cần phải được cân nhắc thật kỹ để tránh các trường hợp điểm cao nhưng vẫn trượt đại học, lựa chọn sai ngành, sai trường…
Theo Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp Hà Nội, khi sắp xếp trật tự nguyện vọng, thí sinh nên ưu tiên chọn ngành trước, chọn trường sau. Một khi đã xác định được ngành học phù hợp với sở trường cũng như sở thích của mình, thí sinh sẽ có động lực học tập, đạt kết quả tốt và từ đó mới có nhiều cơ hội việc làm khi tốt nghiệp.
Mặt khác, khi chọn trường, thí sinh nên cân nhắc về chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp, học phí, địa điểm, cơ sở vật chất và đặc biệt là có đào tạo ngành mình yêu thích hay không. Để “một mũi tên trúng hai đích” cả ngành yêu thích và trường phù hợp, Tiến sĩ Kiều Xuân Thực khuyên thí sinh nên chia tổng số nguyện vọng thành từng nhóm nhỏ theo chiến thuật “mạnh dạn – phù hợp – chắc chắn”:
"Với ngành học đã xác định, danh sách nguyện vọng nên sắp xếp theo thứ tự trường thường lấy điểm chuẩn cao, ngang bằng và thấp hơn mức mình có, mỗi nhóm 1 - 2 trường".
Thí sinh nên ưu tiên chọn ngành trước, chọn trường sau (Nguồn: sctv)
Đồng quan điểm, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Thủy Lợi, Tiến sĩ Trần Khắc Thạc cho rằng thí sinh chỉ nên đăng ký tối đa 6 nguyện vọng, chia thành 3 nhóm với điểm chuẩn năm ngoái cao hơn, bằng, thấp hơn điểm thi của các em năm nay. Mức điểm chênh lệch giữa 2 năm không nên quá 2 điểm để tăng cơ hội trúng tuyển.
Bên cạnh đó, ông Thạc cũng lưu ý thí sinh tránh tuyệt đối sử dụng hết 3 lần đổi nguyện vọng vào 1 - 2 ngày đầu tiên. Thay vào đó, các em chỉ nên đổi 1 lần và trong các trường hợp thật sự cần thiết, thay đổi thêm 1 lần nữa vào những ngày cuối cùng.
Quá trình tính toán, thay đổi xét tuyển nguyện vọng 2021 không nên chỉ dựa vào điểm chuẩn – điểm sàn của các năm trước mà còn phải căn cứ ở phổ điểm của từng khối thi. Đó là chia sẻ của Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh, hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, đã có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Mở Hà Nội. Ví dụ, phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay cao hơn năm trước tương đối nhiều, dẫn đến các ngành xét tuyển tổ hợp có môn tiếng Anh sẽ tăng. Như Đại học Mở Hà Nội, điểm chuẩn cho các ngành ngày sẽ tăng từ 0.5 - 1 điểm.
Kết hợp các yếu tố điểm sàn, điểm chuẩn và phổ điểm làm căn cứ để "căn" nguyện vọng cho thật chuẩn (Nguồn: vnexpress)
Thay đổi xét tuyển nguyện vọng 2021 là chặng đường cuối cùng trong "cuộc đua" tuyển sinh năm nay. Không cần phải dồn hết tốc lực như khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, giai đoạn này đòi hỏi thí sinh phải bình tĩnh và tính toán kỹ sự lựa chọn của mình để “chạm đích” thật rực rỡ. Edu2Review chúc các bạn may mắn!
Hoàng Quyên (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: SCTV