Dân gian có câu "Học, học nữa, học mãi" quả là không sai. Việc học chưa bao giờ là giới hạn thời gian và tuổi tác. Và những cụ ông cụ bà này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói này.
1. “Cụ” sinh viên Hoàng Ân
Cụ Hoàng Ân sinh năm 1933, sống tại thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang. Dù không thể chống lại được quy luật của tạo hóa nhưng ở cụ, ngoài đôi mắt không còn được tinh anh, người đối diện dễ dàng bị cuốn hút bởi phong thái nhanh nhẹn, cởi mở và rất sinh viên. Cụ nguyên là kế toán trưởng Công ty Ngoại thương Hà Bắc những năm 70, 80 thế kỷ trước. Nay đã 80 tuổi và đang là sinh viên cao tuổi nhất của khoa Luật kinh tế, Đại học Mở Hà Nội.
Cụ Ân cho biết, trước đây cụ làm kế toán, năm 1965 được cử đi học đại học ở Trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương, nay là Đại học Kinh tế tài chính. Hồi ấy còn chiến tranh nên trường phải tản cư lên Lãng Công, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Mất 1 năm học dự bị, 5 năm học tập trung, năm 1970 cụ tốt nghiệp đại học. Cho đến năm 1980 thi cụ Ân được nghỉ hưu theo chế độ.
Thẻ sinh viên của cụ Hoàng Ân
Ngay sau khi nghỉ hưu, không như những người già khác thường lấy thú vui điền viên nghỉ ngơi làm trọng đế giữ gìn sức khỏe, cụ Hoàng Ân lao vào nghiên cứu và viết sử địa phương. Niềm đam mê từ thời trẻ của cụ đã được dành rất nhiều thời gian. Càng nghiên cứu cụ càng hăng. Càng phát hiện ra nhiều điều thú vị của lịch sử quê hương cụ càng mê mải, càng thấy như khỏe ra. Thế rồi cụ đi khắp chốn tìm tòi tư liệu, đứng ra tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ, có những cuộc tầm “làng xã” nhưng cũng có những cuộc quy mô “Trung ương”. Điển hình hội thảo về nguồn gốc, lai lịch và công trạng của 5 vị tướng họ Vương ở đền Cao (Chí Linh, Hải Dương).
Cũng vì niềm đam mê với lịch sử quê hương mà cuộc sống của cụ Ân rẽ sang ngả khác. Vì đóng vai trò người chủ các cuộc hội thảo nên cụ phải viết rất nhiều tham luận và báo cáo. Thấy những bản tham luận của mình rất lộn xộn, lủng củng và dài dòng nên cụ đã quyết định phải đi học để có được những phương pháp luận khoa học. Thế là cụ lại đi học! Lần này, cụ chọn một ngành mới toanh: Luật Kinh tế.
Cụ Hoàng Ân vẫn miệt mài học tập dù tuổi đã cao
Cụ Hoàng Ân chia sẻ rằng Viện Đại học Mở và Bộ Giáo dục & Đào tạo từng nhiều lần mời cụ lên Hà Nội tham dự lễ khai giảng ở một số trường để nêu gương. Cụ cũng được Ban giám hiệu Viện Đại học Mở tặng toàn bộ giáo trình liên quan đến ngành học trong suốt 5 năm và được giảm 50% học phí, được lớp miễn toàn bộ quỹ lớp.
Cụ Ân cho rằng nhờ việc học đại học đã giúp cho mình luôn cảm thấy khỏe mạnh và linh hoạt. Cho đên nay, dù đã ở ngưỡng "U90" song mỗi lần đọc sách báo hoặc nhìn lên bảng cụ Ân vẫn không hề đeo kính. Thậm chí, nhiều đêm cụ còn thức trắng để hoàn thành các bài nghiên cứu về lịch sử địa phương.
2. Cụ Nguyễn Văn Thành
Ở thành phố Bắc Giang không phải có một mình cụ Ân là sinh viên đặc biệt, còn một sinh viên cao tuổi nữa cũng đang theo học đó là ông Nguyễn Văn Thành 74 tuổi, học cùng lớp cụ Ân.
Khi hai cụ nhập học, Bộ Giáo dục và đào tạo, Viện đại học Mở Hà Nội có về thăm, động viên, đồng thời tặng cụ Ân và cụ Thành toàn bộ sách, giáo trình cho 5 năm học để động viên hai cụ tuổi cao mà vẫn ham học tập. Lớp học của cụ Ân chỉ học tập trung vào thứ bảy và Chủ nhật, do các giáo sư, giảng viên từ Hà Nội về giảng dạy.
Cụ Nguyễn Văn Thành (trái) đang trao đổi bài với cụ Hoàng Ân
Cụ Thành bảo, mình nung nấu ý định học thêm từ rất lâu nhưng khi gặp cụ Ân thì mới đưa ra quyết định cuối cùng. Mục đích việc đi học của cụ Thành là muốn nắm chắc hệ thống văn bản pháp luật để có thể tư vấn cho người dân quê mình những công việc thường nhật một cách đúng luật.
3. Ông Ngô Thế Hưng
Bạn học trẻ của cụ Ân là ông Ngô Thế Hưng (55 tuổi), vốn là cán bộ quân đội nghỉ hưu. Ông Hưng từng có 12 năm hoạt động trong lĩnh vực điều tra hình sự của quân đội. Việc theo học ngành Luật Kinh tế, ngoài mục đích nắm vững hệ thống kinh tế thì ông còn muốn có đủ kiến thức để mở một văn phòng luật sư riêng. Tuy nhiên, khác với cụ Ân, ngày ông Hưng bày tỏ ý định đi học của mình, vợ con và một số người thân của ông tỏ vẻ không đồng tình.
Hằng ngày ông Hưng (phía trước) vẫn qua chở cụ Ân đi học
Từ những ngày đầu đi học cho đến nay, cả 3 cụ đều gắn bó với nhau như những “người bạn” mặc dù khoảng cách tuổi tác giữa họ khá lớn. Thường thì các buổi học của họ diễn ra vào thứ Bảy, chủ nhật hàng tuần. Cứ đến giờ đi học, cụ Thành hoặc ông Hưng sẽ đi xe từ nhà mình qua nhà cụ Ân cách đó 7km để đón cụ đi học. Trong suốt 4 năm ròng rã, bất kể trời mưa hay nắng, họ luôn đồng hành với nhau trên từng chặng đường.
Trong quá trình học họ còn chia sẻ với nhau từng cuốn giáo trình, từng kinh nghiệm quý và mang cơm đi ăn cùng nhau mỗi buổi trưa ở trường. Đặc biệt, cứ đến mùa thi, cả 3 “cụ sinh viên” lại tập trung ở nhà cụ Ân để học nhóm và ngủ chung cùng nhau trên một cái giường theo đúng nghĩa sinh viên!
Ông Ngô Thế Hưng (trái) là người trẻ nhất trong 3 sinh viên lớn tuổi tại Bắc Giang
Càng lớn tuổi bộ não con người càng lão hóa, thế nên việc học là một điều gì đó rất khó khăn, nhưng 3 sinh viên lớn tuổi của chúng ta vẫn không ngừng học hỏi. Họ là những tấm gương về sự hiếu học cho các thế hệ sinh viên Việt Nam noi theo.
* Mỗi một lựa chọn sai lầm, lấy đi nhiều thứ của bạn. Vào Edu2Review mỗi ngày và cập nhật thông tin về các tổ chức giáo dục để có quyết định đúng.
Tiết Phương tổng hợp
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam