Bài nghe TOEIC không khó về nội dung, tuy nhiên có 3 yếu tố chính làm bài nghe khá là khó khăn:
- Dài, liên tục 45 phút.
- Nhiều yêu cầu khác nhau.
- Giọng đọc đa dạng (Anh, Mỹ, Úc).
Hiểu được những yếu tố đó, bạn sẽ dễ dàng có chiến lược chuẩn xác cho bài nghe TOEIC. Cùng Edu2Review tìm hiểu chiến lược đó ngay nào!
1. Tập quen dần với việc nghe cường độ cao
Đối với những bạn chưa quen, việc nghe tiếng Anh liên tục trên 15 phút sẽ làm bạn cảm thấy: đau đầu, đau tai, mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ, lo lắng và thậm chí là trầm cảm. Những nguyên nhân chính khiến bạn cảm thấy như vậy là:
- Ít nghe tiếng Anh thường xuyên.
- Chủ yếu bạn nghe những nội dung ngắn.
- Cố gắng dịch từng câu chữ sang tiếng Việt.
Nghe liên tục, nghe bất chấp (nguồn: businessinsider)
Chính vì vậy mà bạn không đủ dẻo dai để chiến đấu liên tục suốt 45 phút với bài nghe TOEIC. Vậy phải làm sao? Bí quyết đơn giản lắm, làm ngược lại với những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu. Cụ thể:
- Nghe nhiều lên! Nghe hằng ngày, mọi lúc mọi nơi.
- Nghe nội dung dài lên. Nghe những đoạn hội thoại, bài phát biểu, chương trình thời sự tiếng Anh dài ít nhất 30 phút.
- Tập tư duy bằng tiếng Anh.
- Cách khác là nghe thụ động: bật BBC radio, nghe khoảng 2 tiếng/ngày, không cần hiểu, vừa nghe vừa làm việc khác. Nghe đến mức không bị nhức đầu, phân biệt được các từ, quen với các âm, và vẫn tập trung làm được việc khác là đạt!
Nghe nhiều, nghe dài, nghe hoài là bí quyết để bạn có thể tự trang bị cho bản thân khả năng chiến đấu với bài nghe dài, liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi. Yếu tố tiếp là tập trung!
2. Phớt lờ những quấy rầy khi tập trung
Mỗi nội dung trong bài nghe TOEIC kéo dài từ 30 giây đến tầm 2 phút. Một người lớn khoẻ mạnh bình thường thì thời gian tập trung trung bình là 5 phút. Của cá vàng là 9 giây. Của những đối tượng tăng động giảm chú ý thì cũng khó nói. Nếu bạn không phải 2 đối tượng này thì không cần phải lo gì về khả năng tập trung của mình cả đâu nhé.
Phần cứng bên trong cho sự tập trung bạn biết là bạn có thừa. Vậy chỉ còn yếu tố bên ngoài thôi. Những yếu tố bên ngoài gây xao nhãng khi nghe thường gặp là:
- Băng nghe không rõ.
- Tiếng động bên ngoài.
- Nhiều người đi qua đi lại.
- Còn 1 lý do nữa: Buồn ngủ.
Luyện nghe ở nơi ồn ào nhất, tại sao không? (nguồn: bizweb)
Để loại bỏ triệt để những yếu tố này thì bạn phải sống chung với lũ, quen dần với nó, kệ nó. Hãy luyện nghe tiếng Anh trong điều kiện khắc nghiệt. Một trong những nơi ồn ào nhất bạn có thể nghe tiếng Anh là:
- Ghế đá công viên.
- Hành lang thư viện.
- Gần cửa ra vào của các cửa hàng tiện lợi 24/7.
Nếu bạn quen với những môi trường này, thì điều kiện lý tưởng trong phòng thi là quá tuyệt vời. Nếu trong phòng thi có xảy ra những sự kiện ngoài ý muốn thì bạn vẫn tập trung được như thường.
Thi TOEIC chỉ có 3 ca, ca sáng từ 7h và ca chiều từ 13h hoặc từ 16h30. Giờ nào thì vô nghe cũng buồn ngủ vật, vì vậy, phải kiểm soát được chuyện buồn ngủ trong lúc nghe thì mới tập trung và có điểm cao được. Để kiểm soát cơn buồn ngủ điên cuồng trong lúc nghe thì một lần nữa, phải quen với nó. Ba thời điểm buồn ngủ nhất mà bạn có thể chọn để nghe lúc luyện nghe TOEIC là:
- 13:30 trưa, khi vừa “căng da bụng”.
- 21:30 tối, mắt díp lên díp xuống.
- 6:30 sáng, ngủ dậy còn mơ màng.
3. Nắm rõ cấu trúc và hiểu đề thi trong lòng bàn tay
Nắm rõ cấu trúc đề thi (nguồn: thpt-lequydon-quangtri)
Bài nghe TOEIC có 4 phần với 100 câu hỏi. Riêng phần thi Listening được dùng để đánh giá kỹ năng nghe. Bạn sẽ được nghe các câu miêu tả, câu hỏi, hội thoại và đoạn thông tin bằng tiếng Anh được đọc trực tiếp trên đài cassette hoặc loa và chỉ có 45 phút để vừa nghe vừa trả lời 100 câu bằng cách khoanh vào các đáp án A - B - C - D.
Phần A |
Nội dung thi |
Số câu |
Chi tiết |
Phần 1 |
Hình ảnh |
10 |
Tương ứng với mỗi bức ảnh, bạn sẽ được nghe 04 câu mô tả về nó. Nhiệm vụ của bạn là phải chọn câu mô tả đúng nhất cho bức ảnh. |
Phần 2 |
Hỏi đáp |
30 |
Bạn sẽ nghe một câu hỏi (hoặc câu nói) và 03 lựa chọn trả lời. Nhiệm vụ của bạn là phải chọn ra câu trả lời đúng nhất trong ba đáp án A - B - C. |
Phần 3 |
Hội thoại ngắn |
30 |
Bạn sẽ nghe 10 đoạn hội thoại ngắn. Mỗi đoạn có 03 câu hỏi. Nhiệm vụ của bạn là chọn ra câu trả lời đúng nhất trong 04 đáp án của đề thi. |
Phần 4 |
Đoạn thông tin ngắn |
30 |
Bạn sẽ nghe 10 đoạn thông tin ngắn. Mỗi đoạn có 03 câu hỏi. Nhiệm vụ của bạn là chọn ra câu trả lời đúng nhất trong số 04 đáp án được cung cấp. |
Vậy, đâu là điểm khác biệt giữa các phần? Cách luyện nghe cho từng phần? Cần tập trung nghe gì cho mỗi phần? Kỹ thuật làm bài tốt nhất cho các phần? Cách kiếm điểm dễ dàng nhất? Những bẫy thường gặp trong phần nghe? Lời giải giải đáp cho bạn ngay đây:
* Phần 1 - hình ảnh
Phần này là phần ăn điểm, có thể gọi là dễ nhất trong các phần thi TOEIC. Trong phần 1 này để đạt được điểm cao TOEIC, bạn cần thực hiện những bước sau khi làm đề và làm bài:
- Quan sát hình để chuẩn bị tâm lý về những từ vựng có thể xuất hiện.
- Trả lời 2 câu hỏi: What is(are) he(she, they) doing? Where is(are) he(she, they) doing that?
- LUÔN CÓ 1 PHỎNG ĐOÁN TRONG ĐẦU BẰNG TIẾNG ANH. Khi đã có phỏng đoán trong đầu, bạn sẽ dễ đàng đối chiếu với câu được đọc trong đoạn băng.
- Sử dụng kỹ thuật đầu bút chì để làm bài.
+ Kỹ thuật đầu bút chì:
- Đặt đầu bút chì lên câu A trong tờ đáp án.
- Nghe câu A: Nếu câu A có vẻ đúng thì vẫn giữ đầu bút chì ở câu A.
- Nghe câu B: Nếu câu B đúng hơn thì duy chuyển bút chì sang câu B, nếu không thì vẫn giữ đầu bút chì ở câu A.
- Làm tương tự như vậy với câu B và C.
- Chọn đáp án hợp lý nhất trong A, B, C.
Kỹ thuật đầu bút chì là kỹ thuật không thể bỏ qua (nguồn: media)
+ Kỹ thuật này loại bỏ các nguyên nhân gây mất điểm lãng xẹt khi nghe phần 1 & 2:
- Không đánh giá được câu nào hợp lý nhất sau khi băng đọc xong.
- Biết câu trả lời đúng mà không nhớ nó nằm vị trí nào trong A,B, C, D.
- Dính bẫy.
+ Bẫy: bẫy hay còn gọi là những câu trả lời gây nhiễu. Để tránh bẫy cần chú ý:
- Những từ đọc tương tự nhưng khác nghĩa: He is walking – He is working.
- Cấu trúc câu trả lời ở dạng: S + be + Ving + 0 Những câu trả lời gây nhiễu thường đúng 2/3 yếu tố, có thể sai S – chủ từ, hoặc sai V – động từ, hoặc sai 0b. Thường gặp nhất là đúng động từ (V) nhưng sai đối tượng nhận hành động (Ob)
- Những câu trả lời chỉ đúng 1 phần.
- Những từ liên quan nhưng không đúng với bức hình đã cho: Hình – He is climbing the mountain; câu trả lời nhiễu – He is climbing the ladder.
- Chọn đáp án ngay khi băng đọc xong.
- Không nghe được thì chọn đại đừng mất thời gian tiếc nuối.
- Tận dụng thời gian giữa 2 câu để phân tích hình kế tiếp.
Tóm lại: ôn nghe phần 1 hiệu quả không chỉ ngồi nghe đề không. Bạn cần sử dụng 1 số cách như sau:
- Tự diễn tả mọi hành động của mình trong ngày ở dạng hiện tại tiếp diễn.
- Tìm hình ngẫu nhiên trên internet hoặc các đề thi TOEIC. Nhìn hình và dùng ít nhất 4 câu để miêu tả hình đó. Đọc lớn thành tiếng.
- Xem những bộ phim hài tình huống và miêu tả lại những gì đang diễn ra trong 1 cảnh phim.
Xem phim cũng là một cách luyện nghe nhé! (nguồn: engagingmedia)
* Phần 2 - hỏi đáp
Điểm khó cũng như điểm dễ của phần nghe này là các đoạn hỏi đáp diễn ra tự nhiên, đó là những tình huống trong tiếng Anh thực sự. Cho nên câu trả lời không phải lúc nào cũng rập khuôn như bạn học. Sẽ không có chuyện câu hỏi Yes/No mà bạn sẽ nghe câu trả lời kiểu mẫu như là Yes, I do/No, I don’t. Cũng không có chuyện câu trả lời sẽ lập lại một phần câu hỏi và thêm thông tin vào như bạn từng nghĩ đâu.
Chẳng hạn, Where are you going to have dinner? – I’m going to have dinner in ____, đó là tiếng Anh lớp 2, bạn sẽ không nghe những câu trả ngô nghê như vậy trong bài nghe TOEIC phần 2 đâu. Nên để làm tốt phần 2 bạn cần chú ý:
- Luôn phải xác định được loại của câu được nói ra đầu tiên.
- Nếu là câu hỏi thì phải nghe được là who what, when, where, why, hay how. Trong trường hợp không nghe được đáp án rõ ràng, thì cần loại bỏ những đáp án không cung cấp được thông tin cần thiết.
- Loại bỏ ngay những câu trả lời có yes/no với câu hỏi W/H.
- Nếu là câu hỏi Yes/No hoặc câu hỏi đuôi (tag question) thì cần chú ý câu trả lời không đơn giản chỉ là Yes hoặc No.
- Trong trường hợp không phải câu hỏi, thì có các câu sau đây: câu ra lệnh, câu phàn nàn, câu hỏi thăm sức khoẻ, câu miêu tả tình huống.
- Ngay khi nghe xong câu đầu phải đoán trước được câu trả lời trong đầu.
- Những câu trả lời chính xác thường cực kì ngắn hoặc cung cấp nhiều thông tin hơn so với yêu cầu.
- Tiếp tục sử dụng kỹ thuật đầu bút chì.
- Không nghe được thì chọn đại, đừng phí thời gian nghĩ lại câu đó. Chuẩn bị tinh thần cho câu tiếp theo
- Bẫy: những câu trả lời gây nhiễu trong phần này thường có 2 dạng sau:
+ Có những từ giống với những từ trong câu hỏi nhưng thật ra không liên quan.
+ Những từ đọc tương tự, dễ gây nhầm lẫn với câu hỏi.
Muốn hỏi đáp tốt phải biết rõ cách đối đáp (nguồn: 4.bp)
Tóm lại: ôn phần 2 hiệu quả phải biết rõ cách đối đáp, những cách trả lời có thể cho câu hỏi. Để luyện tập kỹ năng này, trong quá trình ôn thi cần:
- Khi nghe câu hỏi, hãy bấm dừng, TỰ MÌNH tạo 3 câu trả lời có thể nhất cho câu hỏi đó, sau đó nghe tiếp tìm câu trả lời đúng. Việc này sẽ tạo cho bạn phản xạ khi nghe câu hỏi sẽ lập tức hình dung ra câu trả lời.
- Sau khi nghe, lật lại transcript để phân tích câu hỏi và câu trả lời. Bạn sẽ rút ra những “mô tuýp” cho câu trả lời đúng và câu trả lời sai để lần nghe tiếp theo, khi nghe câu hỏi là sẽ biết câu trả lời đúng ở dạng nào, câu trả lời sai bẫy ra sao.
- Nghe các đoạn hội thoại thực sự. Lên youtube, tìm kiếm từ khoá Interview with _____. Điều vào chỗ trống nhân vật nói tiếng Anh bạn yêu thích như: Bill Gates, Larry Page, Steve Job, Ronaldo, Warrant Buffet, Taylor Swift...
Phần 3 - đoạn hội thoại ngắn
Khi nghe phần 3, cần phải chú ý:
- Đọc kỹ và hiểu câu hỏi.
- Mối quan hệ giữa người nói và người nghe.
- Họ đang ở đâu? – Nói về chủ đề gì? – Vấn đề của họ là gì?.
- Những cái tên được nhắc tới trong bài là ai?
- Những thông tin cụ thể: nơi chốn cụ thể, thời gian cụ thể, số lượng cụ thể.
- Ghi nhớ rằng thứ tự của câu hỏi theo tiến trình của bài nghe – câu trả lời cho câu đầu thường nằm ở đoạn đầu, câu 2 – 3 thường nằm ở đoạn giữa và cuối.
Làm sao để tập trung nghe đúng chỗ (nguồn: quantrinhansu-online)
Do đó, để tập trung nghe đúng chỗ và khắc phục được phần nào việc không nhớ được nội dung trả lời, bạn cần lưu ý:
- Tận dụng tối đa thời gian trống để chuẩn bị đọc câu hỏi và câu trả lời tiếp theo.
- Câu nào không nghe kịp, chọn đại và bỏ qua. Tập trung cho đoạn hội thoại kế tiếp.
- Bẫy: bẫy của phần này thì không có nhiều, đơn giản là nó đã quá thử thách rồi. Tuy nhiên cũng cần chú ý những thông tin gây nhiễu sau:
+ Câu trả lời sai có sẵn có 1 số từ giống hệt trong đoạn hội thoại.
+ Câu trả lời sai có những từ phủ định làm câu trở nên sai (not, hardly, don’t, won’t shouldn’t).
+ Câu trả lời sai dùng sai những trạng từ chỉ mức độ thường xuyên ( always, never, sometimes, occasionally,...).
Tóm lại: với phần 3, cách ôn tập hiệu quả nhất là nâng cao trình độ tiếng Anh nói chung của bạn lên và tập luyện thật thành thục kỹ năng làm bài, cụ thể là:
- Chăm chỉ luyện nghe các nội dung dài, nhanh, nhiều thông tin. Lý tưởng là các bản tin của CNN hoặc BBC về chủ đề kinh tế, xã hội.
- Nghe các chương trình đối thoại kinh doanh bằng tiếng Anh, các chương trình thực tế về kinh doanh.
- Khai thác tối đa, tận dụng cho hết các bài luyện tập nghe. Sau khi nghe xong, mở transcript ra NGHE LẠI, ĐỌC LẠI, NÓI TO LẠI đoạn hội thoại.
- Gạch dưới từ mới trong câu hỏi, câu trả lời, transcript, ghi chép lại và học mỗi ngày 5 - 10 từ.
Phần 4 – Đoạn thông tin ngắn
Đoạn văn ngắn - phần khó nhất bài nghe (nguồn: movematcher)
Phần này được cho là phần khó nhất trong bài nghe TOEIC, tuy độ khó tương đương phần 3 nhưng do chỉ có 1 giọng đọc và là phần cuối cùng nên khi làm đến phần này các bạn thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Trong phần này cần chú ý:
- Một lần nữa, đọc hiểu câu hỏi và câu trả lời.
- Xác định xem đoạn thông tin thuộc dạng nào: tin tức, quảng cáo, bài nói, hướng dẫn. Đừng lo, thông tin này được cho sẵn khi giới thiệu đoạn thông tin: “Question xx to Question xy refers to the following _____”. Cần chú ý nghe xem đó là gì để chuẩn bị tinh thần và có thể loại trừ 1 số câu trả lời sai.
- Xác định ai là người nói và chú ý kỹ đến các tên được nêu ra trong câu hỏi và câu trả lời trong bài nói.
- Chú ý kỹ các thông tin cụ thể như địa danh, số lượng.
- Ghi nhớ rằng thứ tự của câu hỏi theo tiến trình của bài nghe – câu trả lời cho câu đầu thường nằm ở đoạn đầu, câu 2 – 3 thường nằm ở đoạn giữa và cuối.
Biết vậy, để tập trung nghe đúng chỗ và khắc phục được phần nào việc không nhớ được nội dung trả lời.
- Tận dụng tối đa thời gian trống để chuẩn bị đọc câu hỏi và câu trả lời tiếp theo.
- Câu nào không nghe kịp, chọn đại và bỏ qua. Tập trung cho đoạn hội thoại kế tiếp.
Bẫy và cách ôn luyện phần này hiệu quả tương tự phần 3
4. Rèn luyện khả năng đọc nhanh
Nghe tốt phải đọc giỏi (nguồn: studycram)
Một trong những vấn đề mà người thi TOEIC gặp phải trong phần nghe 3 – 4 (chiếm 60% số câu) là KHÔNG ĐỌC KỊP CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜI, từ đó dẫn đến không chọn lọc được thông tin để giữ lại và trả lời sau khi nghe. Để có thể đạt được điểm cao phần nghe TOEIC, nhất thiết phải làm tốt phần 3 – 4, để làm tốt phần 3 – 4 thì việc nghe tốt chưa đủ, kỹ năng đọc nhanh, nắm bắt yêu cầu của hỏi là 1 yếu tố quyết định.
Tương tự như nghe, nếu bạn chưa quen đọc tiếng Anh thì đọc chừng 10 phút – 20 phút sẽ cả thấy hoa mắt, chóng mặt, ngừng tiếp thu thông tin. Điều này rất bình thường. Không có kỹ năng nào tự nhiên mà giỏi, tất cả đều trải qua một quá trình luyện tập và sử dụng. Để đọc tiếng Anh nhanh và thoải mái hơn cần phải:
- Đọc tiếng Anh hằng ngày bắt đầu với những nội dung ngắn, sau đó là các bài báo dài.
- Nắm vững một số kỹ thuật đọc nhanh cơ bản: lướt, quét, từ khoá, kỹ thuật rê đầu bút.
- Chú ý quét các từ khoá: để đọc nhanh bạn không cần đọc hết câu, chỉ cần chú ý các từ khoá quan trọng trong câu. Từ khoá là những từ chứa đựng những thông tin quan trọng mà nếu thiếu nó câu sẽ không rõ nghĩa hoặc không trọn vẹn.
- Bổ sung từ vựng hàng ngày: từ vựng là viên gạch xây nên ngôi nhà ngôn ngữ, bạn sẽ không bao giờ có 1 trình độ tiếng Anh vững chắc mà không biết nhiều từ vựng.
5. Đặt áp lực cao khi nghe đề thi thử
Áp lực thi TOEIC được xem như một động lực lớn (nguồn: nguyenphilong)
Để đạt được kết quả TOEIC như mong muốn, mỗi 1 giờ học, mỗi 1 phút học, mỗi 1 bài luyện tập đều là một sự cam kết cao độ, một trận chiến cam go giữa quyết tâm đạt được muc tiêu và sự thoải mái dễ dãi chết người. Nếu không nghiêm túc, kỷ luật với bản thân thì đừng đòi hỏi kết quả tốt, và cũng không bao giờ đạt được kết quả như mong đợi. Do đó, khi làm đề TOEIC, cả nghe và nói, cần phải ghi nhớ:
- Cam kết 100% với việc ôn luyện của mình.
- Loại bỏ những tác nhân gây mất tập trung: tắt facebook, rút mạng, tắt email, để điện thoại sang chế độ im lặng...
- Canh đúng thời gian làm bài là 45 phút.
- Định đăng ký thi buổi nào (sáng hoặc chiều) thì tập trung luyện nghe vào buổi đó.
- Kiên trì giải đề : tối thiểu 5 – 8 đề trước khi thi.
- Rút kinh nghiệm, học những từ mới, cấu trúc mới sau mỗi đề thi.
- Chấm điểm, theo dõi sự tiến bộ sau từng đề giải.
Bạn muốn học nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Đọc đánh giá trên Edu2Review mỗi ngày để tìm nơi học tốt nhất.
Anh Thư tổng hợp
Theo nghetienganhpro
Edu2Review Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam