Nếu trong những trường hợp khẩn cấp mà bạn không biết hoặc biết nhưng không tường tận những kỹ năng ứng cứu, rất có thể những trường hợp không mong muốn sẽ xảy ra. Cùng xem xét và ghi lại những cách sơ cứu dưới đây để phòng trường hợp cần sử dụng nhé!
Ứng phó với sốt cao, co giật ở trẻ
Sốt cao kèm theo co giật là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Để bảo toàn tính mạng cho trẻ các bậc cha mẹ cần phát hiện và sơ cứu kịp thời.
Bước 1: nhanh chóng đặt trẻ nằm trên bề mặt phẳng, nơi có không khí thoáng mát. Cởi bỏ quần áo hoặc nới rộng ra đặc biệt là vùng cổ. Dùng khăn mềm nhúng nước ấm, vắt thật khô, lau người cho trẻ. Đặc biệt là các vùng như bẹn, nách, cổ, trán đến khi trẻ hết co giật.
Bước 2: cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Nếu trẻ không uống được thì hãy chuyển sang đặt thuốc vào hậu môn để hạ sốt nhanh cho trẻ.
Nhanh chóng sơ cứu cho trẻ khi bị sốt cao
Bước 3: lật trẻ nằm nghiêng sau khi ngừng co giật, kê đầu hơi ngửa để tránh bị dịch nôn (nếu có) tràn vào phổi.
Bước 4: nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để tránh co giật tái phát.
Sơ cứu người bị động kinh
Người bị động kinh, co giật có nguy cơ cắn phải lưỡi rất cao. Nhưng chúng ta không nên cố gắng cạy miệng nạn nhân ra để nhét vật gì vào miệng để nạn nhân không cắn vào lưỡi cả. Việc đầu tiên cần làm là nhẹ nhàng kê đầu nạn nhân lên để đảm bảo đầu nạn nhân không bị va đập do co giật.
Đảm bảo cho người bị nạn không bị đập đầu
Tiếp theo là xoay lưng người đang bị co giật để họ nằm nghiêng một bên nhằm giúp họ dễ thở hơn. Khi cơn co giật qua đi cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các trung tâm y tế để tránh cơn co giật tái phát.
Ứng phó với bỏng nhẹ
Không được sử dụng nước mắm, kem đánh răng hay mỡ để sơ cứu vết bỏng
Nếu bị bỏng nhẹ, không nên bôi kem đánh răng, nước mắm hay mỡ bôi vào vết bỏng. Việc cần làm là ngay lập tức ngâm vết bỏng vào nước mát khoảng 10 đến 15 phút để vết bỏng bớt nóng, tránh bị phồng rộp.
Sơ cứu người bị tai nạn giao thông
Không được tự ý di chuyển người bị nạn
Không nên tự ý di chuyển người bị thương nếu không bị vật gì đè nặng lên. Chúng ta cần bình tĩnh và xử lý qua các vết thương chảy máu xung quanh. Nhanh chóng gọi xe cứu thương. Vội vàng di chuyển người bị thương có thể gây ra tình trạng xấu hơn cho các vết thương.
Sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
Bạn nên gọi ngay xe cứu thương và bắt đầu sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương tới.
Bước 1: Vỗ lưng
Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp so với ngực, cánh tay thả lỏng tựa vào cảng chân bạn. Đỡ đầu bé bằng lòng bàn tay của bạn. Nếu bé quá nặng có thể đặt bé lên đùi bạn.
Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ (Vùng giứa 2 xương bả vai của trẻ)
Kiểm tra xem có dị vật nào không và lấy ra nếu không có thì chuyển sang động tác ấn ngực
Thực hiện các bước vỗ lưng và ấn ngực khi trẻ bị hóc dị vật
Bước 2: Ấn ngực
Đặt bé nằm trên đùi bạn với đầu thấp hơn thân. Đặt ba ngón tay ở giữa ngực trẻ ( xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ở giữa ngực.
Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa lên và chỉ sử dụng những ngón tay còn lại để ấn thật chắc khoảng 5 lần. Kiểm tra xem có dị vật nào bị đẩy ra không.
Nếu chưa tiếp tục thực hiện vỗ lưng và ấn ngực trong lúc đợi xe cứu thương tới.
Ứng cứu người bị bất tỉnh, ngất
Không nên để người bị bất tỉnh, ngất nằm thẳng vì lưỡi của họ có thể sẽ bị co rút và chặn đường thở. Tuyệt đối không nên kéo lưỡi bệnh nhân ra khỏi miệng.
Đặt nạn nhân nằm một chỗ, nghiêng đầu và nghiêng cằm bệnh nhân.
Kiểm tra đường hô hấp xem nạn nhân có còn thở không. Chuẩn bị hô hấp nhân tạo cho nạn nhân khi cần thiết.
Không nên kéo lưỡi người bị ngất
Nếu nạn nhân vẫn thở, kiểm tra những tình trạng đe dọa nạn nhân.
Nếu nạn nhân có hiện tượng ngưng thở, bạn hãy ép tim ngoài lồng ngực. Xác định 1/3 dưới xương ức, đặt hai tay lên vị trí vừa xác định. Ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/ phút, ép sâu khoảng 3 – 5 cm.
Ứng cứu người bị tê cóng
Không nên chà xát tay
Bỏng lạnh thường xảy ra vào mùa đông, chủ yếu do thời tiết. Nếu bạn bị bỏng lạnh hãy ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước nóng hoặc ấm. Lưu ý tăng từ từ nhiệt độ nước lên. Không nên lấy tay chà xát vùng bị bỏng lạnh vì lúc này da rất dễ bị tổn thương.
Ứng cứu người bị điện giật
Đây là một trong những tình huống nguy hiểm nhất bởi vì ta không rõ trong cơ thể người bị điện giật có còn tiếp xúc với nguồn điện hay không. Nếu không cẩn trọng rất có thể chính bản thân người cứu sẽ rơi vào nguy hiểm.
Cẩn thận trong khi giúp nạn nhân để tránh gây tổn thương cho chính mình
Nếu thấy có dây điện quấn quanh người bị điện giật, hãy lấy cây sào bằng tre, nứa khô, hoặc vật không dẫn điện để gạt dây điện ra xa ở khoảng cách 2 đến 3 mét nếu có thể. Cố gắng tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện rồi mới tiến hành sơ cứu tại chỗ bằng phương pháp hô hấp nhân tạo và ấn lồng ngực rồi gọi xe cấp cứu.
* Hãy truy cập Edu2Review mỗi ngày để đón đọc những kỷ lục hấp dẫn.
Lý Trâm tổng hợp
Edu2Review – Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam